Trẻ bị táo bón và đi ngoài ra máu có đáng lo ngại? Cha mẹ nên làm gì?
Trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu thường hay nín nhịn vì sợ đau khiến cho bệnh càng trở nên trầm trọng và khó chữa. Điều đáng lo ngại hơn cả là bé có thể bị viêm nhiễm hậu môn và nhiều biến chứng khác nếu để tình trạng này kéo dài. Do đó, cha mẹ cần nhanh chóng tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp cho con.
Nhận biết hiện tượng trẻ bị táo bón và đi ngoài ra máu
Tình trạng các bé bị táo bón đi ra máu diễn ra khá phổ biến. Khi gặp phải hiện tượng này, trẻ thường có các dấu hiệu như:
- Đi cầu với tần suất ít hơn 3 lần một tuần.
- Phân khô, cứng, khuôn phân to và có bề mặt gồ ghề
- Bé bị đau và la khóc, phải rặn mạnh khi đi ngoài
- Xuất hiện máu đỏ tươi bên ngoài bề mặt phân. Lượng máu có thể chỉ là một vệt nhỏ hoặc có khi nhỏ thành giọt.
- Có vết nứt ở hậu môn của bé
Tại sao trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu?
Ở trẻ em, do hệ tiêu hóa chưa phát triển toàn diện cùng với chế độ ăn uống thiếu khoa học, ít vận động khiến cho các bé rất dễ bị táo bón. Trẻ bị táo bón kéo dài thường phải đối mặt với một số biến chứng, trong đó đi ngoài ra máu là phổ biến nhất.
Khi bị táo bón, khối phân thường to cứng, bề mặt gồ ghề nên dễ bị ma sát với niêm mạc và các tĩnh mạch nằm trong ống hậu môn. Từ đó, xuất hiện vết rách gây chảy máu, đặc biệt là khi trẻ rặn mạnh.
Trường hợp nặng, táo bón có thể gây ra vết nứt ở hậu môn. Trẻ bị táo bón đi kèm với nứt kẽ hậu môn thường phải chịu cảnh đau đớn và đi ngoài ra máu với tần suất thường xuyên hơn.
Mách bạn: 10+ cách trị táo bón cho trẻ đơn giản, hiệu quả nhanh
Trẻ bị táo bón đi ra máu có đáng lo ngại?
Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, tình trạng táo bón đi ra máu ở trẻ có thể tái diễn nhiều lần và tạo thành một cái vòng luẩn quẩn. Lúc này, bé có nguy cơ bị thiếu máu dẫn đến mệt mỏi, thiếu năng lượng cho các hoạt động hàng ngày.
Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào vết nứt gây ra các biến chứng khác như nhiễm trùng hậu môn, rò hậu môn hay bệnh trĩ.
Như vậy trẻ táo bón đi ngoài ra máu kéo dài có thể gặp phải nhiều hậu quả không lường. Cha mẹ cần có hướng xử trí đúng đắn để sớm khắc phục bệnh cho con.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu?
Việc điều trị táo bón đi ngoài ra máu ở trẻ nhằm vào 2 mục tiêu chính là giải quyết triệt để tình trạng táo bón cho bé và tăng cường sức bền cho thành mạch nhằm tránh tình trạng chảy máu tái diễn. Cụ thể, một số giải pháp đang được áp dụng bao gồm:
1. Điều chỉnh chế độ ăn uống của bé
- Tăng lượng chất xơ trong thức ăn:
Việc bổ sung thêm chất xơ sẽ giúp phân mềm và có khối lượng lớn hơn. Như vậy mới kích thích được bóng trực tràng tạo phản xạ mắc đi cầu và tống xuất phân ra ngoài mà không khiến bé bị đau và chảy máu.
Theo khuyến nghị của viện dinh dưỡng, bạn có thể dựa vào độ tuổi của con để tính được tổng nhu cầu chất xơ của trong một ngày theo công thức “tuổi + 5”. Chẳng hạn như nếu con bạn hiện 3 tuổi thì các bữa ăn trong ngày của bé phải cung cấp được khoảng 8g chất xơ để đảm bảo hệ tiêu hóa hoạt động ổn định.
Cách bổ sung chất xơ tốt nhất cho trẻ là thông qua nguồn thực phẩm tự nhiên như các loại rau xanh ( rau ngót, mồng tơi, súp lơ…), ngũ cốc hay trái cây tươi. Bạn nên tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn của bé một cách từ từ để cơ thể trẻ kịp thích nghi, tránh được tình trạng đầy hơi chướng khí do chưa quen với chế độ ăn nhiều chất xơ.
- Chú ý đến chế độ sữa của trẻ:
Nếu trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu trong giai đoạn chưa ăn dặm, bạn nên xem lại cách pha sữa của mình có đúng không. Việc pha sữa quá đặc hoặc cho trẻ bú dư thừa cũng có thể khiến trẻ bị táo bón.
Bên cạnh đó, xem xét đổi loại sữa khác thân thiện hơn với hệ tiêu hóa của bé nếu loại sữa con bạn đang dùng có thành phần không phù hợp.
- Cân bằng thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ:
Việc cho bé ăn nhiều thực phẩm chứa chất đạm, bột, canxi, sắt hay chất béo động vật có thể khiến trẻ bị táo bón và đi ngoài ra máu. Để tránh tình trạng này thì bạn nên điều chỉnh chế độ ăn của bé cho cân bằng.
- Tăng lượng cữ bú hoặc cho bé uống nhiều nước:
Trẻ bị thiếu nước hoặc bú quá ít có thể khiến phân khô và rắn hơn. Hãy cho con bạn uống nhiều nước hơn, đặc biệt là trong những ngày thời tiết nóng lực.
Đối với các bé còn đang bú mẹ thì việc tăng lượng cữ bú của trẻ trong ngày sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu nước dẫn đến táo bón.
2. Khuyến khích bé vận động nhiều hơn
Việc vận động có thể làm tăng nhu động ruột, giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn trong đường ruột và ngăn ngừa táo bón ở trẻ. Bạn nên hạn chế để con tiếp xúc nhiều với tivi, điện thoại. Thay vào đó, hãy khuyến khích trẻ đi, đứng, tập thể dục và tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời thường xuyên hơn.
3. Tập thói quen cho trẻ đi ngoài mỗi ngày
Trẻ bị táo bón đi ra máu lâu ngày thường có khuynh hướng bị ám ảnh, né tránh đi đại tiện. Điều này khiến phân càng trở nên khô cứng và khó đi cầu hơn.
Bạn nên tập cho bé thói quen đi cầu mỗi ngày vào một khung giờ nhất định. Khuyến khích bé ngồi bô khoảng 5-10 phút vào mỗi buổi sáng hoặc sau khi ăn khoảng 30 phút. Thói quen này sẽ giúp biến việc đi ngoài trở thành một phản xạ sinh lý tự nhiên.
3. Massage bụng chữa táo bón đi ngoài ra máu cho bé
Massage bụng là cách phòng ngừa và hỗ trợ điều trị táo bón đi ngoài ra máu đơn giản nhiều cha mẹ đang áp dụng. Nó giúp thúc đẩy nhu động ruột mạnh hơn để vận chuyển thức ăn xuống đại tràng nhanh chóng và tống khứ chất thải ra ngoài.
Bạn hãy đặt bé nằm ngửa trên giường, bạn hãy áp bàn tay vào khu vực rốn của bé. Sau đó nhẹ nhàng xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và dẩn mở rộng vòng xoay qua khu vực đại tràng. Chú ý duy trì một lực ấn vừa phải để bé không bị đau và chỉ tiến hành massage sau khi bé ăn được khoảng 1 tiếng.
Để tăng hiệu quả, bạn có thể kết hợp cho bé tập bài tập đạp xe đạp, co duỗi chân lên xuống vài lần trong ngày.
4. Dùng thuốc chữa táo bón đi ngoài ra máu cho bé
Trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu có thể được bác sĩ kê đơn thuốc làm mềm phân, thuốc bơm hậu môn, thuốc nhuận tràng kích thích hay thuốc làm tăng sức bền cho thành mạch. Các thuốc này có thể phát huy hiệu quả sau một thời gian ngắn sử dụng nhưng dùng lâu dài lại gây lệ thuộc thuốc và khiến bé gặp nhiều tác dụng phụ. Vì vậy bạn cần dùng thuốc cho con theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho chẩn đoán và điều trị từ bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ ăn dặm bị táo bón: Cách khắc phục, phòng ngừa
- Trẻ sơ sinh bị táo bón lâu ngày – Nên đi khám ngay!
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!