Những cách trị táo bón cho người cao tuổi hiệu quả
Người cao tuổi là nhóm đối tượng rất dễ gặp phải tình trạng táo bón. Bệnh gây ra các triệu chứng khó chịu, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà về lâu dài còn để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Chính vì thế, người thân chăm sóc nên tìm hiểu về tình trạng và áp dụng các cách trị táo bón cho người cao tuổi càng sớm càng tốt.
Tổng quan về tình trạng táo bón ở người cao tuổi
Người cao tuổi mắc bệnh táo bón khi cơ thể có nhu cầu đi đại tiện nhưng 3 ngày vẫn chưa đi được, hoặc các trường hợp một tuần đại tiện ít hơn 3 lần. Ngoài ra, người bệnh lúc này cũng sẽ gặp các triệu chứng kèm theo như đau quặn bụng, phân cứng, phải rặn mạnh, phân đôi khi có lẫn máu.
Bệnh táo bón là một trong những vấn đề liên quan đến hệ thống tiêu hóa, thường gặp ở người cao tuổi. Theo thống kê, có tới 34% người cao tuổi thuộc giới tính nữ gặp phải chứng táo bón. Còn đối với người cao tuổi thuộc giới tính nam, tỷ lệ này chiếm khoảng 25%.
Nguyên nhân người cao tuổi bị táo bón
Cũng theo một vài nghiên cứu, người ta nhận thấy sự vận động của ruột ở người cao tuổi khi đi đại tiện cũng giống như những người bình thường khác. Về cơ bản, chúng không có quá nhiều thay đổi. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể tác động, làm suy giảm chức năng co bóp của ruột già gây ra tình trạng táo bón như:
- Do ít vận động: Một phần vì tuổi tác và sức khỏe khiến cho người cao tuổi ít hoạt động thể chất. Điển hình là các bệnh lý liên quan đến hệ xương khớp như loãng xương, viêm khớp hoặc tình trạng khớp thoái hóa. Chính vì điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu động ruột, hệ bài tiết cũng hoạt động kém hơn, làm gia tăng nguy cơ táo bón ở người già.
- Ăn uống thiếu chất xơ: Càng lớn tuổi, cơ thể càng gặp nhiều vấn đề trong việc nhai và nuốt thức ăn, đồng thời hệ tiêu hóa cũng làm việc kém hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đa số người cao tuổi thường ăn khá ít chất xơ, điều này khiến cho cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất, làm tiêu hóa khó khăn. Về lâu dài, người già bắt đầu gặp nhiều trở ngại trong việc đi đại tiện, gây nên bệnh táo bón.
- Hệ tiêu hóa suy yếu: Hệ thống tiêu hóa ở người cao tuổi và người trong độ tuổi thành niên sẽ có khả năng hoạt động khác nhau. Theo đó, càng lớn tuổi, hoạt động của hệ thống tiêu hóa cũng suy yếu dần. Đặc biệt là chức năng hoạt động của nhu động ruột giảm làm thức ăn khó tiêu hơn ở ruột già. Do đó, khối phân trong ruột già di chuyển chậm chạp, cứng dần khiến việc tống phân ra ngoài hậu môn gặp nhiều khó khăn.
- Không uống đủ nước: Cơ thể người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh lý như suy tim, u xơ tiền liệt tuyến, tiểu đêm,… Khi mắc các bệnh này, đa phần người bệnh sẽ không thể uống nhiều nước trong ngày. Chính vì nguyên do này mà cơ thể bị thiếu nước, ảnh hưởng đến hệ thống đường ruột và hệ bài tiết.
Tham khảo thêm: Bà bầu bị táo bón nên ăn gì tốt cho mẹ và bé?
Yếu tố làm tăng nguy cơ táo bón ở người cao tuổi
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, tình trạng táo bón ở người cao tuổi cũng có thể hình thành do thói quen nhịn đi đại tiện thường xuyên. Ngoài ra, người có thói quen sử dụng rượu, bia, chất kích thích cũng dễ gặp phải hiện tượng táo bón, đầy bụng, chướng hơi.
Không những thế, đối với đối tượng mắc bệnh trĩ thì cũng có khả năng cao rơi vào trạng thái táo bón kéo dài. Nguyên nhân bởi vì họ sợ đau và chảy máu khi đi ngoài. Một số yếu tố khác có thể kể thêm như: Do người cao tuổi sử dụng thuốc điều trị bệnh, đã thực hiện phẫu thuật chữa bệnh ở ổ bụng, do mắc chứng suy tuyến giáp,…
Các triệu chứng khi người cao tuổi bị táo bón
Người cao tuổi (người trên 50 tuổi) gặp phải chứng táo bón sẽ có những triệu chứng nhận biết như:
- Đau khi đi đại tiện
- Bụng đầy hơi, chướng bụng
- Cân nặng sụt giảm bất thường
- Thiếu máu
- Đi phân rắn, cứng, đôi khi lẫn theo máu
- Phân thay đổi màu sắc, hình dạng
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi có những biểu hiện kể trên. Bởi, những triệu chứng này có thể liên quan đến các bệnh lý về hệ thống tiêu hóa. Cần sớm điều trị để tránh bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Tham khảo thêm: Làm thế nào để đi ngoài nhanh khi bị táo bón?
