Các loại viêm họng – Dấu hiệu và mức độ nguy hiểm
Viêm họng là bệnh lý xảy ra phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau, được kích hoạt dưới nhiều hình thức, đặc biệt là khi chuyển mùa. Để quá trình chữa bệnh diễn ra suôn sẻ, áp dụng đúng phương pháp điều trị, phòng ngừa phát sinh biến chứng và những rủi ro nghiêm trọng, người bệnh cần hiểu rõ và biết cách phân biệt các loại viêm họng.
Các loại viêm họng, dấu hiệu nhận biết và mức độ nghiêm trọng
Viêm họng là bệnh về đường hô hấp xảy ra phổ biến và được kích hoạt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng sưng đỏ của niêm mạc họng do những phản ứng viêm bị kích thích và tấn công tại khu vực này.
Có nhiều nguyên nhân cùng các hình thức kích hoạt sự hình thành và phát triển của bệnh viêm họng. Tuy nhiên thường gặp nhất là viêm họng do nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm virus. Dựa vào nguyên nhân, hình thức kích hoạt và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý, triệu chứng và mức độ nguy hiểm của từng loại viêm họng sẽ khác nhau.
Vì viêm họng xảy ra với nhiều loại khác nhau nên quá trình chẩn đoán và chữa bệnh thường gặp nhiều khó khăn. Để chẩn đoán chính xác bệnh lý và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp, người bệnh cần hiểu và phân biệt các loại viêm họng. Thông tin dưới đây là danh sách các loại viêm họng thường gặp nhất, dấu hiệu nhận biết và mức độ nguy hiểm:
1. Bệnh viêm họng cấp tính
Bệnh viêm họng cấp tính là dạng viêm họng xảy ra phổ biến không chỉ riêng người lớn mà còn đối với trẻ em, đặc biệt là thời tiết chuyển mùa, chuyển từ nóng sang lạnh. Bệnh lý này có thể xảy ra do bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoặc xuất hiện do một vài nguyên nhân cơ bản khác.
Hầu hết những trường hợp bị viêm họng mãn tính có nhiễm trùng đều xảy ra do cơ thể bị xâm nhập bởi vi khuẩn (Liên cầu khuẩn nhóm A – S.pyogenes, tụ cầu, liên cầu, phế cầu, Hemophilus influenzae…), virus (Adenovirus, sởi, cúm…). Trong đó tình trạng nhiễm virus phổ biến hơn trong tất cả các trường hợp.
Bệnh viêm họng cấp tính có thể xuất hiện một cách riêng biệt. Tuy nhiên bệnh thường xuất hiện đồng thời với tình trạng viêm amidan, viêm VA, sởi, cúm, phát ban, vincent, bạch hầu, ho gà, một số bệnh về máu hoặc tinh hồng nhiệt.
Bệnh có thể dễ dàng lây lan từ người với người khi tiếp xúc với dịch mũi, tiếp xúc qua đường dịch họng hay nước bọt. Dựa trên các biểu hiện lâm sàng, bệnh viêm họng cấp tính được phân thành hai loại. Bao gồm: Viêm họng trắng và viêm họng đỏ. Rất thường gặp bệnh viêm họng cấp tính trong mùa lạnh.
Để chẩn đoán chính xác bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa thường dựa vào những triệu chứng sau:
Triệu chứng toàn thân
- Gai rét kèm theo triệu chứng nhức mỏi người, có cảm giác ớn lạnh (viêm họng cấp tính do virus)
- Xuất hiện hội chứng nhiễm khuẩn như lưỡi bẩn, sốt, môi khô (viêm họng cấp tính do vi khuẩn).
Các triệu chứng cơ năng khác
- Đau họng
- Có cảm giác khô rát họng
- Có biểu hiện nuốt đau nhói lên tai
- Ho khan ở giai đoạn đầu, sau đó xuất hiện tình trạng ho có đờm
- Khàn tiếng khi tình trạng viêm nhiễm lan xuống họng thanh quản.
Mức độ nguy hiểm
Nếu viêm họng cấp tính xuất hiện do họng bị kích ứng bởi thời tiết chuyển mùa thì bệnh lý này chỉ kéo dài trong vòng 3 – 4 ngày. Bên cạnh đó những triệu chứng sẽ nhanh chóng mất đi, bệnh sẽ tự lui dần khi bệnh nhân chăm sóc tốt và có sức đề kháng tốt.
