Bệnh Tràn Dịch Màng Phổi

Bệnh tràn dịch màng phổi xảy ra khi lượng dịch trong khoang màng phổi tăng cao (>15ml). Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng nhưng thường gặp nhất là viêm phổi, lao phổi, suy tim, xơ gan mất bù và hội chứng thận hư. Bệnh lý này được điều trị bằng cách chọc tháo, dẫn lưu dịch kết hợp với điều trị bệnh nguyên.

Tổng quan

Bệnh tràn dịch màng phổi (Pleural Effusion) là tình trạng lượng dịch bên trong khoang màng phổi nhiều hơn so với bình thường. Thông thường, trong màng phổi sẽ chứa khoảng 10 - 15ml dịch có cấu tạo tương tự như huyết tương nhưng nồng độ protein thấp hơn. Dịch bên trong màng phổi có chức năng giúp phổi và thành ngực di động thuận lợi, phổi có thể trượt lên - xuống khi hô hấp.

tràn dịch màng phổi là gì
Tràn dịch màng phổi xảy ra khi lượng dịch bên trong khoang màng phổi nhiều lên một cách bất thường

Tuy nhiên vì một số lý do, lượng dịch trong màng phổi tăng cao một cách bất thường. Hiện tượng này có thể xảy ra do dịch tích tụ quá nhiều hoặc quá trình thoát dịch ra khỏi khoang màng phổi bị cản trở.

Bệnh tràn dịch màng phổi ảnh hưởng nhiều đến chức năng hô hấp. Nếu lượng dịch tăng lên không nhiều và không có triệu chứng, điều trị được xem là không cần thiết. Những trường hợp đã xuất hiện triệu chứng và chức năng hô hấp bị ảnh hưởng sẽ được can thiệp một số phương pháp để loại bỏ bớt dịch thừa bên trong khoang màng phổi.

Tràn dịch màng phổi có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh vô cùng đa dạng và trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ phải xác định được nguyên nhân để có thể điều trị hiệu quả. Trong đó, có khoảng 15% trường hợp không thể xác định nguyên nhân. Dù vậy, nếu điều trị tích cực, tình trạng tràn dịch màng phổi sẽ nhanh chóng được cải thiện và ít đe dọa đến tính mạng.

Phân loại bệnh

Bệnh tràn dịch màng phổi được chia thành 2 loại là dịch thấm và dịch tiết:

Cách điều trị tràn dịch màng phổi
Bệnh tràn dịch màng phổi được chia thành 2 loại là tràn dịch màng phổi dịch thấm và dịch tiết

Tràn dịch màng phổi dịch thấm

Tràn dịch màng phổi dịch thấm xảy ra do giảm áp lực keo hoặc tăng áp lực thủy tĩnh, thường gặp ở người bị tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên, hội chứng thận hư, suy tim, xơ gan…

Tràn dịch màng phổi dịch tiết

Tràn dịch màng phổi dịch tiết xảy ra do tăng tính thấm thành mạch tại chỗ dẫn đến xuất tiết dịch, tế bào, protein và các thành phần khác trong huyết thanh. Nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi dịch tiết thường do nhiễm trùng như lao phổi, viêm phổi, nhiễm virus hoặc các nguyên nhân khác như ung thư, tắc mạch phổi…

Trường hợp tràn dịch màng phổi dịch thấm thường được điều trị mà không nhất thiết phải tìm nguyên nhân. Trong khi đó, tất cả trường hợp tràn dịch màng phổi dịch tiết đều phải đánh giá nguyên nhân trước khi can thiệp điều trị.

Trên thực tế, chỉ có tràn dịch màng phổi dịch tiết và dịch thấm được đề cập. Nhưng thực tế, bệnh lý này còn bao gồm 2 loại khác là:

  • Tràn dịch màng phổi dịch trong
  • Tràn dịch màng phổi có mủ hoặc đường chấp

Ngoài cách phân loại theo màu sắc và tính chất của dịch, tràn dịch màng phổi còn được phân loại theo vị trí và tiến triển:

  • Theo vị trí: Chia thành 2 loại là tràn dịch màng phổi tự do và tràn dịch màng phổi khu trú.
  • Theo tiến triển: Tràn dịch màng phổi cấp tính và tràn dịch màng phổi mãn tính (kéo dài từ 2 tháng trở lên).

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tràn dịch màng phổi. Trước đây, tỷ lệ chưa rõ nguyên nhân chiếm khoảng 10 - 15% nhưng hiện nay nhờ có sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chỉ có khoảng 5% không tìm được nguyên nhân cụ thể.

Các nguyên nhân thường gặp gây bệnh tràn dịch màng phổi bao gồm:

Tràn dịch màng phổi do lao

Vi trùng lao sau khi xâm nhập vào cơ thể thường trú ngụ và phát triển bên trong phổi, do đây là loại vi khuẩn ưa khí, sinh trưởng trong môi trường giàu dinh dưỡng, nhiệt độ trung bình 37 độ C. Tràn dịch màng phổi do lao chiếm khoảng 10% trường hợp.

nguyên nhân tràn dịch màng phổi
Lao phổi là nguyên nhân phổ biến gây tràn dịch màng phổi

Tình trạng này thường xuất hiện ở giai đoạn lao tiên phát khoảng 3 - 6 tháng sau khi phát bệnh hoặc cũng có thể xảy ra trong thời kỳ lao phổi tái phát. Hiện tượng tràn dịch đã được xác định là kết quả do phản ứng miễn dịch giữa tuberculo protein của vi khuẩn lao sống với tế bào Lymphocyte T mẫn cảm. Kết quả là mạch máu tăng tính thấm do các lymphokin khiến cho lượng dịch ở màng phổi tăng lên đáng kể.

Tràn dịch màng phổi do u lympho ác tính

U lympho ác tính bao gồm bệnh Hodgkin và bệnh u lympho không Hodgkin. Bệnh Hodgkin là nguyên nhân phổ biến thứ 3 gây ra tình trạng tràn dịch màng phổi ác tính, chiếm tỷ lệ khoảng 7 - 21%.

Khi khối u ác tính hình thành ở hạch trung thất sẽ khiến cho bạch huyết tắc nghẽn, dẫn đến tràn dịch vào bên trong màng phổi. Trường hợp này thường gây ra dịch có màu vàng chanh hoặc có lẫn máu. Tiên lượng thường rất xấu và tỷ lệ tử vong cao.

Suy tim

Suy tim là một trong những nguyên nhân thường gặp gây tràn dịch màng phổi. Suy tim sẽ làm tăng lượng dịch vào bên trong khoang màng phổi khiến lượng dịch tăng cao hơn bình thường. Ở những bệnh nhân tràn dịch màng phổi do suy tim, chiếm 81% trường hợp bị tràn dịch ở cả 2 bên, 12% chỉ xảy ra ở bên phải và 7% ở bên trái.

nguyên nhân tràn dịch màng phổi
Đa phần các trường hợp suy tim đều bị tràn dịch màng phổi

Xơ gan mất bù

Tràn dịch màng phổi do xơ gan cũng là nguyên nhân khá phổ biến. Ngoài tình trạng cổ chướng (tích tụ dịch ở màng bụng), dịch cũng có thể tràn vào khoang màng phổi thông qua lỗ cơ hoành. Trong đó, 70% trường hợp chỉ bị bên phải, 15% trường hợp ở bên trái và 15% xảy ra ở cả 2 bên.

Hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư là nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi dịch tiết. Nếu do nguyên nhân này, hiện tượng tràn dịch thường xảy ra ở hai bên, khu vực ảnh hưởng chủ yếu là dưới phổi. Hội chứng thận hư làm tăng thể tích tuần hoàn và giảm áp lực thể tích trong lòng mạch dẫn đến tràn dịch vào khoang màng phổi.

Các nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh tràn dịch màng phổi còn có thể do những nguyên nhân khác như:

  • Hạ albumin máu
  • Ứ nước thận
  • Viêm màng ngoài tim co thắt
  • Lao màng bụng
  • Chứng suy giáp
  • Các dạng viêm phổi
  • Nhiễm HIV
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Tác dụng phụ của thuốc (thường là thuốc điều trị ung thư)
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Hội chứng quá kích buồng trứng
  • Viêm tụy
  • U buồng trứng lành tính
  • Hội chứng móng tay màu vàng

Dựa vào nguyên nhân, bệnh tràn dịch màng phổi thường gặp nhiều ở người trung niên có các bệnh mãn tính như tim mạch, suy gan, suy thận… Ở Mỹ, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000.000 người bị tràn dịch màng phổi với nguyên nhân phổ biến là do lao, suy tim, viêm phổi, tắc mạch phổi và các bệnh ác tính.

Triệu chứng và chẩn đoán

Đa phần các trường hợp tràn dịch màng phổi đều không có triệu chứng mà chỉ vô tình phát hiện khi chụp X-Quang phổi hoặc khám sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, khi lượng dịch tăng quá cao sẽ gây ra một số triệu chứng nhất định.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh tràn dịch màng phổi bao gồm:

  • Đau ngực kiểu màng phổi, không phải thắt ngực mà có cảm giác đau nhói khi hít vào, khi thở ra có cảm giác khó chịu rất mơ hồ, khó xác định được vị trí đau cụ thể.
  • Khó thở, mức độ gia tăng khi lượng dịch tích tụ ngày càng nhiều.
  • Có thể đau ở thành ngực dưới hoặc đau lan xuống vùng bụng.
  • Có thể nghe thấy tiếng cọ trong màng phổi (âm thanh được tạo ra do phổi cọ xát với tim).
  • Khi thay đổi tư thế có thể gây ho khan.

Một số trường hợp không có triệu chứng rõ ràng mà chỉ có thể phát hiện thông qua các kỹ thuật cận lâm sàng. Sau khi đã tìm hiểu triệu chứng (đặc điểm, thời điểm khởi phát, tiến triển) và sàng lọc yếu tố nguy cơ (có bị lao không, có có các vấn đề mãn tính như suy tim, suy gan, suy thận hay không…), bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng sau đây:

biểu hiện tràn dịch màng phổi
Hình ảnh từ X-Quang có thể phát hiện dấu hiệu tràn dịch màng phổi

  • X-Quang phổi: X-Quang là kỹ thuật có giá trị nhất trong chẩn đoán bệnh tràn dịch màng phổi. Thông qua hình ảnh từ kỹ thuật này, bác sĩ có thể phát hiện dấu hiệu tràn dịch (xuất hiện đám mờ ở phổi và tim bị đẩy sang vị trí khác).
  • Siêu âm, CT: Trường hợp tràn dịch màng phổi khu trú, các bác sĩ sẽ thực hiện thêm CT và siêu âm để xác định đúng vị trí.
  • Chọc dò màng phổi: Kết quả của chọc dò màng phổi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh tràn dịch màng phổi. Ngoài ra, kết quả này cũng giúp phân biệt tràn dịch màng phổi dịch thấm và dịch tiết thông qua chỉ số protein, protein dịch màng phổi/ máu, LDH, tỷ lệ bilirubin dịch màng phổi/ huyết thanh, số lượng bạch cầu, hồng cầu, độ pH, glucose, amylase…

Chọc dò màng phổi còn có thể phát hiện tràn dưỡng chấp màng phổi - tình trạng màng phổi chứa dịch có màu trắng sữa, tái phát nhanh và bên trong chứa các giọt mỡ. Tràn dưỡng chấp màng phổi thường do chấn thương lồng ngực, ung thư hệ lympho, phẫu thuật lồng ngực, viêm bạch mạch do giun chỉ hoặc lao.

Sau khi chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ cần thực hiện thêm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Các xét nghiệm được cân nhắc bao gồm chọc dò dịch màng phổi, sinh thiết màng phổi, xét nghiệm dịch màng phổi, siêu âm ổ bụng, đo định lượng hormone tuyến giáp…

Tìm ra nguyên nhân sẽ giúp cho quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Trong đó, tràn dịch màng phổi dịch tiết bắt buộc phải xác định nguyên nhân cụ thể. Trường hợp tràn dịch màng phổi dịch thấm đôi khi được điều trị ngay mà không cần tìm nguyên nhân sâu xa.

Biến chứng và tiên lượng

Tiên lượng của bệnh tràn dịch màng phổi phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Nếu do các vấn đề như suy tim, viêm phổi, lao… phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể cải thiện tình trạng hoàn toàn. Tuy nhiên nếu tràn dịch màng phổi do các bệnh lý ác tính, tiên lượng thường xấu và tỷ lệ tử vong cao.

Các biến chứng thường gặp của tràn dịch màng phổi bao gồm suy hô hấp, xẹp phổi, dày dính màng phổi và biến dạng lồng ngực. Trường hợp nặng có thể tử vong do suy hô hấp cấp. Vì vậy, không nên chủ quan khi gặp phải các biểu hiện như khó thở, đau tức ở vùng ngực…

Điều trị

Điều trị bệnh tràn dịch màng phổi phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân cụ thể. Trong đó, điều trị nội khoa sẽ được ưu tiên và phẫu thuật chỉ được cân nhắc trong trường hợp cần thiết.

Điều trị căn nguyên

Để cải thiện tình trạng tràn dịch màng phổi, cần phải xác định và điều trị căn nguyên. Ngoại trừ những nguyên nhân mãn tính, đa phần các nguyên nhân khác đều có thể kiểm soát bằng một số phương pháp.

những biểu hiện của tràn dịch màng phổi
Trường hợp tràn dịch do lao và viêm phổi sẽ được điều trị bằng kháng sinh

  • Do viêm phổi: Trường hợp tràn dịch màng phổi do viêm nhiễm sẽ được chọc tháo và dẫn lưu dịch ra khỏi màng phổi. Sau đó bơm rửa hằng ngày với nước muối sinh lý. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh trong 4 - 6 tuần để kiểm soát nhiễm trùng, kháng sinh được dùng ở liều cao và được dùng ở đường tiêm tĩnh mạch.
  • Do lao phổi: Lao là nguyên nhân phổ biến gây tràn dịch màng phổi. Tương tự như viêm phổi, bệnh nhân sẽ được chọc tháo dịch bên trong màng phổi trong thời gian sớm nhất. Sau đó sử dụng thuốc chống lao theo phác đồ điều trị của Bộ y tế.
  • Do khối u ác tính: Nếu do ung thư, ngoài dẫn lưu dịch, bệnh nhân sẽ được hóa trị, xạ trị để tiêu diệt tế bào ác tính. Ngăn ngừa ung thư tiến triển và di căn sang những cơ quan khác.
  • Các nguyên nhân khác: Với những nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, đa phần đều được chọc tháo và dẫn lưu dịch ra khỏi màng phổi để phòng ngừa dính màng phổi và vách hóa.
  • Tràn dưỡng chấp màng phổi: Tràn dưỡng chấp màng phổi cũng được chọc tháo dịch. Ngoài ra, cần phải lưu ý hạn chế lipid trong chế độ ăn để phòng ngừa tái phát.

Điều trị nội khoa

Đa phần các trường hợp tràn dịch màng phổi dịch thấm đều được chọc tháo dịch màng phổi để tránh gây khó thở và suy hô hấp. Đối với tràn dịch màng phổi dịch tiết, điều trị chủ yếu là kiểm soát triệu chứng.

những biểu hiện của tràn dịch màng phổi
Tất cả trường hợp tràn dịch màng phổi đều được chọc hút và dẫn lưu dịch để tránh gây dính màng phổi

Điều trị cụ thể bao gồm:

  • Thở oxy
  • Giảm đau bằng thuốc như Paracetamol, corticoid
  • Tiến hành chọc tháo, dẫn lưu dịch ở khoang màng phổi. Chia thành nhiều lần thực hiện, mỗi lần chỉ dẫn lưu ít hơn 1 lít dịch.

Phục hồi chức năng hô hấp bằng các biện pháp như như thổi bóng, tập thở, thực hiện các bài tập giúp giãn nở lồng ngực để tăng thể tích phổi, hạn chế xẹp phổi và cải thiện tình trạng hô hấp khó khăn.

Điều trị ngoại khoa

Trường hợp dính màng phổi sẽ được phẫu thuật để tránh xẹp phổi và suy hô hấp. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được cân nhắc trong trường hợp tràn dịch do dị vật hoặc do u ác tính.

những biểu hiện của tràn dịch màng phổi
Phẫu thuật thường được chỉ định khi đã xuất hiện biến chứng dính màng phổi

Điều trị ngoại khoa cho bệnh tràn dịch màng phổi bao gồm các phương pháp sau:

  • Phẫu thuật bóc màng phổi: Khi lượng dịch trong khoang màng phổi tăng sẽ gây ra hiện tượng dính màng phổi. Nếu điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bóc màng phổi để đảm bảo hô hấp thuận lợi, phòng ngừa biến chứng xẹp phổi…
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Trường hợp tràn dịch màng phổi do u chèn ép sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u. Khi khối u bị loại bỏ, áp lực sẽ được giải phóng, từ đó hạn chế tăng tiết dịch ở bên trong khoang màng phổi.
  • Thắt ống ngực: Trường hợp tràn dưỡng chấp màng phổi do tắc hoặc vỡ ống ngực sẽ được phẫu thuật thắt ống ngực.
  • Phẫu thuật lấy dị vật: Tràn dịch màng phổi có thể do các dị vật (mảnh đạn hoặc kim loại do chấn thương). Dị vật nằm cạnh màng phổi là nguyên nhân khiến cho lượng dịch bên trong gia tăng bất thường.

Phòng ngừa

Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi vô cùng đa dạng nên khó có thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng một số biện pháp sau:

những biểu hiện của tràn dịch màng phổi
Tiêm vaccine BCG giúp phòng ngừa lao và tràn dịch màng phổi do lao

  • Tiêm vaccine cúm A, covid, phế cầu, BCG… để phòng ngừa viêm phổi và lao.
  • Ăn chín uống sôi, xổ giun định kỳ 1 - 2 lần/ năm nhằm ngăn ngừa nhiễm ký sinh trùng, amip.
  • Quản lý và điều trị tích cực các bệnh mãn tính như suy gan, suy thận, suy tim, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, suy giáp, viêm tụy…
  • Trao đổi trước với bác sĩ về tác dụng phụ của thuốc trước khi dùng. Nếu thuốc có thể gây tràn dịch màng phổi, nên chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời thăm khám và can thiệp điều trị.
  • Phụ nữ can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản phải tiêm hCG để kích trứng nên theo dõi biến chứng hội chứng quá kích buồng trứng. Phát hiện sớm hội chứng này sẽ giúp điều trị kịp thời, hạn chế gây ra tràn dịch màng phổi.
  • Tầm soát định kỳ các dạng ung thư có thể gây tràn dịch màng phổi như ung thư vú, u lympho, ung thư buồng trứng…

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi thường xuyên cảm thấy khó thở, đau ở vùng ngực… có thể là bị bệnh gì?

2. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chắc chắn bị tràn dịch màng phổi?

3. Vì sao tôi bị tràn dịch màng phổi?

4. Tình trạng sức khỏe của tôi có nghiêm trọng không?

5. Tôi nên điều trị bằng phương pháp nào? Có thể điều trị ngoại trú hay phải lưu viện?

6. Tràn dịch màng phổi có lây không? Tôi cần làm gì để tránh lây nhiễm cho người khác?

7. Tôi có thể gặp phải tác dụng phụ gì khi dùng thuốc?

8. Điều trị tràn dịch màng phổi có nhất thiết phải phẫu thuật không? Khi nào cần thiết?

9. Tràn dịch màng phổi có tái phát không? Làm sao để nhận biết sớm?

Bệnh tràn dịch màng phổi là tình trạng khá phổ biến, nhất là ở người có các bệnh mãn tính. Do nguyên nhân đa dạng nên điều trị sẽ có sự khác nhau ở từng trường hợp. Sau điều trị, bệnh nhân cần tích cực phục hồi chức năng để cải thiện hô hấp, tăng thể tích phổi.