Bệnh Viêm Amidan
Bệnh viêm amidan xảy ra khi amidan bị sưng viêm do nhiễm virus, vi khuẩn. Bệnh thường gặp ở người có thể địa dị ứng, hệ miễn dịch suy giảm, sống trong môi trường ô nhiễm, vệ sinh răng miệng kém,... Điều trị viêm amidan sớm và đúng cách sẽ tránh được nguy cơ tái phát, phòng ngừa biến chứng và hạn chế phải can thiệp ngoại khoa.
Tổng quan
Amidan là cơ quan quan trọng, có chức năng sản sinh kháng thể nhằm bảo vệ cơ thể nói chung và cơ quan hô hấp dưới nói riêng. Vì nằm ở vị trí "cửa ngõ" nên amidan rất dễ bị viêm nhiễm do sự tấn công của các loại virus và vi khuẩn.
Bệnh viêm amidan là tình trạng amidan bị viêm, phù nề. Vị trí bị viêm nhiễm thường là amidan khẩu cái nằm ở hai bên cổ họng, nhưng cũng có thể xảy ra ở amidan lưỡi, amidan vòi…
Triệu chứng của bệnh viêm amidan khá giống với viêm họng nên dễ bị nhầm lẫn. Nhìn chung, bệnh lý này có thể được kiểm soát nếu điều trị đúng cách. Trường hợp chủ quan, bệnh có thể tái đi tái lại gây phì đại dẫn đến việc phải can thiệp phẫu thuật. Viêm amidan gặp ở trẻ nhỏ nhiều hơn so với người trưởng thành.
Phân loại bệnh
Giống như viêm họng, viêm amidan được chia thành 2 loại là cấp tính và mãn tính.
- Viêm amidan cấp tính: Viêm amidan cấp thường xảy ra do nhiễm virus, vi khuẩn và có thể xuất hiện đồng thời với viêm họng cấp, bệnh ho gà, cúm, bạch hầu,... Triệu chứng khởi phát đột ngột, diễn tiến và thoái lui nhanh.
- Viêm amidan mãn tính: Viêm amidan mãn tính là tình trạng amidan bị viêm dai dẳng, thường xuyên và tái phát các đợt cấp tính nhiều lần. Có hai dạng viêm amidan mãn tính là viêm amidan quá phát và viêm amidan xơ teo. Triệu chứng thường không đột ngột, rõ rệt như viêm amidan cấp nhưng có đặc tính dai dẳng, hay tái phát.
Xem thêm: Trẻ bị viêm amidan nên ăn gì, kiêng gì cho nhanh khỏi?
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tình trạng viêm ở amidan có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ có thể gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, bệnh tái đi tái lại gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Các nguyên nhân gây ra bệnh viêm amidan:
- Do virus, vi khuẩn: Viêm amidan có thể xảy ra do nhiễm virus (Adenovirus, Rhinovirus,virus cúm, Influenza) và vi khuẩn (liên cầu, tụ cầu,...). Trong một số trường hợp, vi khuẩn thường trú trong khoang miệng có thể phát triển mạnh gây viêm amidan và viêm họng.
- Thời tiết thay đổi: Thay đổi thời tiết đột ngột là điều kiện lý tưởng để nấm mốc, virus phát triển mạnh trong không khí. Thông qua hô hấp, virus, vi khuẩn có thể đi vào cổ họng gây viêm họng và viêm amidan. Đây cũng là lý do các bệnh viêm đường hô hấp thường bùng phát mạnh vào mùa lạnh, đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa.
- Môi trường sống ô nhiễm: Sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp nói chung và bệnh viêm amidan nói riêng. Vệ sinh kém, điều kiện sinh hoạt thấp là những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Cơ địa dị ứng, sức đề kháng kém: Cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng và hệ miễn dịch suy giảm là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, những người có thể địa nhạy cảm sẽ dễ dị ứng với khói bụi, mạt bụi, bào tử nấm mốc có trong không khí, dẫn đến tình trạng viêm ở amidan, họng, mũi, xoang,...
- Mắc các bệnh viêm nhiễm hô hấp, răng miệng: Các ổ viêm nhiễm lân cận như viêm xoang, viêm VA, viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng,... là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm amidan.
- Sức đề kháng giảm: Hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn và các tác nhân có hại. Khi sức đề kháng suy giảm, các tác nhân này dễ dàng tấn công và gây viêm amidan. Hệ miễn dịch suy giảm thường gặp ở người có chế độ dinh dưỡng kém, nhiễm HIV, suy gan, tiểu đường, stress, rối loạn nội tiết…
Nguyên nhân gây viêm amidan cấp và mãn tính giống nhau. Về bản chất, viêm amidan mãn tính chính là hiện tượng tái phát nhiều lần của các đợt cấp tính.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của viêm amidan có sự khác biệt đôi chút tùy theo viêm amidan cấp tính hay mãn tính. Tuy nhiên, nhìn chung có thể dễ dàng nhận biết bệnh lý này thông qua các triệu chứng sau:
- Viêm amidan cấp thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau nhức, sốt cao, ớn lạnh,...
- Cổ họng đau rát, mức độ đau tăng lên khi nuốt và nói chuyện.
- Quan sát cổ họng nhận thấy amidan hai bên sưng to, bề mặt có chất nhầy trong suốt hoặc có bựa trắng (thường do vi khuẩn liên cầu)
- Sưng hạch cổ, nghẹt mũi, chảy nước mũi, kho khan và khàn giọng nhẹ
- Viêm amidan mãn tính thường không có triệu chứng toàn thân. Tuy nhiên, tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ gây ra một số biểu hiện như sốt nhẹ về chiều, người gầy yếu, da xanh xao,...
- Đau họng nhưng không quá nghiêm trọng, amidan sưng gây ra cảm giác nuốt vướng
- Hơi thở có mùi hôi, khàn tiếng, ho nhẹ
- Viêm amidan mãn tính có thể gây quá phát/ phì đại amidan dẫn đến tình trạng thở khò khè, ngủ ngáy
- Một số trường hợp amidan xuất hiện các hốc mủ do viêm nhiễm lâu ngày
Viêm amidan thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Dù là bệnh hô hấp khá phổ biến nhưng không nên chủ quan khi mắc phải. Bởi nếu tái phát nhiều, amidan sẽ bị phì đại cần can thiệp phẫu thuật.
Nếu viêm amidan gây đau nhiều và tái phát nhiều hơn 3 lần/ năm, nên thăm khám để bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân. Qua đó lên kế hoạch điều trị, chăm sóc hợp lý giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.
Bác sĩ sẽ khám cổ họng và khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh lý để chẩn đoán viêm amidan. Trường hợp cần thiết có thể xét nghiệm công thức máu, test Viggo-Schmidt, test Le Mée, xét nghiệm ASLO,...
Biến chứng và tiên lượng
Viêm amidan cần được điều trị sớm và đúng cách để phòng ngừa biến chứng. Về bản chất, amidan có chức năng như hạch bạch huyết với khả năng tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể. Tình trạng viêm amidan kéo dài sẽ khiến cho hàng rào bảo vệ bị suy giảm, cơ thể dễ mắc phải các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới.
Amidan có cấu tạo nhiều rãnh kẽ bên trong nên vi khuẩn, virus có thể thuận lợi trú ngụ và phát triển. Nếu không điều trị, bệnh viêm amidan sẽ gây ra nhiều biến chứng.
Biến chứng tại chỗ là viêm tấy quanh amidan, áp xe thành bên họng và áp xe quanh amidan. Các biến chứng này đều gây sốt, đau nhức nhiều, ảnh hưởng đáng kể đến ăn uống và sinh hoạt.
Một số trường hợp có thể phát triển các biến chứng lân cận như viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm mũi họng và viêm khí - phế quản. Các biến chứng xa như bệnh thấp tim, bệnh thấp khớp và viêm cầu thận cấp cũng có thể xảy ra.
Có thể thấy, viêm amidan gây ra rất nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách. Do đó, dù xảy ra ở trẻ em hay người lớn, chủ động thăm khám là điều cần thiết. Đa phần các trường hợp điều trị đúng cách, tích cực đều sẽ có đáp ứng tốt, bệnh thuyên giảm nhanh và ít tái phát.
Điều trị
Điều trị viêm amidan phụ thuộc vào tình trạng của từng trường hợp. Trong giai đoạn cấp, triệu chứng rầm rộ, điều trị chủ yếu là dùng thuốc để kiểm soát nhanh triệu chứng. Ở giai đoạn mãn tính, điều trị đa dạng hơn, có thể là các phương pháp bảo tồn hoặc phẫu thuật khi cần thiết.
Các phương pháp điều trị được cân nhắc cho bệnh viêm amidan:
Sử dụng thuốc
Các loại thuốc được dùng để điều trị viêm amidan chủ yếu là thuốc giảm triệu chứng. Trường hợp amidan bị viêm nhiễm do liên cầu, tụ cầu,... sẽ được cân nhắc dùng kháng sinh.
Các loại thuốc dùng để điều trị viêm amidan thông dụng hiện nay:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt (Aspirin, Paracetamol, Ibuprofen,...)
- Súc họng bằng nước muối sinh lý, dung dịch BBM, dung dịch chứa Chlorhexidine,...
- Thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân
Cắt amidan
Trường hợp viêm amidan tái phát nhiều lần, amidan bị phì đại gây ngưng thở khi ngủ, thở bằng miệng hoặc trường hợp đã xuất hiện biến chứng sẽ được cân nhắc cắt amidan. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được thực hiện khi ổ viêm cấp ở khoang họng đã được kiểm soát.
Đối tượng mắc các bệnh về máu, suy gan, suy tim, suy thận và tiểu đường cũng không thể cắt amidan. Để đảm bảo an toàn, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người trên 50 tuổi cũng có chống chỉ định tương đối với phương pháp này.
Sau khi cắt amidan, tình trạng viêm nhiễm sẽ được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, khi không có amidan, khả năng miễn dịch, bảo vệ ở vùng hầu họng sẽ giảm đi đáng kể. Vì vậy, cần phải có các biện pháp chăm sóc hợp lý để bảo vệ đường hô hấp trên và dưới.
Các phương pháp cắt amidan được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:
- Cắt amidan bằng dao điện lưỡng cực, đơn cực
- Cắt amidan bằng laser, dao plasma
- Cắt amidan không dùng nhiệt bằng máy cắt hút (microdebrider), Sluder, Anse,...
Các biện pháp chăm sóc
Như đã đề cập, amidan là cơ quan có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể. Khi amidan bị viêm nhiễm, khả năng phòng vệ của cơ thể suy giảm đáng kể. Vì vậy, nên kết hợp các biện pháp chăm sóc để đẩy lùi triệu chứng nhanh và hạn chế bệnh tiến triển gây ra nhiều biến chứng.
Các biện pháp chăm sóc giúp cải thiện viêm amidan:
- Uống nước ấm, hạn chế thức ăn, đồ uống lạnh và nhiều gia vị.
- Kiêng rượu bia, cà phê, cai thuốc lá.
- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích như khói thuốc, hóa chất, bào tử nấm mốc, phấn hoa, lông thú cưng,... để giảm kích thích lên amidan và niêm mạc họng.
- Nên nghỉ ngơi tại nhà 1 - 2 ngày để nâng đỡ cơ thể, giảm mệt mỏi.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, ngủ nghỉ đúng giờ để hạn chế stress và nâng cao sức đề kháng.
- Bổ sung trái cây, nước ép để cân bằng điện giải, tránh mất nước khi bị viêm amidan cấp.
- Ngậm nước muối, súc họng thường xuyên và chú ý khâu vệ sinh răng miệng.
- Hạn chế tiếp xúc và sử dụng đồ dùng sinh hoạt với người khác để lây nhiễm bệnh.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, tránh tắm nước lạnh.
Phòng ngừa
Viêm amidan, viêm họng, viêm VA,... là những bệnh hô hấp dễ tái phát. Những cơ quan này nằm ở vị trí “cửa ngõ” nên có nguy cơ cao tiếp xúc với virus, vi khuẩn và các yếu tố kích thích. Hơn nữa, bên trong khoang miệng cũng có rất nhiều vi khuẩn thường trú, khi có điều kiện có thể phát triển gây viêm amidan và viêm họng.
Để phòng ngừa bệnh viêm amidan, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Nâng cao hệ miễn dịch giúp hạn chế nguy cơ bị viêm amidan và các bệnh viêm đường hô hấp khác. Có thể cải thiện sức đề kháng bằng cách ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng và tập thể dục điều độ.
- Cai thuốc lá, hạn chế sử dụng bia rượu.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài và khi đến những nơi có nhiều bụi, phấn hoa, hóa chất,...
- Vào thời tiết lạnh, nên giữ ấm cơ thể, tránh để bị ướt gây nhiễm lạnh và nên hạn chế uống nước đá,...
- Tránh tiếp xúc gần với người đang bị các bệnh viêm đường hô hấp.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, súc họng và rửa mũi hằng ngày sẽ giúp phòng ngừa viêm amidan hiệu quả.
- Điều trị sớm, triệt để các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm VA,... Ngoài ra, nên kiểm soát các vấn đề răng miệng để tránh vi khuẩn lây lan gây viêm amidan.
- Cắt amidan khi được bác sĩ chỉ định.
- Tiêm ngừa cúm A, ho gà, bạch hầu,...
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh viêm amidan có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng gì không?
2. Viêm amidan có lây không?
3. Bị viêm amidan nên làm gì để cải thiện triệu chứng?
4. Bé bị viêm amidan có cần uống kháng sinh?
5. Thuốc có điều trị viêm amidan dứt điểm không?
6. Viêm amidan tái phát nhiều lần do đâu?
7. Phòng ngừa viêm amidan tái phát bằng cách nào?
8. Có nhất định phải cắt amidan khi bị viêm amidan hay không?
Viêm amidan là bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng có thể gây ra biến chứng nếu chủ quan không điều trị. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn đọc chủ động phát hiện, điều trị và chăm sóc khi mắc phải bệnh lý này. Nếu triệu chứng dai dẳng hoặc có mức độ nghiêm trọng, nên sắp xếp thời gian đến gặp Bác sĩ Tai mũi họng.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 cách chữa viêm amidan cho trẻ tại nhà hiệu quả, an toàn
- 7 cách chữa viêm amidan bằng thảo dược tự nhiên hay nhất