Cách trị táo bón cho người cao tuổi hiệu quả
Bệnh táo bón ở người cao tuổi có thể điều trị dễ dàng thông qua việc xác định được nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh có thể điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt và ăn uống để hệ thống tiêu hóa bớt áp lực hơn. Dưới đây là một số cách trị táo bón cho người cao tuổi. Bạn đọc cơ thể tham khảo:
Sử dụng thuốc Tây trị táo bón cho người cao tuổi
Một số loại thuốc được sử dụng để hỗ trợ cải thiện bệnh. Thông thường, các thuốc chữa táo bón cho người già có nhiều dạng khác nhau. Tùy theo tình trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc sao cho phù hợp, an toàn nhất. Các nhóm thuốc phổ biến như:
Nhóm thuốc nhuận tràng tạo khối: Thuốc có tác dụng tại chỗ, có thể hòa tan trong nước. Nhờ đó mà phân hấp thụ được nước nên trở nên mềm hơn, giúp người cao tuổi dễ dàng đi đại tiện hơn. Thông thường, sau khi sử dụng 1 – 3 ngày thì thuốc phát huy hiệu quả. Một số thuốc nhuận tràng cơ học được sử dụng phổ biến như:
- Citrucel: Có dạng bột uống với liều lượng 364 mg/g hoặc 105 mg/g.
- Methylcellulose: Dạng viên nén 500mg.
- Normacol: Vi hạt uống, sử dụng 2 – 4 gói/ ngày.
Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Trong thành phần của thuốc chứa đường cùng với muối vô cơ, mang lại công dụng giữ nước cho ruột, làm mềm phân và kích thích đại tiện cho người bệnh. Các loại thuốc thông thường được sử dụng như:
- Duphalac: Dạng siro pha với nước uống 50%/15ml, 200ml.
- Sorbitol Delalande: Dạng bột uống 5g.
- Microlax: Dùng để bơm trực tiếp vào trực tràng.
- Forlax: Dạng gói bột uống.
Nhóm thuốc nhuận tràng làm trơn: Thuốc có chứa thành phần là dầu khoáng, thông thường sẽ được sử dụng bơm tiêm vào hậu môn. Nhờ tác dụng của thuốc, nhu động ruột hoạt động tốt hơn, giúp cải thiện tình trạng táo bón sau một thời gian ngắn.
Nhóm thuốc nhuận tràng mềm phân: Thuốc có tác dụng kích thích bài tiết nước cùng với các chất điện giải vào bên trong ruột non và ruột già. Thông qua đó, phân sẽ trở nên mềm và ẩm hơn giúp đại tiện dễ dàng. Tuy nhiên, nhóm thuốc này thường có tác dụng chậm. Một số dạng như:
- Doxinate: Dạng viên nang 240g hoặc siro 50mg/ml.
- Norgalax: Dạng ống bơm 120mg.
- Cholen HMB: Dạng viên nén 130mg.
- Decholin: Dạng viên nén 250mg.
Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích: Thuốc giúp ruột già và ruột non tăng hoạt động co bóp, kích thích đào thải phân ra ngoài. Thường sử dụng sau 6 – 12 giờ sẽ có hiệu quả. Các loại như:
- Apo Bisacodyl: Dạng viên đặt 10mg hoặc viên nén 5mg.
- Dulcolax: Dạng viên nén từ 5 đến 10mg, dạng viên đặt từ 5 đến 10mg.
- Laxaton: Dạng viên nén 15mg.
- Mucinum: Dạng viên bao 2,1mg.
Thuốc tân dược có thể gây ra tác dụng phụ cho cơ thể người bệnh. Điển hình là tình trạng tiêu chảy, đầy hơi, đầy bụng, đau quặn bụng,…Một số trường hợp có thể gặp phải hiện tượng tổn thương lớp niêm mạc trực tràng khi sử dụng trong thời gian dài.
Để đảm bảo an toàn, người cao tuổi chỉ nên sử dụng theo liều lượng mà bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Tránh việc tự ý mua và sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhất là nguy cơ gây ra tác dụng phụ khiến cơ thể người cao tuổi đang suy nhược trở nên nghiêm trọng hơn.
Tham khảo thêm: TOP 11 sữa dành riêng cho trẻ táo bón dễ đi tiêu
Sử dụng thảo dược thiên nhiên trị táo bón cho người cao tuổi
Ngoài sử dụng thuốc Tây, nhiều người bệnh mắc chứng táo bón đã lựa chọn biện pháp điều trị từ thảo dược thiên nhiên. Phương pháp này khá phù hợp đối với đối tượng người bệnh cao tuổi.
Bởi, đa phần nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên nên đảm bảo độ an toàn và lành tính, ít gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến dạ dày và ruột của người bệnh. Bạn đọc có thể tham khảo các loại thảo dược thiên nhiên giúp thanh lọc cơ thể, nhuận tràng tốt như:
Nha đam:
Hay còn gọi là lô hội là một trong những nguyên liệu thiên nhiên với nhiều công dụng đối với sức khỏe. Ngoài được tận dụng trong việc làm đẹp, cây nha đam còn giúp người mắc chứng táo bón nhuận tràng, kích thích tiêu hóa hữu hiệu.
Thông thường, người già và trẻ em trên 10 tuổi sử dụng liều dùng phù hợp là từ 0,04g đến 0,11g dịch ép khô. Mặc dù mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên người cao tuổi tránh sử dụng trong thời gian dài. Bởi, cơ thể có thể gặp phải tình trạng mất nước và tiêu chảy.
Ngoài ra, các đối tượng không phù hợp áp dụng mẹo chữa này có thể kể đến như: Người bị hẹp hoặc tắc ruột, mắc chứng táo bón mãn tính, người bị viêm ruột kết loét, ruột kích thích, đang mất điện giải nặng, mất trương lực,…
Phan tả diệp:
Phan tả diệp là một trong những thảo dược thiên nhiên có công dụng điều trị chứng táo bón hiệu quả cho người cao tuổi. Do trong loại cây này có chứa chất tên là anthranoid, giúp nhuận tràng, kích thích đại tiện.
Người bệnh sử dụng khoảng 3 – 4 g phan tả diệp sắc nước uống. Hoặc nếu muốn tẩu xổ, điều chỉnh liều lượng tăng lên khoảng 5 – 7 g. Mặc dù hữu hiệu nhưng biện pháp này có một số trường hợp không nên sử dụng như người đang gặp tình trạng co thắt, viêm đại tràng, tránh sử dụng với phụ nữ mang thai.
Tham khảo thêm: Các loại thực phẩm chức năng trị táo bón tốt nhất hiện nay
Phòng tránh táo bón cho người cao tuổi
Người cao tuổi là nhóm đối tượng rất dễ gặp phải tình trạng táo bón. Để phòng tránh, một vài vấn đề bạn đọc cần lưu ý như:
- Bổ sung vào khẩu phần ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ. Chẳng hạn như rau mồng tơi, rau khoai lang, rau muống, rau đay,…Các loại rau có công dụng nhuận tràng tốt.
- Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên ăn bổ sung trái cây tươi. Các loại như cam, quýt, đu đủ, bơ, chuối,…Ăn thêm sữa chua và khoai lang để ruột dễ tiêu hóa hơn.
- Mỗi ngày nên cố gắng uống nhiều nước. Nhờ đó phân sẽ trở nên mềm hơn, giảm độ ma sát cho niêm mạc tiêu hóa. Ngoài ra, khi đi đại tiện, bạn cũng sẽ thấy cảm giác đau đớn giảm thiểu đáng kể. Trường hợp người cao tuổi bị bệnh đường tiết niệu, uống nước vào ban ngày, hạn chế sử dụng quá nhiều vào ban đêm để tránh tình trạng tiểu đêm.
- Tránh ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, hạn chế uống rượu bia, cà phê,…
- Giữ tâm lý thoải mái, tránh áp lực, căng thẳng. Tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày vào buổi sáng, ngồi đúng tư thế.
- Luyện tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày giúp cơ thể dẻo dai, kích thích tuần hoàn máu, tốt cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt, người có thói quen luyện tập đều đặn, nhu động ruột sẽ hoạt động tốt hơn, tránh được tình trạng táo bón.
Trên đây là một số cách trị táo bón cho người cao tuổi, bạn đọc có thể tham khảo. Nếu sau một thời gian áp dụng, tình trạng táo bón không cải thiện, bạn nên sớm đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để kiểm tra và nhận tư vấn điều trị.
Có thể bạn quan tâm
- 10+ cách trị táo bón ở người lớn đơn giản, nhanh khỏi
- Mẹo chữa táo bón bằng mật ong đơn giản mà hiệu quả
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!