Hội Chứng Chuyển Hóa

Hội chứng chuyển hóa hiện đang là vấn đề sức khỏe được nhiều người quan tâm. Có xu hướng tăng nhanh đối với dân số toàn thế giới và cả ở Việt Nam, song song với sự phát triển của xã hội hiện đại. Hội chứng này gây ảnh hưởng xấu đến một số hệ thống cơ quan quan trọng của cơ thể, tăng nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Tổng quan

Hội chứng chuyển hóa (Metabolic Syndrome) là thuật ngữ mô tả một nhóm các vấn đề sức khỏe xảy ra cùng nhau và làm tăng nguy cơ triển bệnh tim, tiểu đường type 2, đột quỵ...

Đặc trưng gồm các chỉ số huyết áp, lượng đường trong máu, dư thừa mỡ bụng, rối loạn lipid máu do lượng cholesterol và chất béo trung tính (triglyceride) cao bất thường.

Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng xảy ra đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường

Nguyên nhân chính xác của hội chứng này vẫn chưa được hiểu rõ một cách toàn diện. Các yếu tố liên quan mật thiết thường là do tình trạng kháng insulin, di truyền hoặc các thói quen sinh hoạt, lối sống và ăn uống kém lành mạnh.

Hội chứng này ảnh hưởng chủ yếu đến người lớn tuổi (thường trên 65 tuổi) với tỷ lệ khoảng 30 - 40%. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa đang có xu hướng khởi phát đáng kể ở người trẻ trên 18 tuổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chuyển hóa được định nghĩa là quá trình sinh hóa liên quan đến các hoạt động bình thường trong cơ thể. Tuy nhiên, dưới sự tác động tiêu cực của các yếu tố rủi ro về thói quen, lối sống hoặc bệnh lý có thể gây ra rối loạn chuyển hóa.

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây khởi phát hội chứng chuyển hóa. Có thể kể đến như:

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng chuyển hóa chủ yếu là do kháng insulin. Insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản xuất ra, có nhiệm vụ giúp cơ thể sử dụng đường glucose chuyển hóa thành năng lượng.

Tuy nhiên, khi cơ thể kháng insulin khiến cơ thể tích tụ lượng lớn insulin do tuyến tụy tiết ra nhiều nhằm điều chỉnh đường huyết, chúng tích tụ trong các tế bào cơ, mỡ, gan, gây tăng insulin máu.

Khi cơ thể không đủ lượng insulin để kiểm soát lượng đường trong máu, làm tăng chỉ số đường huyết và khởi phát tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2. Hoặc tăng insulin máu kéo theo tăng triglycerrid ảnh hưởng đến chức năng thận, dẫn đến tăng huyết áp và khởi phát các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, đột quỵ...

Kháng insulin ở những người béo phì, lười vận động, ăn uống kém khoa học làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa

Ngoài ra, chính tình trạng kháng insulin này cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác có liên quan đến hội chứng chuyển hóa. Bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì: Những người bị béo phì có nguy cơ cao mắc phải hội chứng chuyển hóa. Vì chất béo trong cơ thể có khả năng giải phóng hóa chất cytokine tiền viêm, gây ức chế tác dụng của insulin. Lượng mỡ dư thừa càng nhiều khiến mỡ thừa tích tụ quanh nội tạng gây béo bụng.
  • Lười vận động: Việc hoạt động thể chất khiến các cơ sử dụng nhiều glucose và glycogen (glucose dự trữ). Việc này vừa giúp tiêu thụ lượng glucose được sản sinh ra vừa giúp duy trì sức khỏe ổn định. Nếu lười hoặc không vận động, glucose không được sử dụng hết, tích tụ quá mức gây ra kháng insulin dẫn đến rối loạn chuyển hóa.
  • Rối loạn nội tiết tố: Sự hoạt động bất thường của hormone nội tiết trong cơ thể cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra hội chứng chuyển hóa. Một trong những bệnh rối loạn hormone điển hình là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, dậy thì. Xảy ra khi cơ thể thiếu hụt hormone cần thiết cho quá trình rụng trứng, gây gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt, tăng cân, nổi mụn...
  • Lối sống kém lành mạnh: Bao gồm các vấn đề về chế độ ăn uống và thói quen sống. Cụ thể:
    • Chế độ ăn uống dư thừa chất béo, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, chứa nhiều chất bảo quản...;
    • Hút thuốc lá;
    • Nghiện rượu;
    • Thức khuya;
    • Stress kéo dài;
    • Tác dụng phụ một số lọi thuốc như điều trị huyết áp, corticosteroid, thuốc trầm cảm, an thần hoặc các thuốc điều trị HIV;
  • Di truyền: Việc thừa hưởng các gen đột biến từ bố mẹ hoặc các thế hệ trước cũng góp phần dẫn đến tình trạng kháng insulin, gây thừa cân béo phì, cao huyết áp hoặc tăng cholesterol bất thường.

