Bệnh Thấp Tim
Bệnh thấp tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến ở trẻ em và người trưởng thành. Đây là tình trạng nhiễm trùng tim do nhiễm liên cầu khuẩn sau đợt viêm họng cấp. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng về đau nhức khớp, khó thở, rối loạn nhịp tim, nổi u hạt, phát ban dưới da... Trường hợp nghiêm trọng có thể biến chứng phù phổi cấp, suy tim, đột quỵ và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Tổng quan
Thấp tim (Acute Rheumatic Fever) còn được gọi là sốt thấp khớp hoặc thấp khớp cấp. Là bệnh lý tim tự miễn đặc trưng bởi cơn viêm cấp tính có tính chất toàn thân và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống miễn dịch, xảy ra sau đợt viêm họng. Vi khuẩn liên cầu beta tan huyết nhóm A là tác nhân chính gây ra thấp tim.
Đặc trưng triệu chứng của bệnh thấp tim là tình trạng viêm đa khớp và viêm tim, nổi các hạt dưới da, ban đỏ vòng, chorea... Thấp tim được ghi nhận là một trong những tác nhân gây các bệnh lý tim mạch với tỷ lệ tử vong cao trên thế giới và cả Việt Nam. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ từ 6 - 20 tuổi, trong đó tỷ lệ trẻ từ 10 - 15 tuổi phổ biến nhất (chiếm tỷ lệ 64,5%).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Qua nhiều nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đã chứng minh được mối liên hệ giữa viêm họng và bệnh thấp tim. Cụ thể, nhiễm liên cầu khuẩn không phải điều kiện trực tiếp gây ra bệnh mà là thông qua cơ chế miễn dịch. Đây là lý do vì sao trẻ < 5 tuổi thường ít có nguy cơ mắc bệnh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và không đủ hiệu lực gây ra bệnh.
Tuy nhiên, về bản chất thì liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A ở đường hô hấp trên (Streptococcus A) là nguyên nhân gây ra thấp tim. Các protein M, T, R ở lớp vỏ ngoài của liên cầu khuẩn gây phản ứng với hệ miễn dịch của cơ thể. Hệ miễn dịch sản sinh kháng thể chống lại nhưng vô tình chống luôn các protein trong các mô liên kết, bao gồm cả van tim.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thấp tim thực chất chính là những điều kiện thuận lợi khiến liên cầu khuẩn phát triển. Chẳng hạn như:
- Người có hệ miễn dịch yếu kém do bẩm sinh hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý khác;
- Các quốc gia kém phát triển có điều kiện kinh tế, dân trí, y tế và vệ sinh thấp, trong đó có Việt Nam;
- Bệnh nhân mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hoặc viêm da có nguy cơ cao bị thấp tim;
- Trẻ thành niên, người trưởng thành và người cao tuổi là nhóm đối tượng mắc bệnh chính;
- Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với nam giới;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng thấp tim thường xảy ra sau đợt viêm họng cấp khoảng 1 - 2 tuần và thường đặc hiệu với các biểu hiện viêm lâm sàng sau:
Viêm họng
Người bệnh chỉ được chẩn đoán thấp tim khi có các triệu chứng viêm họng trước đó khoảng 1 - 2 tuần. Điển hình gồm các biểu hiện toàn thân sau:
- Sốt nhẹ hoặc cao kéo dài;
- Mệt mỏi, yếu sức, suy nhược;
- Đau tức ngực, khó thở, ho;
- Ăn uống kém;
Viêm tim
Triệu chứng viêm tim xảy ra ở khoảng 50% ca mắc bệnh thấp tim. Bệnh nhân có thể bị viêm toàn bộ tim hoặc chỉ viêm một phần cơ tim, van tim, nội tâm mạc hoặc màng ngoài tim với các cấp độ từ đơn giản đến phức tạp. Cụ thể như sau:
- Triệu chứng cơ năng: đau tức ngực, nặng ngực, khó thở...;
- Triệu chứng thực thể:
- Viêm van tim: xuất hiện âm thổi lạ do hở van 2 lá hoặc van chủ...;
- Viêm cơ tim: tăng nhịp đập của tim, kèm theo âm thanh tim như tiếng ngựa phi trong các mỏm;
- Viêm màng ngoài tim: nghe thấy rõ rệt tiếng cọ màng tim và tiếng tim mờ là biểu hiện của tràn dịch màng tim;
Ngoài ra, biểu hiện suy tim cũng có thể xuất hiện ở giai đoạn bùng phát thấp tim cấp do biến chứng viêm cơ tim hoặc viêm van tim giai đoạn nặng. Các biểu hiện đặc trưng là rối loạn nhịp tim, tiếng ngựa phi T3, nổi tĩnh mạch chủ, phù chân, gan to, phổi rale ẩm...
Viêm khớp
Các triệu chứng viêm khớp thường xảy ra từ rất sớm khi khởi phát bệnh thấp tim, tuy nhiên lại ít đặc hiệu và xảy ra ở khoảng 80% ca bệnh. Bao gồm các triệu chứng điển hình sau:
- Viêm đa khớp: Các triệu chứng viêm đa khớp khớp do thấp tim thường xuất hiện ở các vị trí khớp lớn như cổ chân, cổ tay, gối, khuỷa tay..., không đối xứng và có khả năng chuyển động;
- Viêm đơn khớp: Chủ yếu xảy ra ở trẻ lớn và người trưởng thành. Đặc trưng bởi các khớp viêm, sưng, đau, nóng đỏ... Tuy nhiên, chỉ xuất hiện thoáng qua và thường không kéo dài quá 2 - 3 tuần, ít khi để lại di chứng nghiêm trọng;
Hầu hết các triệu chứng viêm khớp ở bệnh nhân thấp tim đều đáp ứng tốt với thuốc chống viêm không steroid và salicylate.
Múa vờn Sydeham
Đây là một trong những triệu chứng về tổn thương thần kinh trung ương của thấp khớp cấp, xảy ra ở khoảng 20% trường hợp bệnh và thường xuất hiện trễ, chỉ xảy ra sau 3 - 6 tháng kể từ thời điểm bị nhiễm liên cầu khuẩn và sau 2 - 3 tuần kể từ khi khởi phát triệu chứng viêm khớp, viêm tim.
Bệnh nhân thường có các biểu hiện sau:
- Dễ lo âu, hoang mang không rõ nguyên nhân;
- Các động tác ở 1 hoặc 2 chi bất thường, có biên độ rộng, thực hiện trong trạng thái không ý thức, đột ngột hoặc giảm khi nghỉ ngơi, ngủ;
- Chúng thường biến mất sau 4 - 6 tuần điều trị tích cực hoặc kéo dài cả năm nhưng ít khi để lại di chứng;
- Triệu chứng này cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như động kinh hoặc chứng rối loạn hành vi tác phong...;
Nốt dưới da & hồng ban vòng
Đây là những triệu chứng hiếm gặp ở bệnh nhân thấp tim, tỷ lệ < 1 - 5% nhưng lại rất đặc hiệu giúp chẩn đoán bệnh hiệu quả.
- Các nốt cục nổi ẩn dưới da (hạt Meynet), hình tròn, đường kính 1 - 2cm, cứng chắc, không đau và có khả năng di động. Thường chỉ xuất hiện trong vòng vài tuần và biến mất, ít khi kéo dài quá 1 tháng;
- Các hồng ban vòng/ ban Besnier (erythema marginatum) là những mảng màu hồng nổi bất thường trên da, có viền đậm xung quanh, vùng tâm nhạt màu, không ngứa, có khả năng di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác nhưng ít khi để lại biến chứng;
Các dấu hiệu khác
- Sốt;
- Đau nhức khớp;
- Đau bụng;
- Ho ra máu hoặc đái máu;
- Kèm theo các triệu chứng viêm phổi cấp, viêm cầu thận cấp, viêm màng não...;
- Xuất hiện đoạn PQ kéo dài bất thường trên điện tâm đồ;
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh thấp tim được thực hiện thông qua quan sát và đánh giá các triệu chứng vừa kể trên. Đồng thời, kết hợp thực hiện thêm một vài xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh thấp tim với nguyên nhân và mức độ bệnh rõ rệt, hỗ trợ phục vụ cho công tác điều trị về sau.
