Hội chứng thận hư ở trẻ em và cách chăm sóc, điều trị

Hội chứng thận hư ở trẻ em thường không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Do protein trong máu bị mất khi lọc qua cầu thận, trẻ có thể bị phù, sủi bọt khí trong nước tiểu, tăng huyết áp hoặc chán ăn. Bên cạnh quá trình điều trị hội chứng thận hư cho trẻ bằng liệu pháp corticoid, bé cũng cần được chăm sóc đúng cách để nhanh phục hồi sức khỏe.

Hội chứng thận hư ở trẻ em là gì?

Hội chứng thận hư ở trẻ em là hiện tượng nồng độ protein (chủ yếu là albumin) trong nước tiểu của bé quá cao. Chất này có sẵn trong máu nhưng khi lọc qua cầu thận, nó bị thất thoát ra ngoài và hòa lẫn cùng với nước tiểu.

Hội chứng thận hư ở trẻ em
Hội chứng thận hư ở trẻ em xảy ra khi có hiện tượng protein niệu kèm theo phù

Đối với cơ thể, protein đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước trong lòng mạch. Ở trẻ bị hội chứng thận hư, protein huyết giảm quá mức sẽ khiến nước dễ dàng thoát ra và tích tụ tại các mô kẽ dẫn đến hiện tượng phù nề. Triệu chứng này có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể của trẻ, thường gặp nhất là chân, mắt, bụng hay bìu của các bé nam.

Cùng với albumin, một số loại protein có chức năng kháng thể cũng bị mất đi. Bình thường, chúng có thể giúp bé tiêu diệt vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập vào cơ thể. Do vậy, nguy cơ bị nhiễm trùng sẽ cao hơn ở những trẻ bị hội chứng thận hư do bị mất đi loại protein đặc biệt này.

Tương tự, một số chất chống đông máu cũng có thể bị mất đi khi chức năng lọc của cầu thận suy giảm. Mặc dù vậy, tình trạng đông máu hiếm khi xảy ra nhưng một số bé lại phải đối diện với tình trạng nôn ói, tiêu chảy dẫn đến mất nước nặng.

→Xem thêm: Hội chứng thận hư tái phát là gì? Chẩn đoán, điều trị

Nguyên nhân gây hội chứng thận hư ở trẻ em

Nguyên nhân gây hội chứng thận hư ở trẻ em vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số bằng chứng cho thấy, sự khởi phát của căn bệnh này có liên quan đến hoạt động bất thường của hệ miễn dịch. Hiếm khi, hội chứng thận hư xảy ra ở nhiều trẻ trong cùng một gia đình, ngoại trừ trường hợp bị đột biến gen hiếm gặp.

Hội chứng thận hư ở trẻ em ảnh hưởng chủ yếu đến các bé từ 1 – 10 tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 90%. Phần lớn không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh. Căn bệnh này cũng không thể lây truyền cho người khác nên bé vẫn có thể sinh hoạt bình thường với mọi người trong gia đình.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng thận hư ở trẻ em

Phù nề là triệu chứng đến sớm và dễ nhận biết nhất của hội chứng thận hư ở trẻ em. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do chất lỏng bị thoát từ lòng mạch máu ra các mô sẽ khiến chúng bị sưng. Quan sát cơ thể bé có thể thấy xuất hiện tình trạng phù ở bàn chân, mắt cá chân, sưng bụng hay sưng mí mắt. Hiện tượng phù toàn thân có thể xảy ra khi trẻ bị hội chứng thận hư nặng.

dấu hiệu hội chứng thận hư ở trẻ em
Trẻ bị hội chứng thận hư có biểu hiện mệt mỏi, đi tiểu ít, nước tiểu sủi bọt, phù ở nhiều nơi trên cơ thể

Ngoài ra, hội chứng thận hư ở trẻ em còn khiến bé gặp phải các hiện tượng khác như:

  • Nước tiểu sủi bọt khí do chứa nhiều protein
  • Tăng cân do cơ thể bị tích nước
  • Chán ăn, mất cảm giác thèm ăn
  • Cơ thể mệt mỏi, thiếu nhanh nhẹn
  • Đau bụng, đau tay chân
  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Đi tiểu ít
  • Tim đập nhanh

Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Hội chứng thận hư ở trẻ em nếu kéo dài có thể diễn biến ngày càng phức tạp và khiến trẻ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan, hãy đưa bé tới bệnh viện khám ngay khi thấy con em mình có bất kì dấu hiệu nào nghi ngờ mắc bệnh. Nhất là trong các trường hợp trẻ bị sốt cao, tiêu lỏng, nôn ói, đau bụng nhiều hoặc bị phù tay chân.

Biến chứng của hội chứng thận hư ở trẻ em

Khi trẻ mắc hội chứng thận hư, protein bị thất thoát nhiều sẽ khiến bé bị thiếu hụt dưỡng chất . Bên cạnh đó, vị giác kém cũng khiến trẻ mất cảm giác ngon miệng, chán ăn. Tình trạng này kéo dài không chỉ gây suy kiệt sức khỏe mà còn dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Một số biến chứng khác cũng có thể xảy ra ở trẻ bị hội chứng thận hư như:

  • Tràn dịch đa màng
  • Nhiễm trùng do bị mất protein kháng thể
  • Huyết áp tăng
  • Rối loạn mỡ máu
  • Tắc mạch cấp tính do Albumin trong máu giảm
  • Suy thận
  • Tiểu ra máu

Chẩn đoán hội chứng thận hư ở trẻ em

Để chẩn đoán hội chứng thận hư ở trẻ em, bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng thì bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm dưới đây:

  • Tổng phân tích nước tiểu.
  • Kiểm tra lượng protein niệu trong 24 giờ hoặc protein niệu /creatinine niệu được lấy trong mẫu nước tiểu của bé vào lúc sáng sớm
  • Xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ các chất như Albumin, protein, cholesterol, ion đồ hay creatinine
  • Các xét nghiệm tầm soát nguyên nhân gây bệnh: Bao gồm bổ thể C3, C4; ANA cho trẻ > 10 tuổi hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lupus ban đỏ; HBsAg; AntiHCV; Xét nghiệm kháng thể HIV cho trẻ có yếu tố nguy cơ.
  • Sinh thiết thận: Phương pháp này được chỉ định cho trẻ < 1 tuổi và > 10 tuổi, trẻ bị suy thận kéo dài trên 2 tuần, có tiểu máu đại thể, cao huyết áp, có dấu hiệu bị nhiễm trùng hoặc lupuc ban đỏ. Phương pháp này cũng được thực hiện cho trẻ bị thận hư kháng steroid hoặc trước khi chữa trị với Calcineurin inhibitor.

Hội chứng thận hư ở trẻ em được chẩn đoán khi:

  • Tiểu đạm > 50 mg/kg/ngày hoặc 40 mg/m2/giờ
  • Protein niệu hoặc creatinine niệu > 2 mg/mg hay > 200 mg/mmol
  • Albumin huyết < 2,5 g/dL

Ngoài ra, bác sĩ có thể áp dụng một số kỹ thuật khác để chẩn đoán phân biệt hội chứng thận hư ở trẻ em với các vấn đề khác về sức khỏe. Chẳng hạn như phù trong bệnh suy gan/suy tim; Giảm albumin máu do xơ gan.

→Tham khảo ngay: Đau lưng có phải bị thận không?

Cách điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị:

  • Áp dụng liệu pháp corticoid đúng cách, điều chỉnh liều dùng cho phù hợp với lứa tuổi, tình trạng bệnh của bé.
  • Khắc phục triệu chứng bệnh cho trẻ
  • Điều trị nguyên nhân gây bệnh

Chữa hội chứng thận hư cho trẻ em bằng liệu pháp corticoid

Để điều trị hội chứng thận hư cho trẻ em, bác sĩ thường chỉ định liệu pháp corticoid. Các thuốc được kê đơn nhiều nhất bao gồm Prednisolone hay Prednisone. Thuốc cho hiệu quả khá tích cực. Trong khoảng 2 tuần điều trị đầu tiên, có đến 80% trẻ đáp ứng tốt với thuốc, không còn tìm thấy protein trong nước tiểu và tình trạng phù nều cũng chấm dứt.

thuốc điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em
Liệu pháp corticoid thường được áp dụng để điều trị bệnh hội chứng thận hư ở trẻ em

Trong trường hợp làm xét nghiệm nước tiểu 3 ngày liên tiếp mà đạm niệu đều âm tính thì điều này có nghĩa là hội chứng thận hư ở trẻ đã thuyên giảm. Tuy nhiên, thuốc corticoid thường chỉ được sử dụng để điều trị cho trẻ trong ngắn hạn vì có nhiều tác dụng phụ. Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc về cho bé uống, lạm dụng kéo dài hoặc tăng liều quá mức quy định.

Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc corticoid trị hội chứng thận hư ở trẻ em bao gồm:

  • Trẻ có cảm giác nhanh đói hơn nên ăn nhiều dẫn đến tăng cân. Mẹ nên cho bé sử dụng các thực phẩm có hàm lượng calo thấp để chống lại cơn đói thay vì cho bé ăn thức ăn nhanh, đồ chiên rán, bánh kẹo ngọt sẽ dẫn đến tăng cân mất kiểm soát.
  • Thay đổi tính cách, hành vi, dễ cáu gắt
  • Tăng huyết áp
  • Tăng đường huyết
  • Kích thích bao tử
  • Đục thủy tinh thể
  • Giảm nhẹ lượng khoáng chất trong máu làm thay đổi mật độ xương. Tuy nhiên tình trạng tổn thương xương, gãy xương hiếm khi xảy ra ở trẻ đáp ứng với thuốc prednisone. Trong trường hợp trẻ mắc các bệnh lý về xương khớp thì vẫn tiến hành điều trị hội chứng thận hư bình thường như đối với các bé khác.

Một số loại thuốc khác cũng có thể được bác sĩ kê đơn để điều trị triệu chứng cho trẻ. Bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu giúp giảm phù
  • Thuốc Albumin dùng theo đường truyền nếu tình trạng phù tiếp tục tăng nặng
  • Thuốc giảm huyết áp
  • Thuốc chống đông máu
  • Vitamin và khoáng chất giúp cải thiện sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch cho bé.

Điều trị hội chứng thận hư tái phát ở trẻ em

Hội chứng thận hư ở trẻ rất dễ tái phát. Thống kê cho thấy cứ 10 trẻ thì sẽ có đến 8 trẻ mắc bệnh trở lại. Trong trường hợp một lượng lớn protein được tìm thấy trong nước tiểu khi làm xét nghiệm 3 ngày liên tiếp, con bạn sẽ được chẩn đoán tái phát hội chứng thận hư. Thực tế, tình trạng này không chỉ xảy ra một lần mà một số bé có khi còn bị tái phát 2 – 3 lần hoặc nhiều hơn.

Đối với các trường hợp bệnh tái đi tái lại nhiều lần, bác sĩ sẽ kê đơn prednison kết hợp cùng với một số loại thuốc khác để điều trị dự phòng, ngăn ngừa các triệu chứng bệnh bùng phát trở lại. Được sử dụng phổ biến là các loại thuốc như:

  •  Mycophenolate
  • Cyclophosphamide
  • Cyclosporin
  • Levamisole
  • Tacrolimus
  • Rituximab

Ở lứa tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành, hội chứng thận hư ít tái phát hơn. Rất khó để bác sĩ có thể tiên lượng được bệnh của trẻ khi nào mới ngừng tái phát. Tuy nhiên nếu trẻ có kết quả protein niệu âm tính trong 5 năm liên tục thì tỷ lệ tái phát bệnh.

Khả năng đáp ứng với prednison có thể quyết định đến chức năng thận của bé trong tương lai. Nếu thuốc điều trị phát huy tác dụng tốt thì khả năng chữa khỏi hội chứng thận hư ở trẻ em khá cao, chức năng thận có thể được khôi phục khi bé đến tuổi trưởng thành.

Cách chăm sóc cho trẻ bị hội chứng thận hư

Bên cạnh việc phối hợp tốt với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị bệnh cho bé, cha mẹ cũng cần chăm sóc bé đúng cách để tăng cường sức đề kháng, giúp bé chống lại bệnh tật tốt hơn.

Chế độ ăn uống hàng ngày cho trẻ bị hội chứng thận hư

  • Giảm lượng dịch uống ở trẻ bị tái phát bệnh nếu được bác sĩ yêu cầu
  • Nêm ít muối khi chế biến thức ăn cho bé, tránh cho trẻ ăn nhiều đồ mặn khi đang bị phù
  • Không để bé ăn nhiều thức ăn nhanh hay các món chứa nhiều dầu mỡ. Nhóm thực phẩm này có nguồn năng lượng khá cao khiến bé bị tăng cân, nhất là trong giai đoạn điều trị với prednison.
hội chứng thận hư ở trẻ em nên ăn gì
Trẻ bị hội chứng thận hư cần duy trì một chế độ ăn uống khoa học để nhanh phục hồi sức khỏe

Các vấn đề khác cần lưu ý khi trẻ bị hội chứng thận hư

Trong quá trình điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em, cha mẹ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cho trẻ đến trường học bình thường nếu điều kiện sức khỏe cho phép
  • Khuyến khích bé tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng để cải thiện thể trạng 
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ khi tiêm vắc-xin cho trẻ
  • Sử dụng que thử để kiểm tra nước tiểu của bé vào mỗi sáng sớm giúp sớm phát hiện khi bệnh của bé tái phát trở lại.
  • Cảm lạnh là một trong những yếu tố thuận lợi để hội chứng thận hư ở trẻ em tái phát. Chính vì vậy, bạn nên giữ ấm cơ thể cho bé trong những ngày trời lạnh. Trường hợp bé có dấu hiệu cảm lạnh kèm theo triệu chứng phù thì nên đưa bé tới bệnh viện khám ngay.

Có thể bạn quan tâm

Bị sỏi thận nên ăn gì và kiêng gì để bệnh cải thiện tốt hơn?

Bệnh sỏi thận là một trong những căn bệnh có số người mắc phải rất lớn hiện nay. Ngoài việc...

Nang thận là gì?

Nang thận là gì? Nguy hiểm không? Thông tin cần biết

Nang thận do tình trạng ứ đọng nước tiểu trong thời gian dài dẫn đến hình thành những khối dịch...

Tổn thương thận cấp là gì?

Tổn thương thận cấp là gì? Thông tin cần biết

Tổn thương thận cấp là hiện tượng suy giảm chức năng đột ngột của thận hay thường được gọi là...

Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không? Gây biến chứng gì?

Sỏi thận là bệnh lý xuất hiện rất phổ biến, đặc biệt là ở nam giới và không giới hạn...

Chữa thận yếu tiểu đêm nhiều bằng cách nào?

Thận yếu tiểu đêm nhiều phải làm sao để khắc phục?

Thận yếu tiểu đêm nhiều có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nó khiến cho...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *