Nội soi tiêu hóa gồm những gì, khi nào cần thực hiện?
Nội soi tiêu hóa được chỉ định khi hệ tiêu hóa có các triệu chứng bất thường như đau vùng thượng vị, sụt cân bất thường, trào ngược dạ dày thực quản… Vậy phương pháp này được thực hiện như thế nào? Nội soi đường tiêu hóa có đau không? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp được vấn đề này.
Thông tin cần biết về kỹ thuật nội soi tiêu hóa
Đường tiêu hóa là một cơ quan của hệ tiêu hóa, có chức năng chuyển hóa thức ăn từ dạng thô sang dạng tinh bao gồm: Protid, glucosid, lipid, vitamin và các khoáng chất… thành những chất dễ hấp thu để hấp thụ vào máu đi nuôi cơ thể. Nó có hình dạng như một cái ống, bắt đầu từ miệng xuống đến tận hậu môn. Tính từ trên xuống dưới, đường tiêu hóa của chúng ta bao gồm các cơ quan sau: Khoang miệng – thực quản – dạ dày – hành tá tràng và tá tràng – ruột non (gồm hỗng tràng và hồi tràng) – ruột già (đại tràng và trực tràng) – hậu môn.
Vì thức ăn khi đưa vào cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan này, do đó đường tiêu hóa rất dễ bị tổn thương. Những thương tổn đó nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Thậm chí, có thể dẫn đến ung thư. Để tránh mắc phải những vấn đề này, áp dụng các biện pháp thăm khám và điều trị sớm các bệnh đường tiêu hóa là điều cần thiết. Trong đó, nội soi đường tiêu hóa là kỹ thuật thăm khám được dùng phổ biến và mang đến kết quả chính xác cao.
Nội soi tiêu hóa là gì?
Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ phương pháp thăm khám trực tiếp hệ tiêu hóa thông qua các thiết bị, máy móc chuyên biệt. Để thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ luồn một ống nội soi mềm có gắn đầu camera vào đường tiêu hóa. Thông qua camera, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp lớp niêm mạc ống tiêu hóa và những cơ quan cần thiết.
Ống nội soi này có thể được luồn sâu vào ống tiêu hóa thông qua mũi/ họng hoặc qua đường hậu môn. Do đó, nó cũng được chia thành 2 dạng: Nếu luồn qua mũi hoặc họng thì được gọi là nội soi đường tiêu hóa trên. Còn nếu như ống nội soi được luồn qua hậu môn thì gọi là nội soi đường tiêu hóa dưới.
Nhờ có camera được gắn ở đầu ống nội soi, các bác sĩ có thể quan sát được bề mặt và phát hiện ra các tổn thương của các cơ quan ống tiêu hóa như: Thực quản, dạ dày, tá tràng, hành tá tràng, đại tràng… Từ đó có thể chẩn đoán chính xác gần như tuyệt đối các bệnh lý đường tiêu hóa.
Ngoài ra, kỹ thuật này còn có tác dụng test vi khuẩn Hp, dùng để can thiệp điều trị, chẳng hạn như: Thắt búi trĩ, cầm máu, cắt khối u, tiêm xơ, nong hẹp, lấy dị vật… Tùy vào mục đích và vị trí cần kiểm tra mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân nên thực hiện loại nội soi cho phù hợp.
Bạn nên biết: Đang mang thai có nội soi dạ dày được không?
Thông thường, nội soi dạ dày sẽ được chỉ định khi bệnh nhân có các biểu hiện bệnh lý đường tiêu hóa. Cụ thể:
- Đau bụng vùng thượng vị, thường xuyên ợ nóng, ợ chua, buồn nôn và nôn, khó nuốt, nuốt nghẹn, nóng rát vùng xương ức, khó tiêu…
- Bị trào ngược dạ dày thực quản
- Sụt cân bất thường
- Thiếu máu hoặc đi cầu ra máu không rõ nguyên nhân
- Nôn ra máu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, đại tiện ra phân đen
- Mắc các bệnh về hậu môn trực tràng như: Trĩ, polyp trực tràng, u đại tràng…
Ngoài ra, nó cũng được chỉ định để kiểm tra, tầm soát ung thư. Thông qua đó, các bác sĩ sẽ phát hiện những dấu hiệu bất thường trong đường tiêu hóa để đưa ra những phương án điêu trị sớm.
Các kỹ thuật nội soi đường tiêu hóa phổ biến
Kỹ thuật nội soi đường tiêu hóa được chia thành 2 loại cơ bản, bao gồm:
Nội soi tiêu hóa thường
Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi luồn qua đường mũi/ họng (đối với nội soi đường tiêu hóa trên) hoặc đường hậu môn (nội soi đường tiêu hóa dưới) của bệnh nhân mà không sử dụng thuốc gây mê. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ dùng thuốc gây mê để gây mê tại một vị trí nhất định.
Do đó, nội soi trong tình trạng cơ thể hoàn toàn tỉnh táo sẽ khiến bệnh nhân không tránh khỏi cảm giác khó chịu, đau đớn. Nhiều bệnh nhân cảm thấy vô cùng ám ảnh bởi nội soi dạ dày không gây mê.
Nội soi gây mê
Kỹ thuật này còn được gọi với cái tên là nội soi đường tiêu hóa không đau. Bởi trước khi thực hiện nội soi, bác sĩ đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc ngủ an thần. Do đó, nếu băn khoăn nội soi tiêu hóa có đau không thì câu trả lời không nếu bạn thực hiện nội soi gây mê.
Trong quá trình thực hiện nội soi, bệnh nhân được gây mê nên sẽ không có cảm giác gì. Vì thế quá trình này diễn ra rất nhẹ nhàng, thoải mái và bệnh nhân cũng sẽ không bị ám ảnh trong thời gian dài. Đồng thời, có thể tránh được các tổn thương không mong muốn trong khi nội soi do người bệnh cử động, giật mình. Kỹ thuật nội soi dạ dày không đau đặc biệt phù hợp và an toàn đối với những trường hợp có cơ địa nhạy cảm, dễ buồn nôn và nôn, có tâm lý sợ đau.
Xem thêm: Nội Soi Dạ Dày Mất Bao Lâu Thì Xong Và Có Kết Quả
Nội soi đường tiêu hóa có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, kỹ thuật thăm khám này khá an toàn, ít gây tác dụng phụ. Chính vì tính chất an toàn mà nó có thể được chỉ định cho các bệnh nhân ngoại trú, không cần nhập viện. Tuy nhiên, trong quá trình nội soi, bệnh nhân có thể bị đau bụng, buồn nôn, khó chịu. Một số ít trường hợp còn có thể bị xước niêm mạc đường ruột, họng, chảy máu mũi… Nhưng những biến chứng này hiếm khi xảy ra.
Một số lưu ý khi tiến hành nội soi tiêu hoá
Để đảm bảo cho quá trình nội soi dạ dày diễn ra thuận lợi, an toàn bệnh nhân cần chú ý một số điều sau đây:
Trước khi nội soi:
- Nên nhịn ăn ít nhất là 6 tiếng đồng hồ trước khi tiến hành nội soi. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tránh được tình trạng sặc thức ăn, đồng thời giúp cho quá trình quan sát niêm mạc đường tiêu hóa của bác sĩ được dễ dàng và rõ nét.
- Trước khi nội soi chỉ nên uống ít nước lọc. Không uống các loại nước có màu như sữa, nước ngọt, các loại thuốc có tác dụng cản quang…
- Nên có người thân đi cùng khi đi nội soi dạ dày.
- Thông báo với các bác sĩ về những loại thuốc mà bản thân đang dùng. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên thông báo đầy đủ với các bác sĩ về tiền sử bệnh lý, các thực phẩm, các loại thuốc hoặc các chất khiến bản thân dị ứng.
- Trước khi nội soi khoảng vài ngày, người bệnh không nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, nên sử dụng các món ăn loãng như súp, cháo.
Sau khi nội soi:
- Sau quá trình nội soi, bệnh nhân nên ở lại bệnh viện thêm 1 – 2 tiếng để tiện cho việc theo dõi và xử lý biến chứng nếu có.
- Người vừa thực hiện thăm khám không nên tự lái xe về nhà, đặc biệt là đối với các trường hợp có nội soi gây mê.
- Sau khi nội soi, không nên ăn liền. Bởi lúc này, hệ tiêu hóa chưa được ổn định, nếu ăn lúc này có thể sẽ khiến cho bệnh nhân bị nôn. Khoảng 30 phút sau, khi cảm thấy đã bình thường trở lại, nên bổ sung các thức ăn mềm, uống sữa nguội.
- Tránh sử dụng các thức ăn cay, nóng, không khạc nhổ và súc miệng bằng nước muối loãng.
- Khi đã trở về nhà, nếu thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần quay trở lại bệnh viện để được theo dõi và xử lý.
Trên đây là những thông tin cần biết về nội soi đường tiêu hóa và một vài điều cần lưu ý. Kỹ thuật thăm khám này mang đến nhiều ưu điểm, do đó bệnh nhân có thể tham khảo và lựa chọn để khám bệnh cho bản thân. Nhưng để bảo đảm an toàn, bệnh nhân cũng nên lựa chọn các trung tâm y tế uy tín để thực hiện.
Có thể bạn quan tâm:
- Nội Soi Dạ Dày Và Đại Tràng Cùng Lúc Có Sao Không?
- Nội Soi Dạ Dày Qua Đường Mũi: Quy Trình Và Chi Phí Thực Hiện
ThuocDanToc.vn không đưa ra bất kì lời khuyên, tham vấn, chẩn đoán y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!