Bệnh Rối Loạn Nội Tiết Tố
Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh lý gây suy giảm chức năng tình dục, sinh sản, suy giáp, cường giáp, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch... Rối loạn nội tiết tố xảy ra ở cả nam và nữ giới do nhiều tác nhân khác nhau. Điều trị rối loạn nội tiết tố không quá khó khăn, có thể điều trị bằng thuốc cân bằng hormone và điều chỉnh lối sống sinh hoạt khoa học.
Tổng quan
Nội tiết tố hay hormone là các chất được hệ thống nội tiết trong cơ thể con người sản sinh ra, thông qua các tuyến tổng hợp và giải phóng hormone. Hormone nội tiết có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng đưa đến các tế bào, giúp cơ thể phát triển, tăng trưởng, đảm bảo chức năng sinh dục, sinh sản, kiểm soát tâm trạng, ổn định nhịp tim, huyết áp, chu kỳ thức ngủ, thân nhiệt...
Trường hợp chức năng hệ thống nội tiết gặp vấn đề, sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone dựa theo nhu cầu của cơ thể được gọi là rối loạn nội tiết tố (tên tiếng Anh là Endocrine Disorders). Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, cả nam lẫn nữ vì ai cũng có riêng hệ thống nội tiết trong cơ thể.
Phân loại
Hệ thống nội tiết trong cơ thể có cấu tạo rất phức tạp với rất nhiều tuyến tiết với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Mỗi một tuyến sẽ sản xuất một hoặc nhiều loại hormone nhằm phục vụ cho sự hoạt động của các mô, cơ quan cụ thể. Chẳng hạn như:
- Tuyến yên: Ảnh hưởng chính đến chức năng sinh sản và tăng trưởng. Đồng thời, hỗ trợ kiểm soát chức năng một số tuyến nội tiết khác;
- Tuyến giáp: Tham gia quá trình trao đổi chất;
- Tuyền ức: Giúp tạo các hormone quan trọng để phát triển tế bào bạch cầu (tế bào T);
- Tuyến tùng: Đảm nhận nhiệm vụ điều hòa chu kỳ thức - ngủ;
- Tuyến tụy: Kiểm soát lượng đường trong máu;
- Tuyến thượng thận: Có khả năng phản ứng lại với căng thẳng, điều hòa nhịp tim, huyết áp;
- Tinh hoàn: Sản xuất tinh trùng và các loại hormone sinh dục cho nam giới;
Có rất nhiều dạng rối loạn nội tiết tố khác nhau, phụ thuộc vào sự ảnh hưởng ở tuyến nội tiết nào. Kể đến một số bệnh rối loạn nội tiết thường gặp như:
- Suy tuyến sinh dục: Là môt trong những bệnh rối loạn nội tiết phổ biến ở cả nam và nữ.
- Ở nữ giới: Suy tuyến sinh dục là tình trạng giảm hormone estrogen, xảy ra phổ biến trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Các biểu hiện thường gặp nhất là giảm ham muốn, âm đạo khô rát, khó lên đỉnh, thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt, rối loạn rụng trứng, tăng nguy cơ vô sinh...
- Ở nam giới: Chủ yếu xảy ra ở nam giới trung niên từ 40 - 70 tuổi. suy giảm homorne Testosterone, do sự tác động của nhiều yếu tố như tuổi tác, lão hóa, lạm dụng chất kích thích, mắc các bệnh lý nam khoa như tinh hoàn ẩn, ung thư tinh hoàn, u tuyến yên...;
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Xảy ra khi nữ giới sản sinh quá nhiều lượng androgen, thúc đẩy sự phát triển của buồng trứng và kích thích rụng trứng, gây buồng trứng đa nang và dẫn đến vô sinh hiếm muộn.
- Tiểu đường: Là một dạng rối loạn chuyển hóa carbohydrat do tuyến tụy không sản sinh đủ lượng insulin hoặc cơ thể kháng insulin. Đây cũng là bệnh thuốc nhóm rối loạn nội tiết tố do giảm chức năng tuyến tụy. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang ngày càng tăng cao trong xã hội hiện đại.