Tuy nhiên đối với những trường hợp có sức đề kháng yếu (người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý) thì bệnh sẽ dễ tiến triển nặng, có diễn biến phức tạp hơn. Đồng thời có khả năng gây ra nhiều biến chứng, cụ thể:
- Viêm tai
- Viêm mũi
- Viêm phế quản
- Viêm họng mãn tính
- Viêm cầu thận cấp
- Thấp tim tiến triển
Những biến chứng sẽ dễ dàng xuất hiện hơn khi nguyên nhân gây bệnh viêm họng là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).
Tham khảo thêm: Viêm họng đau tai (trái, phải) là bị gì? Cách điều trị
2. Viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính thể hiện cho tình trạng viêm lan tỏa ở họng. Sau viêm họng cấp, viêm họng mãn tính cũng là một dạng rất hay gặp, thường xảy ra đồng thời với bệnh viêm xoang mạn tính, viêm mũi, đôi khi có thể xuất hiện với viêm khí phế quản mãn tính, viêm thanh quản…
Có 3 hình thức thể hiện cho bệnh viêm họng mãn tính. Bao gồm: Quá phát, xuất tiết và teo. Bên cạnh đó thể điển hình là tình trạng viêm họng mãn tính tỏa lan, tình trạng viêm họng mãn tính khu trú gồm viêm amidan mạn tính và viêm VA mạn tính.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là tình trạng viêm mũi xoang mãn tính, thường gặp nhất là viêm xoang sau. Việc bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, bụi xi măng, hơi hóa học, bụi vôi, các chất kích thích như rượu, thuốc lá… hoặc có vấn đề về cơ địa như dị ứng, đái đường, suy gan, tạng khớp… cũng là nguyên nhân khiến bệnh viêm họng mãn tính hình thành và phát triển.
Bác sĩ chuyên khoa thường dựa vào triệu chứng toàn thân để chẩn đoán và ra hướng điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh viêm họng mãn tính.
Các triệu chứng của viêm họng mãn tính
- Viêm họng mãn tính tỏa lan khiến bệnh nhân thường xuyên có cảm giác cay họng, vướng họng, ngứa họng và khô họng. Những triệu chứng này sẽ rõ nét hơn vào buổi sáng sau khi thức dậy
- Bệnh nhân có cảm giác khó chịu, thường xuyên phải đằng hắng, ho khạc để làm long đờm
- Có cảm giác vướng và đau khi nuốt
- Giọng nói trầm đục
- Ho húng hắng.
Những triệu chứng nêu trên sẽ trở nên nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá, uống rượu hoặc nói nhiều. Ngoài ra dựa trên đặc điểm tổn thương, bệnh viêm họng mãn tính được phân thành 4 loại và kèm theo những triệu chứng như sau:
- Viêm họng mãn tính xung huyết đơn thuần: Có dấu hiệu đỏ tại niêm mạc họng, thấy được nhiều mạch máu.
- Viêm họng mãn tính xuất tiết: Tăng tiết nhiều chất nhầy, niêm mạc họng xung huyết đỏ, chất nhầy trong, có cảm giác hơi dính vào thành sau họng.
- Viêm họng mãn tính quá phát (viêm họng hạt): Niêm mạc họng đỏ, có dấu hiệu dày lên. Bên cạnh đó, do có sự quá phát xảy ra ở những tổ chức hạch bạch huyết ở thành sau họng nên ngay tại khu vực này xuất hiện nhiều đám to nhỏ rải rác hoặc những tế bào bất thường tập trung lại với nhau tạo thành một dải dọc ở phía sau hay còn gọi là trụ giả.
- Viêm họng teo: Niêm mạc họng có dấu hiệu mỏng, teo dần, có dấu hiệu khô ráp do giảm tiết và những tuyến nhầy dưới niêm mạc cũng có dấu hiệu teo đi. Họng khô, đóng vảy vàng và họng thường có màu nhợt nhạt. Bệnh này xảy ra phổ biến ở người mắc bệnh trĩ mũi hoặc người lớn tuổi.
Mức độ nguy hiểm của viêm họng mãn tính
Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh viêm họng mãn tính có thể gây ra các biến chứng sau:
- Viêm tấy xung quanh vòm họng
- Hội chứng áp xe
- Viêm phế quản cấp và viêm phổi ở những người bị viêm họng nặng do trào ngược dạ dày, viêm xoang, hội chứng viêm mũi
- Ung thư họng.
3. Viêm họng xung huyết
Viêm họng xung huyết dễ xảy ra trong thời điểm chuyển mùa. Do cơ thể không kịp thích ứng với việc thời tiết thay đổi thất thường nên sức khỏe dễ bị ảnh hưởng, sức đề kháng suy yếu, hệ hô hấp bị tổn thương và làm phát sinh bệnh viêm họng xung huyết.
Ngoài ra viêm họng xung huyết còn thường xảy ra ở những người bị rối loạn nội tiết, người bị suy gan, rối loạn dạ dày ruột. Trong các loại viêm họng, viêm họng xung huyết khá nguy hiểm nên bệnh nhân cần phải nhanh chóng chữa trị.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm họng xung huyết
- Có cảm giác nóng cay trong họng
- Ho từng cơn, ho có đờm hoặc ho khan, thường xuyên xảy ra lúc bắt đầu đi ngủ
- Ngứa họng
- Đau họng, đau nhiều hơn khi nuốt, đau nhói lên tai khi nói, ho, nuốt
- Sốt từ vừa đến cao, ớn lạnh, đau đầu, đau nhức toàn thân, cơ thể mệt mỏi, chán ăn
- Khó thở, ngạt mũi, chảy máu mũi
- Toàn bộ niêm mạc họng đỏ, xuất tiết
- Hạch góc hàm sưng nhẹ và hơi đau.
Các biến chứng khi không điều trị viêm họng xung huyết
Biến chứng tại chỗ
- Áp xe hoặc viêm tấy những khoảng trên họng
- Áp xe thành họng sau
- Viêm tấy hoại thư vùng cổ (hiếm gặp, tiên lượng nặng, khó điều trị và có thể tử vong).
Biến chứng ở những cơ quan lân cận
- Viêm tai giữa
- Viêm phổi
- Viêm mũi xoang cấp
- Viêm thanh khí phế quản.
Biến chứng xa
- Viêm tim
- Viêm khớp
- Viêm thận
- Nhiễm trùng huyết
- Choáng nhiễm độc liên cầu thận.
Tham khảo thêm: Gợi ý cách dùng lá khế và quả khế chữa viêm họng hiệu quả cao
4. Viêm họng giả mạc
Viêm họng giả mạc còn có tên gọi khác là viêm họng bạch hầu. Dạng viêm họng này khá hiếm gặp. Bệnh có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên sự tác động của trực khuẩn Klebs – Loeffler lên cơ thể là nguyên nhân chủ yếu.
Để nhận biết bệnh viêm họng giả mạc, người bệnh có thể dựa vào những triệu chứng sau:
Triệu chứng đặc trưng
- Khó nuốt
- Nuốt vướng
- Rát họng
- Đau họng.
Triệu chứng khác
- Rét run, sốt cao trên 38,5 độ
- Mặt nhợt nhạt
- Giả mạc xuất hiện bám vào vùng niêm mạc họng và amidan. Giả mạc lan rộng đến thanh quản, gây ra tình trạng khó thở nếu đối với trẻ em. Ngoài ra bệnh nhân còn mắc phải các triệu chứng gồm: Cơ thể mệt mỏi, thở gấp, nhịp tim nhanh, đau rát cổ họng, thiếu sức sống, nghẹt mũi. Thời gian đầu lớp giả mạc có màu trắng kem, thời gian sau chuyển sang màu trắng xám hoặc chuyển sang màu vàng xám
- Hai amidan chuyển sang màu đỏ thẫm, những khe bị giãn ra, miệng khe bao phủ bởi lớp giả mạc màu trắng.
Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm họng giả mạc
Nếu sớm được điều trị, bệnh viêm họng giả mạc có thể khỏi hẳn sau 10 ngày. Tuy nhiên nếu điều trị chậm trễ, bệnh có thể gây ra các biến chứng sau:
- Viêm thận
- Thấp tim
- Bệnh Osler
- Bệnh viêm xoang, viêm tai, viêm tấy xung quanh amidan
- Liệt chi, liệt thần kinh, liệt các cơ hô hấp, liệt mặt…
5. Viêm họng do liên cầu khuẩn
Viêm họng do liên cầu khuẩn xảy ra do vi khuẩn Streptococcus xâm nhập vào vùng hầu họng dẫn đến viêm và đau rát họng. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên trẻ nhỏ có độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Viêm họng do liên cầu khuẩn được đánh giá là một loại viêm họng vô cùng nguy hiểm do bệnh có khả năng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn
Các triệu chứng sẽ xuất hiện và rõ ràng hơn sau từ 2 đến 5 ngày bị nhiễm vi khuẩn streptococcus. Những triệu chứng của bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn gồm:
- Sốt trên 38 độ C
- Viêm họng nổi hạch khiến bệnh nhân bị đau rát cổ họng, gặp nhiều khó khăn khi nuốt
- Đau dạ dày
- Đau đầu
- Ăn không ngon miệng
- Buồn nôn
- Phát ban
- Cứng cơ và đau cơ
- Xuất hiện những mảng trắng trong cổ họng, sưng bạch hầu hoặc trên vòm miệng xuất hiện những chấm nhỏ đỏ
- Những hạch bạch huyết ở cổ có dấu hiệu đau và sưng lên.
Không phải tất cả những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn streptococcus đều mắc bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn. Điều này có nghĩa vi khuẩn có thể truyền từ người này sang người khác nhưng không xuất hiện biểu hiện bệnh.
Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn
Những triệu chứng của bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn thường nặng hơn so với triệu chứng của các loại viêm họng khác. Hơn thế, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng nếu không được chữa bệnh đúng cách và kịp thời.
Các biến chứng có thể xuất hiện gồm:
- Nhiễm trùng ở amidan, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng ở tai, nhiễm trùng da và máu
- Sốt thấp khớp dẫn đến phát ban, viêm và đau khớp, gây tổn hại cho van tim
- Strep nhiễm trùng dẫn đến nhiều tình trạng viêm nhiễm khác như viêm thận, phát ban, bệnh ban đỏ.
Tham khảo thêm: 6 Cách chữa ho, viêm họng bằng cây rau tần theo dân gian
6. Viêm họng do virus
Viêm họng do virus là tình trạng nhiễm trùng niêm mạc họng do sự tác động của các chủng virus thường gặp như virus sởi, virus cúm, Adenovirus, Coronavirus, Rhinovirus, Epstein-Barr, Herpes simplex…. Bên cạnh đó loại viêm họng này thường bùng phát một cách mạnh mẽ khi thời tiết thay đổi hoặc vào mùa lạnh.
Những triệu chứng của bệnh viêm họng do virus thường khởi phát một cách đột ngột. Những triệu chứng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cơ quan hô hấp và sức khỏe toàn thân. Tuy nhiên bệnh tương đối lành tính và thường không gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Viêm họng do virus có thể khởi phát một cách đơn độc. Tuy nhiên bệnh cũng có khả năng xuất hiện đồng thời nhiều bệnh lý khác như viêm VA, viêm amidan, cúm, sởi, ho gà, bạch hầu, sốt phát ban.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm họng do virus
Để nhận biết bệnh viêm họng do virus, người bệnh có thể dựa vào những dấu hiệu nhận biết sau:
- Sốt cao từ 39 – 40 độ C
- Ăn ngủ kém
- Đau nhức cơ thể
- Cổ họng có dấu hiệu khô nóng, sau đó nhanh chóng chuyển sang cảm giác đau rát, đau nhiều hơn khi ho, giao tiếp và khi nuốt
- Khàn tiếng nhẹ
- Ho khan
- Thường xuyên bị chảy nước mũi và ngạt mũi
- Toàn bộ niêm mạc họng có dấu hiệu đỏ và sưng, có hiện tượng phù nề và xung huyết
- Một số hạch ở dưới hàm và hạch ở cổ sưng to.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm họng do virus
Do với viêm họng do nhiễm khuẩn, viêm họng do virus thường nhẹ, tương đối lành tính và thường không gây biến chứng. Thông thường các triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm trong khoảng từ 3 đến 5 ngày, bệnh có thể khỏi hẳn từ 7 – 10 ngày mà không cần sử dụng thuốc.
Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp bị viêm họng do virus đều tự khỏi, nhất là những bệnh nhân có sức đề kháng suy yếu. Vì thế bệnh nhân nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nếu bệnh viêm họng do virus không thể tự khỏi.
Trong trường hợp để bệnh xuất hiện kéo dài, bệnh nhân có thể đối mặt với một số vấn đề khác, gồm:
- Viêm amidan
- Viêm phế quản
- Viêm họng mãn tính…
Tham khảo thêm: Bệnh viêm họng kéo dài nhiều ngày coi chừng căn bệnh nguy hiểm
6. Viêm họng hạt
Viêm họng hạt là một trong các loại viêm họng thường gặp, thường phát sinh do bệnh viêm họng mãn tính. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng phát triển quá mức của những tế bào lympho ngay tại thành sau họng dẫn đến sưng, phình to và tạo ra những hạt nhỏ.
Ngoài việc phát sinh từ bệnh viêm họng mãn tính, bệnh viêm họng hạt còn xảy ra do bệnh nhân bị viêm amidan, nhiễm vi khuẩn, thường xuyên hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm… Dựa vào tổn thương thực thể, bệnh viêm họng hạt được phân thành 4 loại gồm:
- Viêm họng hạt mãn tính: Thành họng dày hơn, xuất hiện nhiều vết bầm, niêm mạc họng bị đỏ.
- Viêm họng hạt do virus: Amidan và họng có dấu hiệu sưng đỏ, niêm mạc họng được bao phủ bởi một lớp chất nhầy, xuất hiện những điểm phù nề và xung huyết.
- Viêm họng hạt do liên cầu khuẩn: Amidan bị sưng, họng sưng đỏ, dễ dàng nhìn thấy những ổ mủ và những đốm trắng trong cổ họng.
- Viêm họng hạt do nhiễm trực khuẩn Klebs – Loeffler: Họng sưng tấy, xuất hiện những mảng màu xám hoặc màu trắng sữa bám vào niêm mạc họng.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm họng hạt
- Có cảm giác vướng víu ở cổ họng như có dị vật mắc kẹt khiến người bệnh thường xuyên muốn khạc nhổ
- Ngứa ngáy họng
- Đau rát họng, đau nhiều khi nuốt
- Hình thành nhiều hạt có kích thước lớn nhỏ khác nhau trong vòm họng, nối với nhau bằng các dây màu đỏ
- Trong cổ họng có đờm màu trắng
- Người bệnh thường xuyên hoa gió hoặc ho khan ở giai đoạn đầu. Xuất hiện những cơn ho và ho có đờm sau từ 1 – 2 ngày mắc bệnh
- Hạch nổi ở cổ, khi sờ vào thấy đau và cứng, đau đầu và sốt
- Triệu chứng khác: Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sổ mũi, khàn tiếng, hắt hơi…
Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm họng hạt
Bệnh viêm họng hạt có thể sớm được khắc phục nếu bệnh nhân kịp thời chữa trị đúng cách. Đối với những trường hợp chủ quan, bệnh viêm họng hạt có thể tiến triển và làm phát sinh những biến chứng sau:
- Áp xe hoặc viêm tấy thành họng
- Viêm tấy hoặc áp xe amidan
- Gây các bệnh hô hấp: Viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mũi, viêm phế quản, viêm khí quản, viêm thanh quản…
- Viêm khớp
- Viêm cầu thận
- Viêm màng tim
- Ung thư vòm họng.
Bài viết là thông tin cơ bản về các loại viêm họng cùng dấu hiệu nhận biết và mức độ nguy hiểm. Từ những thông tin trên có thể nhận thấy bệnh viêm họng xảy ra phổ biến do nhiều nguyên nhân, bệnh có nhiều dạng và có khả năng gây biến chứng nguy hiểm. Chính vì thế để đảm bảo an toàn và có phương pháp chữa bệnh thích hợp, tránh dẫn đến bệnh mãn tính và gây biến chứng, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng. Khi đó bệnh nhân sẽ được tiến hành kiểm tra và kịp thời điều trị với các phương pháp thích hợp.
Có thể bạn quan tâm
- Bột sắn dây và công dụng chữa viêm họng ít ai ngờ
- Chia sẻ 4 cách chữa viêm họng bằng củ cải trắng cực đơn giản
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!