Suy thận mạn tính: Bạn đã biết gì về căn bệnh chết người này
Theo thống kê trên thế giới có đến 2.500.000 bệnh nhân đang phải tiến hành lọc máu để điều trị bệnh suy thận mạn tính. Con số này không ngừng tăng lên từng ngày, khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, lo lắng.
Suy thận mạn tính là gì?
Suy thận mạn tính là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm ở mức dưới trung bình. Lúc này, thận sẽ bị suy thoái theo thời gian và nhiều tháng, nhiều năm sau đó chúng sẽ mất đi chức năng vĩnh viễn, không có khả năng phục hồi lại như ban đầu.
Thông thường, bệnh suy thận mạn tính sẽ được chia làm 5 giai đoạn tương ứng với mức độ nguy hiểm khác nhau. Cụ thể:
- Giai đoạn 1: Thận hư hại nhẹ, tỉ lệ lọc cầu thận GFR hơn 90.
- Giai đoạn 2: Chức năng thận giảm nhẹ, tỉ lệ lọc cầu thận GFR khoảng 60 – 89
- Giai đoạn 3: Chức năng thận giảm trung bình, tỉ lệ lọc cầu thận GFR 30 – 59
- Giai đoạn 4: Chức năng thận giảm nghiêm trọng, tỉ lệ lọc cầu thận GFR 15 – 29
- Giai đoạn 5: Thận mất hoàn toàn chức năng, tỉ lệ lọc cầu thận GFR dưới 15
Khi bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn tính tiến triển đến giai đoạn 5 thì các chất thải sẽ nhanh chóng tích tụ trong cơ thể, không được đào thải do chức năng thận không còn. Đến thời điểm này, con người bắt buộc phải tiến hành quá trình lọc máu mới có thể đưa các chất độc ra ngoài môi trường bên ngoài.
Triệu chứng điển hình của bệnh suy thận mạn tính
Thận là bộ phận rất quan trọng của cơ thể, giúp duy trì sự cân bằng giữa muối và các khoáng chất trong máu. Khi bị suy thận mạn tính, người bệnh sẽ có một số triệu chứng cụ thể như sau:
- Tiểu tiện nhiều lần:Người bệnh sẽ thường xuyên đi tiểu nhiều hơn mức bình thường. Trong lúc tiểu, bệnh nhân có cảm giác căng tức, buốt, thậm chí có máu lẫn trong nước tiểu.
- Sưng, phù chân tay:Các độc tố trong cơ thể khi không được đào thải ra ngoài sẽ nhanh chóng tích tụ ở các bộ phận khác như mặt, tay, chân,… Chúng sẽ khiến cho các cơ quan này nhanh chóng bị sưng phù, đau đớn.
- Da nổi ngứa, phát ban:Tình trạng nổi mẩn ngứa, phát ban sẽ diễn ra thường xuyên bởi các chất thải đã bị tích tụ trong máu. Chúng nhanh chóng gây viêm nhiễm, nổi mụn trên da.
- Cơ thể uể oải, mệt mỏi: Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn tính đều bị thiếu máu do thận hư. Điều này sẽ khiến cho cơ thể liên tục bị mệt mỏi, kém tập trung, buồn nôn, ớn lạnh, thở gấp, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt,…
- Mất kinh nguyệt: Khi bị thận hư sẽ khiến cho lượng máu trong cơ thể bị thiếu hụt trầm trọng. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng lại và gây ra tình trạng mất kinh nguyệt kéo dài thường xuyên hơn.
- Giảm ham muốn tình dục: Con người rơi vào tình trạng mệt mỏi, cơ thể suy nhược, dẫn đến không còn ham muốn tình dục.
- Tổn thương xương: Lượng Phosphat trong máu tăng sẽ khiến cho lượng canxi nhanh chóng giảm. Hệ lụy của nó là gây ra tình trạng đau nhức xương, nhẹ thì đau ở vùng lưng, khớp háng, nặng thì bệnh nhân sẽ không đi được.
- Một số triệu chứng khác: Viêm loét đường tiêu hóa, cơ thể co giật, rối loạn tâm thần, hôn mê do lượng ure trong máu quá cao.
Suy thận mạn tính có chữa được không?
Suy thận mạn tính là bệnh lý có tỉ lệ tử vong khá cao nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời. Bệnh nhân sẽ rất dễ đối diện với tình trạng tăng kali máu, phù phổi, xuất huyết tiêu hóa, suy dinh dưỡng, tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, viêm tĩnh mạch,…
Bệnh suy thận mạn tính có thể điều trị nhưng không khỏi hoàn toàn. Mức điều trị chỉ dừng lại ở việc duy trì sự ổn định chức năng của thận, cải thiện các triệu chứng bệnh, hạn chế nguy cơ các biến chứng có thể xảy ra.
Hiện nay vẫn chưa có bất cứ loại thuốc nào có thể chữa trị khỏi bệnh suy thận mạn tính. Các cách điều trị bệnh chỉ mang tính chất tạm thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn. Người bệnh nên nghỉ ngơi, ăn uống theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, theo dõi thận định kỳ để giúp kiểm soát bệnh kịp thời.
Suy thận mạn tính điều trị như thế nào?
Hiện nay, để điều trị căn bệnh này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thận của bệnh nhân trước. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của người bệnh, bác sĩ sẽ có các cách điều trị khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều phải tiến hành chạy thận để duy trì sự sống của mình. Dưới đây là một số phương pháp điều trị căn bệnh này, người bệnh nên biết để chủ động trong việc chữa trị bệnh cho mình.
- Điều trị huyết áp: Nếu huyết áp tăng sẽ hủy hoại thận bất cứ lúc nào. Do đó, bác sĩ sẽ kê thuốc kiểm soát huyết áp. Đây là loại thuốc thuộc nhóm ức chế men chuyển (UCMC) hoặc thuốc ức chế thụ thể (UCTT). Loại thuốc này không chỉ giúp làm hạ huyết áp mà còn hỗ trợ tăng chức năng thận.
- Kiểm soát Cholesterol: Bệnh nhân suy thận mạn tính sẽ đối diện với nguy cơ mắc một số bệnh lý về tim mạch. Lúc này, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng thuốc Statin để giúp máu lưu thông, tránh tình trạng nghẽn mạch máu.
- Điều trị các triệu chứng do bệnh gây ra: Suy thận mạn điều trị bằng cách xét nghiệm máu, nước tiểu. Nếu bệnh nhân gặp phải triệu chứng nào sẽ nhanh chóng ức chế, ngăn ngừa kịp thời. Chẳng hạn, khi người bệnh bị thiếu máu sẽ được bổ sung sắt, bị ứ dịch cần phải hạn chế ăn muối, yếu xương sẽ bổ sung thêm canxi,…
- Điều trị suy thận mạn tính ở giai đoạn cuối: Lúc này, chức năng của thận dường như không còn hoạt động. Người bệnh cần phải tiến hành lọc máu hoặc ghép thận. Đây là phương pháp duy nhất được áp dụng để duy trì sự sống.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh suy thận mạn tính. Vốn dĩ đây là bệnh lý khá nguy hiểm nên người bệnh cần phải thận trọng, tiến hành điều trị kịp thời, không được chủ quan. Ngoài ra, khi nhận thấy cơ thể có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa.
ThuocDanToc.VN không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán cũng như phương pháp điều trị y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!