Hội Chứng Timothy

Hội chứng Timothy là một rối loạn di truyền hiếm gặp. Gây ảnh hưởng đến chức năng tim mạch và một số bất thường khác về thần kinh, các cơ ngón tay chân. Bệnh nhân mắc phải hội chứng này thường có tỷ lệ tử vong cao vào thời thơ ấu, do các biến chứng như loạn nhịp tim, đột tử hoặc các vấn đề suy giảm sức khỏe, thể chất khác. 

Tổng quan

Hội chứng Timothy (Timothy Syndrome) là một dạng của hội chứng QT kéo dài loại LQT8 liên quan đến di truyền đột biến gen CACNA1C. Hội chứng này được đặt theo tên của người bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc phải là Timothy D.

Đây là bệnh lý bất thường về sức khỏe tim mạch, gây rối loạn nhịp tim liên quan đến bất thường hoạt động điện tim. Đồng thời, kèm theo các dị dạng về cơ ngón tay, ngón chân, ngoại hình và hệ thần kinh. Đặc trưng với các vấn về nhận thức, hành vi và rối loạn chức năng miễn dịch.

Hội chứng Timothy là một dạng rối loạn di truyền liên quan đến sức khỏe tim mạch và nhiều vấn đề khác như não bộ, thần kinh, cơ xương...

Khác với những dạng khác, hội chứng Timothy là bệnh tim mạch kết hợp với rất nhiều căn bệnh khác như tự kỷ hoặc dị tật ngón. Bệnh khởi phát từ khi còn là bào thai do mang gen đột biến di truyền từ bố mẹ. Một đứa trẻ mắc hội chứng Timothy gặp phải rất nhiều vấn đề về sức khỏe, rối loạn nhịp tim, chậm phát triển, chậm nói, co giật và nhiễm trùng tái phát.

Trong trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng có thể gây tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc hội chứng Timothy rất hiếm nên vẫn chưa có nhiều thông tin nghiên cứu về căn bệnh này. Ước tính đến nay chỉ có < 100 người được chẩn đoán mắc căn bệnh này.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Về bản chất hội chứng Timothy cũng chính là hội chứng QT kéo dài, đặc trưng bởi sự bất thường về hoạt động điện tim. Khiến cơ tim mất nhiều thời gian hơn bình thường để nạp lại năng lượng giữa các nhịp đập. Chính sự bất thường này gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm và dẫn đến tử vong đột ngột.

Nguyên nhân gây hội chứng Timothy là do di truyền gen đột biến CACNA1C từ bố mẹ hoặc tự phát ngẫu nhiên trong một số trường hợp

Đột biến gen CACNA1C được xác định là nguyên nhân chính gây ra hội chứng Timothy. Trong cơ thể người, loại gen này chịu trách nhiệm sản xuất một loại protein giúp điều chỉnh dòng ion canxi đến các tế bào cơ tim và tế bào thần kinh trong não. Khi gặp bất thường đột biến, chúng có thể kích hoạt hàng loạt các triệu chứng bất thường khác nhau.

Gen đột biến gây ra hội chứng Timothy có thể di truyền từ bố mẹ hoặc xảy ra ngẫu nhiên một cách tự phát. Đặc điểm của nó là đột biến gen trội trên nhiễm sắc thể thường. Tức là chỉ cần thừa hưởng 1 bản sao gen đột biến từ bố hoặc mẹ là đã có thể phát triển bệnh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của hội chứng Timothy có thể bắt đầu xuất hiện ngay từ khi mang thai và biểu hiện rõ rệt ngay từ khi trẻ chào đời. Điển hình gồm các triệu chứng sau đây:

Trẻ mắc hội chứng Timothy thường có những dấu hiệu bất thường như loạn nhịp tim, ngất xỉu, dính ngón tay, chân, chậm phát triển trí tuệ...

Triệu chứng tim mạch

Đây là triệu chứng điển hình của hội chứng Timothy, đặc trưng bởi các dấu hiệu của khoảng QT kéo dài, gây rối loạn nhịp tim:

  • Đánh trống ngực
  • Khó thở, thở gấp
  • Ngất xỉu
  • Mất ý thức;

Đa số các triệu chứng tim mạch này đều rất nguy hiểm, trong đó loạn nhịp tim quá mức khiến buồng tim dưới đập nhanh (nhịp nhanh thất) dẫn đến co giật, ngừng tim và tử vong đột ngột.

Triệu chứng ngoại hình

Một đứa trẻ mắc hội chứng Timothy thường có ngoại hình khác biệt so với những đứa trẻ khỏe mạnh bình thường. Chẳng hạn như:

  • Các ngón tay và ngón chân dính vào nhau;
  • Hàm trên nhỏ;
  • Răng kém phát triển, nhỏ, mọc lệch lạc và dễ bị sâu;
  • Môi trên mỏng;
  • Tai thấp;
  • Sống mũi phẳng;
  • Trán, lưỡi nhô ra;

Triệu chứng tâm lý

Những triệu chứng tâm lý chủ yếu xuất phát từ các tổn thương hệ thần kinh trong não bộ, gây ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của một số cơ quan, suy giảm chức năng hệ thống. Chẳng hạn như:

  • Tăng nguy cơ phát triển tự kỷ hoặc phổ tự kỷ, kém giao tiếp xã hội;
  • Chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ;
  • Thiểu năng trí tuệ;
  • Chậm phát triển trí tuệ và các vấn đề về suy nghĩ, phân tích, nhận thức;
  • Khả năng phối hợp kém;
  • Hội chứng động kinh nhạy cảm với ánh sáng;
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý;
  • Hạ thân nhiệt mức độ nghiêm trọng;
  • Hạ đường huyết;
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng;
  • Hói đầu ngay khi mới sinh;
  • Hạ huyết áp (trương lực cơ thấp);
  • Một vài trường hợp cũng có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp và đường tiêu hóa;

Chẩn đoán

Chẩn đoán hội chứng Timothy trải qua rất nhiều thủ tục, bao gồm khám thực thể, đo điện tâm đồ và làm xét nghiệm di truyền. Trong đó:

Đo điện tâm đồ cho phép phát hiện bất thường về sức khỏe tim mạch kết hợp xét nghiệm di truyền để xác nhận chẩn đoán hội chứng Timothy

  • Khám thực thể: Đánh giá tổng quan các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân mắc phải. Việc này chủ yếu nhằm khoanh vùng triệu chứng, chứ không thể đưa ra kết luận chính xác về hội chứng Timothy.
  • Đo điện tâm đồ: Nhằm mục đích đo hoạt động điện của tim. Đặc trưng của hội chứng Timothy trên điện tâm đồ là hiển thị một khoảng QT kéo dài. Dựa vào dấu hiệu này, có thể thực hiện các xét nghiệm sâu hơn để xác nhận chẩn đoán.
  • Xét nghiệm di truyền: Giúp phát hiện gen đột biến bất thường ở bệnh nhân. Cụ thể là gen CACNA1C gây ra hội chứng Timothy.
  • Các kiểm tra khác: Đo điện tim bằng máy theo dõi Holter nhằm ghi lại hoạt động điện của tim trong vòng 24 giờ hoặc khi thực hiện các bài test đánh giá mức độ căng thẳng khi hoạt động thể lực, tập thể dục.

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng Timothy tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể khởi phát và tiến triển ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Trong đó, loại 1 là dạng nghiêm trọng nhất, bệnh nhân có tỷ lệ tử vong cao đột ngột, loại 2 ít nghiêm trọng hơn so với loại 1.

Vì hội chứng Timothy là sự kết hợp giữa các vấn đề về tim mạch, cụ thể là rối loạn nhịp tim nghiêm trọng dẫn đến đột tử cùng các vấn đề sức khỏe, nên đa số bệnh nhân đều có tiên lượng xấu. Hầu hết người mắc hội chứng này không thể sống đến tuổi trưởng thành. Nguyên nhân dẫn đến tử vong là do rối loạn nhịp tim, dẫn đến co giật và ngừng tim đột tử.

Gia đình nên tạo điều kiện hết mức để trẻ nhận được các biện pháp y tế tích cực nhằm kiểm soát bệnh trong khả năng. Thường xuyên thăm khám sức khỏe để kiểm tra sức khỏe toàn diện, đặc biệt là đánh giá chức năng hoạt động của tim. Ngoài ra, trẻ bị chậm nhận thức, học tập kém được khuyến nghị nên tham gia các chương trình giáo dục đặc biệt.

Điều trị

Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với hội chứng Timothy, việc điều trị y tế chủ yếu tập trung vào kiểm soát tiến triển, cải thiện triệu chứng, giảm thiểu nguy cơ biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài sự sống cho trẻ.

Riêng với những bào thai được phát hiện mắc hội chứng Timothy thông qua xét nghiệm sàng lọc dị tật sớm trong giai đoạn sớm. Nếu tiếp tục thai kỳ, trẻ thường có xu hướng sinh mổ do thai thường bị suy không thể phát triển khỏe mạnh bình thường.

Điều trị hội chứng Timothy chủ yếu bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật nhằm kiểm soát triệu chứng, kéo dài sự sống cho trẻ

Đối với việc điều trị y tế, chủ yếu nhằm kiểm soát các triệu chứng và duy trì sự sống cho trẻ:

  • Sử dụng các loại thuốc điều hòa nhịp tim (điển hình là nhóm thuốc chẹn beta hoặc chẹn kênh canxi);
  • Dùng máy điều hòa nhịp tim tại nhà hoặc cấy ghép máy khử rung tim (ICD) giúp điều chỉnh hoạt động điện tim, giảm nguy cơ ngừng tim đột ngột;

Những trường hơp hội chứng Timothy nghiêm trọng gây ra các triệu chứng, di chứng nặng nề cần can thiệp phẫu thuật để xử lý. Các hình thức phẫu thuật nhằm điều chỉnh các khuyết tật về cấu trúc tim và loại bỏ các màng dính ở ngón tay, ngón chân. Kết hợp theo dõi các chỉ số quan trọng như huyết áp, đường huyết thường xuyên để ngăn chặn các biến chứng khó lường.

Phòng ngừa 

Hội chứng Timothy là kết quả của di truyền gen đột biến nên không có cách điều trị đặc hiệu cũng như phòng ngừa. Cách duy nhất để biết được sinh con có mắc phải hội chứng này hay không, các cặp vợ chồng nên thực hiện tư vấn di truyền, làm các xét nghiệm di truyền cần thiết theo chỉ định.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao con tôi có những dấu hiệu bất thường về tim mạch, thần kinh và cơ xương khớp?

2. Nguyên nhân khiến con tôi mắc hội chứng Timothy?

3. Hội chứng Timothy có ảnh hưởng đến tính mạng của con tôi không?

4. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán hội chứng Timothy?

5. Nên điều trị hội chứng Timothy bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Con tôi mắc hội chứng Timothy sống được bao lâu?

7. Những biện pháp nào giúp chăm sóc sức khỏe của trẻ tại nhà?

8. Cần làm gì để phòng ngừa sinh con mắc hội chứng Timothy trong lần mang thai tiếp theo?

Hội chứng Timothy xảy ra do di truyền gen đột biến từ bố mẹ nên không thể điều trị cũng như phòng ngừa. Để tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong sớm, các cặp vợ chồng nên thực hiện tư vấn và các xét nghiệm di truyền để phòng ngừa tỷ lệ mắc phải hội chứng này.