Bệnh Thuyên Tắc Phổi

Bệnh thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch chi dưới hoặc chi trên, sau đó di chuyển về động mạch phổi. Huyết khối sẽ cản trở tuần hoàn máu ở tim và phổi gây giảm oxy trong máu, hạ huyết áp và thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Tổng quan

Bệnh thuyên tắc phổi (Pulmonary Embolism - PE) hay còn được gọi là thuyên tắc mạch phổi. Đây là hội chứng tim mạch cấp cứu thường gặp chỉ sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Hội chứng này xảy ra khi cục máu đông hình thành từ các tĩnh mạch sâu (chi dưới, chi trên), sau đó di chuyển đến phổi gây ra hiện tượng tắc mạch.

bệnh thuyên tắc phổi
Bệnh thuyên tắc phổi là tình trạng huyết khối xuất hiện bên trong động mạch phổi

Tim, động mạch, tĩnh mạch và mao mạch là các cơ quan tạo thành một hệ thống tuần hoàn hoàn chỉnh. Đầu tiên máu được tim bơm vào các động mạch, sau đó phân bố vào các mao mạch để cung cấp máu, oxy cho các mô trong cơ thể. Cuối cùng, máu di chuyển qua các tĩnh mạch để trở về tim.

Vì vậy, cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch rất dễ di chuyển ngược lên tim hoặc phổi. Giống như các dạng thuyên tắc khác, thuyên tắc phổi có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nếu không được chẩn đoán và xử trí sớm, tỷ lệ tử vong do thuyên tắc phổi có thể lên đến 34%.

Phân loại bệnh

Bệnh thuyên tắc phổi được chia thành 3 loại dựa vào vị trí của cục máu đông đi vào động mạch phổi:

(A) - Tắc mạch phổi yên ngựa: Là tình trạng cục máu đông đi vào động mạch chính của phổi.

(B) - Tắc mạch phổi thùy: Là tình trạng cục máu đông di chuyển vào các nhánh lớn của động mạch phổi.

(C) - Tắc mạch phổi xa: Là tình trạng cục máu đông di chuyển vào các nhánh nhỏ của động mạch phổi.

Nếu được phát hiện sớm khi cục máu đông chỉ mới di chuyển vào động mạch chính (A), tiên lượng tương đối khả quan. Trường hợp cục máu đông đã di chuyển vào nhánh lớn hoặc nhánh nhỏ của động mạch phổi có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Đông máu là cơ chế tự nhiên của cơ thể nhằm ngăn ngừa hiện tượng chảy máu. Máu sau khi đông lại sẽ được phá vỡ và đào thải. Tuy nhiên, do một số yếu tố, máu đông có thể không được phá vỡ mà di chuyển theo đường tĩnh mạch về tim mạch hoặc phổi.

Trên thực tế, cục máu đông thường hình thành ở tĩnh mạch của chân (có thể xuất hiện ở tĩnh mạch sâu hoặc tĩnh mạch nông), có khi xuất hiện ở chi dưới. Trong tất cả các trường hợp bị thuyên tắc phổi, huyết khối hình thành ở các tĩnh mạch sâu của chân là nguyên nhân phổ biến nhất.

Ngoài ra, thuyên tắc phổi cũng có liên quan đến thuyên tắc mỡ, huyết khối tĩnh mạch sâu ở phần trên cơ thể, thuyên tắc nước ối… Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể lý giải nguyên nhân vì sao cục máu đông lại không được phá vỡ như bình thường. Thay vào đó, tồn tại bên trong mạch máu và di chuyển ngược về tim, phổi.

Nguyên nhân thuyên tắc phổi
Sử dụng thuốc tránh thai và liệu pháp hormone là một trong những nguyên nhân gây thuyên tắc phổi

Thuyên tắc mạch phổi thường gặp ở những đối tượng sau:

  • Rối loạn đông máu (thường có liên quan đến hội chứng kháng phospholipid, tăng homocysteine, thiếu Antithrombin III, biến thể gen Prothrombin G20210A…)
  • Giãn tĩnh mạch
  • Phụ nữ mang thai và 6 tuần sau khi sinh
  • Thừa cân - béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Người mắc bệnh tim hoặc ung thư (do tác dụng phụ của hóa trị)
  • Mắc hội chứng thận hư, hội chứng tăng sinh tủy
  • Mắc bệnh hồng cầu hình liềm
  • Sử dụng viên uống tránh thai hoặc các loại thuốc thay thế hormone estrogen
  • Tiền sử cục máu đông
  • Người cao tuổi (70 tuổi trở lên)
  • Nằm trong một thời gian dài do chấn thương nặng hoặc phải thực hiện cuộc phẫu thuật lớn
  • Đi máy bay hoặc xe hơi trong một khoảng thời gian dài (4 - 6 giờ) cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch
  • Được chỉ định sử dụng thuốc chống đông máu nhưng không tuân thủ hoặc thường xuyên quên liều

Triệu chứng và chẩn đoán

Thuyên tắc xảy ra ở phổi sẽ làm cản trở quá trình vận chuyển từ tim đến phổi dẫn đến huyết áp thấp. Tùy theo kích thước và vị trí của cục máu đông, các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải có thể là:

Thuyên tắc phổi triệu chứng
Thuyên tắc phổi gây ra tình trạng khó thở đột ngột kèm theo ho dữ dội, ho ra máu, đau ngực, choáng váng...

  • Khó thở xuất hiện một cách đột ngột
  • Đau vùng ngực
  • Choáng váng, chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Nhịp tim không đều
  • Có cảm giác lo lắng, bồn chồn
  • Tim đập nhanh
  • Đổ mồ hôi
  • Huyết áp thấp (khó giữ thăng bằng, tay chân lạnh, tím tái…)
  • Ho và đôi khi ho ra máu
  • Trường hợp nặng có thể mất ý thức

Nguyên nhân chủ yếu gây thuyên tắc phổi là do huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới. Vì vậy, bệnh nhân còn có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Chân có cảm giác nặng, đau (nhất là khi đi bộ hoặc đứng)
  • Sưng chân
  • Da đổi màu
  • Xuất hiện các mẩn đỏ ở chân

Thuyên tắc phổi có thể dẫn đến tử vong nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Ngay khi nhận thấy biểu hiện khó thở, đau thắt ngực… nên đến bệnh viện kiểm tra sớm để được xử trí nhanh chóng.

Các triệu chứng của bệnh thuyên tắc phổi thường không điển hình và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Sau khi hỏi về triệu chứng, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi để khai thác tiền sử bệnh lý… nhằm khoanh vùng các khả năng có thể xảy ra.

Thuyên tắc phổi triệu chứng
Ngay sau khi khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được X-Quang tim phổi để phát hiện các dấu hiệu bất thường

Để có thể đưa ra chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

  • Chụp X-Quang ngực: X-Quang là kỹ thuật có giá trị trong chẩn đoán bệnh thuyên tắc phổi. Hình ảnh từ X-Quang giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của tim và phổi, qua đó phát hiện những dấu hiệu bất thường.
  • Chụp thông khí - tưới máu (V/ Q Scan): Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng một ít chất phóng xạ đưa vào bên trong phổi để có thể kiểm tra sự thông khí và sự di chuyển của không khí khi ra - vào phế quản. Sau đó, quét tưới máu được thực hiện để đánh giá lưu lượng máu bên trong phổi.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Hình ảnh từ CT giúp bác sĩ đánh giá chi tiết hệ thống mạch máu bên trong phổi. Để hình ảnh được rõ nét hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thêm chất cản quang.
  • Chụp động mạch phổi: Chụp động mạch phổi có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường như tắc nghẽn động mạch, hẹp mạch máu và phình mạch máu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nếu thăm khám ở những cơ sở y tế lớn, MRI sẽ được thực hiện để thay thế cho CT. Hình ảnh từ MRI có thể giúp bác sĩ quan sát và đánh giá chi tiết hệ thống mạch máu, giải phẫu của tim và phổi.
  • Duplex ultrasound (US): Trong trường hợp nghi ngờ thuyên tắc phổi, bệnh nhân cần thực hiện Duplex ultrasound - một loại siêu âm mạch máu nhằm đánh giá cấu trúc mạch máu và lưu lượng máu ở chi dưới. Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường ở chi dưới.
  • Điện tâm đồ (ECG): Điện tâm đồ được thực hiện để đánh giá chức năng tim. Thông qua kết quả của điện tâm đồ, bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường ở tim mạch và phổi.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra tình trạng đông máu và đánh giá nồng độ oxy trong máu. Đây là xét nghiệm thường quy được thực hiện nhằm hỗ trợ quá trình chẩn đoán bệnh thuyên tắc phổi.

Biến chứng và tiên lượng

Thuyên tắc phổi cần được cấp cứu và điều trị kịp thời. Cục máu đông xuất hiện ở động mạch phổi sẽ gây giảm lưu lượng máu đến phổi gây ra tình trạng giảm oxy máu.

Nếu cục máu đông có kích thước nhỏ, các cơ quan trong cơ thể sẽ bị giảm oxy và hoạt động kém. Tuy nhiên trong trường hợp huyết khối có kích thước lớn hoặc xuất hiện cùng lúc nhiều cục máu đông, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp đột ngột, sốc và tử vong.

Vì các triệu chứng của bệnh thuyên tắc phổi không quá rõ ràng nên nhiều bệnh nhân không được thăm khám và điều trị kịp thời. Ở những trường hợp này, tỷ lệ tử vong lên đến hơn 30%.

Khoảng 1 - 4% bệnh nhân phát triển chứng tăng áp lực động mạch phổi mãn tính dù đã điều trị. Ngay cả khi được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh cũng phải đối mặt với nhiều biến chứng do tác dụng phụ của thuốc chống đông.

Thuốc chống đông làm loãng máu và ức chế cơ chế đông máu của cơ thể. Mặc dù có hiệu quả trong việc kiểm soát thuyên tắc phổi nhưng loại thuốc này có thể gây xuất huyết tiêu hóa, thậm chí là xuất huyết não. Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh cần đặc biệt chú ý những biểu hiện bất thường để kịp thời phát hiện và điều trị.

Điều trị

Bệnh thuyên tắc phổi cần được điều trị kịp thời để phòng ngừa biến chứng và tử vong. Ban đầu, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc chống đông nhưng nếu tình trạng không hiệu quả, phẫu thuật sẽ được cân nhắc thực hiện.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp được áp dụng trong điều trị bệnh thuyên tắc phổi. Các phương pháp được cân nhắc bao gồm:

Liệu pháp hỗ trợ

Trước khi tiến hành điều trị, bệnh nhân cần được điều trị hỗ trợ. Trường hợp thiếu oxy máu cần được thở oxy và truyền dung dịch Natri Clorid 0.9% cho những bệnh nhân có biểu hiện hạ huyết áp.

Hạ huyết áp quá mức sẽ được sử dụng thuốc co mạch để tránh sốc và tử vong. Norepinephrine là thuốc co mạch có hiệu quả đối với bệnh nhân thuyên tắc phổi, Epinephrine và Dobutamin ít được sử dụng hơn do hiệu quả không rõ ràng.

Điều trị nội khoa

Sau khi điều trị hỗ trợ, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc để làm tiêu huyết khối. Các loại thuốc được chỉ định bao gồm:

thuyên tắc mạch máu phổi
Bệnh nhân thuyên tắc mạch máu phổi sẽ được điều trị bằng thuốc chống đông trong 3 - 4 tháng

Thuốc chống đông:

Thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn hiện tượng đông máu và làm loãng máu. Với cơ chế này, thuốc có tác dụng ngăn hình thành cục máu đông mới và hạn chế cục máu đông gia tăng kích thước. Thuốc cần được dùng liên tục trong 3 - 6 tháng để cải thiện tình trạng hiệu quả. Tuy nhiên, những bệnh nhân có các rối loạn đông máu di truyền có thể phải điều trị kéo dài.

Các loại thuốc chống đông được sử dụng cho bệnh nhân thuyên tắc phổi bao gồm Warfarin, Apixaban, Edoxaban, Dabigatran… Heparin là thuốc chống đông máu thường được sử dụng cho phụ nữ mang thai để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

Thuốc tiêu sợi huyết:

Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện hạ huyết áp và không có nguy cơ chảy máu cao sẽ được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Thuốc sẽ được tiêm vào tĩnh mạch nhằm phá vỡ cục máu đông. Tuy nhiên, do tiềm ẩn nhiều rủi ro nên thuốc tiêu sợi huyết chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết.

Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới:

Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới được thực hiện nhằm ngăn chặn cục máu đông di chuyển đến phổi và tim. Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp bị giãn tĩnh mạch hoặc mắc các bệnh lý có nguy cơ hình thành cục máu đông ở chi dưới.

Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ đặt một thiết bị kim loại nhỏ vào mạch máu lớn nhất đưa máu từ cơ thể về tim (tĩnh mạch chủ) để ngăn cục máu đông di chuyển vào phổi và tim. Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới thường được chỉ định cho những trường hợp không thể điều trị bằng thuốc chống đông máu.

Điều trị ngoại khoa

Nếu điều trị nội khoa không mang lại kết quả, bệnh nhân sẽ được cân nhắc điều trị ngoại khoa. Phẫu thuật đi kèm với nhiều rủi ro và biến chứng nên chỉ được thực hiện khi cục máu đông quá lớn, có thể đe dọa đến tính mạng.

Các phương pháp phẫu thuật được thực hiện cho bệnh thuyên tắc phổi:

Lấy huyết khối qua da:

Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng catheter đưa vào mạch máu có cục máu đông dưới sự hướng dẫn của tia X. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành lấy cục máu đông hoặc làm tiêu huyết khối. Thông qua kỹ thuật này, cục máu đông bên trong động mạch phổi sẽ được phá vỡ, bình thường hóa quá trình tuần hoàn máu giữa tim và phổi.

thuyên tắc mạch máu phổi
Lấy huyết khối qua da được thực hiện khi điều trị nội khoa không mang lại kết quả

Phẫu thuật lấy huyết khối động mạch phổi:

Phẫu thuật lấy huyết khối động mạch rất hiếm khi được chỉ định và chỉ có những trường hợp nặng mới được cân nhắc thực hiện. Bệnh nhân bị nhồi máu phổi và hạ huyết áp quá mức dù đã điều trị bằng thuốc co mạch máu, bù dịch và oxy sẽ được phẫu thuật.

Phẫu thuật này được thực hiện bằng phương pháp mổ mở. bác sĩ sẽ bộc lộ phổi và loại bỏ huyết khối trong động mạch phổi. Tuy nhiên, phẫu thuật lấy huyết khối động mạch phổi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, biến chứng nên ít khi được chỉ định.

Điều trị dự phòng

Thuyên tắc phổi có xu hướng tái phát ở những người cao tuổi và có các vấn đề sức khỏe như giãn mạch máu, sử dụng viên uống tránh thai, phải nằm trong một thời gian dài…

Để phòng ngừa hình thành huyết khối, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc chống đông liều thấp và đeo tất chân. Đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới cũng được cân nhắc để phòng ngừa nhồi máu phổi ở những bệnh nhân có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân.

Phòng ngừa

Như đã đề cập, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh thuyên tắc phổi là do huyết khối tĩnh mạch sâu hình thành ở chi dưới. Do đó, cần phòng ngừa tình trạng này để giảm nguy cơ bị thuyên tắc phổi và các dạng thuyên tắc khác.

thuyên tắc mạch máu phổi
Người bị giãn tĩnh mạch nên mang vớ y khoa để ngăn ngừa hình thành huyết khối và phòng ngừa thuyên tắc phổi

Các biện pháp phòng ngừa bệnh thuyên tắc phổi:

  • Tập thể dục thường xuyên, tránh ngồi hoặc nằm quá lâu.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng. Kiêng chất béo bão hòa và đường, muối để tránh xơ vữa động mạch, cao huyết áp
  • Không tự ý sử dụng thuốc và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế rượu bia.
  • Người bị giãn tĩnh mạch nên mang vớ y khoa để ngăn máu chảy ngược.
  • Tích cực phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật, chấn thương nhằm ngăn hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch sâu.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị khó thở đột ngột, đau ngực, ho… có thể là do đâu?

2. Những xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán bệnh?

3. Bệnh thuyên tắc phổi có nguy hiểm không? Vì sao tôi mắc bệnh lý này?

4. Với tình trạng hiện tại, tôi nên điều trị bằng phương pháp nào?

5. Tôi có thể điều trị tại nhà hay phải điều trị tại bệnh viện?

6. Thời gian điều trị bệnh thuyên tắc phổi mất bao lâu?

7. Bệnh thuyên tắc phổi có tái phát không?

8. Làm sao để phòng ngừa thuyên tắc phổi tái phát?

Bệnh thuyên tắc phổi có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường như ho dữ dội, ho ra máu, khó thở đột ngột, đau thắt ngực, choáng váng… Ngoài ra, những người bị rối loạn đông máu, giãn tĩnh mạch, phải nằm trong một thời gian dài… nên chủ động phòng ngừa để tránh bị thuyên tắc động mạch phổi.

Tham khảo thêm: