Bệnh Áp Xe Hậu Môn
Áp xe hậu môn xảy ra khi tuyến bã ở hậu môn bị bít tắc, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm và hình thành các tổ chức chứa mủ. Bệnh gây đau nhiều, đặc biệt là khi đại tiện. Khác với các dạng áp xe khác, ổ mủ ở hậu môn đều có chỉ định dẫn lưu, trường hợp có nguy cơ cao sẽ được dùng thêm kháng sinh dự phòng.
Tổng quan
Bệnh áp xe hậu môn (Anal Abscess) là tình trạng hậu môn hoặc xung quanh cạnh hậu môn xuất hiện các tổ chức chứa mủ. Bệnh rất dễ nhận biết do gây đau nhiều kèm theo cảm giác nhức và sưng nóng ở khu vực xung quanh.
Áp xe hậu môn có thể gặp ở mọi lứa tuổi với nguyên nhân đa dạng, trong đó nhiễm khuẩn là tác nhân thường gặp nhất (chiếm 90%). Ngoài ra, chấn thương, lao, bệnh Crohn và một số vấn đề sức khỏe khác cũng góp phần gây ra tình trạng này.
Nếu được phát hiện và điều trị sớm, áp xe hậu môn sẽ được kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, có đến 50% trường hợp sẽ phát triển biến chứng rò hậu môn. Khu vực hậu môn - trực tràng là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn, nên sau khi điều trị cần có biện pháp phòng ngừa, tránh trường hợp áp xe tái phát nhiều lần gây phiền toái khi sinh hoạt.
Phân loại bệnh
Bệnh áp xe hậu môn được chia thành 4 loại dựa vào vị trí xuất hiện của ổ mủ:
Áp xe hậu môn dưới niêm mạc
Áp xe hậu môn dưới niêm mạc là loại áp xe nông, ổ mủ xuất hiện ngay dưới niêm mạc nên rất dễ bị kích thích và gây đau. Loại áp xe này không phát triển vào sâu bên trong mà có xu hướng vỡ vào ống hậu môn.
Áp xe hậu môn giữa các cơ thắt
Ở hậu môn có cơ thắt trong và ngoài để tự chủ trong hoạt động bài xuất chất thải. Áp xe có thể xuất hiện giữa các cơ thắt. Loại áp xe này phát triển sâu bên trong nên ít gây đau hơn. Tuy nhiên, áp xe nằm sâu bên trong cơ thắt sẽ có nguy cơ phát triển các triệu chứng nhiễm độc.
Áp xe hố ngồi - hậu môn
Áp xe hố ngồi - hậu môn là một dạng áp xe nằm sâu ở bên trong. Ổ mủ phát triển nhanh có thể lan sang phía đối diện tạo thành ổ áp xe có hình móng ngựa. Áp xe hình thành ở mô tế bào dưới da nên có nguy cơ nhiễm trùng máu cao nếu không được điều trị kịp thời.
Áp xe khoang chậu hông trực tràng
Áp xe khoang chậu hông trực tràng là một trong bốn loại áp xe hậu môn. Loại này hình ảnh ổ mủ ở phía trên cơ nâng hậu môn. So với 3 loại trên, đây là loại áp xe hình thành sâu nhất, có thể làm lây lan nhiễm trùng đến phúc mạc và các cơ quan trong ổ bụng.
Áp xe khoang chậu hông trực tràng là loại ít gặp và thường thứ phát sau khi bị nhiễm trùng các cơ quan xung quanh như viêm đại tràng, viêm túi thừa, bệnh Crohn…
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân trực tiếp gây áp xe hậu môn là do nhiễm trùng. Khu vực trực tràng - hậu môn có rất nhiều vi khuẩn. Khi niêm mạc hậu môn xuất hiện vết nứt hoặc trợt loét, vi khuẩn có thể xâm nhập gây viêm nhiễm, sau đó phát triển tạo thành các ổ mủ.
Ngoài, ra, tắc nghẽn tuyến bã trong hậu môn cũng là điều kiện lý tưởng gây bệnh. Ở trong môi trường yếm khí, vi khuẩn sẽ phát triển tạo thành các ổ áp xe.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh áp xe hậu môn bao gồm:
- Nhiễm trùng thứ phát: Hơn 90% trường hợp áp xe hậu môn phát triển thứ phát sau khi bị nhiễm trùng ở các cơ quan nằm ở vùng bụng dưới. Nguy cơ đặc biệt cao đối với các tác nhân như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn và trực khuẩn coli.
- Một số nguyên nhân khác: Có thể phát triển do bệnh lao, nấm actinomycosis, bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng mãn tính, chiếu xạ vùng chậu hoặc chấn thương vùng hậu môn.
- Các yếu tố thuận lợi: Hệ miễn dịch suy giảm do nhiễm HIV, tiểu đường, quan hệ tình dục qua đường hậu môn, dùng corticoid đường uống, hút thuốc lá, táo bón và tiêu chảy mãn tính… là những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh áp xe hậu môn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh áp xe hậu môn có triệu chứng khá rõ rệt và dễ nhận biết. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Vùng hậu môn - trực tràng có biểu hiện đau nhức, đau buốt, đau liên tục
- Mức độ đau tăng lên đáng kể khi đại tiện
- Áp xe nông thường gây đau nhiều hơn so với áp xe hình thành sâu bên trong. Tuy nhiên, áp xe nông có tiên lượng tốt, dễ phục hồi và ít khi phát triển gây ra các biến chứng như nhiễm trùng huyết.
