Bệnh suy tim sung huyết

Suy tim sung huyết là một trong những bệnh lý về tim mạch có khả năng gây ra nhiều biến chứng. Người mắc bệnh nếu không kiểm soát, điều trị tình trạng suy tim thậm chí có thể bị đe dọa sự an toàn tính mạng. Mặc dù vậy, giai đoạn đầu các biểu hiện cảnh báo dễ gây nhầm lẫn khiến nhiều người chủ quan.

Tổng quan

Bệnh suy tim sung huyết còn được gọi là suy tim ứ huyết (Congestive Cardiac Failure - CCF) là một trong những bệnh lý về tim mạch nhiều người gặp phải hiện nay. Tâm thất lúc này không bơm máu đáp ứng đủ nhu cầu của các cơ quan trong cơ thể dẫn đến việc tồn ứ máu, dịch bên trong khu vực bụng, phổi, gan, thân dưới.

Suy tim sung huyết
Chức năng co bóp, bơm máu của tim bị sự cố dẫn đến nhiều triệu chứng bất thường cho bệnh nhân

Các buồng bơm có thể phát triển kích thước lớn hơn, dày hơn. Chúng không co lại và giãn nở như trạng thái bình thường, gây tích tụ chất lỏng tại các cơ quan trong cơ thể. Bệnh có khả năng gây tử vong cao nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị bằng biện pháp phù hợp, kịp thời.

Phân loại

Suy tim sung huyết là bệnh tim mạch ngày càng phổ biến, nhiều bệnh nhân mắc phải. Tâm thất trái bơm máu không đều khiến máu, dịch bị ứ đọng tại một số vị trí. Người bệnh ở giai đoạn suy thoái nặng có thể bị tích tụ dịch ở phổi, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Phân loại bệnh lý dựa trên vị trí suy tim:

  • Suy tim sung huyết tại tâm thu: Tâm thất trái hoạt động yếu, co bóp kém, máu huyết không được lưu thông thuận tiện, thiếu hụt máu cho các cơ quan khác.
  • Suy tim sung huyết tại tâm trương: Xảy ra tình trạng rối loạn chức năng tại tâm trương, tâm thất trái cứng hơn khiến khả năng đàn hồi, co bóp kém. Tim không đáp ứng nhu cầu bơm máu như bình thường.

Bên cạnh suy tim trái, bệnh nhân cũng có khả năng bị suy tim phải. Lúc này máu bị ứ đọng bên trong mạch máu, tích nước gây cản trở bơm máu cho phổi. Không những thế, máu ứ đọng sẽ gây ra hiện tượng ứ dịch ở bụng, các chi khiến chúng bị phù nề.

Bệnh nhân có thể bị suy tim trái hoặc phải, hay đồng thời cùng lúc bị suy tim trái, phải. Bệnh có xu hướng khởi phát ở tim bên trái, sau đó lan rộng, ảnh hưởng chức năng tim. Cần khám chữa sớm để tránh biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng suy tim sung huyết được tìm thấy. Một số trạng thái sức khỏe cũng là nguyên nhân dẫn đến các bất thường ở hệ thống tim mạch. Quả tim có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người, do đó, bệnh nhân cần thăm khám ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường.

Những yếu tố dưới đây được xem là các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng suy tim sung huyết:

  • Huyết áp cao: Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề tim mạch, trong đó có suy tim sung huyết. Huyết áp thay đổi, tăng cao đột ngột tạo áp lực lên hệ tim mạch, động mạch chịu nhiều áp lực hơn dẫn đến nguy cơ ứ đọng máu huyết, tắc mạch. Tình trạng huyết áp cao kéo dài rất nguy hiểm, thậm chí còn có khả năng đe dọa sự an toàn sức khỏe của người bệnh.
  • Bệnh tim mạch: Các hệ lụy do bệnh tim gây ra có thể khiến bệnh nhân gặp phải nhiều rắc rối. Trường hợp suy tim sung huyết nhiều khả năng là do ảnh hưởng từ bệnh mạch vành, hở van tim,... Tim không hoạt động ổn định như bình thường dễ bị tổn thương, co bóp kém, máu bơm đến các cơ quan khác không đồng điều. Bệnh nhân cần được thăm khám sớm để tránh rủi ro bệnh tim biến chứng đe dọa tính mạng.
  • Ảnh hưởng từ bệnh lý khác: Ngoài các nguyên nhân kể trên, bệnh suy tim sung huyết có thể xảy ra do ảnh hưởng từ bệnh tiểu đường, vấn đề tuyến giáp, người bệnh bị dư cân quá mức hoặc trải qua nhiễm trùng, dị ứng nặng,...

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tim nói chung, suy tim sung huyết nói riêng thường có thói quen lạm dụng rượu bia, chế độ dinh hoạt không lành mạnh, mắc bệnh tim bẩm sinh,... Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh nhân lớn tuổi cao hơn những người trẻ tuổi, do sức khỏe kém, chức năng các cơ quan suy giảm.

Việc xác định nguyên nhân góp phần giúp việc kiểm soát bệnh đạt hiệu quả tốt hơn. Bệnh nhân không nên chủ quan, bởi hệ thống tim mạch là cơ quan quan trọng, nếu xảy ra tổn thương, suy giảm hoạt động sẽ dẫn đến nhiều hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Người mắc suy tim sung huyết giai đoạn đầu hầu như không nhận thấy biểu hiện bất thường nào. Tuy nhiên, khi hoạt động của tim suy yếu dần, cơ thể sẽ có những phản ứng cảnh báo bất thường. Một số trường hợp thường gặp như:

Triệu chứng suy tim sung huyết
Bệnh nhân cảm nhận những bất thường ở nhịp tim, cơ thể mệt mỏi, khó thở và nhiều triệu chứng khác khi bệnh nặng dần

  • Giai đoạn đầu: Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, tăng cân không rõ nguyên nhân. Vùng mắt cá chân, bàn chân và cẳng chân bị sưng phù nhẹ. Đi tiểu liên tục, nhiều hơn bình thường, đặc biệt tiểu đêm nhiều.
  • Giai đoạn tiến triển: Người bệnh bắt đầu nhận thấy nhịp tim đập bất thường, đo huyết áp thay đổi, ho nhiều hơn, thở khó, thở khò khè.
  • Giai đoạn nặng: Triệu chứng nặng hơn, đau ngực, đau lan ra các bộ phận khác trên cơ thể, người bệnh thở hổn hển, thở nhanh, thậm chí là ngất xỉu đột ngột. Da dẻ xanh xao, tím tái do phổi không được nạp đủ oxy.

Nếu không kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân có khả năng đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn nên khám sức khỏe định kỳ, đến gặp bác sĩ nếu cơ thể có các dấu hiệu ban đầu như trên. Tránh việc chủ quan, không khám chữa trị sớm dẫn đến rủi ro hại sức khỏe.

Chẩn đoán

Chỉ định các biện pháp chẩn đoán suy tim sung huyết bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu: Phát hiện các bất thường trong máu, đồng thời giúp bác sĩ nhận biết chức năng gan, thận có bị ảnh hưởng gì không. Ngoài ra, phương pháp xét nghiệm máu cũng giúp nhận biết, phân biệt bệnh lý hỗ trợ quá trình đưa ra phác đồ điều trị.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Bệnh nhân được chỉ định thực hiện chụp X quang, chụp cộng hưởng từ vùng ngực nhằm tìm kiếm sự bất thường xảy ra bên trong hệ tim mạch. Thông qua hình ảnh thu được bác sĩ có thể xác định kích thước tim, dịch tích tụ tại phổi, ứ đọng ở mạch máu,...
  • Phương pháp siêu âm: Thực hiện siêu âm tim, siêu âm tim gắng sức xác định cấu trúc, hoạt động của tim có gặp vấn đề gì hay không. Thông qua siêu âm có thể phát hiện bệnh về tim, tình trạng buồng tim, cơ tim, hoạt động co bóp tim.
  • Các phương pháp khác: Bên cạnh các kỹ thuật chẩn đoán kể trên, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định xét nghiệm điện tâm đồ, thông tim,...

Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ dựa vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân chỉ định phác đồ điều trị tương ứng. Khi cần thiết can thiệp ngoại khoa được tiến hành nhằm sửa chữa các vấn đề tại hệ thống tim mạch, cũng như các cơ quan khác có liên quan.

Biến chứng và tiên lượng

Người bệnh có khả năng đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và chữa trị suy tim sung huyết đúng cách. Một số trường hợp xảy ra như:

  • Rối loạn nhịp tim nghiêm trọng: Tim đập loạn xạ khiến việc bơm máu nuôi cơ thể không thuận lợi. Người bệnh có rủi ro bị cục máu đông xuất hiện làm tắc mạch, tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Tổn thương gan, thận, phổi: Ngoài biến chứng tại tim, bệnh nhân bị suy tim sung huyết có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng gan, thận, đặc biệt là phổi. Nhiều biểu hiện bất thường bắt đầu xảy ra ở giai đoạn suy tim nặng, bệnh nhân khó thở, chức năng gan, thận kém dẫn đến độc tố tích tụ. Lâu dần nhiều vấn đề sức khỏe khác xuất hiện, đe dọa an toàn tính mạng người bệnh.
  • Các biến chứng khác: Bệnh nhân suy tim sung huyết gặp biến chứng tại phổi, thở khó, cơ thể bị thiếu hụt oxy mệt mỏi thường xuyên. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến đời sống, công việc của bệnh nhân.

Trước những nguy cơ kể trên, người mắc bệnh tim mạch, cụ thể là suy tim sung huyết cần chủ động đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Điều trị kết hợp theo dõi để đảm bảo giảm thiểu rủi ro biến chứng đe dọa sức khỏe, tính mạng.

Điều trị

Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị suy tim sung huyết cho bệnh nhân. Dưới đây là các phương pháp thường gặp:

Điều trị suy tim sung huyết
Chỉ định điều trị bệnh suy tim sung huyết cho từng trường hợp nhằm giảm thiểu rủi ro biến chứng cho bệnh nhân

  • Sử dụng thuốc: Điều trị các rối loạn chức năng tim bằng các nhóm thuốc phù hợp. Các dạng thường được dùng như thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu,... Mỗi trường hợp được hướng dẫn sử dụng thuốc với liều lượng tương ứng. Bệnh nhân không nên tự sử dụng thuốc, điều chỉnh liều dùng khi chưa được yêu cầu. Thông báo với bác sĩ nếu trong thời gian điều trị gặp phải phản ứng bất thường.
  • Phương pháp ngoại khoa: Can thiệp điều trị ngoại khoa cho đối tượng mắc bệnh tim nặng. Một số phương pháp được thực hiện như nong động mạch vành, phẫu thuật, ghép tim,... Tùy mỗi trường hợp mà thủ thuật ngoại khoa sẽ được chỉ định cho phù hợp. Tuy nhiên việc can thiệp xâm lấn cũng tiềm ẩn các rủi ro nhất định, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ các thắc mắc, vấn đề cần giải quyết trước khi thực hiện nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe.

Bên cạnh điều trị y tế, bệnh nhân nên chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, không sử dụng đồ uống chứa cồn, chất kích thích trong thời gian sử dụng thuốc,... Tốt hơn hết nên duy trì chế độ khoa học, phù hợp với thể trạng để tăng hiệu quả điều trị và bảo vệ sức khỏe.

Phòng ngừa

Suy tim sung huyết là bệnh lý tim mạch gây ra nhiều biến chứng cho bệnh nhân nếu không được kiểm soát, điều trị đúng cách. Do đó, bạn đọc không nên chủ quan khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường.

Ngoài ra, chủ động phòng bệnh cũng là vấn đề các chuyên gia khuyến khích người dân thực hiện. Một số lưu ý:

  • Duy trì cân nặng ở mức cân đối, không nên tăng cân hoặc giảm cân quá nhanh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe.
  • Bổ sung cho cơ thể nguồn thực phẩm lành mạnh, hạn chế sử dụng nhiều đường tinh luyện, đồ uống chứa cồn, nước ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ,... Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh cải thiện sức khỏe, phòng tránh nhiều bệnh lý về tim mạch, máu huyết.
  • Tập luyện thể dục, vận động cơ thể dẻo dai, tăng cường tuần hoàn máu, đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể. Đây cũng là yếu tố góp phần phòng tránh các bệnh về tim mạch, huyết áp. Tuy nhiên bạn cần lựa chọn bộ môn tập thể dục phù hợp với thể trạng, tình hình sức khỏe, tránh tập quá sức.
  • Loại bỏ các thói quen không có lợi, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ giúp bạn có năng lượng làm việc hiệu quả, sức khỏe tốt hơn.
  • Khám sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ. Tránh trường hợp lạm dụng thuốc tân dược, tự ý điều chỉnh thuốc để giảm thiểu rủi ro gặp tác dụng phụ gây hại sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh suy tim sung huyết là gì?

2. Triệu chứng nhận biết suy tim sung huyết là gì?

3. Nguyên nhân nào gây suy tim sung huyết?

4. Bệnh suy tim sung huyết có tự khỏi không?

5. Tôi cần thực hiện xét nghiệm suy tim sung huyết nào?

6. Dùng thuốc có chữa được suy tim sung huyết không?

7. Tôi có gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc điều trị suy tim sung huyết không?

8. Trong thời gian điều trị tôi cần làm gì để bệnh mau khỏi?

9. Khi nào tôi cần phẫu thuật chữa suy tim sung huyết?

10. Bệnh suy tim sung huyết có tái phát không?

Suy tim sung huyết là bệnh tim mạch gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe bệnh nhân, nhất là khi người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, bạn đọc nên thận trọng, chủ động phòng bệnh cũng như khám chữa sớm khi phát hiện cơ thể có biểu hiện bất thường để bảo vệ an toàn sức khỏe.