Người bệnh viêm loét đại tràng mạn tính cần biết những điều này

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh viêm loét đại tràng mạn tính là tình trạng viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần gây ra các vết loét ở niêm mạc ruột già. Căn bệnh này kéo dài dai dẳng khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên bạn vẫn có thể kiểm soát tốt bệnh nếu kiên trì thực hiện theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Bệnh viêm loét đại tràng mạn tính
Bệnh viêm loét đại tràng mạn tính là một dạng viêm ruột phổ biến ở nước ta

Nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại tràng mạn tính

Đến nay, nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại tràng mãn vẫn chưa được xác định rõ. Mặc dù vậy, các nhà khoa học đã chỉ ra một số yếu tố liên quan đến sự khởi phát của bệnh như:

  • Di truyền: Một số bệnh nhân bị viêm loét đại tràng mạn tính có người thân cũng mắc bệnh tương tự. Điều này cho thấy bệnh có tính chất di truyền.
  • Điều kiện sống: Môi trường sống bị ô nhiễm, sử dụng nguồn nước bẩn, ăn các thức ăn chưa được nấu chín… tạo điều kiện để virus, vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể gây ra tình trạng viêm loét mãn tính ở ruột già.
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch: Trong cơ thể, hệ thống miễn dịch đóng vai trò bảo vệ chống lại nhiễm trùng bằng cách giải phóng các tế bào bạch cầu vào máu để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên ở một số người, dù nhiễm trùng đã hết nhưng hệ thống miễn dịch vẫn tiếp tục hoạt động mạnh và tấn công vào chính các tế bào lành ở đại tràng dẫn đến viêm liên tục.
  • Các yếu tố nguy cơ khác: Stress, sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài, ăn nhiều thịt đỏ… cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm loét đại tràng mạn.

Tìm hiểu chi tiết: Những nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng ai ai cũng mắc phải

Triệu chứng nhận biết viêm loét đại tràng mạn tính

Tùy thuộc vào vị trí viêm của đại tràng, trực tràng và mức độ trầm trọng của bệnh mà mỗi bệnh nhân sẽ cảm nhận thấy các triệu chứng khác nhau. Người bệnh có thể bị viêm một phần nhỏ trong đại tràng hoặc nặng hơn là toàn bộ ruột già.

Các dấu hiệu viêm loét đại tràng mãn tính bệnh nhân có thể gặp phải bao gồm:

  • Tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng kéo dài dai dẳng
  • Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội
  • Đi ngoài ra máu
  • Hay mót rặn
  • Táo bón
  • Sụt giảm cân nặng, suy dinh dưỡng
  • Trong người mệt mỏi, yếu ớt
  • Xương giòn và dễ gãy
  • Đau nhức khớp
  • Ăn ngủ kém, mất cảm giác ngon miệng
  • Chướng bụng
  • Thiếu máu, da dẻ xanh xao, hay bị chóng mặt
triệu chứng bệnh viêm loét đại tràng mãn tính
Đau bụng là triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm loét đại tràng mãn tính

Bệnh viêm loét đại tràng mạn tính có nguy hiểm không?

Bệnh viêm loét đại tràng mãn có tính chất dai dẳng, thường xuyên tái đi tái lại nhiều lần trong năm. Không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu, căn bệnh này còn có thể gây ra nhiều biến chứng như:

  • Xuất huyết đại tràng ồ ạt:

Ở người bị viêm loét đại trực tràng mãn, lớp niêm mạc ruột già bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến các vết loét. Càng ngày, tổn thương càng ăn sâu vào trong thành đại tràng và lan rộng gây xuất huyết ồ ạt. Người bệnh gặp biến chứng này sẽ thường xuyên bị đi ngoài ra máu, từ đó dẫn đến thiếu máu trầm trọng. Nếu không được xử lý kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.

  • Phình giãn và thủng đại tràng:

Bệnh viêm loét đại tràng mạn tính tái lại nhiều lần sẽ khiến thành đại tràng ngày càng bị bào mỏng, phình giãn to. Bệnh nhân có nguy cơ bị thủng đại tràng rất cao.

Bệnh nhân cần thận trọng với biến chứng này khi gặp các triệu chứng như: Đau bụng dữ dội, đầy hơi, bụng chướng căng…

  • Ung thư đại tràng:

Viêm loét đại tràng mãn tiến triển qua nhiều năm có thể gây ung thư đại tràng. Nguyên nhân là do các tế bào biểu mô ở niêm mạc đại tràng bị tổn thương kéo dài dẫn đến loạn sản và biến đổi thành ác tính.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguy cơ bị ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên từ 20-25% khi chúng ta bị viêm đại tràng mạn tính. Trường hợp chúng ta bị viêm toàn bộ đại tràng trong vòng 25 năm thì nguy cơ mắc ung thư sẽ tăng lên 30%.

Có thể thấy, các biến chứng của bệnh viêm loét đại tràng mạn tính đều rất nguy hiểm. Do vậy, bệnh nhân cần chủ động đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh và tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ nhằm kiểm soát tốt bệnh, tránh gặp phải các tác hại xấu đối với sức khỏe.

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng, bác sĩ sẽ kiểm tra lịch sử y tế và xem xét các triệu chứng bạn đang gặp phải. Nếu nghi ngờ mắc căn bệnh này, bạn sẽ được nội soi đại trực tràng để kiểm tra tình tràng viêm nhiễm, mức độ tổn thương bên trong, đồng thời lấy mẫu sinh thiết giúp xác định nguyên nhân gây bệnh và tầm soát ung thư.

Một số xét nghiệm và thủ thuật khác có thể được chỉ định nhằm phục vụ cho công tác chẩn đoán bệnh như:

  • Xét nghiệm máu:

Xét nghiệm máu được thực hiện để xác định cả số lượng hồng cầu và bạch cầu. Số lượng hồng cầu thấp có thể chỉ ra bạn đang bị thiếu máu, do chảy máu trong đại tràng và trực tràng. Các tế bào bạch cầu tăng cao cho thấy ruột già đang bị viêm, nhiễm trùng.

  • Cấy phân:

Một mẫu phân sẽ được đem vào phòng thí nghiệm giúp xác định loại vi khuẩn khiến bạn bị viêm đại tràng.

  • Chụp MRI, CT Scan:

Ngoài nội soi, xét nghiệm máu và phân thì bạn còn có thể được chỉ định chụp MRI, CT Scan để xác định khu vực nào của trực tràng và đại tràng bị viêm.

→Xem thêm: Nội soi đại tràng: Quy trình, kỹ thuật thực hiện

Cách điều trị bệnh viêm loét đại tràng mạn tính

Dùng thuốc và phẫu thuật là những phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân viêm loét đại tràng mãn tính. Mục tiêu điều trị là ngăn chặn các đợt viêm, kéo dài thời gian ổn định của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

1. Dùng thuốc chữa bệnh viêm loét đại tràng mãn tính

Có hai nhóm thuốc phổ biến được chỉ định để điều trị căn bệnh này bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm: Các thuốc thường dùng là Corticosteroid (prednison), Mesalamine, 5-ASA (axit 5-aminosalicylic) – Sulfasalazine hay Olsalazine.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách can thiệp vào sự phát triển của các tế bào và protein dẫn đến viêm. Chúng bao gồm 6-MP, Azathioprine, Cyclosporine và Methotrexate.
Thuốc chữa bệnh viêm loét đại tràng mãn tính
Bệnh nhân bị viêm loét đại trực tràng mãn tính thường được điều trị bảo tồn bằng thuốc

Ngoài ra, bạn còn có thể được kê đơn các loại thuốc khác để điều trị nguyên nhân và cải thiện các triệu chứng của bệnh. Chẳng hạn như thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm, thuốc giảm đau, thuốc chống tiêu chảy, thuốc nhuận tràng hay thuốc sắt để cải thiện chứng thiếu máu.

Các thuốc trên nếu không sử dụng đúng cách đều có thể gây ra tác dụng phụ. Hãy dùng thuốc theo đúng hướng dẫn và nói chuyện với bác sĩ nếu bạn gặp bất cứ tác dụng phụ ngoài ý muốn nào trong quá trình dùng thuốc điều trị bệnh tại nhà.

2. Phẫu thuật điều trị bệnh viêm loét đại tràng mạn

Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng có thể được khuyến nghị khi thuốc không có hiệu quả hoặc ruột già bị viêm nhiễm quá nặng dẫn đến biến chứng. Bạn sẽ được cắt bỏ một phần hay toàn bộ ruột già tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ nối thông hai đầu còn lại của đại tràng với nhau hoặc nối ruột non với trực tràng để tạo đường di chuyển cho phân.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt giúp khắc phục bệnh

Dù không thể giúp điều trị khỏi bệnh nhưng việc tuân thủ một chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp sẽ giúp bạn cải thiện được các triệu chứng và hạn chế tái phát bệnh.

# Bị viêm loét đại tràng mạn tính nên ăn uống như thế nào?

Người bị viêm loét đại tràng mãn thường bị sụt cân nên bữa ăn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì được sức khỏe. Mỗi ngày bạn không nên ăn quá 15g chất béo. Ưu tiên ăn các món dễ tiêu hóa và ăn làm nhiều bữa trong ngày để giảm gánh nặng cho đường ruột, giúp tổn thương trong đại tràng nhanh lành hơn.

– Các thực phẩm được khuyên dùng bao gồm: 

  • Nhóm thức ăn chứa tinh bột: Gạo, khoai lang, khoai tây
  • Các thực phẩm giúp cung cấp chất đạm: Cá, thịt nạc hay sữa đậu nành. Tổng lượng chất đạm mỗi ngày nên bổ sung là 1g x trọng lượng cơ thể.
  • Bổ sung chất xơ từ rau xanh, củ, quả. Các loại rau củ nên luộc, hấp hoặc hầm nhừ để dễ tiêu hóa. Với trái cây bạn có thể ép lấy nước uống hoặc say nhuyễn để sử dụng.
  • Sữa chua: Bạn nên ăn 1-2 hũ sữa chua mỗi ngày để bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Loại vitamin này có tác dụng bảo vệ niêm mạc ruột và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bạn có thể tìm thấy vitamin C trong các loại thực phẩm như rau mùi tây, ớt chuông, rau bina và quả mọng.
  • Ưu tiên các thực phẩm giàu kali như chuối hay đu đủ. Chúng giúp nhuận tràng, cân bằng nước và chất điện giải, đồng thời tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng cho cơ thể.

Xem chi tiết: Bị viêm loét đại tràng nên ăn gì để bệnh mau lành?

– Các thực phẩm cần hạn chế hoặc tránh ăn:

  • Thịt mỡ, các món chiên xào
  • Thức ăn chế biến sẵn
  • Rau sống và các món tái nộm chưa được nấu chín
  • Các chất kích thích như bia, rượu, trà, cà phê, socola
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa ( ngoại trừ sữa chua)
  • Các món lên men: Nem chua, dưa cải muối, hành muối
  • Đồ ăn chua cay
Chế độ ăn uống cho người bị viêm loét đại tràng mạn tính
Người bị viêm loét đại tràng mạn tính nên tránh ăn các món chưa được nấu chín

# Lối sống và cách sinh hoạt khi bị bệnh

Việc thay đổi lối sống cũng góp phần đáng kể trong việc kiểm soát bệnh viêm loét đại tràng mạn tính. Trong sinh hoạt hàng ngày bạn cần chú ý:

  • Tránh để đầu óc căng thẳng quá mức: Hướng suy nghĩ đến những điều tích cực và không nên lo lắng quá nhiều về bệnh tật. Bạn có thể quản lý căng thẳng bằng cách sắp xếp thời gian làm việc cho hợp lý, chia sẻ với người thân, đi xem phim, tham gia các hoạt động thể thao, công tác xã hội…
  • Rèn luyện thân thể: Khoa học đã chứng minh, tập thể dục chính là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất giúp nâng cao sức khỏe một cách toàn diện. Nó giúp cải thiện tâm trạng và kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng, làm vết loét ở đại tràng nhanh lành hơn. Bạn có thể tập luyện một số bài tập phù hợp như đi bộ, đạp xe đạp, tập yoga, ngồi thiền…
  • Tránh thức khuya, ngủ đủ giấc
  • Ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa
  • Tránh sử dụng các thuốc kháng viêm, giảm đau bừa bãi bởi chúng có thể khiến bệnh bùng phát và gây ra biến chứng.

Bệnh viêm loét đại tràng mạn tính có thể được kiểm soát tốt nếu bạn tích cực điều trị theo phác đồ của bác sĩ và có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về bệnh tình của mình, bạn hãy tìm đến những người có kinh nghiệm chuyên môn để được tư vấn, tìm ra giải pháp tốt nhất cho bản thân.

Thông tin bài viết cung cấp chỉ có giá trị tham khảo, không thể thay thế cho lời khuyên hay chỉ định điều trị từ nhân viên y tế!

Bạn nên tìm hiểu thêm

Đau đại tràng nằm ở vị trí nào? Có hình ảnh nhận biết

Đau đại tràng là một trong những bệnh lý thuộc bệnh tiêu hóa dần trở nên khá phổ biến hiện...

Hướng dẫn tự tập yoga chữa bệnh viêm đại tràng tại nhà

Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, việc tập luyện Yoga có thể mang lại nhiều lợi ích tích cực cho...

10+ thuốc trị viêm đại tràng tốt nhất – Giảm đau nhanh

Thuốc điều trị viêm đại tràng là một trong những lựa chọn đầu tiên được bệnh nhân ưu tiên sử...

Tiêu thực phục tràng hoàn có tốt không? Đánh giá khách quan từ chuyên gia và người bệnh

Đối với bệnh nhân viêm đại tràng không còn xa lạ với bài thuốc Tiêu thực Phục tràng hoàn của...

Bệnh bệnh đại tràng nên khám ở đâu tốt?

Danh sách Bác sĩ chữa bệnh đại tràng giỏi ở nước ta [CẬP NHẬT MỚI NHẤT]

Với những người bị bệnh đại tràng, tìm được một bác sĩ giỏi để chữa trị là điều mà bất...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *