Bệnh Trào ngược động mạch chủ
Trào ngược động mạch chủ là một dạng rối loạn van tim xảy ra khi van động mạch chủ đóng lại không đúng cách, khiến máu chảy ngược về tim. Bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố như dị tật tim bẩm sinh, sốt thấp khớp, viêm nội tâm mạc... Đây là tình trạng sức khỏe tim mạch nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Điều trị trào ngược động mạch chủ chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van động mạch chủ.
Tổng quan
Trào ngược động mạch chủ (Aortic Regurgitation) là tình trạng van động mạch chủ của tim không đóng chặt, khiến máu được bơm ra khỏi buồng bơm chính của tim (tâm thất trái) bị rò rỉ ngược trở lại. Hậu quả của sự rò rỉ này là gây cản trở tim bơm máu đến các phần còn lại của cơ thể, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như mệt mỏi, khó thở.
Các tên gọi khác của trào ngược động mạch chủ là hở van động mạch chủ, suy động mạch chủ hay thiểu năng động mạch chủ. Bệnh lý này được xếp vào nhóm rối loạn van tim cần được cấp cứu y tế ngay lập tức nếu phát triển ở thể cấp tính. Còn thể mạn tính của bệnh thường phát triển chậm theo thời gian, nhưng cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Trào ngược động mạch chủ là kết quả của sự phối hợp kém giữa các lá động mạch chủ. Căn nguyên xuất phát từ sự hoạt động bất thường của các lá động mạch chủ và các cấu trúc hỗ trợ chúng như gốc cùng vòng động mạch chủ.
Thông thường, van động mạch chủ sẽ là nơi kiểm soát lưu lượng máu lưu thông giữa tim và động mạch chủ (một trong những động mạch lớn nhất trong cơ thể). Với mỗi lần tim đập, máu chứa oxy sẽ được bơm đến động mạch chủ, sau đó đi qua nhiều nhánh nhỏ khác nhau để đến nhiều mô, cơ quan trong cơ thể nhằm mục đích nuôi dưỡng và duy trì chức năng, hoạt động.
Trong trạng thái bình thường, van động mạch chủ sẽ đóng kín để đảm bảo máu được chảy đúng hướng. Tuy nhiên, ở những người mắc chứng trào ngược động mạch chủ, van sẽ không thể đóng kín hoàn toàn. Hậu quả khiến tâm thất trái giãn ra, tạo điều kiện cho một lượng máu nhỏ bị chảy ngược trở lại buồng tim.
Nếu việc rò rỉ này ít và không thường xuyên sẽ không có gì nguy hiểm. Ngược lại, nếu van động mạch chủ hở nhiều khiến một lượng máu lớn chảy ngược lại tâm thất trái gây quá tải thể tích đột ngột, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái trào ngược động mạch chủ cấp tính. Hoặc nếu tình trạng này tiến triển dần theo thời gian, bạn sẽ được chẩn đoán trào ngược động mạch chủ mạn tính.
Các chuyên gia nghiên cứu cho biết, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra trào ngược động mạch chủ bao gồm:
- Dị tật tim bẩm sinh: Những người có dị tật tim bẩm sinh, đặc biệt là dị tật van động mạch chủ hai mảnh, tồn tại sẵn ngay từ lúc sinh ra sẽ có nguy cơ mắc chứng trào ngược động mạch chủ cao hơn những người khác. Trong đó, độ tuổi phát bệnh phổ biến nhất là từ 20 - 40 tuổi.
- Van động mạch chủ bị vôi hóa: Tình trạng vôi hóa van động mạch chủ xảy ra ở những người trên 60 tuổi và mắc bệnh van hỗn hợp.
- Tiền sử thay van động mạch: So với van tự nhiên, van sinh học nhân tạo có thời hạn sử dụng, dễ bị hư hỏng theo thời gian và không còn hoạt động bình thường. Hậu quả cuối cùng vẫn là gây ra các vấn đề về bơm và rò rỉ máu, trong đó có chứng trào ngược động mạch chủ.
- Bệnh thấp tim: Thấp tim là nguyên nhân hàng đầu gây ra sốt thấp khớp và chính sốt thấp khớp là yếu tố tiền đề cho sự phát triển của chứng trào ngược động mạch chủ.
- Các bệnh lý khác: Ngoài các nguyên nhân trên, một số bệnh lý và vấn đề sức khỏe được nghiên cứu có liên quan đến chứng trào ngược động mạch chủ như:
- Viêm nội tâm mạc;
- Chứng phình động mạch chủ;
- Chứng bóc tách động mạch chủ;
- Hội chứng Marfan;
- Hội chứng Reiter (viêm khớp phản ứng);
- Viêm cột sống dính khớp;
- Lupus ban đỏ hệ thống;
- Cao huyết áp;
- Thoái hóa van do lão hóa;
- Chấn thương vùng ngực;
- Bệnh giang mai;
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Triệu chứng
Đa số trường hợp mắc chứng trào ngược động mạch chủ thường là phát triển âm thầm trong giai đoạn đầu và không có dấu hiệu nhận biết. Đến giai đoạn tiến triển nặng hơn, các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ tùy theo thể bệnh cấp hay mãn tính.
Cụ thể một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân trào ngược động mạch chủ gồm:
- Đau tức ngực: Tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm đủ lượng máu cần thiết đến các cơ quan do bị trào ngược động mạch chủ. Hậu quả làm tăng áp lực trong động mạch và khởi phát triệu chứng đau tức ngực, cảm giác nặng ngực, nhất là khi thực hiện các hoạt động gắng sức hoặc nằm xuống.
- Khó thở: Hầu hết bệnh nhân bị trào ngược động mạch chủ đều có triệu chứng khó thở. Nguyên nhân là do tim hoạt động bơm máu nhưng máu lại chảy ngược về buồng khiến cơ thể không có đủ lượng máu theo nhu cầu. Điều này dẫn đến sự tích tụ chất lỏng quá mức trong phổi gây ra khó thở.
- Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi bất thường cũng rất hay xảy ra do tim hoạt động kém, không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài hoặc suy nhược nghiêm trọng.
- Một số triệu chứng khác: Mức độ trào ngược động mạch chủ càng nặng, các triệu chứng xảy ra càng nhiều và mức độ cũng nghiêm trọng hơn. Một số triệu chứng khác có thể phát triển kèm theo như:
- Ho khan;
- Sưng phù mắt cá chân, bàn chân;
- Tim đập nhanh;
- Hoa mắt, chóng mặt;
- Ngất xỉu;
Chẩn đoán
Chẩn đoán trào ngược động mạch chủ thường phải kết hợp nhiều bước mới có thể cho ra kết quả chính xác nhất. Bao gồm:
- Kiểm tra thể chất: Trước tiên, bệnh nhân sẽ phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tiền sử bệnh, thời gian phát bệnh và các triệu chứng lâm sàng mà bản thân đang gặp phải. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành đo huyết áp và kiểm tra nhịp tim bằng ống nghe, bước này có thể giúp phát hiện tiếng thổi bất thường của tim do các hoạt động lưu thông máu bất thường ở bên trong, tìm kiếm dấu hiệu suy tim.
- Siêu âm tim: Kỹ thuật này được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chứng trào ngược động mạch chủ. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh với tần số cao để tạo ra hình ảnh về cấu trúc tim. Bạn có thể được chỉ định siêu âm tim qua lồng ngực (TTE) hoặc siêu âm tim qua thực quản (TEE). Một số trường hợp có thể được chỉ định siêu âm Doppler để kiểm tra chức năng van. Vì kỹ thuật này chủ yếu đo tốc độ và hướng của dòng máu chảy qua tim.
- Các xét nghiệm hỗ trợ khác: Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng các kỹ thuật phù hợp khác để chẩn đoán trào ngược động mạch chủ. Chẳng hạn như:
- Chụp X quang ngực;
- Đo điện tâm đồ;
- Chụp MRI tim;
- Chụp mạch vành;
- Thông tim (nếu cần thiết);
Dựa vào kết quả xác nhận chẩn đoán trào ngược động mạch chủ, bác sĩ sẽ thông báo và giải thích chi tiết cho bệnh nhân, đồng thời tư vấn kế hoạch điều trị phù hợp.
Biến chứng và tiên lượng
Trào ngược động mạch chủ được các chuyên gia cảnh báo là một trong những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều vấn đề khó lường, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân là do càng về những giai đoạn sau của bệnh, thành cơ tâm thất trái ngày càng dày hơn gây ra chứng phì đại tâm thất trái. Điều này khiến tim bị hạn chế hoạt động và hậu quả cuối cùng là các biến chứng như:
- Rối loạn nhịp tim;
- Đau tim;
- Nhiễm trùng tim;
- Suy tim;
- Đột quỵ;
- Đột tử;
- Tử vong;
Rất khó để đưa ra đánh giá về tiên lượng bệnh nếu chưa thăm khám. Trường hợp đã có kết quả chẩn đoán và đánh giá bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra tiên lượng phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian phát bệnh, tiến triển triệu chứng đến mức nào, đã phát triển biến chứng suy tim hay chưa, có đáp ứng với các phương pháp điều trị và sức khỏe tổng thể có được cải thiện hay không.
Càng về những giai đoạn sau, tiên lượng bệnh càng xấu do sự ảnh hưởng của biến chứng suy tim. Ngược lại, những bệnh nhân đã từng thực hiện phẫu thuật thay van trước khi suy tim sẽ có tiên lượng tốt về lâu dài. Để biết chính xác tiên lượng cho tình trạng của bản thân, hãy thăm khám càng sớm càng tốt và trao đổi với bác sĩ để được giải đáp mọi thắc mắc.
Điều trị
Việc thực hiện các biện pháp điều trị trào ngược động mạch chủ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân. Các chọn lựa điều trị có thể bao gồm các phương pháp sau:
Điều trị trào ngược động mạch chủ cấp tính
Những bệnh nhân bị trào ngược động mạch chủ cấp tính với các triệu chứng nguy kịch, bộc phát đột ngột cần được nhanh chóng đưa vào nhập viện để cấp cứu kịp thời. Trong hầu hết trường hợp, phẫu thuật khẩn cấp có thể được chỉ định. Kết hợp phục hồi và duy trì các dấu hiệu sinh tồn để tạm thời ổn định sức khỏe cho bệnh nhân.
Sau đó, các chỉ định nội khoa có thể được đưa ra nhằm giảm thiểu các di chứng, bao gồm:
- Kết hợp thuốc lợi tiểu và thuốc làm giãn tĩnh mạch dạng tiêm giúp cải thiện dòng chảy của máu từ tim đi thẳng về phía trước;
- Thuốc tăng khả năng co bóp của tim như dobutamine hoặc dopamin giúp tăng cung lượng tim;
- Không được chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc chẹn beta vì có thể làm giảm lượng CO và cản trở nhịp tim;
Riêng với biện pháp phẫu thuật sẽ được thực hiện ngay sau đó. Tuy nhiên, chống chỉ định hoặc tạm hoãn phẫu thuật đối với những bệnh nhân bị trào ngược động mạch chủ thứ phát do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, hoặc có huyết động ổn định liên tục từ 5 - 7 ngày sau khi dùng kháng sinh. Ngược lại, nếu phát triển nguy cơ hình thành áp xe hoặc huyết động bất ổn ngay sau đó có thể cân nhắc phẫu thuật.
Điều trị trào ngược động mạch chủ mạn tính
Đối với bệnh nhân phát bệnh trong giai đoạn mạn tính, mức độ không quá nghiêm trọng thường được chỉ định theo dõi kỹ lưỡng. Bệnh nhân không có triệu chứng sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm lâm sàng và siêu âm tim mỗi 12 - 24 tháng. Riêng bệnh nhân mãn tính phát bệnh nặng nên tái khám 6 tháng/ lần.
Đối với các trường hợp bệnh đã tiến triển đến mức phát sinh triệu chứng, cần can thiệp điều trị y tế sớm để đạt hiệu quả cao. Các phương pháp phổ biến gồm:
Điều trị nội khoa
Tuy vẫn được áp dụng nhưng hầu hết các chỉ định điều trị trào ngược động mạch chủ bằng nội khoa còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết vẫn có thể sử dụng các loại thuốc nhằm mục đích làm giãn mạch sau:
- Thuốc chẹn kênh canxi dihydropyridin;
- Thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin;
Điều trị ngoại khoa
Với những bệnh nhân bị trào ngược động mạch chủ mạn tính nghiêm trọng có thể được cân nhắc sửa chữa hoặc thay van động mạch chủ (AVR). Điều này có thể được thực hiện bằng cách phẫu thuật tim hở hoặc các thù thủ thuật xâm lấn tối thiểu, điển hình như thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR).
- Sửa chữa van động mạch chủ: Quá trình này được thực hiện bằng cách tách bỏ các mũi van đã hợp nhất lại với nhau, sau đó định hình hoặc cố định múi van lại trên các lỗ van. Phương pháp này có thể được thực hiện bằng kỹ thuật đặt ống thông hoặc dùng thiết bị sửa chữa van động mạch chủ thay thế bị rò rỉ.
- Thay van động mạch chủ: Để thay van động mạch chủ, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ phần van bị hư hỏng, sau đó thay thế bằng van cơ học hoặc van sinh học được làm từ mô tim lợn, bò hoặc của người hiến tặng. Kỹ thuật thay van động mạch chủ (TAVR) là thủ thuật xâm lấn tối thiểu để nhằm thay mới van động mạch chủ bị tổn thương khá hiệu quả. Tuy nhiên, rủi ro của nó là van nhân tạo có hạn sử dụng, có thể bị hỏng theo thời gian và cần phải tiếp tục thay mới. Ngoài ra, nếu dùng van cơ học, bệnh nhân có thể sẽ phải sử dụng thuốc làm loãng máu suốt đời để ngăn chặn biến chứng hình thành cục máu đông gây hại cho sức khỏe.
Trong một số trường hợp cần thiết có thể kết hợp phẫu thuật và dùng thuốc để kiểm soát bệnh một cách hiệu quả.
Phòng ngừa
Bệnh trào ngược động mạch chủ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Tuy nhiên, để giảm nguy cơ phát triển căn bệnh này, chúng ta cần nâng cao ý thức về việc chăm sóc sức khỏe tích cực bằng các biện pháp sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, sử dụng thực phẩm lành mạnh, sạch sẽ, chế biến đúng cách và hạn chế muối, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
- Tập thể dục thể thao điều độ hàng ngày, tập vừa sức, khoảng 30 phút mỗi ngày để nâng cao sức khỏe toàn diện, bao gồm cả sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ thừa cân béo phì.
- Kiểm soát căng thẳng thông qua các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, yoga, thiền định...
- Ngủ đủ giấc, không thức khuya để giúp cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng và tự chữa lành các bất thường bên trong.
- Lối sống lành mạnh, nói không với chất kích thích như thuốc lá, rượu bia...
- Điều trị dứt điểm các dấu hiệu viêm nhiễm, kiểm soát huyết áp thường xuyên khi mắc các bệnh như thấp khớp hoặc cao huyết áp để giảm nguy cơ phát triển bệnh trào ngược động mạch chủ.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Lý do tại sao tôi hay gặp phải các triệu chứng như khó thở, đau tức ngực, tim đập không đều, mệt mỏi, sưng chân?
2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh trào ngược động mạch chủ?
3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để xác nhận chẩn đoán?
4. Bệnh trào ngược động mạch chủ có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng đến tính mạng không?
5. Tiên lượng chữa khỏi tình trạng bệnh của tôi có cao không?
6. Phương pháp điều trị trào ngược động mạch chủ tốt nhất dành cho tôi?
7. Khi nào tôi cần phẫu thuật? Nên áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nào phù hợp?
8. Tôi cần làm gì để hỗ trợ cải thiện triệu chứng một cách tốt nhất?
9. Có những điều gì tôi không nên làm trong quá trình điều trị không?
10. Quá trình điều trị mất bao lâu thì khỏi hẳn? Chi phí điều trị tốn bao nhiêu?
Trào ngược động mạch chủ là tình trạng sức khỏe tim mạch nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe bất thường nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh vẫn rất khả quan dành cho những trường hợp được thăm khám và điều trị sớm. Do đó, nếu bạn đang gặp phải các dấu hiệu bất thường của chứng bệnh này, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám ngay để xác định nguyên nhân cũng như áp dụng phác đồ điều trị thích hợp, ngăn ngừa biến chứng.