Bệnh Viêm Họng Mãn Tính
Bệnh viêm họng mãn tính thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người có cơ địa dị ứng, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn,... Bệnh lý này phát triển qua 3 hình thức là xuất tiết, quá phát và teo. Dù không nguy hiểm nhưng viêm họng mạn rất khó điều trị dứt điểm và dễ tái đi tái lại.
Tổng quan
Viêm họng mãn tính là tình trạng niêm mạc họng bị viêm, phù nề tái đi tái lại nhiều lần. So với viêm họng cấp, viêm họng mạn có đặc tính dai dẳng, kéo dài, dễ tái phát. Các triệu chứng không khởi phát đột ngột nhưng vô cùng dai dẳng gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe.
Viêm họng mãn tính thường phối hợp với các bệnh viêm đường hô hấp khác như viêm thanh quản, viêm thanh khí phế quản, viêm mũi, viêm xoang,... Nếu không giải quyết triệt để, tình trạng viêm đường hô hấp sẽ tái đi tái lại gây ra rất nhiều biến chứng.
Viêm họng mạn sẽ tiến triển và thể hiện qua 3 hình thức là xuất tiết, quá phát và teo. Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính đa dạng hơn so với viêm họng cấp. Chính vì vậy, điều trị cần phải kết hợp giữa kiểm soát triệu chứng và loại trừ căn nguyên mới có thể cải thiện bệnh hiệu quả.
Phân loại
Bệnh viêm họng mãn tính được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào đặc điểm lâm sàng:
Viêm họng xuất tiết:
Viêm họng xuất tiết là tình trạng niêm mạc họng bị viêm, phù nề lâu ngày dẫn đến tình trạng xuất tiết nhiều dịch nhầy. Hiện tượng viêm lâu ngày khiến các nang lympho nổi lên thành các chấm đỏ và đôi khi có vài tia máu.
Viêm họng quá phát (viêm họng hạt):
Viêm họng hạt là loại viêm họng mãn tính phổ biến. Loại viêm họng này xảy ra khi niêm mạc họng bị viêm tái đi tái lại khiến các nang lympho phát triển quá mức, tạo thành các trụ giả. Các đốm hạt xuất hiện ở thành sau họng thường có màu đỏ hoặc hồng lồi cao, gây ra cảm giác cộm vướng vô cùng khó chịu.
Viêm họng teo:
Viêm họng teo là giai đoạn cuối cùng của bệnh viêm họng mãn tính. Viêm họng hạt không được điều trị lâu ngày sẽ chuyển sang giai đoạn teo với nang tân và tuyến nhầy bị xơ hóa. Niêm mạc họng trở nên trắng bệch, dịch nhầy khô gây ra cảm giác khó chịu khi nuốt.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính không giống với viêm họng cấp. Nếu như viêm họng cấp chủ yếu do nhiễm virus và vi khuẩn thì viêm họng mãn tính thường bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:
Do mắc các bệnh viêm đường hô hấp mãn tính:
Những người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang mãn tính… sẽ có nguy cơ bị viêm họng cao hơn. Lý do là các bệnh lý này khiến cho lưu thông mũi bị cản trở, người bệnh có xu hướng thở bằng miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, virus và các chất dị ứng, kích ứng đi vào cổ họng.
Dị hình cấu trúc mũi - xoang:
Các dị hình ở mũi - xoang như polyp mũi, polyp xoang, lệch vách ngăn mũi,... là những điều kiện thuận lợi gây viêm họng mãn tính. Dị hình cấu trúc mũi - xoang khiến cho dịch tiết hô hấp luôn chảy xuống cổ họng thay vì được dẫn lưu qua khoang mũi. Tăng tiết đờm khiến cho vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập gây viêm, phù nề niêm mạc họng.
Do chất dị ứng, kích ứng:
Viêm họng mãn tính có thể là kết quả do niêm mạc họng phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, sợi bông, rượu bia, mạt bụi, khói thuốc lá, phấn hoa,... Hiện nay, chất lượng không khí giảm thấp nên tỷ lệ mắc các bệnh viêm đường hô hấp nói chung và viêm họng mãn tính nói riêng không ngừng gia tăng.
Cơ địa dị ứng:
Người có cơ địa dị ứng dễ mắc phải các bệnh hô hấp trên như viêm mũi dị ứng, viêm xoang và viêm họng. Cơ địa mẫn cảm khiến cho cơ thể phản ứng thái quá với các tác nhân như bào tử nấm mốc, phấn hoa, lông chó mèo,... Các tác nhân này thường có kích thước nhỏ, dễ dàng tiếp cận với mũi, xoang và họng.
Hệ miễn dịch suy giảm:
Sức đề kháng kém là yếu tố thuận lợi để các bệnh viêm đường hô hấp nói chung và viêm họng nói riêng bùng phát. Do đó, người bị tiểu đường, suy gan, nhiễm HIV,... sẽ có nguy cơ mắc bị viêm họng mãn tính.
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm họng mãn tính không gây ra triệu chứng rầm rộ như viêm họng cấp tính. Thường gặp nhất là triệu chứng cơ năng và có thể quan sát thấy bệnh tích ở thành sau họng. Trong khi đó, viêm họng cấp thường bắt đầu bằng các triệu chứng toàn thân.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm họng mãn tính:
- Cổ họng khô, nóng, rát kèm theo cảm giác ngứa họng vô cùng khó chịu.
- Vướng họng, đặc biệt rõ rệt sau khi ngủ dậy.
- Cổ họng luôn có đờm gây ra cảm giác vướng, khó chịu nên bệnh nhân có xu hướng khạc đờm để long đờm (đờm dính, dẻo).
- Nghẹn khi nuốt nhưng không đau nhiều như viêm họng cấp.
- Có thể kèm theo ho, mức độ ho tăng lên khi thời tiết chuyển lạnh và ho nhiều vào ban đêm.
- Khàn giọng không liên tục, giọng thường bị khàn khi nói nhiều, uống rượu, hút thuốc lá,...
- Quan sát cổ họng sẽ nhận thấy những dấu hiệu bất thường như niêm họng đỏ, ướt, xuất hiện các hạt nhỏ màu đỏ (viêm họng xuất tiết).
- Trường hợp viêm họng hạt sẽ xuất hiện các đám hạt nhỏ màu hồng hoặc đỏ, nổi cộm rõ rệt so với thành sau họng.
- Viêm họng theo đặc trưng bởi tình trạng eo họng rộng ra, niêm mạc nhẵn, bề mặt xuất hiện mạch máu nhỏ, dịch nhầy khô biến thành vảy dính.
Nhìn chung, triệu chứng của viêm họng mãn tính không quá đặc trưng như viêm họng cấp. Dấu hiệu thường gặp nhất là nóng rát, khô và ngứa họng. Những triệu chứng này thường có mức độ không đáng kể nên bị xem nhẹ, bệnh nhân chủ quan không thăm khám và điều trị.
Viêm họng là bệnh viêm đường hô hấp trên phổ biến. Nếu triệu chứng nhẹ, có thể chủ động điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trường hợp viêm họng mãn tính tái đi đi tái lại, triệu chứng kéo dài dai dẳng không dứt,... nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Chẩn đoán viêm họng mãn tính tương đối đơn giản, chủ yếu dựa vào khám lâm sàng và khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh lý. Nếu nghi ngờ có polyp mũi, xoang,... bác sĩ có thể yêu cầu nội soi để xác định nguyên nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm họng mãn tính hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu kết hợp kiểm soát triệu chứng và loại trừ nguyên nhân. Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc giảm triệu chứng, bệnh có thể tái đi tái lại và gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Do đó, không nên tự ý điều trị mà nên thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán, xác định nguyên nhân và tư vấn cụ thể hướng điều trị, chăm sóc hợp lý.
Trường hợp chủ quan không điều trị sẽ lần lượt phát triển qua các giai đoạn là viêm họng xuất tiết, viêm họng hạt (viêm họng quá phát) và viêm họng teo. Họng là cửa ngõ bảo vệ cơ thể. Khi niêm mạc họng bị viêm lâu ngày sẽ làm suy giảm hàng rào bảo vệ, từ đó gia tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp mãn tính như viêm phế quản, viêm khí phế quản, viêm thanh quản.
