Bệnh đau thắt ngực

Đau thắt ngực xảy ra có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề tim mạch, mạch máu. Trường hợp chủ quan, không điều trị bệnh đau thắt ngực từ sớm gây biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Tổng quan

Đau thắt ngực là tình trạng vùng ngực xuất hiện cơn đau khó chịu. Thông thường hiện tượng này có liên quan đến vấn đề thiếu máu nuôi tim do tắc nghẽn, xuất hiện mảng xơ vữa. Lòng động mạch bị thu hẹp khiến dòng chảy của máu không được ổn định.

Đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực xuất hiện có thể là cảnh báo các bệnh về tim mạch

Hệ tim mạch nhận về lượng máu ít hơn bình thường làm cho hoạt động co bóp kém, tim phải gắng sức gây ra các áp lực lên vùng ngực. Đây là nguyên do vì sao nhiều người gặp phải tình trạng đau thắt ngực đột ngột.

Khi đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy vùng ngực đặc biệt là bên trái, ngay xương ức bị một lực ép nào đó tác động lên khiến bệnh nhân khó thở. Hiện tượng này có thể diễn ra trong vài giây rồi biến mất. Ngoài cơn đau ở vùng ngực, một số trường hợp còn bị đau lan ra cổ, vai, cánh tay hoặc vùng sau lưng.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có khả năng gặp phải tình trạng đau thắt ngực, trong đó bệnh nhân nam chiếm số lượng lớn hơn nữ giới. Bệnh nhân cần được thăm khám sức khỏe, kiểm tra để xác định nguyên nhân và tìm biện pháp điều trị cho phù hợp.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau thắt ngực. Trong đó nhiều khả năng đây là triệu chứng cảnh báo bệnh lý về tim mạch. Chính vì thế, khi phát hiện cơn đau ngực xuất hiện, tái phát thường xuyên bệnh nhân cần theo dõi sức khỏe, đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp can thiệp sớm.

Đa số các trường hợp qua thăm khám phát hiện cơ tim có dấu hiệu bị thiếu oxy đột ngột. Lượng máu đổ về tim không được cung cấp đủ khiến hoạt động của tim trở nên khó khăn, trì trệ hơn. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng mạch vành không được cung cấp oxy đủ kể đến như:

  • Ảnh hưởng bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn mạch máu. Tim co bóp nhưng không được bơm máu như bình thường dẫn đến cơn đau thắt tim xuất hiện đột ngột. Các nguyên nhân gây bệnh mạch vành được liệt kê như thói quen hút thuốc lá, stress, vận động quá mức, liên quan đến tình trạng huyết áp cao, tăng cholesterol, người bị tiểu đường.
  • Lượng máu giảm khiến tim suy yếu, không được nạp dinh dưỡng duy trì hoạt động của tim không chỉ gây đau thắt ngực, bệnh nhân còn gặp nhiều triệu chứng dữ dội và nguy hiểm hơn. Liên quan đến cơn co thắt động mạch vành, đây là nguyên nhân gây bệnh được nhiều bác sĩ cảnh báo. Bởi nếu bệnh nhân chủ quan, vấn đề này có khả năng kéo theo nhiều biến chứng khác.
  • Khó thở, đau tức ngực do làm việc quá sức, khiêng vác nặng. Ngoài yếu tố tính chất công việc, nhiều người còn chịu áp lực do tinh thần suy sụp, trải qua sang chấn khiến thần kinh bị rối loạn. Điều này làm lượng máu đổ về tim cũng bị ảnh hưởng, máu huyết lưu thông kém gây tăng nhịp tim và nhu cầu oxy.
  • Một số trường hợp bị đau thắt ngực do ngộ độc oxyd carbon, thiếu máu nặng khiến hệ tim mạch không đảm bảo duy trì hoạt động như ở người khỏe mạnh.
  • Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, bệnh còn có nguy cơ bùng phát do ảnh hưởng từ các yếu tố như khói thuốc lá, thói quen sống không lành mạnh, tác hại của bia rượu, ảnh hưởng từ bệnh lý khác xuất hiện ở người thừa cân, béo phì,...

Bệnh nhân cần xác định nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp can thiệp, điều trị phòng ngừa biến chứng. Không nên chủ quan, đặc biệt là trường hợp cơn đau thắt ngực xuất hiện thường xuyên, tái phát nhiều lần ảnh hưởng sức khỏe và đời sống.

Đặc biệt thận trọng với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm người lớn tuổi, người bị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, người bị huyết áp cao, nghiện bia rượu, thuốc lá, người có lối sống không đảm bảo, làm việc quá sức,...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện rõ ràng hoặc không rõ ràng. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân không phân biệt được đâu là cơn đau bệnh lý, đâu là biểu hiện bình thường của cơ thể. Sự nhầm lẫn, chủ quan khiến bệnh không được phát hiện và xử lý sớm.

Triệu chứng đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực kèm theo các triệu chứng khác

Cơn đau thắt ngực khi diễn biến nặng có thể lan rộng gây ảnh hưởng đến khu vực cổ, vai, gáy và vùng lưng. Ngoài ra, bênh nhân đôi khi còn bị đau ngực kèm theo đầy bụng, khó tiêu, đổ nhiều mồ hôi, buồn nôn, choáng váng, thậm chí là ngất xỉu.

Tùy vào tình hình sức khỏe của mỗi người mà triệu chứng sẽ khởi phát nặng hoặc nhẹ. Bệnh nhân tốt nhất nên đến gặp bác sĩ sớm. Dưới đây là những triệu chứng nhận biết tương ứng với dạng đau thắt ngực thường gặp:

  • Đau thắt ngực ổn định: Hầu hết các trường hợp đều thuộc loại đau này. Cơn đau xảy ra ở ngực trái, vùng sau ức rồi lan rộng ra tay, lưng và các bộ phận khác. Người bệnh có thể bị đau khi đi bộ, đau nặng hơn khi vận động, làm việc nặng. Bệnh nhân có thể dự đoán trước cơn đau thắt ngực ổn định và giảm đau bằng thuốc, kết hợp nghỉ ngơi.
  • Đau thắt ngực không ổn địnhh: Người bệnh bị đau dữ dội ở vùng ngực, thậm chí là kéo dài khiến cơ thể bị suy nhược. Đây là tình trạng nguy hiểm, nếu không phát hiện rất có thể bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, dẫn đến đột tử nguy hiểm đến tính mạng.
  • Đau thắt ngực Prinzmetal: Đây là một tình trạng không thường gặp, xuất hiện đột ngột vào nửa đêm khi cơ thể trong trạng thái ngủ. Cơn đau có khả năng kéo dài trong vòng 30 phút và sau đó trở nên nặng nề dần. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc để điều trị tình trạng này.
  • Đau thắt vi mạch máu: Bệnh nhân bị đau dai dẳng, tim bị tổn thương ảnh hưởng đến chức năng nghiêm trọng. Người bệnh ngoài đau ngực còn gặp phải các triệu chứng bất thường bao gồm khó ngủ, mệt mỏi, hụt hơi, thiếu năng lượng,...

Tình trạng đau thắt ngực xuất hiện có thể cảnh báo bạn đang gặp phải các vấn đề tim mạch. Để phòng ngừa các rủi ro không mong đợi, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, kiểm tra phòng tránh biến chứng nguy hiểm.

Chẩn đoán

Khi nhận thấy cơn đau thắt ngực xuất hiện, bạn cần theo dõi diễn biến sức khỏe. Nếu cơn đau kéo dài không thuyên giảm, hãy thông báo với người nhà để được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đặc biệt cần gọi cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu sau:

  • Đau ngực nặng nề.
  • Đau kèm theo khó thở.
  • Cơn đau kéo dài vài phút không thuyên giảm.
  • Đau dữ dội hơn khi di chuyển, leo cầu thang.
  • Đau ngực khiến bạn sợ hãi, hoảng loạn.

Khi đến gặp bác sĩ, bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm chẩn đoán bệnh lý và tìm hướng điều trị phù hợp. Một số phương pháp được thực hiện như:

  • Đo điện tâm đồ: Kiểm tra nhịp tim của người bệnh.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra có sự bất thường xảy ra không, xác định các chỉ số trong máu, phát hiện tác nhân gây hại nếu có.
  • Chụp động mạch vành tim: Kiểm tra, xác định vị trí bị tắc nghẽn gây rối loạn hoạt động hệ thống tim mạch:
  • Chụp cắt lớp điện toán: Sử dụng thuốc cản quang chụp cắt lớp điện toán đa lát giúp thể hiện rõ nét hình ảnh tắc nghẽn, vị trí cục máu đông trong hệ thống động mạch vành, động mạch phổi.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, tùy vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân, chỉ định phác đồ can thiệp tương ứng. Người bệnh sớm thăm khám và điều trị phòng ngừa được nhiều biến chứng không mong muốn.

Biến chứng và tiên lượng

Đau thắt ngực là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về hệ thống tim mạch. Đây là tình trạng bệnh nguy hiểm, có nhiều rủi ro tiềm ẩn, chính vì thế bệnh nhân không nên chủ quan. Khi phát hiện cơn đau thắt ngực, tốt hơn hết bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ điều trị sớm.

Đặc biệt, sau vài phút cơn đau thậm chí có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bệnh nhân không có biện pháp kiểm soát. Tình trạng tắc nghẽn mạch máu gây biến chứng tim mạch, biến chứng phổi, thậm chí có thể gây tử vong trong thời gian ngắn.

Biến chứng đau thắt ngực
Bệnh lý kéo dài không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Một số trường hợp sử dụng thuốc tây giảm đau một cách bừa bãi, không theo hướng dẫn cũng góp phần làm cơn đau tim nặng nề hơn. Các triệu chứng nặng bao gồm đau kéo dài, đau trên 15 phút, không giảm mặc dù đã có sử dụng thuốc và nghỉ ngơi.

Cơn nhồi máu cơ tim xảy ra có thể gây đe dọa tính mạng bệnh nhân. Trong thời gian 1-2 giờ đồng hồ cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu, tránh việc bỏ qua khung giờ vàng cấp cứu gây thiệt hại về tính mạng người bệnh.

Điều trị

Người bệnh cần được thăm khám, kiểm tra chức năng tim và điều trị sớm. Tránh trường hợp đau thắt ngực biến chứng đe dọa an toàn tính mạng. Các phương pháp được sử dụng nhằm kiểm soát tình trạng đau tim kể đến như:

Sử dụng thuốc theo phác đồ

Các nhóm thuốc được dùng trong điều trị đau thắt ngực như:

  • Thuốc Nitroglycerin: Đặt thuốc dưới lưỡi, để bệnh nhân nằm ngồi nghỉ ngơi, hạn chế vận động, di chuyển. Thuốc có chứa các thành phần giúp cải thiện huyết áp, giảm nhu cầu oxy của tim, kiểm soát cơn co thắt động mạch. Ngoài ra, thuốc còn có hiệu quả trong việc phân phối lưu thông máu. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra các phản ứng phụ khi sử dụng, điển hình là hiện tượng tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt.
  • Thuốc ức chế giao cảm: Thuốc có tác dụng xoa dịu cơn đau cho người bệnh. Hoạt động dựa trên cơ chế tác động lên tim, kiểm soát nhịp đập, hạ áp, giảm co bóp cơ tim khiến cho nhu cầu oxy giảm dần. Một vài phản ứng phụ có thể xuất hiện khi bệnh nhân sử dụng thuốc kể đến như hạ áp, mệt mỏi, suy giảm ham muốn tình dục ở nam giới, suy tim sung huyết,...
  • Thuốc chẹn kênh Canxi: Thuốc cũng được sử dụng trong điều trị tình trạng đau thắt ngực. Thuốc có công dụng làm giảm huyết áp, giảm co thắt, đồng thời giúp giãn nở động mạch vành khắc phục tắc nghẽn mạch.

Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc tân dược để ngăn chặn các tác dụng phụ làm ảnh hưởng sức khỏe và kết quả điều trị. Thông báo với bác sĩ nếu trong thời gian dùng thuốc bạn gặp phải vấn đề bất thường.

Can thiệp ngoại khoa

Áp dụng các biện pháp ngoại khoa trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng thuốc tân dược, tổn thương, tắc mạch nặng phải loại bỏ bằng xâm lấn. Tùy tình hình sức khỏe của mỗi người, bác sĩ sẽ cân nhắc phương án điều trị phù hợp.

Một số biện pháp phẫu thuật điều trị kể đến như biện pháp tạo hình mạch vành, phẫu thuật bắt cầu, đặt stent. Mục đích phẫu thuật nhằm ổn định dòng chảy của máu, loại bỏ cục máu đông, tổn thương trong động mạch gây đau tim và các vấn đề liên quan.

Phương pháp ngoại khoa tiềm ẩn các rủi ro nhất định, đặc biệt thận trọng với các ca phẫu thuật đòi hỏi xâm lấn sâu. Bệnh nhân nên đến bệnh viện lớn, có bác sĩ giỏi để khám và điều trị. Đồng thời trao đổi với bác sĩ các thắc mắc để nhận được lời khuyên hữu ích nhất cho sức khỏe.

Phòng ngừa

Cơn đau thắt ngực có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là những người đang gặp vấn đề sức khỏe, hệ tim mạch không khỏe mạnh. Để ngăn chặn các rủi ro không mong muốn, tốt nhất bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ, khám và điều trị sớm ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Phòng bệnh đau thắt ngực
Chỉ động phòng ngừa các vấn đề tim mạch bảo vệ sức khỏe toàn diện

Bên cạnh đó, việc chủ động phòng bệnh cũng được các chuyên gia khuyến khích, đưa lên hàng đầu. Các lưu ý bao gồm:

  • Cần ngưng vận động, di chuyển hoặc làm việc nặng ngay khi phát hiện có cơn đau thắt ngực. Lúc này bạn cần ngồi, nằm yên để đều hòa hoạt động cơ tim, giảm áp lực lên hệ thống tim mạch.
  • Không làm việc quá sức, lựa chọn công việc phù hợp với thể chất.
  • Không lạm dụng thuốc tân dược, chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ hướng dẫn nhằm tránh gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ tim mạch.
  • Hạn chế lạm dụng rượu bia, thức uống chứa cồn, chất kích thích.
  • Ăn uống đủ chất, bổ sung các loại hoa quả, trái cây tươi. Hạn chế ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn chiên rán,... không tốt cho sức khỏe.
  • Vận động, tập thể dục phù hợp với cơ thể, không tập luyện quá sức. Việc tham gia vận động giúp cơ thể dẻo dai, tăng tuần hoàn máu, tốt cho hệ tim mạch.
  • Trường hợp bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý về mỡ máu, huyết áp, tim mạch,... nên tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ. Theo dõi tình trạng sức khỏe để kịp thời thông báo khi cần thiết.
  • Khám sức khỏe định kỳ, tái khám bệnh theo lịch hẹn để theo dõi bệnh tốt nhất, xử lý trong trường hợp cơ thể đáp ứng điều trị kém.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Đau thắt ngực là dấu hiệu bệnh gì?

2. Nhận biết đau thắt ngực qua triệu chứng nào?

3. Nguyên nhân gây đau thắt ngực là gì?

4. Không điều trị đau thắt ngực có tự khỏi không?

5. Khi bị đau thắt ngực sử dụng thuốc gì?

6. Tác dụng phụ của thuốc điều trị đau thắt ngực là gì?

7. Có chữa khỏi hoàn toàn cơn đau thắt ngực được không?

8. Làm gì khi cơn đau thắt ngực tái phát?

9. Trường hợp sử dụng thuốc không giảm đau thắt ngực nên xử lý thế nào?

10. Thời gian tái khám sau điều trị là bao lâu?

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

Nhiều người gặp phải cơn đau thắt ngực khi làm việc, vận động hoặc thậm chí khi đang ngủ. Đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều rủi ro sức khỏe, thường liên quan đến hệ tim mạch. Bệnh nhân cần chủ động theo dõi sức khỏe, thăm khám và điều trị để ngăn chặn các rủi ro không mong muốn.