- Suy tuyến thượng thận: Là tuyến nhỏ nằm trên đỉnh thận, sản có nhiệm vụ sản xuất nhiều hormone quan trọng cho cơ thể (cortisol và aldosterone). Bệnh có 2 dạng là suy tuyến thượng thận nguyên phát (bệnh Addison) và thứ phát. Cả nam và nữ đều có nguy cơ mắc phải bệnh lý này.
- Suy tuyến yên: Là dạng bệnh rối loạn nội tiết khá hiếm gặp, xảy ra do tuyến yên sản xuất thiếu hoặc không đủ hormone như hormone tuyến giáp (THS), hormone tăng trưởng (GH), hormone hướng sinh dục (FSH và LH), hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH, corticotropin).
- Cường giáp: Là tình trạng tuyến giáp sản sinh dư 2 loại hormone là triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4). Bệnh xảy ra chủ yếu ở nữ giới trong độ tuổi từ 30 - 45. Bệnh có nhiều biểu hiện đặc trưng tại đường tiêu hóa, tim mạch và thị giác...
- Suy giáp: Là tình trạng hormone tuyến giáp không đủ so với nhu cầu của cơ thể. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ giới, thậm chí ở trẻ em với chứng suy giáp bẩm sinh. Đây là bệnh lý nguy, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời như ti mạch, trầm cảm, tổn thương thần kinh ngoại biên, vô sinh...
- Một số bệnh rối loạn nội tiết tố khác:
- Bệnh Cushing: Xảy ra do sử dụng liều cao Corticoid nhưng ngưng đột ngột, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng thường là người lớn tuổi.
- Bệnh bướu giáp: Hay còn được gọi là bướu tuyến giáp, bướu cổ, thường là hệ lụy của suy giáp. Có nhiều loại bướu khác nhau như: bướu thể lan tỏa, dạng nốt hoặc đa nhân. Bướu cổ có thể có độc hoặc không.
- Bệnh to đầu chi: Đây cũng là một dạng rối loạn nội tiết tố thường gặp do tuyến yên hoạt động mạnh mẽ, gây ức chế sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là xương, khiến trẻ chậm phát triển chiều cao.
- Dậy thì sớm: Xảy ra khi các tuyến nội tiết hoạt động sớm hơn với thông thường.
- Bệnh ung thư các tuyến nội tiết;
- Bệnh Graves (Hội chứng Basedow - chứng rối loạn tự miễn dịch);
- Viêm tuyến giáp Hashimoto;
- U tiết Prolactin;
- Rối loạn nội tiết hậu Covid-19;
- ...
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Rối loạn nội tiết tố là hậu quả của sự mất cân bằng hormone trong cơ thể, đặc trưng với tính trạng một hoặc nhiều tuyến nội tiết trong cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone. Có cơ cơ chế nguyên nhân gây ra tình trạng này như:
- Ảnh hưởng từ các rối loạn di truyền;
- Tổn thương tuyến nội tiết do nhiễm trùng hoặc xuất hiện nốt sần, khối u bên trong gây cản trở sự hoạt động sản xuất nội tiết;
Yếu tố nguy cơ
Tùy theo giới tính nam hoặc nữ, các yếu tố nguy cơ gây rối loạn nội tiết tố phổ biến như:
Đối với nam giới
- Nam giới > 40 tuổi, lão hóa nhanh gây suy giảm hormone, mãn dục nam;
- Lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thức uống có cồn, nghiện hút thuốc lá;
- Thức khuya thường xuyên;
- Chế độ ăn uống không khoa học;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý như giảm chức năng tinh hoàn, dương vật, bệnh thận, suy giáp, suy tuyến yên...;
Đối với nữ giới
- Thường xảy ra ở nữ giới trong độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc tuổi dậy thì;
- Lạm dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài;
- Tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc;
- Stress, căng thẳng kéo dài;
- Sống trong môi trường ô nhiễm;
- Chế độ dinh dưỡng dư thừa chất béo, chất bảo quản hoặc ăn uống kiêng khem quá mức...;
- Tiền sử bệnh suy gan;
- Rối loạn nội tiết tố do mang thai;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tùy theo dạng bệnh rối loạn nội tiết tố mắc phải là gì mà các dấu hiệu, triệu chứng sẽ được biểu hiện khác nhau. Có thể kể đến một số triệu chứng đặc trưng của một vài trường hợp bệnh như:
- Suy tuyến sinh dục:
- Nam giới bị rối loạn cương, xuất tinh sớm, dương vật và tinh hoàn ngày càng teo nhỏ, không còn ham muốn tình dục...;
- Nữ giới dễ mệt mỏi, hay cáu gắt, bốc hỏa, đau đầu, da khô ráp, nhăn nheo, loãng xương, rung, giảm trí nhớ, tức ngực, khó thở, béo bụng, đau thắt lưng...;
- Suy tuyến thượng thận: Các biểu hiện đặc trưng gồm:
- Chán ăn, mệt mỏi, yếu cơ, sút cân, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn...;
- Khởi phát trầm cảm, chóng mặt, dễ nhất, nhất là khi thay đổi tư thế;
- Nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt;
- Xuất hiện các vùng da xạm, sẫm màu ở vị trí bị tỳ đè, nếp gấp da...;
- Suy tuyến yên: Các biểu hiện chung ở cả nam và nữ như:
- Rụng lông mu, lông nách và nhiều vùng lông khác trên cơ thể;
- Giảm ham muốn tình dục;
- Rối loạn kinh nguyệt
- Các dấu hiệu mãn kinh sớm như bốc hỏa, cáu gắt, khô âm đạo;
- Trẻ thiếu hormone tăng trưởng chậm phát triển, suy giảm thị lực, lùn, béo phì...;
- Cường giáp: Bệnh nhân có các biểu hiện đặc trưng do hormone tuyến giáp sản sinh quá mức:
- Mệt mỏi
- Sụt cân;
- Lo lắng, bất an;
- Khó ngủ;
- Tiêu chảy;
- Tim đập nhanh;
- Mắt lồi
- Có cảm giác cộm mắt
- Khả năng chịu nóng kém
- Suy giáp: Quá ít hormone tuyến giáp gây các triệu chứng sau:
- Da, tóc khô, dễ rụng;
- Tăng cân;
- Mệt mỏi, uể oải;
- Mất ngủ;
- Tim đập chậm;
- Giảm khả năng sinh sản;
- Tiểu đường: Là bệnh lý phổ biến với các triệu chứng sau:
- Sụt cân
- Dễ đói, dễ khát
- Mệt mỏi
- Hay cáu gắt
- Tăng tần suất tiểu tiện
- Nhiễm trùng
- Hội chứng Cushing:
- Xuất hiện các vết ran da
- Tăng lượng mỡ ở vai, mặt
- Vết thương lâu lành
- Tăng cân
- Rối loạn kinh nguyệt
- Da mỏng, dễ bầm tím
- Giảm chức năng sinh lý và sinh sản
Chẩn đoán
Có thể thấy, nguyên nhân và triệu chứng của rối loạn nội tiết tố rất đa dạng, điển hình tùy theo sự tổn thương của tuyến nội tiết nào. Không những vậy, hệ thống nội tiết tố trong cơ thể người có cấu trúc liên kết nhằm hỗ trợ nhau thực hiện tốt chức năng sản sinh hormone, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng trưởng phát triển, sinh sản...
Do đó, việc chẩn đoán rối loạn nội tiết được nhận định khá phức tạp. Nếu nghi ngờ rối loạn nội tiết tố và muốn xác định tuyến nội tiết nào bị tổn thương, nguyên nhân, dạng bệnh lý đặc trưng là gì, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phối hợp từ 2 - 3 các kỹ thuật xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Xét nghiệm máu;
- Chọc hút dịch bằng dụng cụ chuyên dụng;
- Siêu âm;
- Chụp cắt lớp vi tính CT Scan;
- Chụp cộng hưởng từ MRI;
- Chụp PET;
Biến chứng và tiên lượng
Rối loạn nội tiết tố ở cả nam và nữ được cảnh báo là một trong những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe. Tùy theo dạng bệnh rối loạn nội tiết tố mà các biến chứng xảy ra khác nhau:
- Suy giáp: Gây các biến chứng trong thai kỳ như sinh non, sảy thai, tiền sản giật, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, bệnh tim mạc (suy tim), trầm cảm, chứng phù niêm mạc, tổn thương hệ thống thần kinh ngoại biên, vô sinh hiếm muộn...;
- Cường giáp: Bệnh nhân cường giáp không điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng như bão giáp trạng, tinh thần hoảng loạn, sợ hãi bất an, sốt cao > 40 độ C, tim đập nhanh bất thường, tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ...
- Tiểu đường: Bệnh tiểu đường gây ra một số biến chứng nguy hiểm như suy thận, lên cơn nhồi máu cơ tim, giảm ham muốn tình dục, suy giảm thị lực, mù lòa vĩnh viễn, nghiêm trọng nhất là tử vong;
- Suy tuyến sinh dục: Bệnh nhân rối loạn nội tiết tố do suy tuyến sinh dục gây tác động trực tiếp đến các đặc điểm về giới tính, sức khỏe tình dục và khả năng sinh sản, ảnh hưởng đến đời sống tình dục, hạnh phúc gia đình. Đối với nữ giới dễ mắc các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, viêm cổ tử cung, ung thư cổ tử cung, viêm lộ tuyến, lạc nội mạc tử cung... gây ra vô sinh, hiếm muộn;
- Suy tuyến yên: Nam giới cường dương, giảm ham muốn, nữ giới vô kinh, dẫn đến vô sinh. Đối với trẻ nhỏ bị suy tuyến yên sẽ bị thừa cân béo phì, không phát triển chiều cao;
- Hội chứng Cushing: Tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương, nhất là ở vị trí xương bàn bàn chân và xương sườn, giảm miễn dịch gây nhiễm trùng thường xuyên, khởi phát đái tháo đường type 2, tăng huyết áp...;
- Bệnh to đầu chi: Chậm trễ trong điều trị bệnh to đầu chi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng ở các tạng như tim, phổi, gan, thận...;
- ...
Điều trị
Mục tiêu điều trị rối loạn nội tiết tố là duy trì sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Đồng thời, điều trị chuyên biệt đối với các bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải nhằm loại bỏ căn nguyên, cải thiện triệu chứng và điều trị hoặc dự phòng biến chứng bằng phác đồ phù hợp.
Trong bài viết này chỉ đề cập đến các biện pháp chung được áp dụng phổ biến để điều trị cân bằng nội tiết tố. Một số phương pháp được cân nhắc gồm:
1. Điều chỉnh lối sống & sinh hoạt khoa học
Những thói quen không lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày như ăn uống thiếu chất, dư chất, lười vận động, sử dụng thuốc tùy tiện, thức khuya, căng thẳng kéo dài... chính là những tác nhân hàng đầu gây rối loạn nội tiết tố trong xã hội hiện đại.
Trong trường hợp này, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe, rối loạn nhịp sinh học và được chẩn đoán là rối loạn nội tiết tố mức độ nhẹ, hãy áp dụng các biện pháp điều trị tự nhiên sau:
- Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt khoa học, đúng giờ giấc, không làm việc quá sức, không thức quá khuya, ngủ đủ giấc, dành nhiều thời gian thư giãn, làm những việc bản thân yêu thích để giải tỏa tâm trạng...
- Xây dựng khẩu phần ăn hợp lý hàng ngày, đảm bảo bổ sung cân bằng các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt ưu tiên các loại thực phẩm tăng cường nội tiết tố như khoai tây, rau diếp cá, bông cải xanh, cà rốt, khoai tây, đậu nành (đối với nữ giới)...
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, thay bằng dầu ô liu, dầu cải, dầu phộng, bơ..., khi chế biến thức ăn nêm nếm ít gia vị.
- Bổ sung đủ lượng nước theo đúng nhu cầu của cơ thể, khoảng 2 - 2.5 lít nước hoặc nhiều hơn. Ngoài nước lọc,sử dụng xen kẽ với các loại nước ép, sinh tố trái cây, rau củ quả, sữa hạt.
- Nói không với các chất kích thích có hại cho sức khỏe nói chung và tuyến nội tiết nói riêng như cà phê, rượu bia, thuốc lá...
- Tập thể dục hàng ngày, vận động tích cực nhằm thúc đẩy sự hoạt động khỏe mạnh của các tuyến nội tiết. Đồng thời, nâng cao thể trạng, hệ miễn dịch tự nhiên chống lại bệnh tật. Các bộ môn đơn giản như đi bộ, yoga, đạp xe, tập aerobic...
- Giữ vệ sinh cá nhân, tắm gội thường xuyên, vệ sinh vùng kín và nhiều vùng da trên cơ thể bằng các sản phẩm chăm sóc lành tính.
- Vệ sinh môi trường sống, lau dọn nhà cửa sạch sẽ và che chắn cẩn thận khi ra ngoài, đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ khi phải tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.
- Không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa thăm khám và có chỉ định từ bác sĩ. Đặc biệt, nam giới tránh các thuốc cường dương, nữ giới không lạm dụng thuốc tránh thai.
- Thận trọng trong chọn lựa và sử dụng các loại thuốc, hóa mỹ phẩm vào trong cơ thể. Tránh những loại có chứa độc tố, chất tẩy rửa mạnh có hại, càng làm tăng nguy nặng tình trạng rối loạn nội tiết.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ sử dụng một số loại viên uống TPCN nhằm bổ sung các loại vitamin, khoáng chất mà cơ thể thiếu hụt để hỗ trợ cân bằng nội tiết tố.
2. Điều trị y tế
Đối với các trường hợp rối loạn nội tiết tố mức độ nặng, bắt buộc phải thăm khám chuyên khoa và điều trị bằng các biện pháp phù hợp như:
Dùng thuốc
Thuốc trị rối loạn nội tiết có tác dụng cân bằng nội tiết tố, cải thiện triệu chứng bệnh và ngăn chặn tiến triển bệnh nặng hơn. Một số loại thuốc thường dùng như:
- Thuốc kiểm soát nội tiết: Thường là các loại thuốc tránh thai có tác dụng điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và cải thiện nồng độ hormone trong cơ thể. Ngoài thuốc uống, thuốc tiêm, chị em phụ nữ cũng có áp dụng các biện pháp tránh thai khác như đặt vòng tránh thai, dụng cụ tử cung (IUD) có chứa nội tiết tố Mirena, miếng dán tránh thai, que cấy...
- Thuốc bôi estrogen âm đạo: Chị em bị khô âm đạo do giảm estrogen sẽ được chỉ định sử dụng thuốc bôi estrogen trực tiếp vào các mô âm đạo. Thuốc có tác dụng làm mềm, giảm khô âm đạo hiệu quả.
- Thuốc thay thế hormone: Đây là loại thuốc kê đơn chuyên dùng trong điều trị rối loạn nội tiết. Tác dụng chính của thuốc là bù đắp lượng hormone thiếu hụt, nhất là hormone tuyến sinh dục, cải thiện các triệu chứng mãn kinh ở chị em phụ nữ và cho cả nam giới.
- Thuốc chống hormone androgen: Đây là thuốc giúp giảm rụng lông, tóc, giảm mụn nhờ khả năng ức chế sự tổng hợp và phóng thích của hormone androgen. Một vài loại điển hình như Flutamide, Cyproterone acetate... Hoặc các loại kê đơn như Eflornithine (Vaniqa) dạng bôi hoặc thuốc tránh thai Dianette.
- Thuốc hỗ trợ mang thai: Để tăng khả năng mang thai ở chị em phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố gây buồng trứng đa nang, bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ mang thai như Lertozole, Clomiphene dạng viên uống hoặc thuốc tiêm Gonadotropin.
- Thuốc cân bằng chỉ số đường huyết: Dành cho những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường do suy giảm chức năng tuyến tụy gây rối loạn nội tiết. Kiểm soát chỉ số đường huyết bằng các loại thuốc như Insulin, Gliclazid, Metformin...
- Thuốc cải thiện tuyến giáp: Có tác dụng ổn định nồng độ hormone tuyến giáp trở về mức bình thường, cải thiện các triệu chứng như khô ngứa da, rụng tóc... Các loại thường dùng như Synthroid, Levoxyl, Unithroid...
Các phương pháp khác
Đa phần các trường hợp bị rối loạn nội tiết đều đáp ứng tốt khi sử dụng phác đồ thuốc phù hợp. Nhưng với những trường hợp mắc các bệnh rối loạn nội tiết nghiêm trọng hơn sẽ phải áp dụng các phương pháp khác như:
- Hóa trị và xạ trị đối với những bệnh nhân bị ung thư bất kỳ tuyến nội tiết nào;
- Phẫu thuật loại bỏ khối u phát triển trong tuyến nội tiết gây hủy hoại các mô tế bào và cản trở quá trình sản sinh hormone;
Tham khảo thêm: Rụng tóc do nội tiết tố nam – Cách nhận biết, điều trị
Phòng ngừa
Rối loạn nội tiết rất dễ xảy ra do nhiều tác nhân. Tuy nhiên, các bệnh rối loạn nội tiết có thể dự phòng bằng các biện pháp tích cực sau:
- Vận động tích cực hàng ngày bằng những bộ môn như đi bộ, chạy bộ, dưỡng sinh, yoga, bơi lội...
- Ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ, ngủ nghỉ đúng giờ giấc, tránh stress để thúc đẩy sản xuất nội tiết tố trong cơ thể.
- Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm sạch, trồng trọt đúng quy chuẩn, ưu tiên thực phẩm organic không chứa hóa chất độc hại cho sức khỏe.
- Chỉ sử dụng thuốc tránh thai khi cần, tuyệt đối không lạm dụng quá mức cho phép để tránh gây rối loạn nội tiết.
- Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ ở cả nam và nữ giới, tầm soát các bệnh lý rối loạn nội tiết tố ngay từ sớm để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi bị rối loạn nội tiết tố?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị rối loạn nội tiết tố là gì?
3. Bệnh rối loạn nội tiết tố có nguy hiểm không?
4. Bị rối loạn nội tiết tố có gây vô sinh hiếm muộn không?
5. Nếu tôi không điều trị rối loạn nội tiết tố, điều gì sẽ xảy ra?
6. Để chẩn đoán rối loạn nội tiết tố, tôi cần thực hiện các xé nghiệm nào?
7. Phương pháp điều trị rối loạn nội tiết tố tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
8. Tôi có nên dùng thuốc thay thế hormone để điều trị rối loạn nội tiết tố không?
9. Chế độ ăn uống và sinh hoạt như thế là đúng giúp hỗ trợ điều trị rối loạn nội tiết tố?
10. Quá trình điều trị rối loạn nội tiết tố mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?
Rối loạn nội tiết tố là hậu quả của việc lơ là chăm sóc sức khỏe làm suy giảm chức năng và cản trở hoạt động sản sinh hormone của các tuyến nội tiết. Những hệ lụy của rối loạn nội tiết tố rất khó lường, vô sinh hiếm muộn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị tích cực kịp thời. Do đó, hãy chủ động thăm khám khi nghi ngờ mắc bệnh và tiếp nhận điều trị theo chỉ định. Đồng thời, điều chỉnh lối sống khoa học để hỗ trợ cải thiện bệnh và dự phòng tái phát.