Bệnh hở van tim hai lá

Hở van tim hai lá là bệnh tim mạch xảy ra khi hai van tim không đóng chặt như bình thường. Máu chảy ngược vào bên trong buồng tim ảnh hưởng đến chức năng tim, gây biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện điều trị. 

Tổng quan

Van hai lá và van ba lá ngăn cách các tâm nhĩ trên và tâm thất dưới. Van hai lá nằm bên trái, van ba lá nằm bên phải. Trong đó, van hai lá nằm ở vị trí nối giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái, gồm có hai lá phía trước và phía sau. Khi tim hoạt động co bóp, van hai lá đóng mở để đưa máu đi từ nhĩ trái xuống thất trái.

Bệnh hở van tim hai lá
Hở van tim hai lá là bệnh lý tim mạch tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe

Hở van tim hai lá (Mitral valve regurgitation) là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có khả năng gây tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị đúng cách. Hai lá van không đóng kín như bình thường dẫn đến việc trào ngược máu khi tim co bóp. Dòng máu chảy ngược đổ từ thất trái qua nhĩ trái.

Điều này khiến cho lượng máu ở tim trái quá tải, gây giãn nỡ nhĩ trái và thất trái. Tình trạng hở van không được phát hiện và điều trị ngày càng trở nên nặng nề. Người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ tử vong.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Như đã đề cập bên trên, van hai lá nằm ở bên trái tim, nối giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Cấu trúc cơ bản gồm vòng van, lá van và các dây chằng, cơ trụ. Sự tổn thương bất kỳ bộ phận nào của lá van đều có thể xảy ra bệnh hở van hai lá.

Việc xác định nguyên nhân gây bệnh có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến sự bất thường van hai lá:

  • Mắc bệnh thấp tim dẫn đến hiện tượng hở van hai lá hậu thấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh hở van tiến triển thường gặp ở bệnh nhi từ 5 tuổi đến 15 tuổi. Theo thống kê đa số các trường hợp ghi nhận mắc bệnh hở van tim hai lá ở nước ta đều rơi vào trường hợp này. Thông thường bệnh nhân sẽ đồng thời bị hở hai lá hậu thấp cùng với hẹp van hai lá, một số trường hợp là hẹp hoặc hở tại van tim khác. Bệnh có xu hướng nặng nề dần theo tuổi tác.
  • Ngoài nguyên nhân hở van hai lá hậu thấp, hở van tim còn có thể xuất hiện do ảnh hưởng bởi hiện tượng thoái hóa nhầy. Nguyên nhân này thường gặp ở người có tuổi tác cao, từ trung niên trở lên. Khi đó, các bộ phận lão hóa dần, bao gồm cả các van. Van hai lá dày lên, cấu trúc giãn nở, một số trường hợp bị đứt dây chằng, sa lá van.
  • Tình trạng thoái hóa vôi ở người cao tuổi hoặc người mắc bệnh tim mạch là nguyên nhân gây hở van tim hai lá. Van đóng mở không khép kín hoàn toàn, cử động lá van bị hạn chế.
  • Một số trường hợp mắc bệnh hở van hai lá bẩm sinh. Van có thể bị sa, bị chẻ, cấu trúc van tim không bình thường khiến cho trẻ từ khi chào đời đã gặp các vấn đề tim mạch.
  • Ngoài các nguyên nhân kể trên, bệnh có thể xảy ra do liên quan đến nhiễm trùng tim, nhồi máu cơ tim, nguy cơ thiếu máu cơ tim và các bệnh lý tim mạch khác.

Bệnh nhân cần được thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị phù hợp. Tình trạng hở van tim có thể ngày càng trở nên nặng nề hơn, do đó bệnh nhân không thể chủ quan. Rủi ro lớn nhất của người bệnh là dẫn đến tử vong, tiên lượng sống ngắn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh nhân có thể gặp triệu chứng nặng hoặc nhẹ tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của hở van tim hai lá. Nhận biết bất thường từ sớm giúp việc điều trị có nhiều khả quan hơn. Trường hợp hở van tim hai lá liên quan đến tình trạng đứt dây chằng, nhồi máu cơ tim có triệu chứng nặng nề, ồ ạt.

Triệu chứng hở van tim hai lá
Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng hở van tim hai lá tùy vào mức độ tiến triển của bệnh

Những biểu hiện ban đầu đối với tình trạng cấp tính gồm đau ngực, khó thở, thậm chí có thể bị sốc tim. Trường hợp mãn tính, bệnh nhân có các triệu chứng tiến triển chậm, thường gặp như:

  • Người bệnh bị khó thở, thường xuyên bị hụt hơi, hồi hộp, vùng ngực có thể bị nhói nhẹ. Đây là biểu hiện ở những bệnh nhân bị hở van tim hai lá liên quan đến hiện tượng sa van.
  • Cơ thể mệt mỏi, cảm giác thiếu sức lực, khó khăn khi làm việc, vận động.
  • Đối với người bị thiếu máu cục bộ dẫn đến hở van có biểu hiện bị đau thắt ngực thường xuyên.
  • Ngay cả khi vận động, làm việc nhẹ cơ thể người bệnh cũng khó chịu, thở khò khè.
  • Trường hợp nặng, người bệnh sẽ khó thở khi nằm đầu thấp hơn tim.
  • Người bệnh bị ho khan kéo dài, ho đôi khi ra đờm, máu hoặc bọt hồng.
  • Tim hồi hộp, đập nhanh, phù chân cùng với những biểu hiện khác.

Bệnh tiến triển theo các giai đoạn từ nhẹ đến nặng bao gồm:

  • Giai đoạn đầu: Siêu âm phát hiện van hở nhẹ, chưa có sự giãn lớn buồng tim, hoạt động của tim vẫn được đảm bảo tốt. Giai đoạn này các triệu chứng gần như không có hoặc ở mức độ nhẹ khó phát hiện.
  • Giai đoạn tiến triển: Phát hiện tình trạng hở van hai lá ở mức độ trung bình thông qua siêu âm tim. Lúc này các buồng tim đã có dấu hiệu bị giãn nhẹ. Tuy nhiên chức năng tim vẫn đảm bảo tốt, chưa có triệu chứng hở van hai lá.
  • Giai đoạn nặng: Bệnh phát triển âm thầm, bùng phát triệu chứng bất thường. Van tim hở 3/4 đến 4/4, chủ yếu ở khu vực thất trái, nhĩ trái. Khi đó chức năng tim đã bắt đầu có sự thay đổi, tăng hoặc không tăng áp lực động mạch phổi.
  • Giai đoạn nghiêm trọng: Người bệnh đã có các triệu chứng suy tim, khó thở, phải dùng sức để thở. Siêu âm thấy van hở nặng, giãn lớn ỏ thất trái, nhĩ trái. Chức năng tim không được đảm bảo, áp lực lên động mạch phổi tăng cao.

Chẩn đoán

Bệnh nhân khi đến bệnh viện được thăm hỏi triệu chứng, tiền sử mắc bệnh tim hoặc các bệnh lý khác. Sau đó, tiến hành khám tim và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Bao gồm siêu âm tim, đo điện tim, chụp X quang lồng ngực,...

Tùy tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm liên quan để có kết luận chẩn đoán bệnh chính xác nhất. Sau khi có kết quả, dựa vào bệnh lý, mức độ hở van tim của bệnh nhân để chỉ định phương pháp can thiệp phù hợp.

Biến chứng và tiên lượng

Hở van tim hai lá là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có khả năng đe dọa sự an toàn tính mạng của người bệnh. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh gặp phải những biến chứng như sau:

Biến chứng hở van tim hai lá
Nguy cơ biến chứng tim mạch ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đe dọa an toàn tính mạng bệnh nhân

  • Biến chứng suy tim: Tình trạng giãn lớn nhĩ trái, thất trái ở bệnh nhân trở nên nghiêm trọng hơn. Lượng máu bơm về buồng tim nhiều hơn bình thường dẫn đến thất trái làm việc quá sức, suy giảm chức năng tim, mất khả năng bù trừ. Điều này khiến bệnh nhân gặp phải nhiều triệu chứng nặng nề, trường hợp can thiệp ngoại khoa cũng khó phục hồi chức năng tim.
  • Biến chứng rung nhĩ: Đây là biến chứng thường xảy ra ở bệnh nhân bị hở van tim hai lá. Tâm nhĩ lâu ngày bị áp lực dần suy giảm chức năng dẫn đến hiện tượng tim bị rung nhĩ. Lượng máu được bơm về thất trái thấp hơn mức cần thiết khiến các triệu chứng suy tim trở nên nặng nề hơn. Đặc biệt là rủi ro hình thành cục máu đông gây tắc mạch, đột quỵ,... đe dọa tính mạng bệnh nhân.
  • Biến chứng đột tử: Đây là biến chứng thường gặp ở người bị suy tim nặng, người đồng thời đang mắc bệnh mạch vành.
  • Biến chứng tử vong: Người bệnh tim không thể phục hồi, chức năng tim suy giảm, bị đột quỵ dẫn đến thiếu máu não, người bệnh tử vong.

Đối với trường hợp hở van tim nhẹ, bệnh nhân cần theo dõi y tế và kết hợp điều chỉnh thói quen sống, chăm sóc cơ thể để ổn định các chỉ số về huyết áp, nhịp tim, đường máu,... Điều này góp phần kéo dài tiên lượng sống, kiểm soát bệnh tim một cách tốt nhất.

Trường hợp tiến triển, người bệnh cần tiến hành nong đặt stent mạch vành hoặc phẫu thuật, thay tim nhân tạo để kéo dài tiên lượng sống. Tiên tượng 20 đến 30 năm đối với người bệnh phẫu thuật thành công. Tuy nhiên thời gian có thể ngắn hoặc dài hơn tùy vào tình trạng sức khỏe và quá trình chăm sóc của mỗi bẹnh nhân.

Điều trị

Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Đối với trường hợp nhẹ người bệnh không cần can thiệp phẫu thuật chuyên sâu. Bệnh nhân sẽ được theo dõi định kỳ hằng năm và chỉ dẫn cách chăm sóc đúng để cải thiện sức khỏe.

Đối với trường hợp hở van tim hai lá trung bình đến nặng, bệnh nhân phải dùng thuốc và kết hợp ngoại khoa để cải thiện, duy trì chức năng tim. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính:

Sử dụng thuốc

Chỉ định thuốc điều trị bệnh tim cho bệnh nhân. Các loại thường dùng như:

  • Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp dự phòng tình trạng thấp tim tái phát. Sử dụng trong thời gian dài từ khi phát hiện bệnh đến trên 40 tuổi.
  • Thuốc chống nhiễm trùng: Khám răng miệng đình kỳ, kết hợp sử dụng thuốc để ngăn nguy cơ nhiễm trùng, áp xe van.
  • Thuốc đặc trị: Dùng thuốc đặc trị bệnh huyết áp cao, bệnh tiểu đường, bệnh mạch vành,... cho bệnh nhân. Sử dụng trong thời gian nhất định kết hợp theo dõi định kỳ để sớm phát hiện các bất thường và có sự điều chỉnh thuốc phù hợp.
  • Các thuốc khác: Thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II, ARNI, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm cholesterol máu, thuốc chẹn beta, thuốc chống đông.

Ngoài ra, bệnh nhân cần tiêm vắc xin phòng bệnh cúm hàng năm và các nhóm vắc xin cần thiết khác để tránh bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, phòng ngừa rủi ro suy tim. Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho sức khỏe.

Điều trị hở van tim hai lá
Chỉ định can thiệp ngoại khoa thay van tim nhân tạo kéo dài tiên lượng sống cho bệnh nhân

Điều trị ngoại khoa

Chỉ định can thiệp ngoại khoa, sửa chữa van tim cho người mắc hở van tim hai lá. Dựa vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân để có hướng can thiệp phù hợp. Dưới đây là hai biện pháp thường được áp dụng:

  • Phẫu thuật sữa van: Tiến hành phẫu thuật xâm lấn nhằm điều chỉnh các sai sót bên trong hệ thống tim mạch. Van tim bị hư hỏng hoặc vôi hóa có thể được thay thế bằng van nhân tạo để duy trì chức năng tim. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc chống đông máu để ngăn nguy cơ tắc nghẽn mạch máu làm kẹt van. Những trường hợp van vẫn có thể duy trì hoạt động không kèm theo rung nhĩ sử dụng thuốc chống đông trong 90 ngày. Trường hợp cần thay van cơ học sẽ phải dùng thuốc trọn đời.
  • Phương pháp sữa van qua da: Sử dụng dụng cụ chuyên dụng đưa ống vào trong cơ thể từ đùi, theo mạch máu tiến đến nhĩ trái, thất trái. Kẹp kim loại được đưa vào vị trí hai van bị hở, kẹp lại để ngăn máu đổ dồn về thất trái. So với mổ tim, biện pháp này không can thiệp sửa chữa chuyên sâu. Chính vì thế chỉ được áp dụng cho những đối tượng không đáp ứng phẫu thuật, có sử dụng thuốc tuy nhiên không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Bệnh nhân nên đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và điều trị bệnh tim mạch từ sớm, nhất là đối với trẻ em và người lớn tuổi. Theo dõi tình hình sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và có những biện pháp can thiệp điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.

Phòng ngừa

Bệnh hở van tim hai lá có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân cần theo dõi tình trạng sức khỏe và điều trị y tế để đảm bảo phòng tránh những rủi ro không mong muốn.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến khích mỗi người nên tự ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh tim mạch nói chung, hở van tim hai lá nói riêng. Một số lưu ý như sau:

  • Có một chế độ ăn uống lành mạnh. Tránh các loại đồ uống chứa cồn như rượu bia, không nên hút thuốc lá, ăn nhiều đồ mặn, đồ ngọt hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ. Xây dựng thói quen ăn uống đầy đủ chất, phù hợp với nhu cầu của cơ thể.
  • Tập thể dục, vận động vừa sức giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, giảm nguy cơ mắc bệnh xương khớp, bệnh tim mạch. Tuy nhiên hạn chế việc tập quá sức hoặc tham gia những bộ môn thể thao không phù hợp với tình trạng sức khỏe.
  • Duy trì cân nặng cân đối, tránh trường hợp thừa cân, béo phì ảnh hưởng sức khỏe tim mạch.
  • Điều trị bệnh lý đang gặp phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tùy tiện sử dụng thuốc tân dược để tránh gặp phải các tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe tim mạch.
  • Những trường hợp đã mắc bệnh về tim, bệnh nhân có dấu hiệu suy giảm chức năng tim, thường xuyên bị huyết áp cao, mắc bệnh tiểu đường,... cần theo dõi sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh theo phác đồ y tế.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh hở van tim hai lá có nguy hiểm không?

2. Triệu chứng hở van tim hai lá là gì?

3. Nguyên nhân nào tôi bị hở van tim hai lá?

4. Các xét nghiệm tôi cần làm để chẩn đoán bệnh hở van tim hai lá?

5. Có sử dụng thuốc chữa bệnh được không?

6. Dấu hiệu hở van tim hai lá chuyển biến nặng là gì?

7. Khi nào tôi cần phẫu thuật thay van tim nhân tạo?

8. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị để theo dõi bệnh lý tốt nhất?

9. Trường hợp có xuất hiện dấu hiệu biến chứng tôi nên làm gì?

10. Bao lâu tôi cần đến bệnh viện tái khám?

Bệnh hở van tim hai lá có thể gây biến chứng nặng nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị đúng cách. Do đó, ngay khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện thăm khám sớm. Tùy vào tình hình sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp can thiệp sao cho an toàn, hiệu quả nhất.