Bệnh giang mai
Bệnh giang mai là chứng bệnh truyền nhiễm, lây qua đường tình dục. Đây có thể nói là bệnh lý đáng sợ, có khả năng gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng đời sống. Trường hợp nặng, người mắc bệnh giang mai không thể điều trị khỏi và dẫn đến tử vong.
Tổng quan
Bệnh giang mai (Syphilis) là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm, liên quan đến một loại xoắn khuẩn có tên là Treponema Pallidum. Chúng có hình dạng như hình lò xo, mỗi xoắn khuẩn có từ 6-14 vòng xoắn.
So với các loại vi khuẩn khác, xoắn khuẩn khá yếu, chúng có thể chết ở nhiệt độ phòng từ 20-30 độ C. Ngược lại, ở môi trường lạnh, trong nước đá chúng có thể duy trì tính di động khá lâu. Xoắn khuẩn giang mai không thể sống ở nhiệt độ 45 độ C. Ngoài ra, chúng có thể bị loại bỏ bằng các loại dung dịch sát khuẩn, xà phòng sát khuẩn trong ít phút.
Treponema Pallidum tồn tại trong máu, trong dịch tiết ở bộ phận sinh dục nam, nữ. Chính vì thế, con đường lây bệnh giang mai chủ yếu là từ đường quan hệ tình dục, nhất là khi nam nữ không sử dụng biện pháp phòng tránh an toàn khi giao hợp.
Ai cũng có khả năng nhiễm phải xoắn khuẩn giang mai. Theo thống kê cho thấy tỷ lệ nữ giới nhiễm khuẩn cao hơn so với nam giới do cấu tạo bộ phận sinh dục dạng mở. Bệnh thường không bùng phát triệu chứng rõ ràng giai đoạn đầu viêm nhiễm nên bệnh nhân có xu hướng chủ quan, chỉ biết khi bệnh tiến triển nặng nề hơn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây bệnh giang mai là do xoắn khuẩn Treponema Pallidum. Vào năm 1905 được tìm thấy với hình dạng được đề cập bên trên. Người bệnh nhiễm phải vi khuẩn giang mai chủ yếu thông qua đường tình dục, quan hệ ngả âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng.
Theo các chuyên gia, xoắn khuẩn giang mai có thể tồn tại trong các tổn thương như mảng niêm mạc, hạch hoặc săng,... Những con đường lây nhiễm chính được xác định như:
- Đường tình dục: Có đến hơn 90% đến 95% người mắc bệnh giang mai lây nhiễm xoắn khuẩn từ đường quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh trước đó. Da, niêm mạc của bệnh nhân có nhiều tổn thương, xoắn khuẩn giang mai sẽ từ người bệnh di chuyển, tấn công sang người khỏe mạnh.
- Lây nhiễm gián tiếp: Xoắn khuẩn có thể lây nhiễm từ người này sang người kia thông qua những tiếp xúc gián tiếp. Chẳng hạn như việc sử dụng khăn tắm chung với người bệnh, sử dụng dao cạo râu, đồ lót, bàn chải đánh răng,... của người nhiễm xoắn khuẩn giang mai trước đó.
- Lây qua đường máu: Đây cũng là con đường lây bệnh phổ biến của xoắn khuẩn giang mai. Đường máu là con đường lây lan nguy hiểm và cũng là con đường nhanh nhất. Người bệnh sẽ không trải qua giai đoạn ủ bệnh, phát bệnh mà trực tiếp chịu ảnh hưởng của xoắn khuẩn lên cơ thể, trường hợp này thường khá phức tạp, tính chất bệnh nặng hơn những đối tượng khác.
- Truyền nhiễm từ mẹ sang con: Ngoài những con đường truyền bệnh kể trên không thể không kể đến đường truyền bệnh từ mẹ sang con. Người mẹ bị nhiễm xoắn khuẩn trong thai kỳ có thể lây sang cho bào thai, dẫn đến rủi ro thai nhi yếu, sinh non, chết từ trong bụng mẹ,...
Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập cơ thể có thời gian ủ bệnh khá lâu, tùy tình hình sức khỏe của mỗi người bệnh. Bệnh nhân đôi khi phải chấp nhận sống chung với bệnh giang mai cả đời. Thông thường giang mai ủ bệnh từ 3-90 ngày, sau đó bọc phát các triệu chứng đầu tiên.
Những đối tượng có khả năng mắc bệnh giang mai kể đến như:
- Người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn.
- Đối tượng có quan hệ đồng giới nam.
- Những người bị nhiễm HIV có đề kháng kém.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Theo các giai đoạn bệnh giang mai người bệnh sẽ gặp phải các biểu hiện bất thường, kể đến như:
- Giai đoạn 1: Nếu phát hiện kịp thời ở giai đoạn này, bệnh nhân có hy vọng điều trị bệnh dứt điểm. Tuy nhiên đa số các trường hợp sẽ không phát hiện được từ sớm. Những vết loét nhỏ bắt đầu xuất hiện, chúng thường nhỏ, cứng, không gây đau. Cũng chính vì điều này làm nhiều người bỏ qua, không phát hiện sớm. Vết loét có thể tự lành sau 3-6 tuần. Bác sĩ vẫn khuyên người bệnh tiếp tục điều trị để ngăn bệnh tái phát ngay cả khi những dấu hiệu đầu đã biến mất.
- Giai đoạn 2: Vùng màng nhầy niêm mạc bị tổn thương do xoắn khuẩn bắt đầu tấn công. Những khu vực loét có thể là miệng, niêm mạc âm đạo, vùng hậu môn. Kèm theo đó bệnh nhân còn bị phát ban một số vùng trên cơ thể. Những nốt ban hình thành đối xứng với nhau, màu sắc hồng đỏ, hồng tím. Khi bệnh nhân ấn vào thì mất, da không bị bong vảy,... Một số biểu hiện khác xuất hiện ở giai đoạn 2 bao gồm sốt, đau họng, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, cân nặng sụt giảm.
- Giai đoạn 3: Các biểu hiện bệnh giang có thể kết thúc từ giai đoạn 1, 2. Chính điều này khiến bệnh nhân nhầm lẫn, cho rằng bệnh đã khỏi hoàn toàn. Thế nhưng xoắn khuẩn vẫn còn tồn tại, chúng có thể bùng phát những triệu chứng khó chịu khi bước sang giai đoạn tiếp theo.
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối khi bệnh giang mai đã tiến triển nặng, không kiểm soát đúng cách. Sau 3-15 năm các biểu hiện bệnh bắt đầu bùng phát, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, tim mạch, màng não, thoái hóa não, đột quỵ, ảo giác,... người bệnh có khả năng bị đe dọa đến sự an toàn tính mạng.
Chẩn đoán
Bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm bệnh bao gồm:
- Soi kính hiển vi trường tối: Phương pháp giúp chẩn đoán bệnh giang mai ở giai đoạn sớm. Thông qua việc soi dưới kính hiển vi, bác sĩ có thể phát hiện sự xuất hiện của xoắn khuẩn giang mai. Mẫu bệnh phẩm sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm để kiểm tra, có thể lấy dịch từ âm đạo bệnh nhân nữ, niệu đạo ở nam giới hoặc vết loét bộ phận sinh dục.
- Phương pháp RPR: Phương pháp khám sàng lọc giúp kiểm tra, chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh giang mai. Đây là biện pháp phát hiện kháng thể chống lại bệnh giang mai, nếu tìm thấy kháng thể có thể nhận diện được việc người bệnh đang mắc phải bệnh lý truyền nhiễm này.
- Tìm kháng thể đặc hiệu: Ngoài các biện pháp chẩn đoán kể trên, bệnh nhân có thể được thăm khám, kiểm tra tìm kháng thể đặc hiệu. Thông qua phương pháp này có thể chẩn đoán bệnh nhân có hay không mắc bệnh giang mai.
- Dịch tủy não: Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã có biến chứng thần kinh do ảnh hưởng bởi bệnh giang mai hay không. Dịch não tủy được lấy thông qua vòi tủy sống vùng thắt lưng. Thiết bị lấy mẫu chuẩn y khoa, không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh giang mai xuất hiện có thể gây ra nhiều hệ lụy cho bệnh nhân, nếu bệnh nhân không phát hiện và kiểm soát sớm. Tùy mức độ viêm nhiễm ở mỗi người mà biến chứng xảy ra có thể nhẹ hoặc nặng nề. Dưới đây là các rủi ro có thể xảy ra:
- Tăng nguy cơ rối loạn chức năng co thắt: Người mắc bệnh giang mai có thể bị ảnh hưởng chức năng tiểu tiện, điều này khiến bệnh nhân luôn có cảm giác muốn đi tiểu nhưng tiểu khó, tiểu không ra. Một số trường hợp bí tiểu hoặc đi tiểu không kiểm soát.
- Ảnh hưởng đến khả năng nhìn: Người bệnh bị suy giảm chức năng thị giác, đồng thử hẹp, không bình thường. Kéo theo đó là hiện tượng phản xạ ánh sáng kém, mờ mắt, thị giác giảm thậm chí là mù lòa.
- Các biến chứng về xương khớp: Bệnh nhân mắc giang mai có thể gặp phải các biến chứng liên quan đến xương khớp. Các cơn đau nhức xuất hiện, tổn hại hoạt động và chức năng của các khớp, vị trí xương, tăng nguy cơ gãy xương, thoát vị.
- Mắc bệnh về tim mạch: Đây cũng là biến chứng người bệnh có thể gặp phải khi mắc bệnh giang mai. Chức năng của tim mạch bị ảnh hưởng, viêm động mạch, phình động mạch,... cuối cùng dẫn đến hỏng van tim.
- Các biến chứng khác: Phụ nữ mang thai bị nhiễm giang mai có thể truyền xoắn khuẩn cho thai nhi, tăng rủi ro sảy thai, thai chết lưu,... Ngoài ra, người bệnh còn đối diện với nguy cơ bị viêm gan, tổn thương động mạch chủ, liệt toàn thân,... khi biến chứng giang mai xảy ra.
Điều trị
Bệnh nhân được kiểm tra, đánh giá mức độ bệnh trước khi được chỉ định phương pháp can thiệp. Nguyên tắc điều trị dựa trên tình trạng phát hiện bệnh sớm hay muộn, điều trị đủ liều thuốc ngăn chặn rủi ro lây lan. Ngoài ra, điều trị còn hướng tới mục tiêu ngăn nguy cơ tái phát, di chứng.
Để điều trị đạt hiệu quả tốt nhất không chỉ người bệnh cần dùng thuốc mà phải điều trị luôn ngay cả bạn tình của bệnh nhân. Dưới đây là các thuốc điều trị được dùng:
Phác đồ điều trị giang mai I:
- Benzathin Penicilin G: Tiêm bắp sâu, sử dụng liều duy nhất. Tiêm mông mỗi bên một nửa, tương ứng với 1.200.000 đơn vị.
- Penicilin Procain G: Liều 15.000.000 đơn vị. Tiêm mỗi lần 500.000 đơn vị, sáng và tối mỗi ngày, ngày tiêm 2 lần.
- Benzyl Penicilin G: Loại hòa tan trong nước. Liều dùng tổng 30.000.000 đơn vị. Liều dùng mỗi ngày 1.000.000 đơn vị. Chia thành các liều tiêm cách 2-3 giờ/ lần khoảng 100.000 đơn vị đến 150.000 đơn vị.
Phác đồ điều trị giang mai II: Giang mai sơ phát, kín sớm
- Benzathin Penicilin G: Tổng 4.800.000 đơn vị, tiêm 2 tuần liền. Mỗi tuần tiêm 2.400.000 đơn vị, tiêm mỗi bên mông 1.200.000 đơn vị.
- Penicilin Procain G: Tổng 15.000.000 đơn vị, mỗi ngày tiêm 1.000.000 đơn vị. Tiêm sáng 500.000 đơn vị, chiều 500.000 đơn vị.
- Benzyl Penicilin G hòa tan: Tương tự như liều dùng điều trị giang mai I.
Trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với Penicilin có thể thay thế thành Tetracyclin, Erythromycin.
Phác đồ điều trị giang mai II, III và các trường hợp khác:
- Benzathin Penicilin G: Liều dùng tổng 9.600.000 đơn vị, tiêm bắp sâu liên tục trong khoảng 1 tháng. Mỗi tuần dùng 2.400.000 đơn vị, mỗi bên mông tiêm 1.200.000 đơn vị.
- Penicilin Procain G: Tổng liều dùng 30.000.000 đơn vị. Sử dụng mỗi ngày 1.000.000 đơn vị, tiêm sáng 500.000 đơn vị, chiều 500.000 đơn vị.
- Benzyl Penicilin G hòa tan: Tổng liều 30.000.000 đơn vị, mỗi ngày tiêm 1.000.000 đơn vị chia thành nhiều lần tiêm, tiêm cách mỗi mũi 2-3 tiếng.
Thay thế các thuốc khác nếu bệnh nhân bị dị ứng với Penicilin. Đối với trường hợp bị bệnh giang mai bẩm sinh bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị tương ứng.
Trong thời gian sử dụng thuốc, bệnh nhân cần theo dõi và thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm cần thiết khác. Thông báo với bạn đời, bạn tình về việc điều trị để người này cùng tham gia khám và điều trị giang mai, không quan hệ tình dục trong thời gian chữa bệnh.
Có thể bạn quan tâm: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)
Phòng ngừa
Bệnh giang mai là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nguy hiểm, có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh diễn biến âm thầm, khó phát hiện từ giai đoạn sớm. Đến khi bệnh khởi phát các triệu chứng khó chịu có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Tốt hơn hết mỗi người nên chủ động phòng tránh từ sớm, tuân thủ các lời khuyên của chuyên gia để bảo vệ an toàn sức khỏe. Dưới đây là những lưu ý phòng tránh bệnh giang mai:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày, không quan hệ tình dục với nhiều người, nên chung thủy đời sống 1 vợ, 1 chồng.
- Nên sử dụng bao cao su để giảm rủi ro lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, đặc biệt không nên quan hệ khi vùng kín đang bị tổn thương.
- Tránh uống rượu bia, đồ uống chứa cồn, không sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe.
- Sử dụng đồ dùng cá nhân riêng, không dùng chung với người khác để giảm nguy cơ viêm nhiễm vi khuẩn, virus từ đồ vật cá nhân.
- Tăng cường đề kháng, nâng cao sức khỏe bằng cách ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra bộ phận sinh dục khi có dấu hiệu bất thường.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh giang mai nguy hiểm như thế nào?
2. Triệu chứng nhận biết bệnh giang mai là gì?
3. Nguyên nhân gây bệnh giang mai là gì?
4. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh giang mai là gì?
5. Dùng thuốc điều trị bệnh giang mai có được không?
6. Có điều trị hoàn toàn bệnh giang mai được không?
7. Điều trị bệnh giang mai trong bao lâu thì khỏi?
8. Trong thời gian điều trị bệnh giang mai nên kiêng gì?
9. Trường hợp bệnh giai mai tái phát phải làm sao?
10. Khi nào cần tái khám?
Bệnh giang mai là bệnh lý truyền nhiễm qua đường tình dục, đây là bệnh nguy hiểm. Nếu bệnh nhân không kiểm soát sớm, các tổn thương có thể nặng nề hơn. Khi xoắn khuẩn giang mai lan rộng gây ra nhiều biến chứng khác, không chỉ ảnh hưởng chức năng sinh sản, sức khỏe mà thậm chí còn đe dọa an toàn tính mạng của người bệnh.