- Xung quanh hậu môn có hiện tượng phù nề và sưng đỏ
- Một số trường hợp có thể gây rỉ, chảy mủ ở hậu môn
- Đau bụng dưới
- Sốt nhẹ toàn thân (hiếm gặp)
Bệnh áp xe hậu môn gây đau nhiều, đau dữ dội khiến bệnh nhân không thể ngồi một cách thoải mái. Vì vậy, phần lớn đều được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Sau đó sẽ khám vùng trực tràng - hậu môn để quan sát tổn thương thực thể. Qua khám hậu môn - trực tràng, bác sĩ có thể xác định bệnh áp xe hậu môn và loại áp xe.
Nếu nghi ngờ áp xe sâu hoặc đi kèm với bệnh Crohn, chụp CT sẽ được chỉ định. Ngoài ra, nội soi hậu môn - trực tràng cũng có giá trị trong chẩn đoán.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh áp xe hậu môn là tình trạng khá phổ biến và bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Ổ mủ ở vùng hậu môn thường gây đau nhiều, cản trở các hoạt động thường ngày và làm giảm hiệu suất lao động, học tập.
Dù không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng đến 50% trường hợp áp xe hậu môn có thể gây ra biến chứng rò hậu môn. Các biến chứng ít gặp hơn bao gồm hẹp hậu môn, nứt hậu môn, áp xe hậu môn tái phát nhiều lần.
Áp xe khoang chậu hông trực tràng là loại áp xe hình thành sâu và cao, nằm gần với các cơ quan ở ổ bụng dưới. Loại áp xe này cần phải được điều trị sớm để tránh biến chứng nhiễm trùng lan tỏa tầng sinh môn, nhiễm khuẩn huyết… đe dọa đến tính mạng.
Điều trị
Bệnh áp xe hậu môn cần được điều trị trong thời gian sớm nhất để đảm bảo ổ mủ không phát triển và giảm đau nhanh cho bệnh nhân. Tất cả các trường hợp đều có chỉ định dẫn lưu mủ, trường hợp có nguy cơ cao sẽ được chỉ định kháng sinh dự phòng.
Các phương pháp điều trị bệnh áp xe hậu môn:
Dẫn lưu mủ
Ngay sau khi chẩn đoán, bệnh nhân cần được chích rạch sớm để dẫn lưu mủ ra bên ngoài. Tùy theo mức độ nông - sâu của ổ áp xe, bác sĩ sẽ thực hiện đường rạch ở vị trí phù hợp.
Trường hợp áp xe nông chỉ cần gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng. Tuy nhiên với áp xe ở sâu, bệnh nhân cần được gây mê để quá trình dẫn lưu mủ diễn ra thuận lợi.
Sử dụng thuốc
Những trường hợp có nguy cơ cao như tiểu đường, viêm mô tế bào, suy giảm miễn dịch… sẽ được dùng kháng sinh dự phòng sau khi dẫn lưu mủ.
Các loại kháng sinh được dùng trong điều trị bệnh áp xe hậu môn:
- Metronidazole 500 mg đường tĩnh mạch, 8 giờ/ lần
- Ciprofloxacin 500mg đường tĩnh mạch, 12 giờ/ lần
- Ampicillin/sulbactam 1,5g đường tĩnh mạch, 8 giờ/ lần
Đa phần các trường hợp phải dùng kháng sinh dự phòng đều là áp xe ở vị trí sâu, thể trạng kém và suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân khỏe mạnh và chỉ bị áp xe nông không được khuyến khích dùng kháng sinh.
Sau khi điều trị bệnh áp xe hậu môn, cần chú ý các biểu hiện bất thường như hậu môn sưng đỏ, đau nhức, sốt, chảy mủ. Ngay khi nhận thấy các biểu hiện này, cần tái khám để phát hiện và điều trị sớm.
Phòng ngừa
Bệnh áp xe hậu môn có thể tái phát, bởi khu vực này là nơi sinh sống của nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng. Dù không nguy hiểm nhưng áp xe tái đi tái lại sẽ gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt, tăng nguy cơ rò và nứt kẽ hậu môn.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh áp xe hậu môn bao gồm:
- Hạn chế quan hệ bằng đường hậu môn, đồng thời nên sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Điều trị, kiểm soát tốt các vấn đề đường ruột như bệnh Crohn, viêm đại trực tràng mãn tính…
- Đại tiện khi có nhu cầu, tránh thói quen nhịn đi tiêu.
- Vệ sinh vùng kín và hậu môn thường xuyên để tránh vi khuẩn bị bít tắc, phát triển gây nhiễm trùng và hình thành ổ mủ bên trong.
- Không lạm dụng kháng sinh và các loại thuốc corticoid đường uống.
- Bệnh nhân tiểu đường, suy nhược cơ thể cần tổ chức lại lối sống để nâng cao sức khỏe, gia tăng hệ miễn dịch.
- Phát hiện sớm và điều trị tích cực viêm vùng chậu, viêm túi thừa, tình trạng viêm nhiễm ở những cơ quan nằm ở ổ bụng dưới.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân gây ra các triệu chứng đau, chảy mủ ở hậu môn là gì?
2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?
3. Tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không? Liệu có đáng lo ngại?
4. Tôi cần dùng thuốc hay dẫn lưu mủ?
5. Sau khi dẫn lưu mủ, tôi có cần ở lại bệnh viện?
6. Bị áp xe hậu môn có cần điều trị cho đối tác?
7. Sau khi điều trị có cần tái khám?
Bệnh áp xe hậu môn là tình trạng hậu môn bị nhiễm trùng, làm xuất hiện các ổ mủ kèm theo phù nề và đau nhức. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nên điều trị sớm để tránh biến chứng rò hậu môn và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.