Bệnh Viêm Mủ Màng Phổi

Bệnh viêm mủ màng phổi thường thứ phát sau nhiễm khuẩn ở các cơ quan như phổi, màng phổi, ổ bụng, thành ngực… Nếu được phát hiện sớm, bệnh lý này có thể được kiểm soát hoàn toàn trong vòng 4 - 6 tuần. Trường hợp chủ quan sẽ khiến khoang màng phổi bị xơ hóa gây chèn ép phổi, suy hô hấp mãn tính, thể trạng suy kiệt.

Tổng quan

Bệnh viêm mủ màng phổi (Empyema) là tình trạng màng phổi bị viêm và có hiện tượng ứ mủ. Mủ có màu nâu nhạt hoặc trắng đục với thành phần chính là xác bạch cầu đa nhân, vi khuẩn, tế bào chết… Tác nhân gây bệnh thường là vi khuẩn gram âm, phế cầu khuẩn, tụ cầu, liên cầu và các loại vi khuẩn thường gặp khác.

viêm mủ màng phổi
Bệnh viêm mủ màng phổi là tình trạng màng phổi bị viêm kèm theo hiện tượng ứ mủ

Viêm mủ màng phổi thường thứ phát sau các bệnh lý nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm màng phổi hoặc viêm nhiễm ở những cơ quan xa hơn như ổ bụng, thành ngực, trung thất, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra, viêm mủ màng phổi cũng có thể xảy ra do vi khuẩn lao.

Thông thường, màng phổi rất ít khi bị viêm nhiễm nhờ có sức đề kháng tốt. Nhiều trường hợp có vi khuẩn hiện diện nhưng không phát triển thành viêm mủ màng phổi. Do đó, nguy cơ gặp phải bệnh lý này sẽ phụ thuộc vào độc tính, số lượng vi khuẩn và khả năng đề kháng của cơ thể.

Tương tự như các bệnh lý về phổi, viêm mủ màng phổi cần được điều trị sớm để tránh biến chứng suy hô hấp dai dẳng.

Phân loại bệnh

Bệnh viêm mủ màng phổi được chia thành 3 loại là viêm mủ màng phổi cấp tính, viêm mủ màng phổi bán cấp và mãn tính:

Viêm mủ màng phổi Bộ Y tế
Viêm mủ màng phổi được chia thành 3 giai đoạn là cấp tính, bán cấp và mãn tính

Viêm mủ màng phổi cấp tính (giai đoạn lan tràn)

Là tình trạng màng phổi bị viêm, ứ mủ cấp tính với các triệu chứng khởi phát đột ngột và dữ dội. Tuy nhiên, triệu chứng có thể khó xác định vì dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nhiễm khuẩn hiện có như viêm màng phổi, viêm phổi…

Giai đoạn này sẽ được phát hiện thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng. Ở giai đoạn lan tràn, phổi có nhiều điểm xuất huyết và phù nề nhưng lá thành và lá tạng còn mỏng, mềm mại.

Viêm mủ màng phổi bán cấp tính (giai đoạn tụ mủ)

Sau một thời gian phát triển, viêm mủ màng phổi sẽ chuyển sang giai đoạn bán cấp tính. Lúc này, trên bề mặt của hai lá màng phổi đã xuất hiện các thành tơ kèm theo lớp mủ khiến cho lá tạng dày hơn lá thành.

Viêm mủ màng phổi mãn tính (giai đoạn đóng kén)

Nếu không được điều trị, viêm mủ màng phổi sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính (thường khởi phát trên 2 tháng). Ở giai đoạn này, triệu chứng không quá rầm rộ nhưng thể trạng suy kiệt nặng kèm theo suy hô hấp dai dẳng. Nhiều trường hợp sẽ phải can thiệp phẫu thuật để phục hồi chức năng hô hấp.

Thông qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ dễ dàng xác định giai đoạn mãn tính với các biểu hiện như tổ chức màng phổi bị xơ hóa, bên trong có các khoang chứa mủ, có khoảng dày đến 2 - 3cm. Do hiện tượng xơ hóa nặng nên nhu mô phổi gần như mất khả giãn nở và thành ngực bị biến dạng nặng.

Ngoài ra, bệnh viêm mủ màng phổi còn được phân loại dựa trên tác nhân gây bệnh và giải phẫu:

  • Theo tác nhân gây bệnh: Được chia thành 3 loại là viêm mủ màng phổi do lao, viêm mủ màng phổi do ký sinh trùng (thường là amip) và viêm mủ màng phổi do vi khuẩn thường.
  • Theo giải phẫu: Gồm có 2 loại là viêm mủ màng phổi khu trú và viêm mủ màng phổi toàn thể.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Như đã đề cập, bệnh viêm mủ màng phổi thường khởi phát sau các bệnh lý nhiễm khuẩn. Ngoài ra, tổn thương cơ học ở lồng ngực cũng là điều kiện để vi khuẩn xâm nhập gây viêm và ứ mủ ở màng phổi.

Các nguyên nhân gây ra bệnh viêm mủ màng phổi:

  • Do các bệnh lý nhiễm khuẩn: Viêm mủ màng phổi thường xảy ra sau các bệnh lý nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn ổ bụng, thành ngực, trung thất, nhiễm khuẩn huyết… nhưng thường gặp nhất là sau khi bị viêm phổi hoặc viêm màng phổi.
  • Do tổn thương cơ học ở lồng ngực: Chấn thương, có vết thương ở ngực hoặc can thiệp các thủ thuật vào lồng ngực là điều kiện phát triển viêm mủ màng phổi.

Tác nhân trực tiếp gây bệnh viêm mủ màng phổi là các loại vi khuẩn. Thường gặp nhất là:

bệnh viêm mủ màng phổi
Phế cầu khuẩn là tác nhân thường gặp gây bệnh viêm mủ màng phổi

  • Tụ cầu vàng
  • Phế cầu khuẩn
  • Liều cầu khuẩn
  • Các vi khuẩn gram âm như vi khuẩn đường ruột Salmonella, trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas, Klebsiella pneumoniae…
  • Vi trùng lao

Viêm mủ màng phổi là tình trạng không quá phổ biến. Chưa có con số thống kê chính thức ở nước ta nhưng ở Hoa Kỳ có khoảng 32.000 trường hợp mắc bệnh mỗi năm.

Như đã đề cập, màng phổi là cơ quan có sức đề kháng tốt để có thể bảo vệ phổi trước các tác nhân có hại. Viêm mủ màng phổi thường chỉ phát triển khi nhiễm một lượng lớn vi khuẩn, vi khuẩn có độc tính cao và cơ thể suy yếu, hệ miễn dịch kém.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị viêm mủ màng phổi:

  • Trên 70 tuổi
  • Bị tiểu đường
  • Mắc các bệnh lý về phổi như giãn phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thuyên tắc phổi
  • Hệ miễn dịch suy giảm (suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong một thời gian dài, nhiễm HIV…)

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh viêm mủ màng phổi gây ra một số triệu chứng do màng phổi bị viêm và tràn mủ vào bên trong. Ở giai đoạn cấp tính, các triệu chứng thường rầm rộ nhưng khó phát hiện vì dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hiện có như viêm phổi, viêm màng phổi, lao phổi…

Sau 2 tháng không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn bán cấp và mãn tính. Ở giai đoạn này, triệu chứng thường không quá rõ rệt nhưng thể trạng bị suy kiệt nặng do suy hô hấp.

dấu hiệu viêm mủ màng phổi
Viêm mủ màng phổi thường gây khó thở, đau ngực, sốt cao, sút cân không rõ nguyên do...

Nhìn chung bệnh nhân bị viêm mủ màng phổi thường sẽ gặp phải những triệu chứng như sau:

  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Ho khan
  • Hội chứng nhiễm độc (sốc cao, phát ban, đau đầu, mất ngủ, ăn uống kém, hạ huyết áp, rối loạn chức năng nhiều cơ quan…)
  • Một số trường hợp có thể gây tràn dịch màng phổi dẫn đến hội chứng 3 giảm (rung thanh giảm, gõ đục, rì rào phế nang giảm)
  • Thể trạng suy kiệt (sụt cân, luôn có cảm giác mệt mỏi và kiệt sức)

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn cần 4 - 6 tuần để phát triển, gây viêm và tràn mủ vào màng phổi. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, nên đến bệnh viện thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trước tiên, bệnh nhân cần trao đổi cụ thể với bác sĩ chuyên khoa về các triệu chứng gặp phải, thời điểm khởi phát, đặc điểm (có nặng hơn khi cử động, gắng sức hay không)... Bác sĩ sẽ khám phổi, ngực để khoanh vùng các khả năng có thể xảy ra trước khi yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

dấu hiệu viêm mủ màng phổi
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân chụp X-Quang phổi để phát hiện các dấu hiệu bất thường

Những kỹ thuật cần được thực hiện để chẩn đoán bệnh viêm mủ màng phổi:

  • Xét nghiệm máu: Kết quả từ xét nghiệm máu cho thấy các dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng như tăng số lượng bạch cầu, tăng tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính và tăng CRP.
  • X-Quang phổi thẳng và nghiêng: Hình ảnh từ X-Quang giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường như phổi xuất hiện các đám mờ, mức độ mờ có thể ít hoặc nhiều tùy theo mức độ tràn dịch. Kỹ thuật này còn giúp phát hiện khoang màng phổi bị vách hóa.
  • Siêu âm: Bên cạnh X-Quang, siêu âm phổi cũng được thực hiện để đánh giá tình trạng tràn dịch ở bệnh nhân viêm mủ màng phổi. Ở giai đoạn muộn, siêu âm còn giúp phát hiện vách hóa tạo thành ổ cặn ở phổi.
  • Xét nghiệm dịch màng phổi: Xét nghiệm sinh hóa, vi sinh và tế bào được thực hiện để nuôi cấy tìm vi khuẩn hoặc nhuộm gram. Kết quả từ xét nghiệm này là cơ sở để bác sĩ làm kháng sinh đồ có có độ nhạy cảm cao.
  • Cấy máu: Cấy máu cũng được thực hiện để phát hiện tác nhân gây bệnh viêm mủ màng phổi.

Thông qua kết quả của các kỹ thuật trên, bác sĩ có thể xác định giai đoạn tiến triển của bệnh viêm mủ màng phổi là giai đoạn lan tràn (cấp tính), giai đoạn tụ mủ (giai đoạn bán cấp tính) hay giai đoạn đóng kén (giai đoạn mãn tính). Qua đó lên kế hoạch điều trị chi tiết, mang lại hiệu quả điều trị cao.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm mủ màng phổi có thể được điều trị dứt điểm bằng kháng sinh. Trường hợp phát hiện sớm đa phần đều có đáp ứng tốt, bệnh thuyên giảm nhanh sau 2 - 4 tuần. Ngược lại, những trường hợp chủ quan, không phát hiện và điều trị sớm sẽ chuyển sang viêm mủ màng phổi mãn tính với một loạt các biến chứng nghiêm trọng.

triệu chứng của viêm mủ màng phổi
Viêm mủ màng phổi không được điều trị sẽ gây suy hô hấp, rò mủ sang các cơ quan lân cận

Bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng tại chỗ như rò mủ qua thành ngực, rò màng phổi - thực quản, rò màng phổi - phế quản. Một số trường hợp còn có thể bị vỡ ổ mủ dẫn đến mủ lan tỏa khắp ổ bụng.

Các biến chứng xa của bệnh viêm mủ màng phổi là nhiễm khuẩn huyết, suy kiệt do nhiễm trùng kéo dài, áp xe não, thận, suy tim và cuối cùng là tử vong. Tiên lượng xấu ở những bệnh nhân có các bệnh hô hấp mãn tính, thể trạng kém do tuổi tác cao và suy giảm miễn dịch.

Điều trị

Bệnh viêm mủ màng phổi cần được điều trị sớm và tích cực để ngăn ngừa biến chứng. Tùy vào giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc, chọc hút mủ hoặc phẫu thuật. Dù có nhiều phương pháp can thiệp nhưng mục đích chung vẫn là loại bỏ mủ và tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn.

Các phương pháp điều trị bệnh viêm mủ màng phổi bao gồm:

Kháng sinh

Kháng sinh là phương pháp chính trong điều trị bệnh viêm mủ màng phổi. Nguyên tắc khi dùng kháng sinh là phải dùng liều cao và phối hợp kháng sinh phù hợp dựa trên kết quả của nuôi cấy vi khuẩn. Để đạt hiệu quả cao, cần dùng kháng sinh tại chỗ kết hợp với kháng sinh toàn thân.

triệu chứng của viêm mủ màng phổi
Bệnh nhân viêm mủ màng phổi cần dùng kháng sinh trong ít nhất 4 tuần

Các loại kháng sinh dùng trong điều trị bệnh viêm mủ màng phổi:

Tác nhân là vi khuẩn gram dương như phế cầu khuẩn, tụ cầu vàng…

  • Kết hợp kháng sinh beta-lactam và aminosid
  • Thường dùng nhất là Cloxacillin/ Oxacillin và Amikacin
  • Trường hợp viêm mủ màng phổi do nhiễm khuẩn huyết sẽ được dùng Vancomycin và Amikacin

Tác nhân là vi khuẩn gram âm

  • Kết hợp kháng sinh cephalosporin và aminosid
  • Thường dùng nhất là Ceftazidim/ Cefoperazone và Amikacin

Thời gian điều trị bằng kháng sinh phải kéo dài ít nhất 4 tuần. Nếu dùng ít hơn, vi khuẩn có thể tái phát trở lại và gia tăng tỷ lệ kháng kháng sinh.

Các kỹ thuật làm sạch mủ màng phổi

Ngoài sử dụng kháng sinh, điều trị còn bao gồm các biện pháp làm sạch mủ bên trong khoang màng phổi. Làm sạch ổ mủ giúp hạn chế chèn ép phổi, cải thiện tình trạng khó thở và ngăn vỡ ổ mủ khiến nhiễm trùng lan rộng. Hiện nay, có 2 kỹ thuật được chỉ định để làm sạch mủ màng phổi bao gồm:

Chọc hút màng phổi

Tất cả các trường hợp viêm mủ màng phổi đều được chỉ định chọc hút màng phổi. Trước tiên, chọc hút được thực hiện để làm xét nghiệm, soi cấy vi khuẩn. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tiếp tục chọc tháo mủ để làm sạch ổ mủ, giải phóng chèn ép lên màng phổi.

Chọn hút màng phổi chỉ được thực hiện khi khoang màng phổi chưa bị đóng ngăn và chưa có hiện tượng dày dính. Mủ mới xuất hiện, còn loãng và số lượng chưa nhiều. Nếu sau 5 - 10 ngày không thấy hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định dẫn lưu màng phổi.

Dẫn lưu màng phổi

Dẫn lưu màng phổi được thực hiện khi chọc hút màng phổi không mang lại hiệu quả, mủ màng phổi xuất hiện với số lượng lớn và đặc. Bác sĩ sẽ sử dụng các ống dẫn lưu có đường kính trên 1cm đặt vào khoang liên sườn và hút mủ bằng áp lực âm tính 20 - 40cm nước.

Song song với dẫn lưu mủ, bác sĩ sẽ tiến hành bơm rửa và đưa kháng sinh vào bên trong khoang màng phổi để loại bỏ vi khuẩn gây viêm. Bên cạnh đó, bệnh nhân vẫn cần điều trị bằng kháng sinh toàn thân theo chỉ định của bác sĩ.

Sau 5 - 7 ngày dẫn lưu màng phổi, bác sĩ sẽ đánh giá kết quả. Trường hợp không đạt hiệu quả, ống dẫn lưu sẽ được đặt ở vị trí khác để tiếp tục làm sạch ổ mủ bên trong khoang màng phổi.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh viêm mủ màng phổi chuyển biến nặng, tình trạng toàn thân xấu đi, suy hô hấp dai dẳng và thất bại khi điều trị nội khoa. Bệnh nhân sẽ được chụp X-Quang phổi để đánh giá có nên phẫu thuật hay không. Trường hợp có ổ cặn mủ hoặc đã phát sinh hiện rò khí phế quản sẽ được chỉ định phẫu thuật.

triệu chứng của viêm mủ màng phổi
Phẫu thuật được chỉ định khi điều trị bảo tồn thất bại, bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính...

Có 2 dạng phẫu thuật được chỉ định cho bệnh nhân viêm mủ màng phổi là các phẫu thuật trên phổi và các phẫu thuật trên thành ngực. Tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Các phẫu thuật trên phổi:

Bóc vỏ phổi sớm: Kỹ thuật này được thực hiện để mở lồng ngực, hút và lau sạch mủ ứ bên trong khoang màng phổi. Bóc vỏ phổi sớm được thực hiện ở giai đoạn bán cấp tính hoặc đầu giai đoạn mãn tính. Phương pháp này được thực hiện sau khi dẫn lưu màng phổi không mang lại hiệu quả vì khoang màng phổi bị dính, tạo thành nhiều ngăn mủ không thông với nhau hoặc mủ quá đặc.

Bóc vỏ phổi: Bóc vỏ phổi được thực hiện trong giai đoạn đầu của viêm mủ màng phổi mãn tính. Bác sĩ sẽ bộc lộc khoang ngực, sau đó hút sạch mủ và làm sạch toàn bộ khoang màng phổi. Sau đó, tiến hành giải phóng phổi ra khỏi cơ hoành, trung thất, thành ngực… Sau khi phẫu thuật, cần đặt ống dẫn lưu để hút dịch liên tục nhằm đảm bảo phổi nở ra và dính vào thành ngực.

Các phẫu thuật trên thành ngực:

Phẫu thuật Heller: Chỉ định trong giai đoạn viêm mủ màng phổi mãn tính. Mục đích của phẫu thuật này là loại bỏ ổ cặn, tạo các dải cơ liên sườn mềm mại để phục hồi chức năng hô hấp của phổi.

Phẫu thuật Schede: Chỉ định cho bệnh nhân viêm mủ màng phổi mãn tính, thành khoang tàn dư quá cứng do bị xơ hóa. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ xương sườn, lá thành và khối cơ liên sườn.

Điều trị hỗ trợ

Bên cạnh các phương pháp chính trên, bệnh nhân viêm mủ màng phổi còn được điều trị hỗ trợ thông qua các biện pháp sau:

  • Liệu pháp oxy (trong trường hợp suy hô hấp)
  • Bù dịch bằng natri clorid, cân bằng điện giải
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng. Trường hợp ăn uống kém, bệnh nhân sẽ được truyền máu, đạm và các loại vitamin.
  • Kiểm soát albumin máu
  • Kết hợp với phục hồi chức năng (kỹ thuật thở) nhằm phục hồi hô hấp, cải thiện độ đàn hồi của nhu mô phổi…

Nếu điều trị kịp thời và tích cực, bệnh viêm mủ màng phổi sẽ được điều trị hoàn toàn sau 4 - 6 tuần. Sau đó, bệnh nhân cần tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng để nâng cao sức khỏe và phục hồi chức năng hô hấp.

Phòng ngừa

Viêm mủ màng phổi là bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đáng kể đến chức năng hô hấp. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, có thể thực hiện các biện pháp sau:

Bệnh Viêm Mủ Màng Phổi
Tiêm vaccine phế cầu giúp phòng ngừa bệnh viêm phổi và viêm mủ màng phổi

  • Điều trị tích cực các bệnh lý nhiễm khuẩn ở phổi, màng phổi, ổ bụng, nhiễm khuẩn huyết...
  • Tiêm vaccine phế cầu khuẩn để phòng ngừa viêm phổi và viêm mủ màng phổi do phế cầu gây ra.
  • Ăn chín uống sôi, xổ giun định kỳ nhằm hạn chế nhiễm amip và các loại ký sinh trùng khác.
  • Không tiếp xúc gần với người mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là đến những nơi đông người.
  • Thực hiện tốt vệ sinh tai mũi họng, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Khử khuẩn bằng cồn sau khi chạm vào những vật dụng công cộng.
  • Nâng cao hệ miễn dịch bằng cách ăn uống điều độ, đủ chất, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Các triệu chứng tôi gặp phải có phải là biểu hiện của viêm mủ màng phổi?

2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh viêm mủ màng phổi?

3. Vì sao tôi bị viêm mủ màng phổi?

4. Tôi đang bị viêm mủ màng phổi ở giai đoạn mấy?

5. Tôi cần điều trị tại bệnh viện hay có thể điều trị ngoại trú?

6. Trong thời gian điều trị, tôi có thể gặp phải tác dụng phụ nào?

7. Tôi có cần phải phẫu thuật viêm mủ màng phổi? Khi nào cần thiết?

8. Kế hoạch phục hồi chức năng sẽ diễn ra như thế nào?

9. Sau khi điều trị, tôi có cần phải tái khám?

Bệnh viêm mủ màng phổi là tình trạng không quá phổ biến nên ít được đề cập. Các triệu chứng của bệnh lý này thường không quá rõ ràng nên dễ bị bỏ qua, kết quả là bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính và gây ra không ít biến chứng. Do đó, cần phải chú ý các dấu hiệu bất thường - đặc biệt là ở người bị viêm phổi, lao phổi, viêm màng phổi…