Phác đồ điều trị hội chứng thận hư mới nhất (BYT)

Phác đồ điều trị hội chứng thận hư thường được xây dựng dựa trên thể bệnh, nguyên nhân và triệu chứng đi kèm. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối và tái khám định kỳ trong thời gian dài để theo dõi tiến triển của bệnh và kịp thời điều chỉnh phác đồ chữa bệnh sao cho phù hợp với từng giai đoạn.

Nhận định chung về hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư là một biểu hiện lâm sàng của các bệnh lý ở cầu thận. Hội chứng này được xác định khi có tổn thương ở cầu thận hoặc vì một nguyên nhân nào đó dẫn đến sự thay đổi tính thấm của màng đáy cầu thận đối với một số chất trong máu, đặc biệt là chất đạm.

Phác đồ điều trị hội chứng thận hư
Xây dựng được phác đồ điều trị hội chứng thận hư phù hợp quyết định đến sự thành công của mỗi ca bệnh

Điểm đặc trưng của hội chứng thận hư đó chính là tình trạng tăng protein niệu, tiểu lipid, phù cơ thể, rối loạn lipid máu, nồng độ albumin máu giảm.

Xem thêm: Người bị hội chứng thận hư nên ăn gì, kiêng gì tốt?

Nguyên nhân gây bệnh

Hội chứng thận hư có thể là nguyên phát hoặc phát triển thứ phát sau khi gặp phải các vấn đề khác ngoài cầu thận.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng thận hư nguyên phát:

  • Bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu: Trẻ em từ 4 – 8 tuổi thường mắc hội chứng thận hư nguyên phát do nguyên nhân này.
  • Viêm cầu màng thận: Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến đối tượng trưởng thành sinh sống tại các nước đang phát triển.
  • Bệnh viêm cầu thận màng tăng sinh
  • Viêm cầu thận sau nhiễm trùng
  • Bệnh viêm cầu thận tăng sinh trung mô
  • Xơ hóa cầu thận ở cục bộ hoặc xơ chai cầu thận khu trú từng vùng,…

Nguyên nhân của hội chứng thận hư thứ phát:

  • Các bệnh lý di truyền
  • Rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như bệnh tiểu đường
  • Nhiễm kí sinh trùng
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Sử dụng các thực phẩm chứa chất độc hại
  • Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất
  • Thoái hóa tinh bột
  • Viêm đường tiết niệu hay các bệnh lý nhiễm trùng khác
  • Tiền sản giật
  • Bệnh ác tính…

Dấu hiệu nhận biết hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư được nhận biết thông qua các triệu chứng sau:

  • Phù nề ở một số bộ phận trong cơ thể hoặc phù toàn thân
  • Tăng cân bất thường do cơ thể tích nước
  • Sủi bọt khí trong nước tiểu
  • Giảm vị giác, ăn uống kém, chán ăn
  • Cơ thể mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe
Phác đồ điều trị hội chứng thận hư mới nhất
Hội chứng thận hư gây phù nề, đau mạn sườn và nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh

Chẩn đoán hội chứng thận hư

Kết quả chẩn đoán chính là cơ sở quan trọng cho phép bác sĩ xây dựng được phác đồ điều trị hội chứng thận hư phù hợp với mỗi bệnh nhân. Công tác chẩn đoán bệnh được tiến hành thông qua các phương pháp sau:

Khai thác bệnh lý:

  • Hỏi tiền sử mắc bệnh, các vấn đề về sức khỏe đang gặp phải
  • Thời điểm cơ thể bắt đầu bị phù
  • Số lượng nước tiểu đào thải mỗi ngày
  • Tình trạng tăng cân bất thường thể hiện ở trọng lượng cơ thể trong quá khứ và hiện tại
  • Ghi nhận các triệu chứng đi kèm với tình trạng phù, chẳng hạn như nóng sốt, cơ thể mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng…
  • Trao đổi về tiền sử mắc bệnh trong gia đình: Trường hợp bản thân hoặc các thành viên trong gia đình có mắc bệnh tiểu đường, nhiễm virus viêm gan B, C, bị ung thư hay mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống,… đều cần thông báo cho bác sĩ biết để phục vụ cho công tác chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

– Thăm khám lâm sàng:

Ở bước này, bác sĩ sẽ thăm khám bên ngoài để tìm kiếm các dấu hiệu liên quan đến hội chứng thận hư.

  • Phù: Đây là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Ban đầu người bệnh có thể chỉ bị phù ở một vài bộ phận trên cơ thể như tay, chân, mặt. Tình trạng phù tiến triển khá nhanh gây phù toàn thân và có thể dẫn đến biến chứng tràn dịch đa màng ( phù màng phổi, phù màng tim, phù màng tinh hoàn…).
  • Lượng nước tiểu giảm, thường là dưới 500 mL/ngày hoặc có thể thấp hơn nữa.
  • Cân nặng tăng nhanh một cách bất thường. Nhiều bệnh nhân tăng đến hơn 10kg chỉ trong thời gian ngắn.
  • Các triệu chứng toàn thân: Cơ thể mệt mỏi, da tái xanh, sốt, kém ăn
  • Tìm kiếm một số biến chứng nhiễm trùng: Chẳng hạn như viêm phổi hay viêm da,…

Xét nghiệm cận lâm sàng:

Các xét nghiệm thường quy:

  • Huyết đồ
  • Đường huyết/ BUN/ creatinin trong máu
  • Ion đồ
  • SGOT hay SGPT
  • Siêu âm bụng
  • Siêu âm tim cho các trường hợp nghi ngờ bị tràn dịch màng tim

Các xét nghiệm đặc hiệu:

+ Chẩn đoán xác định:

  • Albumin, protid trong máu
  • Điện di đạm máu
  • Bilan lipid
  • Protein niệu trong 24 giờ
  • Soi nước tiểu
xét nghiệm nước tiểu chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị hội chứng thận hư
Kết quả xét nghiệm nước tiểu là một trong những căn cứ để bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị thận hư cho mỗi bệnh nhân

+ Chẩn đoán nguyên nhân gây hội chứng thận hư:

  • Sinh thiết thận
  • ANA
  • Antids DNA,
  • HbsAg
  • Anti HCV,
  • HIV
  • Các chất chỉ điểm ung thư (CEA, CA 125, hay CA 15-3,…)

Các kỹ thuật chẩn đoán xác định hội chứng thận hư:

Hội chứng thận hư được xác định chủ yếu dựa trên xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu. Trường hợp mắc bệnh thì có triệu chứng phù và khi làm xét nghiệm có thể ghi nhận được các chỉ số sau:

  • Protein niệu > 3,5 g/l,73m2da/24 giờ ( hay đạm niệu > 3 g/24 giờ)
  • Albumin máu giảm xuống mức < 30 g/L
  • Lipid máu tăng > 6,5 mmoL/lít
  • Tiểu lipid

Trong số các dấu hiệu trên, hàm lượng Protein niệu được sử dụng làm tiêu chuẩn chính để chẩn đoán xác định một cá nhân có thật sự mắc hội chứng thận hư hay không. Các chỉ số còn lại có thể bình thường hoặc ở các mức độ khác nhau với mỗi bệnh nhân.

Chẩn đoán mô bệnh học:

Sinh thiết thận được áp dụng để chẩn đoán hội chứng thận hư ở người lớn. Kỹ thuật này còn giúp tiên lượng bệnh và đưa ra hướng dẫn để bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị hội chứng thận hư phù hợp cho bệnh nhân.

Chẩn đoán thể bệnh:

  • Hội chứng thận hư thể đơn thuần: Bệnh nhân không có triệu chứng tăng huyết áp, đi tiểu ra máu hay suy thận nhưng có đầy đủ các tiêu chuẩn trong chẩn đoán hội chứng thận hư.
  • Hội chứng thận hư thể không đơn thuần: Bên cạnh các tiêu chuẩn chẩn đoán, thể bệnh này được xác định khi có kèm theo tình trạng huyết áp cao, tiểu tiện ra máu đại thể hoặc vi thể hoặc cũng có thể bị suy thận.

Chẩn đoán biến chứng của hội chứng thận hư

  • Các bệnh lý nhiễm khuẩn cấp hoặc mãn tính. Thường gặp là bệnh viêm mô tế bào hay viêm phúc mạc.
  • Huyết khối: Tắc nghẽn tĩnh mạch thận, tĩnh mạch chậu hay tĩnh mạch lách. Hiếm khi gặp biến chứng tắc mạch phổi.
  • Mất cân bằng điện giải
  • Suy dinh dưỡng
  • Các bệnh lý mãn tính ở thận
  • Biến chứng do sử dụng các thuốc corticoid , thuốc ức chế miễn dịch, thuốc lợi tiểu để trị bệnh trong thời gian dài.

→Xem thêm: Hội chứng thận hư tái phát là gì? Chẩn đoán, điều trị

Phác đồ điều trị hội chứng thận hư

Phác đồ điều trị hội chứng thận hư được xây dựng dựa trên các triệu chứng, thể bệnh và nguyên nhân đi kèm. Dưới đây là hướng dẫn điều trị chung đang được các bác sĩ chuyên khoa áp dụng:

Phác đồ điều trị triệu chứng chung của hội chứng thận hư

Giảm phù:

  • Cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn
  • Hạn chế uống nước
  • Sử dụng các thuốc lợi tiểu có khả năng đối kháng với aldosteron: Chẳng hạn như Spironolacton, Aldacton hay Verospiron.
  • Bệnh nhân có dấu hiệu kháng thuốc lợi tiểu, liều dùng có thể được tăng lên tối đa 120mg. Hoặc bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc lợi tiểu theo đường tiêm tĩnh mạch để thay thế thuốc uống.
  • Kết hợp thêm thuốc Metolazone có thể làm gia tăng đáng kể tác dụng của Furosemid đối với những bệnh nhân bị kháng thuốc lợi tiểu.
Phác đồ điều trị hội chứng thận hư của Bộ y tế
Phác đồ điều trị hội chứng thận hư cần chú trọng vào mục đích giảm phù nề và các triệu chứng khác cho bệnh nhân

 Bù khối lượng tuần hoàn: 

Phương pháp bù khối lượng tuần hoàn được chỉ định cho những bệnh nhân có dấu hiệu bị giảm thể tích tuần hoàn. Người bệnh có thể được sử dụng dung dịch Albumin để bù đắp lượng albumin sụt giảm trong máu. Loại thuốc này tương đối an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên giá thành của thuốc khá cao và một số bệnh nhân có thể gặp biến chứng phù phổi kẽ sau khi sử dụng.

Chính vì vậy mà dung dịch Albumin chỉ được cân nhắc sử dụng trong phác đồ điều trị hội chứng thận hư cho các đối tượng bị phù to và không đáp ứng tốt với thuốc lợi tiểu ở liều cao, bệnh nhân chuẩn bị làm sinh thiết thận hoặc phẫu thuật.

Các phương pháp khác có thể được thực hiện để bù lại thể tích dịch trong lòng mạch bao gồm:

  • Plasma
  • Dùng các dung dịch keo
  • Dung dịch muối sinh lý

Phác đồ điều trị hội chứng thận hư nguyên phát bằng liệu pháp miễn dịch

Bệnh nhân bị hội chứng thận hư nguyên phát thường được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Các loại thuốc nhóm Corticoid, thường dùng là Prednison hay Prednisolon được sử dụng trong phác đồ với liều tương đương. Thuốc thích hợp cho những bệnh nhân mắc hội chứng thận hư có liên quan đến tình trạng xơ cầu thận ổ cục bộ, viêm cầu thận tăng sinh gian mạch hay các vấn đề khác ở cầu thận.

Phác đồ điều trị hội chứng thận hư nguyên phát bằng Corticoid được chia thành 3 giai đoạn chính như sau:

Giai đoạn tấn công khởi đầu:

  • Liều dùng 1-2mg/kg/ngày ( liều tối đa không quá 80mg/ngày)
  • Có thể uống thuốc 1 lần vào mỗi buổi sáng hoặc chia làm 2 lần uống trong ngày
  • Thời gian điều trị kéo dài từ 4 – 8 tuần hoặc lâu hơn tùy theo mức độ bệnh
  • Trường hợp bị nặng có thể thay thế thuốc uống bằng các thuốc corticoid theo đường tiêm tĩnh mạch.

Giai đoạn củng cố: 

  • Thời gian điều trị trong giai đoạn củng cố có thể kéo dài khoảng 4 tháng,
  • Thuốc corticoid được điều chỉnh với liều giảm dần tùy theo kết quả điều trị và đáp ứng của cơ thể.

Giai đoạn duy trì:

  • Liều dùng thuốc dao động từ 5-10 mg/ngày
  •  Thời gian điều trị có thể kéo dài cả năm để duy trì sự ổn định của bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Phác đồ điều trị hội chứng thận hư bằng thuốc Prenisolone
Thuốc Prenisolone thường có mặt trong phác đồ điều trị hội chứng thận hư

Cần lưu ý rằng, thời gian điều trị trong mỗi giai đoạn còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương mô học của cầu thận. Các trường hợp bị bệnh thận thay đổi tối thiểu có khả năng đáp ứng tốt nhất với thuốc corticoid. Trong khi đó, bệnh nhân bị viêm cầu thận màng tăng sinh lại có khuynh hướng luôn kháng corticoid. Các bệnh lý cầu thận nguyên phát khác được điều trị bằng liệu pháp corticoid cho đáp ứng ở mức trung bình.

Liều lượng sử dụng và thời gian điều trị với thuốc corticoid cũng phụ thuộc vào thể bệnh và khả năng đáp ứng với thuốc. Các trường hợp bị bệnh thận thay đổi tối thiểu nguyên phát thường được chỉ định thuốc prednisone dạng uống với liều lượng dao động từ 40-60mg ở người trưởng thành và 1-2mg/kg/ngày ở trẻ em. Sau khoảng 4 – 6 tháng điều trị thì giảm dần liều.

Ngăn ngừa biến chứng của thuốc Prednisolone 

Prednisolone là một trong những loại thuốc được chỉ định phổ biến nhất trong phác đồ điều trị hội chứng thận hư nguyên phát. Mặc dù mang lại nhiều hiệu quả tích cực nhưng loại thuốc này cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ nguy hiểm. Bệnh nhân chỉ sử dụng khi được bác sĩ kê đơn và giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị.

Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Prednisolone bao gồm:

  • Thèm ăn
  • Phù mặt
  • Tăng cân
  • Đau bụng, đau dạ dày
  • Tăng nguy cơ bị nhiễm trùng
  • Tăng huyết áp
  • Đái tháo đường
  • Nổi mụn trứng cá
  • Lông mặt mọc nhiều
  • Mỏng da hoặc rạn da ở vùng đùi, cánh tay hay bụng
  • Còi xương ở trẻ em
  • Vết thương lâu lành
  • Nồng độ lipid máu tăng
  • Đục thủy tinh thể
  • Loãng xương
  • Yếu cơ
  • Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi…

Mặc dù có nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn nhưng việc sử dụng thuốc corticosteroid trong phác đồ điều trị hội chứng thận hư vẫn giữ một vai trò quan trọng. Nếu không được chữa trị kịp thời, hội chứng thận hư có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như phù nặng, thiếu hụt protein nghiêm trọng dẫn đến suy kiệt sức khỏe, huyết khối tắc mạch, thiếu máu… Người bị hội chứng thận hư cũng dễ nhiễm trùng hơn so với đối tượng khỏe mạnh.

Một số thuốc ức chế miễn dịch khác có thể được chỉ định thay thế trong trường hợp không đáp ứng được với corticosteroid, hay tái phát hoặc mắc chứng viêm cầu thận màng có nguy cơ cao. Bao gồm:

  • Cyclophosphamide
  • Cyclosporine, tacrolimus
  • Mycophenolate mofetil (MMF)

Theo dõi, tái khám và dự phòng tái phát bệnh

+ Theo dõi:

  • Lượng nước tiểu trong 24 giờ
  • Tìm kiếm và phát hiện sớm các biến chứng nếu có
  • Chế độ ăn uống cho bệnh nhân: Giảm lượng muối và mỡ sử dụng trong bữa ăn
  • Thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ creatinin trong máu, albumin huyết, protein niệu 24 giờ…

+ Tái khám:

  • Hội chứng thận hư nhẹ, không gây suy thận: Tái khám định kỳ mỗi tháng 1 lần
  • Trường hợp có triệu chứng nặng, người bệnh bị suy thận: Tái khám sau mỗi 1 – 2 tuần.

+ Ngăn ngừa và dự phòng tái phát bệnh:

Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị hội chứng thận hư của bác sĩ, bệnh nhân cần thực hiện tốt công tác ngăn ngừa và dự phòng bệnh tái phát bằng các giải pháp như:

  • Kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính
  • Tái khám đúng theo chỉ định để theo dõi và điều trị lâu dài
  • Tránh sử dụng các loại thuốc, chất kích thích hay các thực phẩm gây độc hại cho thận
  • Rèn luyện thể chất mỗi ngày để tăng tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng thận.

Có thể bạn quan tâm

Ghép thận là gì? Thực hiện khi nào? Điều cần biết

Ghép thận là phương pháp phẫu thuật ngoại khoa thường được chỉ định để cấy ghép thận mới cho bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Nguồn thận...
Suy thận cấp

Suy thận cấp là gì? – Thông tin nên biết để điều trị càng sớm càng tốt

Thông thường, để chẩn đoán tình trạng suy thận cấp người ta thường dựa vào tốc độ gia tăng nồng độ...

Quan hệ tình dục từ 3 - 4 lần một tuần có thể điều trị sỏi thận tự nhiên

Bị sỏi thận có quan hệ được không? Những điều cần lưu ý

Lo lắng, sợ, không thoải mái là tâm lý chung của người bị sỏi thận khi quan hệ. Lo lắng về...

Người bệnh sẽ kéo dài được sự sống nếu thực hiện đúng các phương pháp điều trị từ bác sĩ

Bị suy thận sống được bao lâu? Nên làm gì?

Suy thận là thuật ngữ chung để chỉ trạng thái suy giảm chức năng của thận. Hầu hết các trường...

Tại sao thận yếu lại đau lưng?

Tại sao thận yếu lại đau lưng?

Tại sao thận yếu lại đau lưng? Khi thận yếu hoặc gặp bất kỳ những tổn thương, trục trặc nào,...

Top 7 Bài Tập Chữa Thận Yếu & Tăng Cường Chức Năng Thận Tốt Nhất

Chà xát vành tai, vận động cơ thể, massage phần bụng, massage phần hông, xoa gan bàn chân... là những...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *