Bệnh Viêm VA
Bệnh viêm VA phổ biến ở trẻ dưới 6 tuổi với triệu chứng điển hình là ngạt mũi, thở bằng miệng, nói giọng mũi,... Bệnh tuy dễ điều trị nhưng có thể tái đi tái lại gây phì đại VA. Phụ huynh cần trang bị thông tin về bệnh lý này để kịp thời cho trẻ thăm khám và điều trị khi cần thiết.
Tổng quan
Bệnh viêm VA (Adenoiditis) là tình trạng VA bị viêm do nhiễm virus, vi khuẩn. Bệnh lý này khá phổ biến ở trẻ nhỏ trong giai đoạn từ 6 tháng cho đến 6 tuổi. Mặc dù là căn bệnh thường gặp nhưng viêm VA ít được tìm hiểu như viêm họng, viêm amidan. Phụ huynh vì thế dễ bỏ qua những dấu hiệu bất thường ở trẻ khiến bệnh tiến triển mãn tính, tái đi tái lại.
VA là cơ quan miễn dịch nằm ở cửa mũi sau phía trên của lưỡi gà. Cơ quan này tập trung nhiều tế bào bạch cầu với chức năng tạo kháng thể để chống lại virus và vi khuẩn. VA được hình thành trong quá trình mang thai, phát triển mạnh trong giai đoạn 1 - 2 tuổi và teo dần khi trẻ được 5 tuổi. Nếu trẻ bị viêm VA quá phát, tổ chức VA có thể không tự teo đi theo thời gian.
Tương tự như amidan, VA có chức năng miễn dịch nhưng vẫn có nguy cơ bị viêm nhiễm khi sức đề kháng giảm, số lượng bạch cầu không đủ để chống lại sự tấn công của vi khuẩn, virus. VA nằm sâu bên trong cửa mũi sau nên không thể quan sát như amidan. Để được chẩn đoán chính xác tình trạng con trẻ gặp phải, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám sớm.
Phân loại bệnh
Viêm VA được chia thành 2 loại là viêm VA cấp tính và viêm VA mãn tính.
Viêm VA cấp tính:
Viêm VA cấp tính thường xảy ra do virus và một số ít trường hợp là do nhiễm vi khuẩn. Đặc trưng là triệu chứng khởi phát đột ngột, rầm rộ và dễ nhận biết. Viêm VA cấp tính thường ảnh hưởng đến trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi đến khoảng 4 tuổi. Trẻ lớn hơn thường sẽ phát triển viêm VA mãn tính.
Viêm VA mãn tính:
Viêm VA mãn tính là tình trạng viêm VA cấp tái đi tái lại nhiều lần gây xơ hóa, quá phát tổ chức này. Về quá trình phát triển bệnh, viêm VA khá giống với viêm amidan. Viêm VA mãn tính có triệu chứng mờ nhạt hơn nhưng gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
VA và amidan có vai trò miễn dịch rõ rệt trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, cả hai cơ quan này đều có thể bị viêm nhiễm, phù nề do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm VA:
- Do nhiễm virus, vi khuẩn: Ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh nên VA và amidan sẽ có chức năng bảo vệ cơ quan hô hấp. Tuy nhiên, nếu thường xuyên tiếp xúc với virus, vi khuẩn,... VA không thể chống lại sự tấn công của các tác nhân có hại. Kết quả là virus, vi khuẩn trú ngụ bên trong gây viêm VA và có thể đi kèm với các bệnh viêm đường hô hấp trên khác.
- Hệ miễn dịch suy giảm: Khi hệ miễn dịch suy giảm, số lượng bạch cầu trong VA sẽ giảm đi đáng kể. Đây là điều kiện để virus, vi khuẩn xâm nhập và phát triển mạnh mẽ. Do đó, trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân, béo phì, cơ địa dị ứng,... sẽ có nguy cơ bị viêm VA cao hơn so với bình thường.
- Các yếu tố nguy cơ khác: Nguy cơ bị viêm VA có thể tăng lên đáng kể khi có những yếu tố nguy cơ như vệ sinh mũi họng kém, trẻ sinh sống trong môi trường ẩm thấp, kém vệ sinh. Trẻ cũng có thể mắc bệnh do lây nhiễm virus, vi khuẩn từ bạn bè.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của bệnh viêm VA có sự khác biệt rõ rệt giữa viêm VA cấp tính và viêm VA mãn tính. Nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường sẽ giúp phụ huynh kịp thời cho trẻ thăm khám, điều trị.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm VA cấp tính:
- Viêm VA cấp tính khởi phát rất đột ngột, bắt đầu với các triệu chứng toàn thân như sốt cho đến sốt cao.
- Ngạt mũi, có thể ngạt một bên hoặc ngạt cùng lúc hai bên. Mức độ ngạt mũi tăng dần theo thời gian khiến trẻ phải thở bằng miệng, khó thở và nói giọng mũi.
- Trẻ nhỏ có biểu hiện bú ngắt quãng hoặc bỏ bú do ngạt mũi, khó thở.
- Chảy nước mũi cũng là triệu chứng thường thấy ở bệnh viêm VA cấp tính. Ban đầu, nước mũi có màu trắng trong, sau chuyển thành trắng đục hoặc chuyển sang màu vàng, màu xanh, độ đặc quánh tăng dần.
- Nước mũi có thể chảy ra phía trước hoặc chảy xuống cổ họng. Trường hợp chảy dịch mũi xuống họng có thể gây viêm amidan, viêm họng đi kèm.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Ngủ ngáy và có xu hướng há miệng khi ngủ.
- Khô miệng, ho do thở bằng miệng.
- Trẻ mệt mỏi, bỏ bú, biếng ăn.
- Trẻ nhỏ có xu hướng quấy khóc, đôi khi đi kèm với tiêu chảy và nôn trớ.
- Khả năng nghe giảm.
- Viêm VA cấp tính xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 4 tuổi, có thể khởi phát trong giai đoạn từ 6 - 7 tháng tuổi.
Triệu chứng của bệnh viêm VA mãn tính:
- Viêm VA mãn tính có triệu chứng mờ nhạt hơn với biểu hiện thường gặp là chảy mũi kéo dài, nước mũi trong nhưng có thể có màu trắng đục do bội nhiễm.
- Ngạt mũi, mức độ tăng khi về đêm.
- Một số trẻ có thể tắc mũi hoàn toàn và phải thở bằng miệng.
- Do mũi bị ngạt, trẻ nói và khóc bằng giọng mũi.
- Viêm VA mãn tính thường không gây sốt nhưng do VA quá phát nên có thể gây ngưng thở khi ngủ.
- Thở bằng miệng trong một thời gian dài khiến trẻ mệt mỏi, thiếu tập trung và chậm phát triển, thiếu linh hoạt so với trẻ cùng trang lứa.
Viêm VA cần phải được thăm khám và điều trị để tránh biến chứng. Khi nhận thấy trẻ bị ngạt mũi, bú và thở khó khăn, gia đình nên tìm gặp bác sĩ sớm.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng triệu chứng lâm sàng, đánh giá sự phát triển tư duy và thể chất của trẻ. Trường hợp cần thiết có thể nội soi mũi họng để quan sát hình ảnh VA.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm VA là bệnh hô hấp trên thường gặp ở trẻ nhỏ bên cạnh viêm họng, viêm amidan và viêm mũi dị ứng. Giống như các bệnh hô hấp khác, bệnh lý này có thể thuyên giảm nhanh nếu được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trường hợp phụ huynh chủ quan có thể khiến trẻ phải đối mặt với nhiều biến chứng. Biến chứng gần thường là viêm tai giữa cấp mủ, viêm tai giữa thanh dịch, viêm tai giữa mủ nhầy, viêm mũi họng và viêm xoang. Các biến chứng này xảy ra chủ yếu ở những trường hợp viêm VA cấp tính.
Tình trạng viêm nhiễm VA tái đi tái lại sẽ tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn lây lan đến những cơ quan xa hơn. Biến chứng xa do viêm VA gây ra có thể là viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm khí quản, rối loạn tiêu hóa,...
Các biến chứng kể trên cũng khá phổ biến ở bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản. Tuy nhiên, viêm VA mãn tính còn gây ra một số vấn đề khác. Tình trạng ngạt mũi và VA quá phát dẫn đến hiện tượng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ.
Thở bằng miệng gây ra tình trạng thiếu oxy lâu ngày, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ. Hơn nữa, do ngạt mũi thường xuyên nên trẻ dễ nôn trớ, ăn không ngon cộng thêm tình trạng rối loạn tiêu hóa khiến trẻ chậm lớn, xanh xao, suy nhược.
Viêm VA mãn tính còn có thể gây rối loạn phát triển khối xương mặt. Trẻ có thói quen thở miệng lâu ngày, mũi ít được hoạt động sẽ dẫn đến sự phát triển bất thường của xương mặt. Đa phần trẻ bị viêm VA lâu ngày sẽ dễ bị hô/ vẩu, miệng hở, mặt dài, trán dô, mũi tẹt, chóp mũi nhỏ.
Có thể thấy, viêm VA gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan khi nhận thấy con có biểu hiện ngạt mũi, khó thở, thở bằng miệng,...
Điều trị
Sau khi được chẩn đoán và xác định mức độ viêm VA, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với từng trẻ. Các phương pháp phổ biến nhất hiện nay bao gồm:
Sử dụng thuốc
Dùng thuốc giúp giảm đáng kể các triệu chứng do viêm VA gây ra. Phụ huynh nên dùng thuốc cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ (đặc biệt là kháng sinh). Trường hợp nhẹ có thể dùng các loại thuốc không kê toa nhưng cần lưu ý tránh lạm dụng.
Các loại thuốc điều trị viêm VA bao gồm:
- Thuốc hạ sốt, giảm đau (Paracetamol, Ibuprofen,...)
- Thuốc giảm ho (Bupivacain, Ambroxol, Benzonatate,...)
- Thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch, chống phù nề (Xylometazoline, Naphazolin,...)
- Thuốc nhỏ mũi có tác dụng sát khuẩn, làm dịu
- Các loại viên uống tăng cường miễn dịch như vitamin nhóm B, vitamin C,...
- Kháng sinh nhóm cephalosporin, penicillin…
Kháng sinh chỉ được dùng trong trường hợp viêm VA do vi khuẩn. Trường hợp do virus không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh sẽ thuyên giảm sau 7 - 10 ngày nếu chăm sóc đúng cách và có thể dùng một số loại thuốc giảm triệu chứng khi cần thiết.
Nạo VA
Nạo VA là phương pháp xâm lấn được thực hiện để loại bỏ tổ chức VA. Như đã đề cập, VA có chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể. Do đó, nạo VA chỉ được cân nhắc trong trường hợp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, viêm VA tái đi tái lại từ 5 - 6 lần/ năm.
Nạo VA cũng là giải pháp tối ưu trong trường hợp VA quá phát, phì đại gây ngưng thở khi ngủ, giảm thính lực,... Phương pháp này sẽ giúp lưu thông mũi được bình thường hóa, đảm bảo trẻ có thể phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ.
Ngoài ra, loại bỏ tổ chức VA cũng sẽ hạn chế viêm nhiễm lây lan sang tai mũi họng và các cơ quan xa như thanh quản, khí quản.
Chăm sóc trẻ bị viêm VA
Viêm VA là bệnh hô hấp phổ biến ở trẻ với nguyên nhân chủ yếu là do virus. Vì không có thuốc đặc hiệu nên gia đình cần kết hợp với chăm sóc đúng cách để giảm triệu chứng và nâng đỡ thể trạng.
Các biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm VA:
- Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà từ 1 - 3 ngày để tránh mệt mỏi quá mức.
- Uống nước ấm, dùng thức ăn lỏng, mềm, ít gia vị sẽ giúp giảm các triệu chứng viêm VA đáng kể.
- Trường hợp viêm VA cấp tính nên bù nước, bổ sung thêm nước ép trái cây, rau củ để cân bằng điện giải.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm nhằm hạn chế tình trạng khô họng và làm dịu niêm mạc hô hấp cho trẻ.
- Rửa mũi thường xuyên bằng dung dịch nước biển sâu hoặc nước muối sinh lý. Biện pháp này giúp làm sạch dịch tiết hô hấp, hạn chế tình trạng bội nhiễm.
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách, súc họng bằng dung dịch sát khuẩn.
- Nâng đỡ thể trạng bằng chế độ ăn uống hợp lý và ngủ đủ giấc.
Phòng ngừa
VA là cơ quan có chức năng miễn dịch, chống lại sự tấn công của virus và vi khuẩn. Tuy nhiên, vào mùa lạnh, thời tiết thay đổi đột ngột,... cơ quan này có thể bị viêm nhiễm.
Để tránh trường hợp VA tái đi tái lại gây quá phát, phì đại, phụ huynh nên phòng ngừa viêm VA ở trẻ bằng các biện pháp sau đây:
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Dạy trẻ làm sạch tay bằng cồn/ xà phòng sau khi đi vệ sinh và sau khi đến những nơi công cộng.
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ hằng ngày, nhất là sau khi đi đến những nơi đông người.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé, khuyến khích trẻ tập thể thao, vui chơi thể chất.
- Vào thời điểm chuyển mùa, nên mặc trang phục dài tay để giữ ấm.
- Đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc,...
- Thời tiết khô hanh có thể gia tăng độ nhạy cảm của đường hô hấp. Phụ huynh nên dùng máy tạo độ ẩm để phòng ngừa viêm VA và các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ.
- Tiêm ngừa vaccine cúm, ho gà, viêm phổi do phế cầu,... cho trẻ.
- Điều trị sớm và dứt điểm các bệnh viêm mũi họng, viêm xoang.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Trẻ bị viêm VA có nên nạo không?
2. Viêm VA có lây không?
3. Viêm VA có nguy hiểm không? Gây ra biến chứng gì?
4. Bị viêm VA có cần uống kháng sinh?
5. Viêm VA có phải là viêm amidan? Phân biệt như thế nào?
6. Viêm VA ở trẻ sơ sinh cần lưu ý gì khi điều trị?
7. Cho trẻ ăn gì, kiêng gì để cải thiện viêm VA?
8. Viêm VA tái phát phải làm sao?
Bệnh viêm VA là một trong những vấn đề hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều thuyên giảm nhanh sau khi điều trị và chăm sóc. Ngược lại, những trường hợp chủ quan có thể khiến VA bị viêm tái đi tái lại, VA xơ hóa, quá phát ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ.