Ghép thận là gì? Thực hiện khi nào? Điều cần biết

Ghép thận là phương pháp phẫu thuật ngoại khoa thường được chỉ định để cấy ghép thận mới cho bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Nguồn thận để ghép chủ yếu được lấy từ người có cùng huyết thống hoặc những bệnh nhân bị chết não. Trung bình, chi phí cho mỗi ca ghép thận dao động từ 100 – 400 triệu hoặc cao hơn.

Ghép thận là gì?

Ghép thận là một ca phẫu thuật được thực hiện nhằm mục đích sử dụng một quả thận khỏe mạnh ghép vào ngoài màng bụng của bệnh nhân bị suy thận nặng. Thận ghép vào phải còn tốt và được lấy từ người hiến tặng là thân nhân của người bệnh hoặc các trường hợp bị chết não.

Ghép thận là gì?
Ghép thận là ca phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định cho những bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối

Bình thường, thận đảm nhận rất nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể như đào thải chất độc thông qua hoạt động bài tiết nước tiểu, ổn định huyết áp, duy trì trạng thái cân bằng của toan – kiềm, cân bằng nước cùng các chất điện giải trong máu, tham gia vào quá trình biệt hóa hồng cầu, đồng thời điều hòa chuyển hóa các khoáng chất như canxi, phốt pho. Các bệnh lý ở thận – tiết niệu có thể làm suy giảm chức năng hoạt động của thận và nếu cả hai quả thận không còn khả năng phục hồi thì bệnh nhân được xác định là mắc bệnh suy thận mãn tính giai đoạn cuối.

Để duy trì sự sống, bệnh nhân cần tiến hành 1 trong 3 phương pháp điều trị thay thế thận, bao gồm chạy thận nhân tạo, ghép thận hay lọc màng bụng. Nếu như phương pháp chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng chỉ giúp hỗ trợ thay thế cho một phần chức năng của thận trong việc đào thải chất độc và khắc phục tình trạng rối loạn nội mô thì biện pháp ghép thận đảm bảo cho thận mới có thể đảm đương được toàn bộ các chức năng của hai thận tổn thương trong cơ thể người bệnh. Chính vì vậy, ghép thận được xem là sự lựa chọn lý tưởng nhất. Khi được ghép thận mới, người bệnh không còn phải định kỳ tìm đến các cơ sở y tế để lọc máu nữa và có thể tiếp tục duy trì sinh hoạt, làm việc nhẹ nhàng, nâng cao chất lượng sống.

Ghép thận được thực hiện khi nào?

Bệnh nhân bị suy thận mạn ở giai đoạn IIIb – IV, người bị mất thận đang phải chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng định kỳ và có mong muốn được ghép thận sẽ được chỉ định phương pháp điều trị này. Đôi khi, bệnh nhân bị hẹp động mạch thận làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của thận cũng có thể được phẫu thuật ghép thận tự thân.

Tuy nhiên, các trường hợp muốn ghép thận phải đáp ứng được các điều kiện như:

  • Tình trạng sức khỏe toàn thân tương đối tốt
  • Huyết áp ổn định
  • Các mạch máu nằm trong vùng chậu không có bất thường
  • Tuổi từ 6 tháng – 64 tuổi. Một số trường hợp cá biệt tuổi trên 70 có thể được chỉ định ghép thận

Chống chỉ định ghép thận

Bệnh nhân sẽ không được chỉ định ghép thận nếu đang gặp phải các vấn đề dưới đây:

  • Bị ung thư
  • Đang có nhiễm khuẩn cấp
  • Rối loạn tâm thần
  • Mắc bệnh cường giáp chưa được kiểm soát ổn định
  • Xơ gan
  • Viêm gan mạn hoạt động
  • Giang mai
  • Lao
  • Nhiễm HIV
  • Lupus ban đỏ
  • Suy tim không hồi phục
  • Suy hô hấp mạn tính
  • Nghiện rượu nặng
  • Dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh mức độ nặng
  • Rối loạn đông máu
  • Nhiễm khuẩn mạn tính mà không đáp ứng với phương pháp điều trị

Riêng các bệnh nhân có tiền sử bị tiểu đường, người lớn tuổi nên thận trọng cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ trước khi tiến hành ghép thận.

Nguồn gốc của thận để ghép

Thận dùng để ghép được lấy từ các nguồn sau:

– Ghép thận tự thân:

Trường hợp này thường được áp dụng cho người bị hẹp động mạch thận nhưng chức năng của thận còn hoạt động tốt. Hiểu đơn giản ghép thận tự thân chính là ghép thận cùng một cơ thể.

Khi làm phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ đoạn động mạch bị hẹp. Quả thận bị ảnh hưởng sẽ được đem ghép ở một nơi khác chứ không giữ nguyên tại vị trí cũ.

Thận của người bị chết não:

Ở nước ta, bộ luật cho phép sử dụng thận của người chết não để ghép cho những bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối đã được thông qua vào năm 2007. Hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ tiến hành giám định, kiểm tra đánh giá kỹ càng chức năng của thận lấy từ người chết não, nếu đủ điều kiện mới đưa vào ghép cho bệnh nhân.

ghép thận khi nào
Nguồn thận được ghép có thể được lấy từ người đã chết não

– Thận của người sống:

Trường hợp này, thận để ghép được lấy từ người hiến tặng khỏe mạnh, bao gồm các đối tượng có cùng huyết thống, huyết thống xa hoặc không cùng huyết thống với bệnh nhân.

  • Người cùng huyết thống: Bố mẹ đẻ hoặc anh/chị/em ruột
  • Người có quan hệ huyết thống xa: Anh em họ hoặc người nội tộc
  • Đối tượng hiến tặng không cùng huyết thống: Là những người không quen biết và người không có quan hệ họ hàng với bệnh nhân tự nguyện hiến tặng thận.

Trên thực tế, ở nước ta hầu hết nguồn thận để ghép được hiến tặng từ người có cùng huyết thống, tức thân nhân của người bệnh. Do luật pháp hiện đang thi hành luật cấm mua bán nội tạng nên các đối tượng không cùng huyết thống được yêu cầu phải chứng minh bản thân tự nguyện hiến thận vì mục đích nhân đạo để chữa bệnh chứ không phải mua bán. Cũng chính vì điều này mà nguồn thận để ghép hiện nay khá khan hiếm. Rất nhiều bệnh nhân có nguyện vọng phải đăng ký và chờ đợi trong thời gian dài để có được nguồn thận hiến tặng phù hợp.

Vị trí ghép thận

Nhiều người cứ nghĩ ghép thận là cắt bỏ thận bị tổn thương của người bệnh rồi thay thế quả thận mới vào vị trí cũ. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn không phải như vậy, chỉ một số trường hợp đặc biệt mới được chỉ định cắt bỏ 1 hoặc cả hai bên thận mắc bệnh. Bao gồm người bị bệnh thận đa nang quá to, bị viêm thận mãn tính nặng, hoặc bệnh nhân bị hẹp động mạch thận ở mức độ nghiêm trọng.

Vị trí thường được lựa chọn để đặt thận mới ở ở vùng hố chậu phải hoặc trái. Khi ghép, bác sĩ sẽ tiến hành nối các động mạch và tĩnh mạch của thận ghép với hệ thống mạch máu nằm ở vùng chậu cùng bên, trong khi đó niệu quản của thận ghép lại được khâu nối với bàng quang của người bệnh.

Mỗi cá nhân có thể ghép thận được nhiều lần. Trong trường hợp thận ghép bị hỏng thì sẽ phẫu thuật lại để ghép thận mới nếu có nguồn hiến tặng.

Chuẩn bị trước khi ghép thận

Ghép thận là một ca phẫu thuật lớn và phức tạp đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều chuyên ngành, bao gồm khoa nội, khoa ngoại, khoa dược, khoa xét nghiệm – chẩn đoán chức năng, khoa tâm lý và cả khoa dược… Do vậy, cả người hiến tặng (còn sống) và bệnh nhân được ghép thận đều phải được chuẩn bị một cách kỹ càng về mọi mặt trước khi tiến hành phẫu thuật.

Về phía người hiến thận còn sống phải là người khỏe mạnh, có nhóm máu phù hợp, không mắc bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm hay bệnh hệ thống, chức năng của hai thận tương đối tốt và bình thường về mặt giải phẫu. Họ sẽ được tư vấn, kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm đảm bảo nguồn thận cho là an toàn và sau khi hiến đi một bên thận sẽ không làm giảm tuổi họ hay chất lượng sống sau này.

Tốt nhất người hiến thận nên nằm trong độ tuổi dưới 55. Người cho thận cần làm test tâm lý ngay cả đối với người có quan hệ huyết thống với bên nhận để họ hoàn toàn tự nguyện và không có bất kỳ vướng mắc nào.

Trường hợp người cho thận là đối tượng chết não thì phải được gia đình của họ chấp nhận, tự nguyện hiến tặng. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận cho những người còn sống đăng ký hiến tạng tự nguyện để sau khi chết não, phủ tạng ( bao gồm cả thận) của họ sẽ được cấy ghép cho người bệnh mà không cần phải xin ý kiến thân nhân.

Các xét nghiệm được thực hiện ở người hiến và đối tượng nhận trước khi ghép thận bao gồm:

  • Kiểm tra nhóm máu
  • Đo chéo huyết thanh
  • HLA
  • Kiểm tra tiền mẫn cảm của người nhận
  • Xét nghiệm sinh hóa, huyết học
  • Xét nghiệm đông máu
  • Xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn, virus hay các tác nhân gây bệnh khác
  • Giải phẫu chức năng mạch máu thận ở người hiến tặng
  • Kiểm tra mạch máu vùng chậu của người được ghép thận

Phẫu thuật ghép thận được cho phép khi kết quả xét nghiệm đáp ứng được tất cả các yêu cầu giữa nhận và hiến thận, đồng thời được thông qua bởi hội đồng chuyên môn của bệnh viện.

Thận mới ghép dù được hiến tặng từ những người cùng huyết thống nhưng vẫn được xem là ngoại lai. Chính vì vậy, cơ thể người nhận có xu hướng đào thải thận mới ra khỏi cơ thể khiến cho thận mới ghép bị mất đi chức năng. Do đó, trước và trong phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiêm và uống các thuốc có tác dụng chống thải ghép, giúp thận mới hoạt động tốt sau khi được ghép vào. Liều lượng, thời gian và các thức sử dụng thuốc sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể cho từng bệnh nhân.

Quy trình ghép thận

Trường hợp có người hiến thận, bệnh nhân sẽ được sắp xếp các hoạt động để chuẩn bị sẵn sàng cho ca phẫu thuật. Quá trình mổ lấy thận từ người hiến tặng với ghép thận cho bệnh nhân sẽ được thực hiện cùng lúc với phòng phẫu thuật thường được sắp xếp cạnh nhau. Trong khi một nhóm bác sĩ tiến hành mổ lấy thận từ người hiến thì nhóm bác khác cũng đồng thời thực hiện công tác chuẩn bị để sẵn sàng nhận và ghép quả thận được hiến tặng ngay sau đó.

quy trình ghép thận
Phẫu thuật lấy thận từ người hiến tặng và ghép thận cho người nhận được tiến hành đồng thời

Đối với các trường hợp đăng ký chờ được cho thận từ người hiến chết não, bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện bất cứ lúc nào ngay sau khi được liên hệ. Lúc này, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra độ tương thích chéo của kháng thể. Ca phẫu thuật cấy ghép thận sẽ được tiến hành nếu kết quả xét nghiệm kháng thể là âm tính, tức không nhận thấy kháng thể của người nhận phản ứng.

Quá trình ghép thận có thể mất từ 3 – 4 tiếng. Trong thời gian này, bệnh nhân đã được gây mê toàn thân nên luôn ở trong trạng thái ngủ. Bác sĩ dùng dao rạch một vết nhỏ ở vùng bụng dưới, sau đó gắn các động mạch và tĩnh mạch của thận mới vào các mạch máu ở vùng chậu của người nhận, đồng thời kết nối niệu quản của thận được kết với bàng quang.

Thông thường, sau khi máu bắt đầu lưu thông qua quả thận mới, người bệnh sẽ có nước tiểu ngay. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải chờ đến vài tuần sau đó quả thận được ghép vào mới bắt đầu làm việc.

Người hiến thận có thể được xuất viện sau khoảng 1 tuần và có thể phải mất đến một tháng sau đó mới phục hồi sức khỏe hoàn toàn. Các trường hợp nhận thận thì cần nằm viện trong khoảng 2 – 3 tuần để bác sĩ theo dõi và hướng dẫn cách sử dụng thuốc, nếu sức khỏe ổn định mới được ra viện.

Các biến chứng thường gặp sau khi ghép thận

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được ghép thận có thể gặp phải một số biến chứng như:

  • Thiếu máu do mất nhiều máu dẫn đến mệt mỏi, choáng váng
  • Gặp tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép. Loại thuốc này rất độc cho thận. Chỉ cần thừa một chút cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến thận nhưng nếu thiếu liều lại không đảm bảo đủ điều kiện giữ cho thận mới không bị đào thải sau khi ghép.
  • Dễ bị nhiễm trùng do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong quá trình điều trị
  • Có nguy cơ bị ung thư cao hơn người khác khi gặp tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị sau ghép thận

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần tiếp tục sử dụng 2 đến 3 loại thuốc chống thải ghép đến cuối đời. Các thuốc steroid có thể giúp làm giảm phản ứng thải bỏ một cách nhanh chóng và rõ rệt đối với 60 – 70% bệnh nhân trong giai đoạn thải bỏ cấp. Các triệu chứng thải bỏ và tình trạng sốt thường hết sau khi tiêm thuốc.

Đôi khi, thuốc steroid có thể được phối hợp với globulin kháng lympho bào để chống lại phản ứng thải bỏ hiệu quả hơn khi có sự hiện diện của đáp ứng miễn dịch thông qua trung gian tế bào.

thuốc điều trị sau ghép thận
Bệnh nhân được sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép trước, trong và cả sau khi ghép thận

Các phác đồ 2 thuốc hoặc 3 thuốc có thể được sử dụng để ngăn chặn tình trạng thải ghép mạn cho các đối tượng được ghép khác gen. Bao gồm:

  • Cyclosporin A + Prednisolon
  • Hoặc Imuran + Prednisolon
  • Hoặc Cyclosporin A + Prednisolon + Imuran (hoặc Cellcept)

Bệnh nhân được điều trị bằng các phác đồ chứa thuốc Imuran hoặc Cellcept cần được theo dõi lượng bạch cầu trong máu. Ngừng thuốc ngay nếu số lượng bạch cầu giảm xuống dưới 4,0 x 103. Có thể tiếp tục dùng thuốc trở lại sau đó 1 – 2 tuần khi bạch cầu đã khôi phục về mức bình thường, tuy nhiên cần giảm liều xuống. Trong quá trình dùng thuốc cũng cần phải xét nghiệm huyết thanh để định lượng cyclosporin nhằm mục đích tăng giảm liều dùng thuốc cho phù hợp để chất này luôn duy trì ở mức độ tối thiểu.

Theo dõi sau ghép thận

Sau ghép thận, bệnh nhân cần được theo dõi sức khỏe liên tục và lâu dài để đảm bảo thận mới hoạt động bình thường. Ngoài việc dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân cần tái khám định kỳ sau khi xuất viện theo lịch như sau:

  • Tháng đầu: Tái khám sau mỗi 10 ngày
  • Tháng thứ 2: Tái khám sau mỗi 15 ngày
  • Tháng thứ 3 – thứ 6: Tái khám 1 tháng/lần

Người bệnh sẽ được làm xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra các yếu tố như nồng độ ure, protein, creatinin niệu, số lượng tế bào hồng cầu, tế bào bạch cầu, axit uric, đường huyết hay SGOT, SGPT. Hàng ngày, người bệnh đều phải theo dõi huyết áp, cân nặng và ghi chép lại nhằm đảm bảo duy trì một chế độ ăn không tăng cân và cho phép bác sĩ điều chỉnh liều dùng thuốc huyết áp cho phù hợp.

Một số vấn đề khác cũng cần theo dõi sau ghép thận như:

  • Nồng độ thuốc ức chế miễn dịch
  • Các biến chứng liên quan đến tim mạch, tình trạng nhiễm khuẩn hay ung thư sau ghép
  • Tác dụng phụ của thuốc Corticoide hay các thuốc ức chế miễn dịch xảy ra do sử dụng kéo dài.

Sau khoảng 6 tháng kể từ khi xuất viện, nếu không thấy xuất hiện thêm các triệu chứng nào khác lạ hoặc cơ thể không còn cảm giác khó chịu thì có thể kéo giãn tần suất tái khám thành 2 – 3 tháng/lần. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường xảy ra, hãy quay trở lại bệnh viện kiểm tra ngay.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bệnh nhân ghép thận

Hệ miễn dịch của cơ thể người mới ghép thận thường bị suy giảm đáng kể. Chính vì vậy, người bệnh cần được chăm sóc tốt và có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, củng cố chức năng hoạt động cho thận mới. Liên quan đến vấn đề này, bệnh nhân cũng như người nhà cần lưu ý những vấn đề dưới đây:

  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đều đặn theo đúng hướng dẫn và tuân thủ nghiêm ngặt về liều lượng cũng như thời điểm uống thuốc trong ngày. Ngay cả khi cảm thấy cơ thể đã khỏe hoặc gặp tác dụng phụ cũng không nên tự ý ngưng thuốc điều trị trừ khi được bác sĩ cho phép.
  • Tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ và kiểm tra nồng độ thuốc ức chế miễn dịch trong máu nhằm chắc chắn rằng nồng độ của thuốc luôn nằm trong mức giới hạn cho phép.
  • Sau 3 tháng phẫu thuật, bệnh nhân có thể quan hệ tình dục và sinh hoạt vợ chồng bình thường nếu sức khỏe phục hồi tốt. Sau đó 1- 2 năm thì có thể sinh con. Mặc dù vậy, cần chú ý quan hệ một cách nhẹ nhàng và đảm bảo vệ sinh trước và sau khi quan hệ để không bị nhiễm trùng. Tránh làm trầy xước niêm mạc vùng kín trong khi giao hợp. Sử dụng bao cao su là phương pháp tránh thai lý tưởng nhất nếu bệnh nhân không còn nguyện vọng sinh con.
  • Xây dựng kế hoạch ăn uống điều độ, khoa học để kiểm soát tốt cân nặng. Tránh ăn uống quá nhiều khiến trọng lượng cơ thể tăng nhanh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
chế độ ăn uống cho người ghép thận
Sau ghép thận, bệnh nhân cần có một chế độ ăn uống hợp lý để nhanh phục hồi sức khỏe
  • Bệnh nhân nên ăn chín, uống nước đã được đun sôi. Kiêng ăn các món sống hay chín tái, hải sản, các loại đậu, rau quả đã có dấu hiệu hư hỏng, dập nát.
  • Không sử dụng đồ uống có cồn, nhất là rượu.
  • Duy trì chế độ ăn nhạt, ít muối. Cắt giảm lượng chất béo và đường trong chế độ ăn.
  • Lựa chọn môi trường sống có không khí trong lành, thông thoáng. Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, dọn sạch các vật có thể tích tụ nước quanh nhà để muỗi truyền bệnh không có cơ hội sinh sản.
  • Không nuôi chim hay súc vật trong nhà. Người bệnh nên tránh xa gia súc, gia cầm để tránh bị lây nhiễm bọ chét, ghẻ hay ký sinh trùng.
  • Không đến các khu vực ô uế, nơi công cộng đông người hay đến đám tang của những người có bệnh truyền nhiễm
  • Tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh đường hô hấp hay bị bệnh truyền nhiễm
  • Tránh xa hướng gió ở gần khu vực bị ô nhiễm
  • Khi đi biển hay ra ngoài trời trong nhiều giờ, người bệnh nên dùng kem chống nắng
  • Không để cơ thể bị nhiễm virus cúm

Chi phí ghép thận bao nhiêu tiền?

Hiện nay, phương pháp ghép thận đang được tiến hành tại một số cơ thể y tế ở nước ta. Chi phí ghép thận còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Bệnh viện điều trị
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân
  • Đối tượng ghép thận có bảo hiểm y tế hay không
  • Số lần ghép
  • Thời gian nằm viện và các khoản chi phí ăn ở, đi lại, thuốc men phát sinh.

Trung bình, chi phí cho một ca ghép thận có thể dao động từ 100 – 400 triệu đồng. Bệnh nhân có thể liên hệ một số bệnh viện để được cung cấp thông tin chính xác về bảng giá ghép thận nhằm có sự so sánh, lựa chọn cho phù hợp với điều kiện tài chính của bản thân.

Người ghép thận sống được bao lâu?

Tỷ lệ thành công của một ca cấy ghép thận là 97% trên 1 năm và 86% trên 5 năm không bị thải ghép. Nếu tuân thủ dùng thuốc đúng cách, theo dõi đầy đủ và có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp thì quả thận được ghép có thể giúp bệnh nhân duy trì được sự sống trong khoảng thời gian lên tới 30 – 40 năm. Ngược lại, nếu không đáp ứng được với thuốc chống thải ghép hoặc có lối sống thiếu khoa học thì thận mới chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn.

Thêm vào đó, mỗi cá nhân có thể được ghép thận nhiều lần trong suốt cuộc đời. Chính vì vậy nếu bị thải ghép thận hoặc thận mới ghép bị hư hỏng sau nhiều năm, bệnh nhân hoàn toàn có thể làm phẫu thuật ghép thận khác với điều kiện sức khỏe tốt, có nguồn thận hiến tặng và đáp ứng được các điều kiện của ca mổ.

Ghép thận ở bệnh viện nào tốt nhất?

Ghép thận là một phẫu thuật phức tạp. Bất kỳ sai sót nào xảy ra cũng có thể khiến ca phẫu thuật thất bại hoặc làm tăng nguy cơ gặp biến chứng hay thải ghép thận sau mổ. Chính vì vậy, bệnh nhân cần lựa chọn được cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ giỏi và đã có ca phẫu thuật ghép thận thành công trước đây.

Dưới đây là một số địa chỉ ghép thận ở nước ta:

 Tại miền Bắc:

– Bệnh viện thận Hà Nội:

  • Số 70 – Đường Nguyễn Chí Thanh – Phường Láng Thượng – Quận Đống Đa – Tp. Hà Nội
  • Điện thoại: (024) 3773 2265

– Bệnh viện Bạch Mai:

  • Số 78 – Đường Giải Phóng – Phường Phương Mai – Quận Đống Đa – TP. Hà Nội
  • Điện thoại: (024) 3869 3731

– Bệnh viện Việt Đức:

  • Số 8 – Phủ Doãn – Phố Hàng Bông – Quận Hoàn Kiếm – TP. Hà Nội
  • Điện thoại: (024) 3825 3531

Bệnh viện 103:

  • Số 261- Phùng Hưng – Quận Hà Đông – TP. Hà Nội
  • Điện thoại: (024) 956 6417

– Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn:

  • Số 12 – Đường Chu Văn An – Quận Ba Đình – TP. Hà Nội
  • Điện thoại: (024) 3823 3075

– Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108:

  • Số 1 – Đường Trần Hưng Đạo – Quận Hai Bà Trưng – TP. Hà Nội
  • Điện thoại: 069 572 400

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên:

  • Số 479 – Lương Ngọc Quyến – Thành phố Thái Nguyên
  • Điện thoại: (0280) 3855 125

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec:

  • Số 458 – Đường Minh Khai – Quận Hai Bà Trưng – TP. Hà Nội
  • Điện thoại: (024) 3974 3558

Tại miền Trung:

Bệnh viện Trung ương Huế:

  • Số 16 – Đường Lê Lợi – Vĩnh Ninh – TP. Huế – Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Điện thoại: (054 )3822325

– Bệnh viện Đà Nẵng:

  • Số 124 – Đường Hải Phòng – Phường Thạch Thang – Quận Hải Châu – TP. Đà Nẵng
  • Điện thoại: (0236) 3821 118

Tại TPHCM:

Bệnh viện Chợ Rẫy:

  • Số 201B – Nguyễn Chí Thanh – Phường 12 – Quận 5 – TPHCM
  • Điện thoại: 028 3855 4137

Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM:

  • Số 215 – Hồng Bàng – Phường 11 – Quận 5 – TPHCM
  • Điện thoại: (028) 3855 4269

– Bệnh viện Nhân dân 115:

  • Số 527 – Đường Sư Vạn Hạnh – Phường 12 – Quận 10 – TPHCM
  • Điện thoại: (028) 3865 4249

Nhìn chung, hầu hết bệnh nhân sau khi ghép thận đều có chất lượng sống tốt hơn. Nếu có nguồn hiến tặng tốt, bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối có thể cân nhắc về điều kiện tài chính, lợi ích và rủi ro của ca mổ, đồng thời lắng nghe ý kiến của bác sĩ để đưa ra được quyết định đúng đắn về vấn đề phẫu thuật ghép thận để kéo dài thời gian sống.

Có thể bạn quan tâm

Bị sỏi thận uống bia được không? – Vấn đề nhiều người quan tâm

Bia là sản phẩm đồ uống truyền thống không thể thiếu trong mọi bữa ăn hàng ngày của nhiều nền...

Bị nang thận nên ăn gì, kiêng gì hỗ trợ điều trị?

Bị nang thận nên ăn gì, kiêng gì hỗ trợ điều trị?

Nang thận nên ăn gì, kiêng gì? Theo chuyên gia dinh dưỡng, người mắc bệnh nang thận nên ăn nhiều...

8 triệu chứng sỏi thận bạn nên đi khám ngay khi nhận ra

Đau đớn ở vùng chậu, lưng, tiểu nhắt, nước tiểu vẩn đục và có mùi,... là những triệu chứng sỏi...

Thận yếu làm tóc bạc sớm và cách điều trị

Có phải thận yếu làm tóc bạc sớm không? Cách điều trị như thế nào?

Không chỉ khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi vì phải đi tiểu đêm nhiều lần, đau mỏi lưng, chóng...

Tìm hiểu cách chữa ho do hen suyễn bằng cây ráy gai

Cách chữa ho do hen suyễn bằng cây ráy gai

Để làm giảm các cơn ho do hen suyễn, ngoài việc dùng thuốc tây, bệnh nhân cũng có thể áp...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.