Trong giai đoạn tiến triển, có thể xen kẽ những đợt cấp tính như viêm amidan cấp và áp xe amidan. Thực tế, các bệnh viêm đường hô hấp trên không quá nghiêm trọng nhưng lại gây ra nhiều phiền toái, cản trở trong quá trình sinh hoạt, học tập, làm việc.
Ngoài ra, tình trạng ho nhiều vào ban đêm sẽ gây ra tình trạng mất ngủ, suy nhược cơ thể và suy nhược thần kinh. Để phòng ngừa các biến chứng của bệnh viêm họng mãn tính, cách tốt nhất là thăm khám và điều trị sớm.
Điều trị
Viêm họng mãn tính rất khó điều trị, dễ tái phát và tiến triển dai dẳng, kéo dài. Trên thực tế, đa phần bệnh nhân đều tự ý điều trị bằng cách dùng thuốc long đờm, giảm ho, thông họng. Tuy nhiên, thuốc chỉ làm giảm các triệu chứng thông thường. Để điều trị bệnh dứt điểm, cần có kế hoạch điều trị khoa học và cụ thể.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm họng mãn tính bao gồm:
Sử dụng thuốc
Dùng thuốc không thể điều trị viêm họng mãn tính dứt điểm nhưng cũng có thể kiểm soát triệu chứng hữu hiệu. Tùy theo loại viêm họng mạn mà bác sĩ/ dược sĩ sẽ chỉ định loại thuốc hợp lý. Những đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ mang thai, sau sinh,... có thể dùng các sản phẩm hỗ trợ chiết xuất từ thảo dược.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm họng mãn tính bao gồm:
- Sử dụng các dung dịch súc miệng có đặc tính sát khuẩn, làm dịu như dung dịch kiềm BBM, dung dịch chứa Chlorhexidine,...
- Điều trị khí dung bằng hydrocortison và kháng sinh
- Chấm họng bằng glycerin borat 3%, có thể dùng mỡ thủy ngân 1% hoặc glycerin iot 0.5% để loại bỏ vảy dính ở thành họng (trường hợp viêm họng teo).
- Có thể ngậm thêm kẹo thông họng, giảm ho chiết xuất bạc hà, hương nhu, lá thường xuân, mật ong,...
Trường hợp nhẹ có thể súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng để sát khuẩn. Kiên trì thực hiện giúp làm sạch đờm, dịch tiết và làm dịu cổ họng rõ rệt.
Đốt điện, đốt nito lạnh
Trường hợp viêm họng hạt gây cộm, vướng khiến cổ họng nhạy cảm, dễ buồn nôn,... có thể cân nhắc đốt điện hoặc đốt nito lạnh. Các hạt ở thành sau họng đều là nang lympho quá phát mà thành. Khi can thiệp đốt điện/ đốt nilo lạnh, cảm giác vướng, khó chịu sẽ thuyên giảm đáng kể.
Đốt viêm họng hạt giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng cơ năng. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa, tình trạng có nguy cơ tái phát cao. Hơn nữa, chi phí đốt viêm họng hạt cũng không thấp nên sẽ được cân nhắc trong trường hợp cần thiết.
Phẫu thuật
Viêm họng tái đi tái lại đôi khi do dị hình vách ngăn và polyp mũi xoang. Trong trường hợp này, phẫu thuật sẽ được chỉ định để đảm bảo sự lưu thông của mũi. Khi giải quyết dị hình vách ngăn và loại bỏ polyp, dẫn lưu dịch tiết hô hấp sẽ được bình thường hóa.
Điều trị các bệnh viêm đường hô hấp khác
Viêm họng mãn có thể là kết quả của các bệnh viêm đường hô hấp mãn tính khác như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản,... Để có thể giải quyết triệt để, nên điều trị đồng thời các bệnh hô hấp đi kèm. Có như vậy, ổ viêm ở mũi, xoang và amidan mới được loại bỏ cùng lúc, qua đó tình trạng tái phát viêm họng và các bệnh viêm đường hô hấp sẽ được hạn chế ở mức tối đa.
Tránh các yếu tố kích thích
Không giống với viêm họng cấp tính, viêm họng mãn có thể là kết quả do niêm mạc họng tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố kích thích. Các yếu tố này khiến cho niêm mạc họng trở nên nhạy cảm, dễ bị sưng viêm, phù nề,...
Bên cạnh các phương pháp y tế, phải kết hợp với phòng tránh các yếu tố kích thích mới có thể kiểm soát bệnh hoàn toàn. Các biện pháp nên được áp dụng bao gồm:
- Cai thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê để giảm kích thích lên cổ họng.
- Trong thời gian điều trị, nên tránh thức ăn cay và nhiều gia vị.
- Đeo khẩu trang để tránh hít phải bào tử nấm mốc, khói bụi, bụi vải, mạt bụi, lông chó mèo, phấn hoa, hóa chất,...
- Thường xuyên súc họng và giữ vệ sinh răng miệng để làm sạch dị nguyên và chất kích thích “vô tình” đi vào mũi - họng.
Nếu loại bỏ được những yếu tố kích thích, triệu chứng của bệnh viêm họng mãn tính sẽ được kiểm soát nhanh chóng. Các biện pháp này giữ vai trò “mấu chốt’ trong việc điều trị và ngăn ngừa bệnh tái đi tái lại.
Các biện pháp chăm sóc
Dùng thuốc mang lại hiệu quả nhưng không được khuyến khích vì có thể gây ra tác dụng phụ nếu lạm dụng. Do đó, trong thời gian điều trị, nên kết hợp với các biện pháp chăm sóc như:
- Hạn chế nói quá to, nói nhiều để giảm kích thích lên niêm mạc họng.
- Kiêng thức ăn nhiều gia vị, thay vào đó ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm mềm, nhạt và nên dùng thức ăn ấm thay vì đồ lạnh.
- Kết hợp tân dược với các vị thuốc tự nhiên như mật ong, gừng, bạc hà, lá quế… trong món ăn để cải thiện viêm họng mãn tính hiệu quả.
- Giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe.
- Không nên thức khuya, làm việc quá sức và hạn chế stress trong thời gian điều trị. Nếu không chú ý điều chỉnh, sức đề kháng suy giảm sẽ khiến cho viêm họng trở nên dai dẳng, khó điều trị.
- Nên uống nhiều nước trong thời gian điều trị để làm dịu cổ họng và giảm độ đặc của đờm.
Phòng ngừa
Viêm họng nói chung và viêm họng mãn tính nói riêng có nguy cơ tái phát cao. Sau khi điều trị, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Giữ vệ sinh răng miệng, thường xuyên rửa mũi và súc họng để tránh viêm nhiễm.
- Hạn chế tiếp xúc với người đang bị viêm đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là khi đến bệnh viện và những nơi đông người.
- Tiêm ngừa một số loại vaccine như cúm A, vaccine phế cầu, ho gà,...
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống điều độ,...
- Cai thuốc lá, hạn chế rượu bia và tránh tiếp xúc với hóa chất, phấn hoa, mạt bụi, bào tử nấm mốc,...
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, có thể trồng thêm cây xanh và dùng thiết bị lọc không khí để loại bỏ các dị nguyên.
- Giữ ấm cơ thể khi vào mùa lạnh.
- Điều trị sớm các bệnh viêm đường hô hấp có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển mãn tính, tái đi tái lại thường xuyên.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Viêm họng mãn tính có nguy hiểm không?
2. Viêm họng mãn tính có khỏi được không?
3. Bị viêm họng mãn tính có gây ung thư không?
4. Viêm họng mãn có lây không?
5. Phòng ngừa viêm họng mãn tính bằng cách nào?
6. Bị viêm họng mạn nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện bệnh?
7. Kháng sinh có chữa được viêm họng mãn tính không?
Viêm họng mãn tính gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống do đặc tính dai dẳng, kéo dài, tái đi tái lại. Nếu tình trạng không có cải thiện khi tự điều trị, tìm gặp bác sĩ là điều cần thiết. Không nên để viêm họng kéo dài làm suy giảm hàng rào bảo vệ cơ thể, kéo theo một loạt các biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.