Bệnh viêm nội tâm mạc

Viêm nội tâm mạc là tình trạng nhiễm trùng gây tổn thương nội tâm mạc. Bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng nếu bệnh nhân không được khám chữa sớm. Đặc biệt, tình trạng nặng người bệnh có thể tử vong trong thời gian ngắn khi nội tâm mạc bị tổn thương không còn khả năng phục hồi.

Tổng quan

Nội tâm mạc là màng trong tim, màng trong các van tim. Tình trạng viêm nội tâm mạc xảy ra khi lớp màng này bị vi khuẩn, virus, nấm,... tấn công. Hiện tượng nhiễm trùng bắt nguồn từ máu, tác nhân gây hại có thể vào máu thông qua vết thương hở, kim tiêm không đảm bảo vệ sinh, qua vết thương ở niêm mạc miệng,...

Viêm nội tâm mạc
Người mắc bệnh tim, gặp vấn đề về van tim có khả năng bị viêm nội tâm mạc cao

Vi khuẩn có khả năng theo máu đến tim, hệ thống miễn dịch có thể loại bỏ vi khuẩn. Tuy nhiên đối với trường hợp hệ miễn dịch yếu, vi khuẩn không được loại bỏ hoàn toàn, chúng tồn tại trong máu, bám vào mô tim gây tổn thương, nhiễm trùng nguy hiểm.

Đa số các trường hợp được chẩn đoán viêm nội tâm mạc đều đã xuất hiện tình trạng tổn thương tim trước đó. Kết hợp với viêm nhiễm tăng mức độ tổn thương tim. Chính vì thế các bệnh nhân đang gặp vấn đề về tim cần được kiểm soát nhiễm trùng, bảo vệ an toàn sức khỏe.

Viêm nội tâm mạc là một trong những tình trạng nhiễm trùng có khả năng đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Trường hợp viêm nhiễm nặng gây đột quỵ, tắc nghẽn mạch máu, lan rộng tổn thương mô, làm hổng van tim, suy tim,... cũng như nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Phân loại

Bệnh viêm nội tâm mạc được phân thành các loại chính như sau:

  • Viêm bán cấp: Bệnh xảy ra do sự tấn công của vi khuẩn, chúng ảnh hưởng lên cơ thể một cách âm thầm. Tổn thương tiến triển tốc độ chậm, mặc dù vậy mức độ nguy hiểm cao. Bệnh nhân bị viêm nội tâm mạc bán cấp do vi khuẩn thường đang mắc chứng van tim bất thường. Các con đường tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập bao gồm tình trạng nha chu, nhiễm trùng đường tiết niệu, đường tiêu hóa,... Bệnh nhân không được chăm sóc điều trị tốt gây nhiễm trùng máu.
  • Viêm cấp tính: So với dạng bán cấp, viêm nội tâm mạc cấp tính có tốc độ phát triển nhanh chóng, xuất hiện đột ngột gây nguy hiểm sức khỏe người bệnh. Vi khuẩn gây hại được tìm thấy chủ yếu là nhóm liên cầu tán huyết A, phế cầu khuẩn, S.aureus, lậu cầu khuẩn,... cùng các dạng khác. Tổn thương lan rộng kèm theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng hoạt động tim mạch, đe dọa an toàn tính mạng của người bệnh.
  • Viêm trên van nhân tạo: Xảy ra ở những đối tượng đã can thiệp thay van tim. Trong quá trình thực hiện phẫu thuật có khả năng bị nhiễm khuẩn, đây là trường hợp nhiễm khuẩn sớm. Một số bệnh nhân bị nhiễm khuẩn muộn do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sau điều trị, tuy nhiên thông thường vi khuẩn sẽ có độc lực yếu hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm nội tâm mạc xảy ra do vi khuẩn hoặc các loại nấm,... tấn công cơ thể thông qua vết thương, đi vào máu gây nhiễm trùng máu, ảnh hưởng chức năng tim và nhiều cơ quan khác. Người mắc bệnh thường có trái tim không khỏe mạnh, đang gặp vấn đề về tim.

Nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc
Vi khuẩn, nấm,... có thể tấn công cơ thể thông qua vết thương hở, niêm mạc miệng vào máu di chuyển đến hệ thống tim mạch

Trong khi đó những người khỏe mạnh bình thường, không mắc bệnh tim thường ít gặp phải tình trạng viêm nội tâm mạc. Các trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh kể đến như:

  • Người đang gặp vấn đề về van tim.
  • Người bị bệnh tim bẩm sinh.
  • Người bị bệnh cơ tim.
  • Người đã thay van tim nhân tạo.
  • Người đã thực hiện các can thiệp ngoại khoa tại tim.

Tỷ lệ bệnh nhân gặp nhiễm trùng tim sau viêm nội tâm mạc cao. Chính vì thế bệnh nhân sẽ được hướng dẫn, chăm sóc để phòng ngừa rủi ro. Ngoài các nhóm đối tượng bị bệnh tim, người có hệ miễn dịch yếu, mắc bệnh mãn tính,... cũng nằm trong danh sách các đối tượng có khả năng nhiễm khuẩn gây viêm nội tâm mạc.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh nhân có thể nhầm lẫn triệu chứng viêm nội tâm mạc với các bệnh như cúm, bệnh nhiễm virus,... Các dấu hiệu kể đến như:

  • Sốt cao
  • Người đổ mồ hôi, ớn lạnh
  • Cơ thể không có năng lượng, thiếu sức sống
  • Suy nhược, xanh xao
  • Khớp bị đau, cơ bắp yếu

Đây là những dấu hiệu ban đầu khi cơ thể bị nhiễm vi khuẩn, nấm hay một dạng ký sinh trùng nào đó gây nhiễm trùng máu. Tác nhân gây hại khi tấn công lan rộng sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng nặng hơn, chẳng hạn:

  • Người bệnh bị xuất huyết mảnh ở khu vực dưới móng tay, móng chân.
  • Nổi các nốt đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, tuy nhiên chúng không gây đau.
  • Một thời gian sau trên miếng đệm ở tay, chân xuất hiện nốt đỏ đau.
  • Nổi đỏ, đốm tím ở trên da, trong miệng, lòng trắng mắt.
  • Người bệnh bị khó thở, kèm theo cơn ho dai dẳng, sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Vùng cẳng chân, bụng, bàn chân bị sưng bất thường.

Tùy vào dạng viêm nội tâm mạc mà các triệu chứng khởi phát và tiến triển nhanh hay chậm. Bệnh nhân cần thăm khám và điều trị nhiễm khuẩn sớm để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa an toàn tính mạng.

Chẩn đoán

Bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra chẩn đoán viêm nội tâm mạc như sau:

  • Xét nghiệm máu: Tìm hiểu nguyên nhân gây nhiễm trùng do vi khuẩn hay có sự liên quan đến nấm. Dựa vào nguyên nhân để đưa ra biện pháp điều trị thích hợp và hiệu quả nhất. Ngoài tìm kiếm tác nhân gây bệnh, thông qua kết quả xét nghiệm công thức máu bác sĩ có thể nhận biết thêm nhiều vấn đề kèm theo khác mà người bệnh đang gặp phải.
  • Siêu âm tim: Biện pháp chẩn đoán viêm nội tâm mạc với hình thức siêu âm giúp phát hiện các vấn đề ở van tim, mạch máu trong tim. Sớm phát hiện tổn thương, bất thường bên trong cơ quan quan trọng này.
  • Điện tâm đồ: Phương pháp giúp kiểm tra tình trạng tim mạch, đo nhịp tim phát hiện bất thường.
  • Các biện pháp khác: Xét nghiệm hình ảnh được thực hiện như chụp X quang ngực, chụp CT, MRI kiểm tra tổn thương, xác định vị trí gặp vấn đề tại tim.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh còn có rủi ro bị đe dọa tính mạng nếu tình trạng nhiễm khuẩn không được phát hiện và điều trị đúng cách. Nhất là trường hợp bệnh nhân đang mắc bệnh tim, sau khi thay van tim nhân tạo,... sức đề kháng, sức khỏe chưa phục hồi.

Biến chứng viêm nội tâm mạc
Bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kiểm soát viêm nội tâm mạc

Người bệnh có khả năng đối diện với các biến chứng bao gồm:

  • Tắc mạch hệ thống
  • Tăng nguy cơ suy tim
  • Biến chứng thần kinh
  • Biến chứng suy thận
  • Biến chứng nhiễm trùng lan rộng
  • Tăng nguy cơ áp xe lách
  • Viêm cơ tim hoặc đe dọa tính mạng

Chính vì thế, người bị viêm nội tâm mạc được khuyến khích thăm khám, điều trị y tế từ sớm. Nếu nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ. Đặc biệt là những trường hợp đang gặp vấn đề tim mạch cần theo dõi thường xuyên để kịp thời can thiệp điều trị.

Điều trị

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ tổn thương của bệnh nhân, phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định tương ứng. Dưới đây là những biện pháp điều trị viêm nội tâm mạc thường được áp dụng:

Sử dụng thuốc kháng sinh

Nhằm loại bỏ vi khuẩn gây hại trong cơ thể, người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Đây là nhóm thuốc được dùng cho bất kỳ trường hợp bệnh nhẹ hay nặng có liên quan đến viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Ưu tiên sử dụng thuốc theo đường tiêm tĩnh mạch sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị viêm nội tâm mạc để tránh viêm nhiễm dẫn đến tình trạng tổn thương nặng nề hơn. Tùy độ tuổi, thể trạng của bệnh nhân mà liều lượng được dùng quy định an toàn nhất.

Trường hợp người bệnh gặp phải các triệu chứng bất thường khác về tim mạch, bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra các phương pháp điều trị tương ứng. Bệnh nhân cần dùng thuốc theo hướng dẫn, tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng kết quả điều trị.

 Điều trị các nguyên nhân khác

Chỉ định điều trị tương ứng nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc, chẳng hạn:

  • Điều trị liên cầu khuẩn đường miệng - tiêu hóa: Sử dụng thuốc kháng sinh Penicillin G, Amoxicillin, Ceftriaxone,... theo đường tiêm tĩnh mạch. Thời gian sử dụng mỗi trường hợp khác nhau. Nếu bệnh nhân dị ứng với các loại thuốc kể trên, cân nhắc chuyển đổi sang thuốc phù hợp.
  • Điều trị viêm nội tâm mạc do tụ cầu: Chỉ định thuốc kháng sinh Methicillin, Cotrimoxazole, Clindamycin dùng theo đường tiêm tĩnh mạch trong thời gian từ 4-6 tuần. Tùy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân điều chỉnh liều dùng và thời gian sử dụng tương ứng.
  • Điều trị viêm nội tâm mạc do Enterococcus: Dùng kháng sinh, liều dùng và loại thuốc được cân nhắc phối hợp sao cho loại bỏ được tác nhân gây hại, kiểm soát biến chứng.
  • Điều trị viêm nấm: Đối với tình trạng viêm nội tâm mạc liên quan đến nấm, người bệnh được sử dụng thuốc chống nấm, can thiệp các biện pháp ngoại khoa để tăng hiệu quả điều trị.

Ngoài ra còn nhiều phương án điều trị khác tương ứng với nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân nên đến bệnh viện uy tín, có bác sĩ chuyên khoa tay nghề giỏi để điều trị bệnh an toàn, hiệu quả nhất.

Phương pháp ngoại khoa

Biện pháp ngoại khoa được chỉ định cho đối tượng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn nặng. Các mô tổn thương, vùng bị nhiễm trùng được loại bỏ thông qua phẫu tuật can thiệp. Phương pháp này cũng có tác dụng hỗ trợ sửa chữa, thay thế van tim tổn thương tim cho người bệnh.

Điều trị viêm nội tâm mạc
Đến gặp bác sĩ khi nhận thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường để được hỗ trợ điều trị sớm

Phòng ngừa

Chủ động phòng ngừa viêm nội tâm mạc tránh các biến chứng ảnh hưởng sức khỏe. Đặc biệt đối với nhóm người có khả năng mắc bệnh cao như người bị bệnh tim, sau phẫu thuật,... Tăng cường vệ sinh, phòng tránh nhiễm khuẩn huyết.

Người có hệ miễn dịch yếu, mắc bệnh nền nên chủ động vệ sinh răng miệng, mũi họng, phòng viêm nhiễm đường tiết niệu,... Chủ động khám sức khỏe định kỳ là phương pháp phát hiện bệnh từ sớm, điều trị hiệu quả và giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân.

Chăm sóc sức khỏe, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tập luyện thể dục, thay đổi các thói quen không lành mạnh để có sức khỏe khỏe mạnh, phòng tránh nhiều bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh tim cũng như nhiều vấn đề khác.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Viêm nội tâm mạc là gì?

2. Bệnh viêm nội tâm mạc có nguy hiểm không?

3. Triệu chứng viêm nội tâm mạc là gì?

4. Nguyên nhân do đâu tôi bị viêm nội tâm mạc?

5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào?

6. Nếu không điều trị viêm nội tâm mạc có được không?

7. Uống thuốc kháng sinh có trị được viêm nội tâm mạc không?

8. Khi nào tôi phải phẫu thuật trị viêm nội tâm mạc?

9. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị viêm nội tâm mạc để bệnh sớm cải thiện?

10. Khi nào tôi cần quay lại bệnh viện tái khám?

Viêm nội tâm mạc là bệnh lý do vi khuẩn, nấm,... gây ra. Tình trạng nhiễm khuẩn có thể trở nên nặng hơn nếu bệnh nhân không kiểm soát đúng cách, nhất là đối tượng mắc bệnh về tim, sau phẫu thuật thay van tim. Chủ động điều trị, thăm khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa các rủi ro biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh.