Chứng can thận âm hư là gì? Các thông tin cần biết

Chứng can thận âm hư là tổng hợp nhiều bệnh lý xảy ra ở tạng can ( gan) và tạng thận. Người mắc bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng bất thường như đau hai bên mạn sườn, choáng váng, chảy máu chân răng… Tuy nhiên, cần thận trọng chẩn đoán phân biệt với các chứng bệnh khác để không điều trị sai bệnh.

Chứng can thận âm hư là gì?

Chứng can thận âm hư là thuật ngữ chung được y học cổ truyền sử dụng để chỉ nhiều bệnh lý có liên quan đến tạng can ( gan) và tạng thận. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do can thận bất túc làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của hai tạng, từ đó gây ra nhiều triệu chứng bất thường tác động tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh.

Xem thêm: Đau lưng có phải dấu hiệu của bệnh thận không?

Chứng can thận âm hư là gì
Chứng can thận âm hư là tổng hợp nhiều bệnh lý xảy ra ở gan, thận

Nguyên nhân gây chứng can thận âm hư

Chứng can thận âm hư khởi phát khi có sự thiếu hụt xảy ra ở phần dịch âm của hai tạng can và thận. Trong cơ thể, đây là hai tạng lớn và có mối liên hệ mật thiết với nhau. Một khi can âm không đủ thì thận âm cũng bị thiếu hụt.

Các nguyên nhân gây ra chứng can thận âm hư bao gồm:

  • Các tạng bị suy yếu, lão hóa theo tuổi tác. Càng lớn tuổi thì khí dịch âm của hai tạng can, thận cũng giảm dần và đến một lúc nào đó sẽ bị thiếu hụt.
  • Do bị trúng tà bệnh ôn nhiệt khiến can thận âm bị hư tổn.
  • Can thận âm hư do quan hệ tình dục quá độ. Lúc này hoạt động của thận bị quá tải dẫn đến suy kiệt.
  • Làm việc nặng nhọc khiến cơ thể bị lao lực quá độ và ảnh hưởng đến can thận âm
  • Trẻ phát dục quá sớm khi thận chưa phát triển hoàn thiện. Mặc dù thận âm còn thiếu nhưng đã phải hoạt động với cường độ cao.
  • Ngoài ra, chứng can thận âm hư còn xảy ra sau khi mắc các bệnh lý ở gan, thận. Ví dụ như suy tuyến thượng thận, bệnh suy thận mạn tính, nhiễm trùng cầu thận, xơ gan

Dấu hiệu nhận biết chứng can thận âm hư

Triệu chứng can thận âm hư có thể không giống nhau ở mỗi bệnh nhân. Bạn nên thận trọng với chứng bệnh này khi gặp một trong các dấu hiệu dưới đây:

  • Choáng váng (Huyễn vựng): Triệu chứng này xảy ra khi khí huyết lưu thông lên não kém khiến bệnh nhân thường xuyên phải đối mặt với tình trạng choáng váng, xay xẩm mặt không nhìn rõ. Mỗi khi thay đổi tư thế một cách đột ngột, triệu chứng này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hiện tượng mờ mắt, quáng gà có thể xuất hiện về chiều tối.
  • Đau hai mạn sườn (hiếp thống): Cơn đau thường diễn ra âm ỉ kéo dài lâu ngày. Người lao động quá sức hoặc cơ thể hư yếu thường gặp triệu chứng này.
  • Đau lưng (Yêu thống): Cảm giác ê mỏi xuất hiện thường trực ở vùng lưng, đặc biệt là lưng dưới. Cơn đau tăng lên mỗi khi làm việc, hoạt động nặng và giảm khi nằm nghỉ.
dấu hiệu can thận âm hư
Đau lưng là một trong dấu hiệu của chứng can thận âm hư
  • Chảy máu chân răng (xỉ nục): Một số bệnh nhân mắc chứng can thận âm hư có dấu hiệu chảy máu chân răng. Máu có màu hồng nhạt chứ không đỏ sậm. Kèm theo đó là tình trạng lung lay, đau nhức răng.
  • Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ: Máu kinh ra sớm hoặc chậm với số lượng ít, màu sắc nhợt nhạt. Các cơn đau bụng kinh âm ỉ cũng thường xuất hiện trong ngày “đèn đỏ”.
  • Âm hư nội nhiệt: Nóng trong người, mặt đỏ bừng, gan bàn tay bàn chân nóng rực. Quan sát nước tiểu thấy nóng đỏ, phân khô cứng. Mạch trầm sác.

