Bệnh Viêm Thanh Quản
Viêm thanh quản là tình trạng khá phổ biến ở trẻ dưới 6 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nhưng phần lớn là do nhiễm virus. Bệnh có thể tự giới hạn sau khoảng vài ngày đến vài tuần nhưng cũng có khi tiến triển nặng gây suy hô hấp. Vì vậy, chủ động trang bị kiến thức để có thể chăm sóc, điều trị đúng cách là vô cùng cần thiết.
Tổng quan
Bệnh viêm thanh quản (Laryngitis) là tình trạng thanh quản bị viêm do kích ứng, nhiễm trùng hoặc do hoạt động quá mức. Thanh quản là cơ quan chịu trách nhiệm trong các hoạt động thở, nuốt, trò chuyện và ca hát. Hiện tượng viêm thanh quản ngoài những nguyên nhân giống như viêm họng, viêm amidan còn do la hét, nói liên tục trong một thời gian dài.
Trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc bệnh nhưng phổ biến hơn ở trẻ dưới 6 tuổi. Tùy theo nguyên nhân, viêm có thể khu trú ở niêm mạc hoặc cũng có thể lan xuống phía dưới. Trường hợp nặng sẽ gây xung huyết, phát triển thành loét niêm mạc cho đến viêm cơ và hoại tử sụn.
Nhìn chung, đa phần các trường hợp viêm thanh quản đều do virus và có thể thuyên giảm nhanh. Tuy nhiên, không nên vì vậy mà chủ quan khiến bệnh tiến triển dai dẳng gây ra nhiều biến chứng. Ngoài việc điều trị, chủ động phòng ngừa bệnh cũng là điều cần thiết giúp hạn chế nguy cơ tái phát và góp phần bảo vệ các cơ quan hô hấp dưới.
Phân loại bệnh
Viêm thanh quản là tình trạng viêm niêm mạc hoặc nặng hơn là xung huyết, phù nề. Dựa vào thời gian tiến triển, bệnh lý này được chia thành 2 loại là viêm thanh quản cấp tính và viêm thanh quản mãn tính.
Viêm thanh quản cấp tính là tình trạng viêm cấp, diễn ra trong thời gian ngắn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là do virus. Bệnh có thể tự thoái lui sau vài tuần và không để lại biến chứng. Dù vậy, vẫn nên điều trị và chăm sóc để tránh bội nhiễm, bệnh kéo dài chuyển sang giai đoạn mãn tính.
ĐỌC NGAY: Viêm thanh quản cấp tính ở trẻ em và cách chữa an toàn
Viêm thanh quản mãn tính là tình trạng niêm mạc thanh quản bị viêm dai dẳng, kéo dài, tái phát nhiều lần. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng hơn nhưng thường có liên quan đến các yếu tố kích thích như thói quen hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất, trào ngược axit dạ dày, mắc các bệnh viêm đường hô hấp mãn tính,...
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Thanh quản là cơ quan cuối cùng của đường hô hấp trên. So với tai mũi họng thì thanh quản ít bị viêm nhiễm hơn do vị trí nằm ở phía dưới. Nguyên nhân gây bệnh viêm thanh quản khá đa dạng, trong đó đa phần là do nhiễm virus.
Các nguyên nhân, yếu tố gây bệnh viêm thanh quản:
- Nhiễm virus, vi khuẩn: Hơn 70% trường hợp bị viêm thanh quản là do nhiễm virus sau khi mắc các bệnh viêm đường hô hấp như viêm VA, viêm amidan, viêm xoang, cúm, viêm mũi họng,... Ngoài ra, hiện tượng viêm ở niêm mạc thanh quản cũng có thể do vi khuẩn.
- Lạm dụng thanh quản: Thanh quản là cơ quan chịu trách nhiệm nuốt, thở, hát, giao tiếp. Các trường hợp lạm dụng thanh quản quá mức như nói nhiều, nói to, la hét,... trong một thời gian dài có thể khiến cơ quan này bị phù nề, sưng viêm. Vì thế, những người làm công việc giáo viên, MC, ca sĩ sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn.
- Tiếp xúc với chất kích thích: Tương tự như viêm họng, viêm thanh quản cũng có thể xảy ra do thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá… Cồn và hóa chất sẽ gây kích ứng niêm mạc khiến cho thanh quản dễ bị sưng viêm, tổn thương, tạo điều kiện để virus và vi khuẩn tấn công.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Những người bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Axit từ dạ dày làm tổn thương niêm mạc họng, amidan, tạo điều kiện để vi khuẩn và virus xâm nhập vào thanh quản, khí quản.
- Lạm dụng corticoid dạng hít: Corticoid dạng hít thường được dùng để điều trị hen phế quản (hen suyễn). Tuy nhiên, lạm dụng thuốc quá mức có thể gây bội nhiễm nấm dẫn đến viêm thanh quản và một số bệnh viêm đường hô hấp khác.
- Thời tiết thay đổi: Thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường là điều kiện để virus và vi khuẩn phát triển. Trong thời điểm này, không chỉ viêm thanh quản mà nguy cơ bị viêm phế quản, viêm họng, viêm amidan cũng gia tăng đáng kể.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của viêm thanh quản khá dễ nhận biết, đặc biệt là viêm thanh quản cấp. Nhận biết sớm bệnh lý này sẽ giúp điều trị và chăm sóc kịp thời, hạn chế bệnh tiến triển dai dẳng.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm thanh quản bao gồm:
- Khó nuốt, vướng cổ họng
- Ho dai dẳng, liên tục
- Thi thoảng bị mất tiếng
- Khàn tiếng
- Giọng yếu, thường xuyên hụt hơi
- Có thói quen hắng giọng do giọng khàn, mất tiếng
- Thở rít, khó thở
- Trẻ nhỏ bị viêm thanh quản cấp có thể bị sốt, mệt mỏi, cổ họng đau, sưng hạch cổ, buồn nôn,...
- Viêm thanh quản ở trẻ có biểu hiện rõ rệt, đặc trưng hơn viêm thanh quản ở người lớn. Đa phần người trưởng thành chỉ có triệu chứng cơ năng, không xuất hiện triệu chứng toàn thân.
Viêm thanh quản là bệnh hô hấp khá phổ biến và ít nguy hiểm. Bệnh có thể thuyên giảm sau khi được nghỉ ngơi, chăm sóc. Tuy nhiên nếu sốt cao, mất giọng hoàn toàn,... nên thăm khám sớm (nhất là trong trường hợp khó thở, thở rít).
Chẩn đoán viêm thanh quản chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, nhất là tình trạng khàn giọng, giọng nói thay đổi. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu nội soi thanh quản để xác định nguyên nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm thanh quản không quá nguy hiểm và ít khi đe dọa đến sức khỏe. Ở người lớn, bệnh lý này gần như không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng có thể gây phiền toái trong sinh hoạt. Tình trạng ho, khàn tiếng cũng ảnh hưởng đáng kể đến công việc và đôi khi làm gián đoạn giấc ngủ.
Viêm thanh quản ở trẻ cần được chú ý hơn do diễn tiến nhanh. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm ở thanh quản có thể lây lan sang các cơ quan khác gây viêm phế quản, viêm amidan, viêm họng,... Trường hợp nặng có thể gây hẹp đường thở, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Các bệnh hô hấp trên nói chung và viêm thanh quản nói riêng đều có đáp ứng tốt nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên với viêm thanh quản mãn tính, cần kết hợp với phòng ngừa để tránh trường hợp tái đi tái lại.
Điều trị
Viêm thanh quản thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn nhưng không nên vì thế mà chủ quan. Trường hợp triệu chứng nhẹ, có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu nhận thấy có biểu hiện sốt cao, khó thở,... nên điều trị nội trú để đảm bảo an toàn.
Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị bệnh viêm thanh quản:
Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng với mục đích làm giảm triệu chứng và chống nhiễm khuẩn, nhiễm nấm (trong trường hợp do vi khuẩn, bội nhiễm nấm). Nếu triệu chứng nhẹ, có thể dùng các loại thuốc không kê toa. Trường hợp nặng nên thăm khám trước khi dùng kháng sinh để tránh tình trạng kháng thuốc.
Các loại thuốc được dùng để điều trị viêm thanh quản bao gồm:
- Thuốc chống viêm corticoid: Corticoid sẽ được cân nhắc nếu thanh quản bị viêm cấp, phù nề gây khó thở. Thuốc có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng hiệu quả. Tuy nhiên, corticoid gây ra nhiều tác dụng phụ nên chỉ được dùng ngắn ngày theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Viêm thanh quản có thể gây sốt kèm theo đau rát họng và sưng hạch ở cổ. Trường hợp này có thể dùng Ibuprofen hoặc Acetaminophen để giảm đau.
- Kháng sinh, kháng nấm: Trường hợp viêm thanh quản do nhiễm nấm, vi khuẩn sẽ được chỉ định dùng kháng sinh, kháng nấm. Nhóm thuốc này giúp kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, từ đó cải thiện hiện tượng phù nề và sưng viêm ở thanh quản. Tuy nhiên, chỉ nên dùng kháng sinh khi cần thiết và khi có chỉ định của bác sĩ.
- Adrenalin: Adrenalin phối hợp corticoid sẽ được cân nhắc trong trường hợp viêm thanh quản cấp ở trẻ gây suy hô hấp nặng. Bác sĩ sẽ chỉ định Adrenalin và corticoid để chống phù nề.
Thở oxy
Viêm thanh quản cấp thể nặng cần được nhập viện để tránh tử vong do suy hô hấp nặng. Bệnh nhân sẽ được thở oxy duy trì để tránh tử vong. Khi chức năng hô hấp được phục hồi, có thể điều trị ngoại trú.
Các biện pháp chăm sóc
Viêm thanh quản có thể được kiểm soát sau khi dùng thuốc và thực hiện các biện pháp chăm sóc. Các biện pháp nên thực hiện bao gồm:
- Uống nhiều nước để làm dịu thanh quản và cổ họng, có thể uống nước ấm hoặc dùng trà mật ong, hoa cúc để giảm ho, vướng họng.
- Kiêng rượu, cà phê, tránh các loại nước ngọt có gas và thức ăn nhiều gia vị.
- Súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc dung dịch sát khuẩn để tiêu diệt virus, vi khuẩn trong khoang miệng.
- Dùng máy tạo độ ẩm để làm dịu niêm mạc hô hấp, hạn chế tiết dịch nhầy quá mức.
- Đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, phấn hoa,...
- Hạn chế giao tiếp, đặc biệt là la hét và nói quá to.
- Cai thuốc lá và tránh hít khói thuốc lá thụ động.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng để tránh lây nhiễm virus, vi khuẩn.
Phòng ngừa
Tương tự như các bệnh hô hấp trên, viêm thanh quản là bệnh lý dễ tái phát. Song song với các biện pháp chăm sóc và điều trị, nên chủ động phòng ngừa bằng một số cách đơn giản sau:
- Hạn chế thức uống chứa cồn, caffeine.
- Lên kế hoạch cai thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá, hóa chất, bụi,... bằng cách đeo khẩu trang.
- Kiểm soát tốt trào ngược dạ dày bằng chế độ ăn, sinh hoạt hợp lý và sử dụng thuốc khi cần thiết.
- Không tiếp xúc gần với người bị viêm nhiễm đường hô hấp.
- Giữ ẩm thanh quản, cổ họng bằng cách uống đủ 2 lít nước/ ngày.
- Tăng cường sức đề kháng thông qua lối sống khoa học, hợp lý.
- Rửa tay thường xuyên, sử dụng cồn để sát khuẩn sau khi đi vệ sinh và khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng.
- Không nên nói quá nhiều trong một thời dài, hạn chế la hét và nói to.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh viêm thanh quản có tự khỏi không?
2. Viêm thanh quản có nguy hiểm không?
3. Viêm thanh quản gây khó thở phải làm sao?
4. Viêm thanh quản có lây không?
5. Bị viêm thanh quản có cần uống kháng sinh?
6. Nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện viêm thanh quản?
7. Viêm thanh quản tái đi tái lại phải làm sao?
8. Bà bầu bị viêm thanh quản nên điều trị như thế nào?
9. Bị viêm thanh quản có phải mổ không?
Bệnh viêm thanh quản đa phần là do virus nên không đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở những đối tượng có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ, gia đình nên chú ý các dấu hiệu bất thường để kịp thời phát hiện dấu hiệu suy hô hấp. Viêm thanh quản ở người lớn dù không nghiêm trọng nhưng vẫn nên được điều trị và chủ động phòng ngừa để tránh cản trở công việc.
HỮU ÍCH CHO BẠN
- 10 Biện pháp điều trị viêm thanh quản ngay tại nhà cho hiệu quả cao
- Viêm thanh quản theo Đông Y và các bài thuốc cổ truyền