- Nuôi cấy khuẩn: Tiến hành phết dịch họng để lấy mẫu mô bệnh và nuôi cấy tìm kiếm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A hoặc dùng que test nhanh để tìm các kháng nguyên Streptococci...;
- Xét nghiệm máu: Đo lường định lượng các chỉ số sau nhằm chẩn đoán thấp tim:
- Huyết học cho thấy lượng bạch cầu và tốc độ lắng máu tăng;
- Lượng Protein C và sợi huyết tăng;
- Nồng độ ASO (Anti Streptolysine O):
- Tăng cao > 250 (đối với người lớn) và > 333 (đối với trẻ em) đơn vị Todd sau 2 tuần nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A;
- Bị giới hạn hoặc giảm thấp cần đo lường thêm các kháng thể khác như Anti DNase B (Anti Desoxyribonuclease), AH (Anti hyurorlidase) hoặc ASK (antistreptokinase)...;
- Kiểm tra công thức máu cho thấy tình trạng thiếu máu nhẹ (dấu hiệu của tiến triển viêm mạn tính);
- Điện tâm đồ: Giúp đánh giá các biểu hiện như block nhĩ thất cấp I, II hoặc ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, nhịp nhanh xoang...;
- Các chẩn đoán hình ảnh:
- Siêu âm Doppler tim;
- Chụp X quang ngực, khớp;
- Chụp CT hoặc MRI;
Biến chứng và tiên lượng
Không phải mọi trường hợp nhiễm khuẩn liên cầu ở họng hoặc da đều tiến triển thành thấp tim. Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh thấp tim và không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. Nguy hiểm nhất là các biến chứng thấp tim cấp và mạn tính, gây rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim cấp, dày dính van tim, suy tim, đột quỵ và tử vong.
Ngoài ra, thấp tim còn gây nhiều biến chứng nặng nề ở các cơ quan nội tạng khác như khớp, da, não, phổi... Do đó, để tránh khỏi những hệ lụy khó lường của bệnh thấp tim, khuyến cáo bệnh nhân chủ động thăm khám để chẩn đoán và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
Điều trị
Mục tiêu điều trị bệnh thấp tim là loại bỏ nhiễm trùng, kiểm soát triệu chứng và dự phòng/ xử lý biến chứng (nếu có).
1. Điều trị triệu chứng thấp tim cấp
Phác đồ dùng thuốc trị thấp tim được bác sĩ kê toa tùy theo dạng và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng
- Điều trị nhiễm trùng: Loại bỏ vi khuẩn liên cầu khuẩn bằng phác đồ kháng sinh.
- Thuốc Benzathine Penicillin G 600.000 đơn vị dùng dưới dạng tiêm bắp tĩnh mạch sâu, liều 1 lần duy nhất;
- Trường hợp bệnh nhân dị ứng với Penicillin có thể thay thế bằng Erythromycine, liều khuyến cáo 40mg/kg/ngày, chia làm 2 lần uống và dùng liên tục trong 10 ngày;
- Điều trị viêm khớp: Các triệu chứng viêm khớp do thấp tim thường đáp ứng tốt với các thuốc sau:
- Aspirin: Là loại thuốc được ưu tiên sử dụng đầu tiên. Liều khuyến cáo 90 - 100mg/kg/ngày x 4 - 6 lần uống. Thời gian dùng 4 - 6 tuần tùy theo tiến triển bệnh và giảm dần liều sau 2 - 3 tuần;
- Prednisolone: Được khuyến cáo chỉ định dùng cho bệnh nhân thấp tim với các triệu chứng viêm khớp kèm theo viêm tim nặng. Liều dùng khuyến cáo 2 mg/kg/ngày x 4 lần, dùng liên tục trong vòng 2 - 6 tuần và giảm dần liều khi tiến triển bệnh thuyên giảm;
- Điều trị triệu chứng múa vờn Sydenham:
- Bệnh nhân dành nhiều thời gian nghỉ ngơi tại chỗ và đi lại nhẹ nhàng quanh phòng tùy theo tình hình sức khỏe;
- Tránh các cảm xúc tiêu cực và phấn khích quá mức;
- Dùng một số loại thuốc điều trị hỗ trợ như Diazepam, Phenobarbital, Steroid hoặc Haloperidol... với liều cụ thể sau:
- Phenobarbital liều khuyến cáo 16 - 32mg/kg/ngày;
- Haloperidol liều khuyến cáo 0.03 - 1mg/kg/ngày;
- Chlorpromazin liều khuyến cáo 0.5mg/kg/ngày;
- Kết hợp điều trị dự phòng tái phát;
- Điều trị biến chứng suy tim (nếu có):
- Thuốc trợ tim: Bằng thuốc Digoxin liều 1/4mg/ngày, kết hợp theo dõi phản ứng cơ thể, đặc biệt là nhịp tim, nếu chỉ số vẫn < 80 nhịp/ phút chứng tỏ thuốc không có tác dụng, phải ngưng thuốc ngay;
- Thuốc lợi tiểu: Loại thường dùng là Furosemid liều 40mg x 1 - 2 viên/ ngày. Chú ý theo dõi chỉ số điện giải máu trong quá trình dùng thuốc;
- Thuốc giãn mạch: Điển hình là nhóm thuốc ức chế men chuyển, biệt dược Coversyl liều 4mg x 1 viên duy nhất/ ngày, Renitec liều 5mg x 1 viên/ ngày hoặc Captopril liều 25mg/ ngày... Kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên, nếu thấp hơn 90mmHg sẽ dừng dùng thuốc;
2. Điều trị hỗ trợ
Bên cạnh các biện pháp điều trị thấp tim chuyên sâu theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng được khuyến cáo thực hiện chế độ chăm sóc tích cực nhằm hỗ trợ đạt kết quả điều trị tốt nhất.
- Thực hiện chế độ nghỉ ngơi rõ ràng và đúng giờ giấc là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bệnh nhân phải nằm nghỉ tại giường hoặc đứng dậy đi lại xung quanh trong và ngoài phòng;
- Thở oxy hỗ trợ hô hấp trong trường hợp thấp tim gây biến chứng suy tim cấp;
- Có chế độ ăn uống khoa học, đủ chất, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước;
- Giữ ấm và giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ trong quá trình điều trị thấp tim;
Phòng ngừa
Bệnh thấp tim hiện vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì quá trình điều trị khá phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Do đó, hãy nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe và dự phòng thấp tim.
- Giữ vệ sinh thân thể, đặc biệt là vùng mũi họng bằng cách súc họng, đánh răng thường xuyên.
- Giữ ấm cổ họng, ngực khi thời tiết chuyển lạnh.
- Ăn uống đủ chất, bổ sung đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
- Kiểm soát và điều trị triệt để các bệnh lý đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang...
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các bệnh lý tim mạch, trong đó có thấp tim thông qua các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh thấp tim?
2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán thấp tim?
3. Tiên lượng tình trạng bệnh thấp tim của tôi?
4. Bệnh thấp tim có nguy hiểm không?
5. Phác đồ điều trị bệnh thấp tim tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
6. Điều trị thấp tim mất bao lâu thì khỏi? Bệnh có tái phát sau điều trị không?
7. Các thuốc điều trị thấp tim tôi có thể sử dụng?
8. Điều trị bệnh thấp tim có được dùng BHYT không?
9. Tôi cần chú ý thực hiện chế độ nghỉ ngơi và ăn uống như thế nào trong quá trình điều trị thấp tim?
10. Tôi có cần tái khám trở lại sau điều trị thấp tim không?
Bệnh thấp tim được xếp vào nhóm các bệnh lý tim mạch nguy hiểm và đồng thời cũng là con đường dẫn đến suy tim nhanh chóng, tăng nguy cơ đột quỵ, tử vong. Do đó, hãy chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về tim, khớp, da, não... để được chẩn đoán bệnh chính xác và kịp thời điều trị bằng phương pháp phù hợp.