 Chứng can thận âm hư có nguy hiểm không?

Chứng can thận âm hư nếu kéo dài có thể gây suy giảm sức đề kháng, khiến người bệnh trở nên dễ cáu gắt, không thể kiểm soát được cảm xúc dẫn đến những hành động tiêu cực.

Ngoài ra, chứng bệnh này còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như:

  • Gây rối loạn chức năng hoạt động của can dương và thận dương, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh về huyết áp, mạch máu.
  • Ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tạng phế, làm suy giảm chức năng hô hấp. Hậu quả là người bệnh dễ dàng gặp phải các vấn đề ở đường hô hấp hơn so với những đối tượng khác.
  • Suy giảm chức năng của tỳ vị dẫn đến ăn uống không ngon miệng, kém tiêu hóa, chán ăn, cơ thể gầy yếu.

Chẩn đoán chứng can thận âm hư

Chứng can thận âm hư thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Các dấu hiệu người bệnh đang gặp phải sẽ được ghi nhận. Cùng với đó, thầy thuốc sẽ khai thác tiền sử bệnh lý, bắt mạch kết hợp quan sát, kiểm tra bên ngoài cơ thể nhằm chẩn đoán chính xác về bệnh chứng cũng như nguyên nhân gây bệnh.

chẩn đoán chứng can thận âm hư
Chứng can thận âm hư dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác

Tuy nhiên, do các dấu hiệu của chứng can thận âm hư có nhiều biểu hiện tương đồng với các vấn đề khác về sức khỏe nên cần tiến hành chẩn đoán phân biệt để không xác định sai bệnh.

Chẩn đoán phân biệt:

  • Chứng can âm hư: Người bệnh cũng có triệu chứng ra nhiều mồ hôi, nóng trong người, chóng mặt hoặc hoa mắt nhưng gân mạch còn bị đau nhức, đặc biệt là phần lưng gối.
  • Thận âm hư: Dịch âm ở thận bị thiếu khiến cho người bệnh nóng hỏa, mệt mỏi, choáng váng, thị lực kém.
  • Can hỏa thượng viên: Người mắc căn bệnh này thường xuất hiện thêm các dấu hiệu khác như ù tai, nhức đầu, điếc đột ngột trong ngắn hạn.
  • Can kinh uất nhiệt: Ho ra máu, mắt sưng và đỏ, chảy máu cam, rêu lưỡi vàng, mạch đập có lực chứ không đập nhẹ và khó bắt như ở người mắc chứng can thận âm hư.

→Tham khảo thêm: Thiếu máu ở bệnh thận mạn: Dấu hiệu, cách điều trị

Phương pháp điều trị chứng can thận âm hư theo Đông y

Trong y học cổ truyền, chứng can thận âm hư chủ yếu được điều trị bằng các bài thuốc thảo dược. Tùy theo triệu chứng gặp phải mà lựa chọn bài thuốc cho phù hợp.

Bài thuốc trị can thận âm hư sinh huyễn vựng

Chứng can thận âm hư sinh huyễn vựng thường xảy ra khi thận thủy hư tổn khiến cho thủy không hàm được mộc và tạo điều kiện cho phong dương quấy nhiễu lên trên. Ngoài ra, tình trạng can thận âm tinh suy nhược, hao tổn không thể sản sinh được tủy cũng có thể dẫn đến hiện tượng tủy hải bất túc, từ đó sinh ra chứng huyễn vựng.

Đặc điểm: Các triệu chứng bệnh kéo dài, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, đầu choáng vàng nằm yên nhắm mắt thì đỡ.

Phép trị: Tư bổ can thận

Bài thuốc điều trị: Kỷ cúc địa hoàng hoàn

  • Thành phần: 16 gram thục địa, 12 gram địa cốt tử, 12 gram trạch tả, 12 gram hoài sơn, 12 gram kim cúc, 8 gram sơn thù, 12 gram bạch linh, 12 gram lộc cửu
  • Cách sử dụng: Bỏ tất cả dược liệu vào ấm sắc với 700ml nước cho cạn còn một nửa. Thuốc sắc thu được gạn ra chén chia đều làm 3 phần uống trước các bữa ăn chính hoặc khi bụng đang trống rỗng.

Chữa chứng can thận âm hư sinh hiếp thống

Chứng hiếp thống thường gặp ở những người bị can thận âm hư do cơ thể hư yếu, lao lực quá độ khiến cho tinh của can thận cùng hư không thể hóa thành khí. Điều này gây ra chứng khí hư gây cản trở quá trình sinh huyết trong cơ thể.

Đặc điểm: Hai bên mạn sườn của người bệnh thường xuyên xuất hiện các cơn đau âm ỉ, hoa mắt, choáng váng đầu, nóng sốt từng cơn vào buổi chiều, cơ thể ra nhiều mồ hôi trộm.

Phép trị: Tư bổ can thận

Bài thuốc điều trị: Nhất quán tiễn

  • Thành phần: 16 gram liên sa sâm, 12 gram đương quy, 12 gram câu khởi, 12 gram mạch môn, 12 gram sinh địa, 8 gram hạt xoan rừng.
  • Cách dùng thuốc: Ngày dùng 1 thang bằng cách sắc lấy nước đặc uống. Thuốc thu được chia làm 3 phần dùng khi còn ấm. Tùy theo chứng trạng của người bệnh, thầy thuốc có thể gia giảm thêm một số dược liệu khác cho phù hợp.
thuốc điều trị chứng can thận âm hư
Đông y có nhiều bài thuốc được sử dụng để điều trị chứng can thận âm hư

Cách trị chứng can thận âm hư sinh hư lao

Trong y học cổ truyền, chứng can thận âm hư sinh hư lao là một phạm trù rộng liên quan đến nhiều vấn đề như xương tủy, cơ bắp hay tân dịch…

Đặc điểm: Cơ thể đau nhức nhiều, thường xuyên mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe, lưng và đùi đau ê ẩm, ù tai, mờ mắt, lo nghĩ nhiều, dễ cáu gắt, khí huyết hao tổn ở nhiều tạng phủ.

Phép trị: Tư bổ can thận

Bài thuốc điều trị: Đại bổ âm hoàn

  • Thành phần: Nghiệt mộc 160 gram, quy bản 240 gram, dã liêu 160 gram, thục địa 240 gram, tủy sống lợn ( trư tích thủy) 160 gram.
  • Cách dùng: Tất cả các vị thuốc đã chuẩn bị đem tán thành bột nhuyễn, trộn với mật làm thành viên hoàn. Trọng lượng mỗi viên khoảng 5 gram. Mỗi lần uống 2 viên x 3 lần/ngày trong 3 tháng liền. Dùng nước ấm để uống.

Bài thuốc điều trị can thận âm hư gây kinh đến trước kỳ ở phụ nữ

Đặc điểm: Máu kinh ra trước kỳ, có màu đỏ nhưng số lượng ít, hai bên gò má đỏ, có cảm giác nóng ở lòng bàn tay, bàn chân

Phép trị: Dưỡng âm thanh nhiệt.

Bài thuốc điều trị: Lưỡng địa thang

  • Thành phần: 16 gram sinh địa, 12 gram mẫu đơn trắng, 12 gram địa cốt bì, 12 gram đại nguyên sâm, 12 gram a giao, 8 gram mạch môn.
  • Cách dùng: Mỗi ngày sắc 1 thang chia làm 3 lần uống khi đang đói bụng.

Trị can thận âm hư sinh yêu thống

Đặc điểm: Người mắc bệnh can thận âm hư sinh ra chứng yêu thống thường có các biểu hiện như đau âm ỉ ở lưng và hai bên đùi, yêu hai chi dưới, cơn đau lưng tăng lên khi mệt nhọc và thuyên giảm khi nằm nghỉ, hoa mắt, thị lực kém.

Phép trị: Tư bổ can thận

Bài thuốc điều trị: Tả qui hoàn

  • Thành phần: 16 gram thục địa, 12 gram địa cốt, 4 gram ngưu tất, 12 gram lộc giác giao, 12 gram chính hoài, 12 gram thỏ ti tử, 13 gram cao qui bản.
  • Cách sử dụng: Bỏ thuốc vào ấm, đổ ngập nước sắc cho cô đặc còn một nửa. Gạn ra uống vào buổi sáng, trưa, tối trước khi ăn 30 phút.

Bài thuốc chữa can thận âm hư gây chảy máu chân răng

Đặc điểm: Chảy máu ở chân răng, máu màu đỏ nhạt, răng bị lung lay và đau

Phép trị: Tư âm giáng hỏa kết hợp lương huyết chỉ huyết

Bài thuốc trị bệnh: Tư thủy thanh can ẩm kết hợp cùng bài Thiến căn tán

  • Thành phần: 30 gr thiên căn, 30gr cao da lừa, 30gr sinh địa, 30gr hoàng cầm, 16gr trạch tả, 30gr trắc bá diệp, 16gr quốc lão, 12gr thục địa, 12gr toan táo hạch, 12gr phục linh, 10gr chính hoài, 10gr sài hồ, 10gr xuyên quy, 8gr sơn thù, 8gr đan bì, 8gr cẩm túc căn, 6gr chi tử.
  • Cách dùng thuốc: Tất cả dược liệu dùng ở dạng khô, tán thành bột mịn làm hoàn. Để chữa chứng can thận âm hư gây chảy máu chân răng mỗi ngày uống 15gr x 3 lần/ngày. Uống thuốc với nước đun sôi để nguội còn hơi âm ấm.

Chế độ ăn uống sinh hoạt cho người mắc chứng can thận âm hư

Để điều trị triệt để chứng can thận âm hư, bên cạnh việc tích cực phối hợp tốt với bác sĩ, thầy thuốc, người bệnh cần duy trì một lối sống lành mạnh, phù hợp. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cần lưu ý:

  • Sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh tự ý mua thuốc về uống mà chưa qua thăm khám dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị nhầm lẫn với các căn bệnh khác có triệu chứng tương tự.
  • Kiên trì chữa trị cho đến khi bệnh được chữa khỏi
  • Kiêng sử dụng các thực phẩm có tác dụng bổ thận dương, chẳng hạn như thịt dê, hàu hay quả ớt chuông…
  • Duy trì chế độ ăn nhạt, hạn chế sử dụng nhiều muối khi chế biến thức ăn. Sử dụng quá nhiều muối sẽ khiến thận chịu nhiều áp lực và tổn thương nặng hơn.
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Uống nhiều nước khi có biểu hiện khô miệng, háo nước, đi tiểu ít
  • Hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian mắc chứng can thận âm hư
  • Nghỉ ngơi đủ giấc, tránh lao động nặng nhọc
  • Luyện tập thể chất với cường độ vừa phải mỗi ngày để cải thiện chức năng hoạt động của can thận âm và nâng cao sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Ghép thận là gì? Thực hiện khi nào? Điều cần biết

Ghép thận là phương pháp phẫu thuật ngoại khoa thường được chỉ định để cấy ghép thận mới cho bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Nguồn thận...

Hội chứng thận hư tái phát là gì? Chẩn đoán, điều trị

Hội chứng thận hư tái phát là tình trạng thất thoát protein từ máu vào trong nước tiểu kèm theo...

Viêm cầu thận tiến triển nhanh

Viêm cầu thận tiến triển nhanh – Điều cần biết

Viêm cầu thận tiến triển nhanh được xếp vào các hội chứng có mức độ nguy hiểm cao, tiên lượng...

Thận đa nang: Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Thận đa nang là một dạng bệnh thận mãn tính, nó làm suy giảm các chức năng của thận một...

Thận hư nhiễm mỡ là gì? Nguy hiểm không? Cách trị

Thận hư nhiễm mỡ là bệnh lý được đặc trưng bởi tình trạng tăng lipid máu, tiểu đạm, protein trong...

Sỏi thận 7mm có nguy hiểm không? Cách điều trị như thế nào?

Sỏi thận 7mm có nguy hiểm không? Cần phải làm gì?

Nếu bị sỏi thận 7mm, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sẽ bắt đầu bị đe dọa. Tuy chưa...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *