Bệnh Viêm Khớp Phản Ứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Viêm khớp phản ứng là dạng viêm khớp thứ phát khá phổ biến, xảy ra do nhiễm trùng các cơ quan ngoài khớp như hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, sinh dục... Các tổn thương của bệnh chủ yếu khởi phát tại khớp bàn chân, đầu gối hoặc khớp mắt cá chân. Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ cao mắc bệnh, nhưng phổ biến nhất là nam giới trong độ tuổi lao động từ 20 - 40 tuổi. Căn bệnh này không phải bệnh truyền nhiễm và được điều trị thông qua dùng thuốc loại bỏ tác nhân kết hợp tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng khớp. 

Tổng quan

Viêm khớp phản ứng (Reactive arthiritis) hay hội chứng Reiter, viêm khớp vô khuẩn là bệnh lý viêm khớp gây sưng đau, hạn chế vận động nhưng không tìm thấy vi khuẩn trong khớp. Viêm khớp phản ứng thường xảy ra sau đợt nhiễm trùng tại các cơ quan ngoài khớp như hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, hệ sinh dục hoặc những bộ phận khác như đại tràng, cầu thận...

Viêm khớp phản ứng là một dạng viêm khớp thứ phát xảy ra sau đợt nhiễm trùng tại các cơ quan khác như đường ruột, đường sinh dục tiết niệu...

Đây là bệnh lý thuộc nhóm tự miễn hệ thống, xảy ra do sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch tự nhiên trong cơ thể. Viêm khớp phản ứng không phải bệnh truyền nhiễm nhưng các loại vi khuẩn gây ra bệnh có khả năng lây lan thông qua việc sử dụng thực phẩm bẩn hoặc qua đường tình dục. Bất kỳ khớp nào trên cơ thể đều có thể bị viêm khớp phản ứng, nhưng phổ biến nhất là ở cột sống, khớp cùng chậu, hai chi dưới...

Nam giới trong độ tuổi từ 20 - 40 là nhóm đối tượng đang trong độ tuổi lao động có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Còn nữ giới hoặc các đối tượng khác cũng có thể mắc bệnh nhưng ít gặp hơn. Ngoài ra, bệnh còn lên quan đến các yếu tố khác như di truyền kháng nguyên bạch cầu HLA-B27...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các vi sinh vật gây hại như vi khuẩn, virus sản sinh và phát triển trong các cơ quan khác như hệ sinh dục, tiết niệu, tiêu hóa... là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm khớp phản ứng. Cụ thể một số loại đã được xác định như:

Các loại vi khuẩn, virus gây viêm khớp phản ứng chủ yếu khởi phát từ đường tiết niệu, sinh dục hoặc tiêu hóa

  • Vi khuẩn đường tiêu hóa: Shigella, Yersinia, Salmonella, Campylobacter, Borrdelia...;
  • Vi khuẩn đường sinh dục và tiết niệu: Trachomatis hoặc Chlamydia...;
  • Virus: Parvovirus, virus viêm gan A, Rubella, HIV...;

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của kháng nguyên HLA-B27 trong gen cũng là một trong những yếu tố quyết định khởi phát bệnh viêm khớp phản ứng (chiếm tỷ lệ khoảng 30 - 60%). Đặc biệt, những người mang gen HLA-B27+ sẽ có mức độ nặng cao hơn, bệnh khởi phát và tiến triển nhanh chóng, có xu hướng chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Ngoài các nguyên nhân chính trên, bệnh viêm khớp phản ứng còn khởi phát từ các bệnh lao hệ thống hoặc dạng viêm khớp phản ứng thứ phát sau bệnh viêm đường ruột mạn tính như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng... Y học cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp viêm khớp phản ứng vô căn khi không tìm được nguyên nhân gây bệnh chính xác.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Trước khi bộc phát các triệu chứng viêm khớp phản ứng, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như viêm đường sinh dục, viêm đường ruột, viêm đường tiết niệu... Nhiều trường hợp triệu chứng chỉ ở mức độ nhẹ, thoáng qua nên bệnh nhân không chú ý đến. Có thể kể đến các triệu chứng sau:

Triệu chứng lâm sàng điển hình ở bệnh nhân viêm khớp phản ứng là sưng đau, cứng khớp ở các vị trí như bàn chân, đầu gối, lưng kèm theo sưng tấy khớp ngón tay, ngón chân

  • Triệu chứng tại khớp: Sưng đau viêm tại một hoặc nhiều khớp, không đối xứng, các vị trí khớp dễ viêm nhất là bàn chân, đầu gối, mắt cá chân, gót chân..., kèm theo sưng ngón chân, ngón tay. Theo thời gian, cơn đau dần lan sang cột sống, toàn bộ cánh tay, ngón tay...;
  • Triệu chứng ở mắt: Tình trạng viêm khớp phản ứng cũng gây ra những ảnh hưởng đến 1 hoặc cả 2 bên mắt. Đặc trưng với các triệu chứng như đau mắt, đỏ mắt, viêm kết mạc, nặng hơn là viêm loét giác mạc...;
  • Triệu chứng ở da và niêm mạc: Khởi phát đồng thời các tổn thương trên da và niêm mạc lòng bàn chân, bàn tay, da đầu, lâu ngày tiến triển thành chứng đa tăng sừng hóa. Kèm theo tổn thương niêm mạc miệng, lưỡi, bao quy đầu và các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, viêm bàng quang...;
  • Triệu chứng viêm ngón tay & chân: Viêm khớp phản ứng gây sưng phù và đau nhức ngón chân, ngón tay;
  • Triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân mắc viêm khớp phản ứng thường kèm theo các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt cao, sụt cân, suy nhược cơ thể, chán ăn...;

Chẩn đoán 

Căn bệnh viêm khớp vô khuẩn được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình người bệnh. Đồng thời, kết hợp thực hiện các kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán xác định viêm khớp phản ứng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp xét nghiệm chuyên biệt giúp sàng lọc bệnh viêm khớp vô khuẩn.

Xét nghiệm máu đo tốc độ lắng máu giúp phát hiện bất thường nhằm chẩn đoán xác định viêm khớp phản ứng

Việc chẩn đoán cụ thể được thực hiện thông qua các kỹ thuật sau nhằm sàng lọc bệnh:

  • Xét nghiệm ESR đo tốc độ lắng máu. Nếu kết quả tốc độ lắng máu tăng nhanh bất thường, chứng tỏ bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh;
  • Nghiệm pháp kiểm tra sự tồn tại của kháng nguyên HLA-B27 trong gen của bệnh nhân để chẩn đoán bệnh;
  • Làm dịch đồ kiểm tra mức độ nhiễm trùng trong các khớp hoặc những cơ quan khác, để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác (chẳng hạn như bệnh gout)
  • Kết hợp các kỹ thuật hình ảnh như chụp X quang, xạ hình xương, chụp MRI, CT scan...;
  • Một số xét nghiệm khác như kiểm tra nước tiểu, phân, dịch nhầy trong cổ họng, cơ quan sinh dục...;

Biến chứng và tiên lượng

Đa phần trường hợp bị viêm khớp phản ứng đều có tiên lượng tốt, nhanh chóng thuyên giảm triệu chứng và phục hồi sức khỏe sau vài tuần, vài tháng tùy vào việc bệnh nhân có tích cực chăm sóc và điều trị hay không.

Nhưng cũng không hiếm trường hợp bệnh sẽ tiến triển nguy hiểm nếu chủ quan không điều trị. Bệnh nhân lơ là, vẫn sinh hoạt kém khoa học tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển khiến bệnh ngày càng trở nặng, gây hạn chế khả năng vận động và giảm đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây liệt và tàn phế suốt đời.

Những bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp phản ứng do di truyền thường có nguy cơ tái phát cao hoặc chuyển sang giai đoạn mạn tính. Nặng hơn có thể phát sinh biến chứng viêm cột sống dính khớp nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Điều trị

Điều trị viêm khớp phản ứng chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, kiểm soát ngăn chặn tiến triển bệnh và điều trị hoặc dự phòng biến chứng. Hầu hết các trường hợp bệnh đều sẽ thuyên giảm bệnh sau 1 - 2 tuần hoặc lâu hơn tùy theo thể trạng sức khỏe khi thực hiện các biện pháp sau:

Dùng thuốc 

Dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, phác đồ điều trị viêm khớp phản ứng thường gồm 2 phương pháp sau:

Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm khớp phản ứng hoặc tiêm Corticoid trong trường hợp viêm khớp mạn tính

  • Thuốc kháng sinh: Được chỉ định sử dụng trong trường hợp viêm khớp phản ứng do nhiễm khuẩn. Kháng sinh đồ được chỉ định sử dụng phù hợp với từng trường hợp bệnh cụ thể, các loại thuốc kháng sinh thường dùng như Doxycyclin, Tetracyclin, Quinolon... Sử dụng kháng sinh đúng liều và thời gian quy định, tránh lạm dụng quá mức để giảm thiểu tác dụng phụ;
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Có tác dụng giảm cảm giác sưng đau và viêm nhiễm do bệnh gây ra. Các loại thường dùng như Ibuprofen, Naproxen...;
  • Thuốc Corticosteroid: Nhóm thuốc Corticosteroid có tác dụng ức chế tiến triển gây viêm khớp xương. Thuốc có tác dụng mạnh được sử dụng bằng cách tiêm thuốc trực tiếp vào khớp bị viêm, đau nhức;
  • Thuốc chẹn TNF: Thuốc có tác dụng ức chế một loại protein tế bào (cytokine), cải thiện triệu chứng sưng đau, viêm cứng khớp... Nhóm thuốc này thường được dùng trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và được nghiên cứu sử dụng trong điều trị viêm khớp phản ứng trong thời gian gần đây. Các loại điển hình như Etanercepx (Enbrel) hoặc Infliximab (Remicade);
  • Thuốc DMARDs: Với các loại điển hình như Sulfasalazin, Methortrexat... trong khoảng 1 - 3 tháng khi viêm khớp phản ứng ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng lúc với mức độ nặng;

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần chú ý tuân thủ liều dùng và thời gian dùng thuốc theo chỉ định. Tránh lạm dụng quá mức để tránh gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vật lý trị liệu 

Để tăng hiệu quả điều trị và sớm phục hồi sức khỏe, khả năng vận động, bệnh nhân sẽ được bác sĩ khuyến cáo thực hiện các bài tập vật lý trị liệu có tác dụng hỗ trợ giảm mức độ phản ứng miễn dịch, cải thiện chức năng khớp, cơ bắp, phục hồi tính linh hoạt cho khớp.

Các bài tập vật lý trị liệu tích cực là liệu pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng đau nhức cơ xương khớp hiệu quả

Nếu không thể tự tập tại nhà, hãy nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia vật lý trị liệu. Chú ý tập đúng cách, đúng kỹ thuật và tập điều độ, kiên trì để đạt hiệu quả tốt nhất. Chỉ cần thực hiện tốt việc tập luyện, kết hợp chăm sóc tích cực thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt đúng giờ giấc..., bệnh nhân sẽ sớm khỏi bệnh, phục hồi khả năng vận động.

Phòng ngừa

Khi đã nắm rõ sự nguy hiểm của bệnh viêm khớp phản ứng, hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ sớm để tránh nguy cơ mắc bệnh. Ngoại trừ các trường hợp bệnh do thay đổi cấu trúc gen, những tác nhân còn lại đều có thể dự phòng được thông qua các biện pháp tích cực sau:

Duy trì tư thế ngủ, đi lại, đứng ngồi phù hợp, đúng vị trí để tránh gây đau nhức cơ khớp, giảm thiểu nguy cơ gây viêm khớp phản ứng

  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng biện pháp bảo vệ để giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các nguy cơ gây viêm khớp phản ứng.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý viêm nhiễm đường tiết niệu, đường tiêu hóa, đường sinh dục, tránh để lại tác nhân khởi phát viêm khớp phản ứng.
  • Vận động, đi đứng và ngủ nghỉ đúng tư thế, đúng vị trí.
  • Có thể sử dụng các loại miếng dán hoặc gel bôi hỗ trợ cải thiện triệu chứng căng cứng cơ, cải thiện sưng đau khớp ngay từ đầu để tránh bệnh tiến triển ngày càng nặng hơn.
  • Tăng cường tập thể dục hàng ngày, duy trì lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học giúp nâng cao sức đề kháng chống lại các tác nhân virus, vi khuẩn gây bệnh.
  • Thăm khám và tuân thủ các chỉ định điều trị bác sĩ đưa ra để giảm nguy cơ biến chứng có hại cho sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sưng đau, cứng khớp kèm theo các triệu chứng ở mắt, da, niêm mạc... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh viêm khớp phản ứng?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán chính xác bệnh viêm khớp phản ứng?

4. Mức độ bệnh và tiên lượng tình trạng sức khỏe của tôi có đáng lo ngại không?

5. Viêm khớp phản ứng có phải căn bệnh nguy hiểm không? Có phải bệnh lây nhiễm không?

6. Tôi nên điều trị viêm khớp phản ứng bằng phương pháp nào là tốt nhất?

7. Bị viêm khớp phản ứng nên uống thuốc nào? Những nguyên tắc sử dụng thuốc tôi cần tuân thủ?

8. Nếu trong quá trình sử dụng thuốc gây tác dụng phụ, tôi cần làm gì để xử lý?

9. Quá trình điều trị viêm khớp phản ứng mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

10. Bệnh có thể tái phát sau điều trị không? Khi nào và làm cách nào để nhận biết?

Bệnh viêm khớp phản ứng xảy ra khá phổ biến sau các đợt nhiễm khuẩn ở cơ quan sinh dục, tiêu hóa, tiết niệu... Điều trị bệnh lý này không quá khó khăn, chỉ cần bệnh nhân chủ động thông báo cho bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Đồng thời, bệnh nhân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn các con đường phát triển của vi khuẩn, virus gây bệnh.