Yếu tố nguy cơ 

Còn rất nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến sự khởi phát của hội chứng chuyển hóa bao gồm:

  • Tuổi tác cao, chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi (tỷ lệ > 60%), người trẻ độ tuổi 20 - 30 ít gặp phải (tỷ lệ 10%);
  • Dân số châu Á, người thuộc chủng tộc Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nhà có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn những chủng tộc khác;
  • Tiền sử gia đình đã từng có người tiểu đường type 2;
  • Phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Hội chứng chuyển hóa gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Tuy nhiên, không có triệu chứng cụ thể nào đối với hội chứng này, mà các triệu chứng xảy ra thường liên quan đến các tình trạng sức khỏe như tăng huyết áp, tăng cholesterol HDL, chất béo trung tính..

Bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa thường có các biểu hiện của tình trạng tăng huyết áp, đường huyết, cholesterol, béo bụng

Đây cũng chính là những tiêu chuẩn giúp chẩn đoán hội chứng chuyển hóa, bao gồm:

  • Béo bụng do dư thừa và tích tụ mỡ quanh eo, nam có thân hình quả táo, nữ thân hình quả lê;
  • Huyết tăng tăng cao, luôn ở mức trên 130/80mmHg;
  • Lượng đường trong máu tăng trên 100mg/dL;
  • Nồng độ triglyceride cao > 150mg/dL;
  • Nồng độ Cholesterol HDL thấp < 40mg/dL ở nam và < 50mg/dL ở nữ;

Ngoài ra, kháng insulin gây tăng lượng đường trong máu có thể gây ra các triệu chứng điển hình như:

  • Vùng da ở nách và 2 bên cổ sẫm màu;
  • Khát nước;
  • Tiểu nhiều, nhất là vào ban đêm;
  • Mệt mỏi;
  • Tầm nhìn mờ;

Chẩn đoán

Chẩn đoán hội chứng chuyển hóa khá đơn giản vì đã có sẵn các tiêu chuẩn cụ thể. Đa số trường hợp phát hiện mắc hội chứng này thông qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ sẽ phát hiện các triệu chứng bất thường vừa kể trên, kết hợp khai thác tiền sử bệnh cá nhân, thói quen ăn uống, sinh hoạt, lối sống hàng ngày.

Sau đó, chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu cận lâm sàng nhằm xác nhận chẩn đoán, bao gồm:

  • Đo nồng độ lipid máu, bao gồm cholesterol và các chất béo trung tính khác;
  • Đo huyết huyết áp, lượng đường trong máu;

Xét nghiệm máu là biện pháp chẩn đoán tiêu chuẩn đối với hội chứng chuyển hóa

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chẳng hạn như:

  • Đo điện tâm đồ (ECG) nhằm đánh giá chức năng hoạt động của tim, kiểm tra sự phản ứng của cơ thể khi tập thể dục hoặc nghỉ ngơi;
  • Siêu âm động mạch cảnh giúp đánh giá tình trạng sức khỏe và chức năng động mạch này;

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng chuyển hóa được cảnh báo là vấn đề sức khỏe rất khó lường, có xu hướng tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời. Bao gồm:

Mắc hội chứng chuyển hóa có thể phát triển các biến chứng tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, ung thư, nhiễm trùng...

  • Phát triển các bệnh tim mạch;
  • Hẹp van động mạch chủ;
  • Rung tâm nhĩ;
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu;
  • Đột quỵ;
  • Tiểu đường type 2;
  • Tổn thương và suy giảm chức năng các cơ quan nội tạng như gan, mật, tuyến tụy, thận;
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng lâu dài, tăng nguy cơ gây ra rối loạn hệ thống miễn dịch;
  • Phát triển các bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư vú, ung thư ruột kết hoặc ung thư tuyến tiền liệt;
  • Ảnh hưởng khả năng sinh sản, khó thụ thai, vô sinh hiếm muộn, nam giới dễ bị rối loạn cương dương;
  • Phụ nữ mang thai mắc hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng như tiền sản giật, sản giật, tiểu đường thai kỳ;
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, giảm trí nhớ, khả năng nhận thức, dễ phát triển các bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu;

Tiên lượng hội chứng chuyển hóa khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể. Các chuyên gia đánh giá, hội chứng này tuy gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, kết hợp thay đổi lối sống sinh hoạt, ăn uống khoa học, lành mạnh, tuân thủ dùng thuốc có thể kiểm soát hiệu quả tình trạng này.

Điều trị

Hội chứng chuyển hóa là một dạng rối loạn mãn tính không có cách chữa khỏi dứt điểm. Nhưng đa số trường hợp mắc phải đều đáp ứng tốt với việc điều chỉnh lối sống sinh hoạt và áp dụng các biện pháp y tế phù hợp. Mục tiêu điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng phát triển tiểu đường, các bệnh tim mạch...

Dùng thuốc 

Đối với những người được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa, bác sĩ thường kê toa sử dụng một số loại thuốc có khả năng kiểm soát triệu chứng nhanh chóng. Bao gồm:

Các triệu chứng cao huyết áp, tăng cholesterol, đường huyết... có thể được kiểm soát nhanh bằng các loại thuốc kê toa phù hợp

  • Thuốc kiểm soát huyết áp: Có tác dụng hạ huyết áp xuống ngưỡng ổn định và duy trì chỉ số này ở mức bình thường. Mỗi loại thuốc hạ huyết áp có cơ chế hoạt động khác nhau. Các loại điển hình như thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế ACE, thuốc lợi tiểu thiazide...
  • Thuốc hạ cholesterol: Loại điển hình thường dùng là nhóm thuốc Statin, thuốc có chứa hoạt chất ức chế HMG CoA reductase giúp làm giảm nồng độ cholesterol ở mức phù hợp.
  • Thuốc trị tiểu đường: Đa số là các loại thuốc dạng uống trực tiếp, chúng giúp kiểm soát nồng độ đường trong máu thông qua nhiều cách khác nhau. Loại được sử dụng phổ biến nhất là metformin.

Điều chỉnh lối sống sinh hoạt

Nếu chỉ dùng thuốc không thể kiểm soát lâu dài các triệu chứng hội chứng chuyển hóa. Do đó, các chuyên gia luôn khuyến cáo bệnh nhân tuân thủ thực hiện các biện pháp điều chỉnh lối sống để cải thiện sức khỏe. Những thay đổi cụ thể bao gồm:

Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng do hội chứng chuyển hóa gây ra

  • Chế độ ăn uống: Điều chỉnh lại khẩu phần ăn hàng ngày thông qua việc thay đổi thực phẩm. Việc này liên quan đến loại bỏ các loại thực phẩm có hại và thay thế bằng các loại thực phẩm lành tính. Cụ thể, tránh ăn nhiều thực phẩm giàu carbohydrate, chất béo, chứa nhiều đường, tinh bột, thịt đỏ... Thay vào đó, tăng cường bổ sung nhiều rau xanh, củ quả, trái cây, thịt gia cầm, cá, ngũ cốc nguyên hạt...
  • Tập thể dục: Vận động thể chất tích cực là biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp cải thiện các triệu chứng do hội chứng chuyển hóa gây ra. Thể dục thể thao phù hợp, vừa sức giúp cơ thể khỏe mạnh, duy trì chức năng tim mạch ổn định, giúp chống lại tình trạng kháng insulin.
  • Kiểm soát cân nặng: Để cải thiện hội chứng chuyển hóa, cần giảm cân phù hợp. Các chuyên gia khuyến nghị việc giảm 7 - 10% trọng lượng cơ thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.
  • Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng quá mức khiến nồng độ cortisol trong máu tăng cao quá mức, kéo theo tăng đường, huyết áp và chất béo trung tính. Do đó, cần tích cực thực hiện các biện pháp thư giãn toàn thân, đầu óc như yoga, thiền định, chánh niệm hoặc các bài tập hít thở sâu.
  • Cải thiện giấc ngủ: Để có một sức khỏe tốt nhất, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng. Chú ý không thức khuya, ngủ sớm, ngủ đủ giấc... Nếu gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy thử trao đổi với chuyên gia để được đề xuất các biện pháp điều trị hoặc thay đổi thói quen ngủ phù hợp.
  • Bỏ thuốc lá: Cai thuốc lá càng sớm càng tốt, vì thuốc lá có khả năng làm tổn thương các mạch máu, duy trì nồng độ cholesterol, huyết áp...

Các biện pháp khác

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được chỉ định cho những bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa bị thừa cân béo phì nhưng giảm cân không thành công. Ngoài ra, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cũng có thể được chỉ định trong trường hợp hội chứng chuyển hóa gây ra biến chứng tim mạch.
  • Trị liệu tâm lý: Đây là phương pháp giúp người bệnh xác định và kiểm soát những thay đổi bất thường về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Đồng thời, khi được trị liệu tâm lý tích cực, bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa cũng dần được cải thiện triệu chứng khi không còn căng thẳng và loại bỏ những thói quen sống không lành mạnh.
  • Bổ sung men vi sinh: Tăng cường bổ sung probiotics giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bất thường về viêm nhiễm và chức năng đường ruột do hội chứng chuyển hóa gây ra.

Phòng ngừa

Lối sống khoa học và lành mạnh là chìa khóa quan trọng giúp làm giảm nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa. Bao gồm các biện pháp tích cực sau:

  • Duy trì cân nặng phù hợp.
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học.
  • Nói không với thuốc lá.
  • Tránh căng thẳng, mệt mỏi quá mức, ngủ đủ giấc.
  • Tăng cường bổ sung các loại vitamin và chất bổ sung khác với liều lượng phù hợp để ổn định sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi mắc hội chứng chuyển hóa?

2. Tôi có cần thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm bổ sung nào không?

3. Hội chứng chuyển hóa có nguy hiểm không?

4. Mắc hội chứng chuyển hóa ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của tôi?

5. Điều trị hội chứng chuyển hóa bằng phương pháp nào hiệu quả nhất?

6. Cách chăm sóc tại nhà tôi cần thực hiện để cải thiện triệu chứng hội chứng chuyển hóa?

7. Những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị hội chứng chuyển hóa?

8. Cần làm gì để phòng ngừa tái phát hội chứng chuyển hóa sau điều trị?

Hội chứng chuyển hóa gây ra những ảnh hưởng khó lường đến sức khỏe thể chất và tinh thần bệnh nhân. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng tim mạch do tăng cao huyết áp, đường huyết, ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, khuyến cáo những người mắc bệnh lý này cần thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng khó lường.

Có thể bạn quan tâm: