Bệnh Ung Thư Tinh Hoàn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi TRẦN MẠNH XUYÊN – Khoa Nam họcthầy thuốc y học cổ truyền – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh ung thư tinh hoàn là một dạng ung thư khá hiếm gặp, xảy ra chủ yếu ở nam giới bị tinh hoàn ẩn. Nếu được phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi hoàn toàn là khá cao. Dù vậy, do triệu chứng mờ nhạt nên nhiều trường hợp phải đối mặt với ung thư di căn do thăm khám trễ.

Tổng quan

Bệnh ung thư tinh hoàn (Testicular Cancer) xảy ra khi khối u ác tính xuất hiện và phát triển ở tinh hoàn. Tinh hoàn là cơ quan sinh sản đặc thù nên bệnh lý này chỉ gặp ở nam giới với tỷ lệ khá thấp - chiếm 1% trong tổng số các trường hợp ung thư ở nam. Độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao là từ 15 - 35 tuổi.

ung thư tinh hoàn là gì
Ung thư tinh hoàn khá hiếm gặp, chỉ chiếm 1% trong tổng số trường hợp ung thư ở nam

Thống kê vào năm 2021 cho thấy, ở Hoa Kỳ có 9470 ca mắc mới và 440 trường hợp tử vong xảy ra mỗi năm. Hiện tại, nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn vẫn chưa được xác định nhưng có liên quan đến tình trạng tinh hoàn ẩn.

Ung thư tinh hoàn thường xuất phát từ tế bào mầm nguyên thủy và được chia thành 2 loại chính là ung thư tuyến tinh (40%) và ung thư không tuyến tinh (gần 60%). Trong đó, ung thư không tuyến tinh sẽ có tỷ lệ tái phát cao hơn. Tiên lượng của ung thư tinh hoàn khá tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Phân loại bệnh

Dựa vào nguồn gốc của tế bào ung thư, bệnh ung thư tinh hoàn được chia thành 2 dạng là ung thư tuyến tinh và ung thư không tuyến tinh:

Ung thư tuyến tinh

Ung thư tuyến tinh (Seminoma) được xác định khi tế bào ác tính phát triển bên trong các ống sinh tinh. Dạng ung thư này có thể chữa khỏi hoàn toàn (100%) nếu được phát hiện sớm.

Ung thư không tuyến tinh

Ung thư không tuyến tinh bao gồm nhiều dạng khác nhau như ung thư biểu mô rau, ung thư biểu mô phôi, u quái… Dạng ung thư này rất dễ tái phát và tiềm ẩn nguy cơ di căn hạch cùng với các cơ quan nội tạng khác.

Ngoài cách phân loại trên, bệnh ung thư tinh hoàn còn được phân loại dựa vào giai đoạn phát triển:

  • Giai đoạn I: Khối u ác tính khu trú ở tinh hoàn, chưa di căn sang các cơ quan khác. Trong giai đoạn này, tiên lượng tốt. Khoảng 98% có tỷ lệ sống trên 5 năm và nguy cơ tái phát cũng tương đối thấp.
  • Giai đoạn II: Giai đoạn này được xác định khi tế bào ác tính đã lan ra các hạch bạch huyết lân cận. Nếu phát hiện sớm, có thể kết hợp phẫu thuật và xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Trường hợp chủ quan có thể khiến ung thư di căn sang các cơ quan khác.
  • Giai đoạn III: Ung thư tinh hoàn giai đoạn III được xác định khi ung thư đã di căn sang những cơ quan khác. Giai đoạn này có tiên lượng rất xấu với tỷ lệ sống chỉ còn 6%.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn vẫn chưa được biết rõ. Sau nhiều nghiên cứu, các chuyên gia đã xác định được nguy cơ lớn nhất có liên quan đến bệnh lý này là tinh hoàn ẩn. Các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tinh hoàn:

Tinh hoàn ẩn

Tinh hoàn ẩn là yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tinh hoàn. Tình trạng này đặc trưng bởi việc tinh hoàn không nằm bên trong bìu mà xuất hiện ở những vị khác như thành bụng hoặc ổ bụng. Thực tế khi sinh ra, tinh hoàn nằm ở ổ bụng và di chuyển xuống bìu sau 3 tháng. Vì một số lý do, tinh hoàn không dịch chuyển xuống bìu mà nằm ở những vị trí bất thường.

bệnh ung thư tinh hoàn
Tinh hoàn lạc chỗ là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tinh hoàn

Nguy cơ bị ung thư tinh hoàn gia tăng từ 2.5 - 20 lần ở trẻ bị tinh hoàn ẩn. Nếu phẫu thuật trước năm 10 tuổi, nguy cơ ung thư sẽ giảm đi rõ rệt. Dù vậy, vẫn phải cần theo dõi thêm 3 - 5 năm để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Rối loạn nhiễm sắc thể giới tính

Rối loạn nhiễm sắc thể giới tính là hội chứng bẩm sinh gây ra các bất thường trong quá trình phát triển. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng các chuyên gia nhận thấy, đây là yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn.

Yếu tố di truyền

Ung thư tinh hoàn có khả năng di truyền. Nếu ông nội và bố từng mắc bệnh lý này, con cái sẽ có nguy cơ bị ung thư cao hơn so với những trường hợp khác.

Viêm tinh hoàn do quai bị

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi Paramyxoviridae. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể để lại biến chứng viêm tinh hoàn nếu không được điều trị đúng cách.

bệnh nhân ung thư tinh hoàn
Nam giới bị viêm tinh hoàn do virus quai bị sẽ có nguy cơ phát triển ung thư cao hơn bình thường

Khác với viêm tinh hoàn do vi khuẩn, viêm tinh hoàn do quai bị tiến triển trong thời gian dài (thường là dưới 10 năm). Hiện tượng viêm mãn tính đã xác định là yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư.

Chấn thương tinh hoàn

Chấn thương mạnh ở tinh hoàn cũng được cho là yếu tố thuận lợi kích thích sự phát triển bất thường của các tế bào.

Tính chất công việc

Những người làm các công việc phải ngồi nhiều, tiếp xúc với hóa chất và nhiệt độ cao như tài xế, thợ mỏ… sẽ có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao hơn. Các tế bào bên trong tinh hoàn vô cùng nhạy cảm với những yếu tố này.

Tiền sử ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn có thể tái phát sau một thời gian. Vì vậy, những người có tiền sử mắc bệnh sẽ có nguy cơ tái phát - nhất là với ung thư không tuyến tinh.

Các yếu tố khác

Bệnh ung thư tinh hoàn còn liên quan đến những yếu tố như nhiễm HIV, hội chứng Klinefelter, u sắc tố da, chàm da bẩm sinh, chủng tộc (người da trắng có nguy cơ ung thư tinh hoàn cao hơn 4 - 5 lần so với người da vàng và da đen)…

Triệu chứng và chẩn đoán

Giống như các dạng ung thư khác, ung thư tinh hoàn gần như không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Cho đến khi khối u phát triển, có thể dễ dàng nhận biết khi vệ sinh vùng kín.

biểu hiện ung thư tinh hoàn
Nếu tinh hoàn có khối u ác tính, khi sờ vào vùng bìu sẽ nhận thấy có khối u ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn

Các dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư tinh hoàn:

  • Sờ vào vùng da bìu cảm nhận khối u không sưng, không đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn. Kích thước khối u đa dạng tùy vào thời điểm phát hiện.
  • Sự xuất hiện của khối u ở tinh hoàn sẽ khiến cho bên tinh hoàn đó trở nên nặng và cứng hơn.
  • Bìu tụ dịch (thường không đau, không sưng tấy như các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục)
  • Có cảm giác đau âm ỉ ở vùng bẹn và bụng dưới
  • Trường hợp ung thư đã di căn sẽ gây ra triệu chứng ở những cơ quan khác như đau thắt ngực, khó thở, ho ra đờm có lẫn máu…
  • Một số ít trường hợp có biểu hiện tăng trưởng mô ngực, đau ngực do u tinh hoàn sản sinh ra hormone gây cường tuyến vú nam.

Trước khi đến gặp bác sĩ, nam giới có thể tự kiểm tra bằng cách dùng hai tay sờ vào vùng bìu. Sau đó, từ từ cảm nhận tinh hoàn, mào tinh và ống dẫn tinh xem có sự hiện diện của khối u hay không. Nếu phát hiện có khối u, cần sắp xếp thời gian đến thăm khám trong thời gian sớm nhất.

biểu hiện bệnh ung thư tinh hoàn
Ngay khi nghi ngờ bị ung thư tinh hoàn, cần thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác

Các triệu chứng cơ năng của ung thư tinh hoàn khá nghèo nàn. Do đó, sau khi hỏi triệu chứng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tinh hoàn và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như sau:

  • Siêu âm: Hình ảnh từ siêu âm có thể giúp bác sĩ phát hiện sự hiện diện của khối u bên trong tinh hoàn.
  • CT (Chụp cộng hưởng từ): Sau khi xác định có khối u, CT bụng, ngực và khung chậu sẽ được chỉ định để xác định giai đoạn của ung thư.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để phát hiện các chất chỉ điểm khối u ác tính là beta-HCG và AFP (alpha-fetoprotein). Ở những trường hợp bị ung thư tinh hoàn, nồng độ các chất này thường cao hơn so với bình thường.

Như đã đề cập ở trên, u ở tinh hoàn thường là u ác tính. Trong khi xuất hiện ở những cơ quan xung quanh như mào tinh hoàn hay ống dẫn tinh, phần lớn là u lành. Vì vậy trên thực tế, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để chắc chắn đây là khối u ác tính.

Biến chứng và tiên lượng

Tiên lượng của ung thư tinh hoàn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và mô bệnh học. Giai đoạn I có tiên lượng tốt với tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến 98%. Ở giai đoạn II, tỷ lệ là 95% và giai đoạn III tỷ lệ sống sót chỉ còn 6%.

Tỷ lệ sống giảm dần khi ung thư phát triển. Những trường hợp đã di căn phổi và nội tạng khác có tỷ lệ sống sau 5 năm khoảng 48%. Tuy nhiên, ung thư tinh hoàn đáp ứng khá tốt với điều trị. Do đó, một số trường hợp ung thư đã tiến triển và di căn nhưng vẫn có thể chữa khỏi.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, ung thư tinh hoàn còn làm cản trở phát sinh cơ quan sinh dục ở nam giới. Do bệnh phát triển sớm từ 15 tuổi nên nhiều trường hợp gặp các vấn đề sinh lý, tình dục do ảnh hưởng của bệnh. Vì vậy, trong giai đoạn từ 15 - 35 tuổi, nam giới cần được giáo dục về cách tầm soát ung thư.

Điều trị

Chỉ định điều trị cho bệnh nhân ung thư tinh hoàn sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của khối u và nguyện vọng của bệnh nhân. Hiện nay, phẫu thuật và xạ trị là các phương pháp được ứng dụng rộng rãi nhất.

Phẫu thuật

Trong hầu hết các trường hợp, ung thư tinh hoàn đều có chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật được thực hiện nhằm cắt bỏ tinh hoàn triệt để. Trường hợp tế bào ung thư đã có dấu hiệu lây lan, bác sĩ sẽ phẫu thuật toàn bộ hạch bạch huyết lân cận.

điều trị bệnh ung thư tinh hoàn
Hầu hết các trường hợp ung thư tinh hoàn đều được phẫu thuật cắt khối u và hạch bạch huyết lân cận

Hóa trị

Hóa trị cũng được thực hiện với mục đích tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc có thể kiểm soát những tế bào ác tính đã di căn sang những cơ quan khác.

Hóa trị thường được chỉ định sau phẫu thuật để tiêu diệt hoàn hoàn các tế bào ung thư còn tồn dư trong cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thuốc sẽ được thực hiện trước để đảm bảo quá trình phẫu thuật cắt khối u diễn ra thành công.

Xạ trị

Sau khi cắt bỏ khối u ác tính, nên kết hợp với xạ trị để ngăn ngừa tái phát. Bên cạnh đó, xạ trị cũng được chỉ định cho những trường hợp ung thư tinh hoàn không còn khả năng phẫu thuật.

Khối u ác tính ở tinh hoàn thường bắt nguồn từ các tế bào mầm và các tế bào này vô cùng nhạy cảm với xạ trị. Vì vậy, có thể thực hiện xạ trị sau cắt bỏ u để ngăn ngừa tái phát. Xạ trị cũng có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật khối u ác tính lớn và dính vào các cơ quan xung quanh.

Các biện pháp khác

Cho đến nay, ung thư vẫn là một thách thức lớn đối với y học. Ngoài ba phương pháp truyền thống kể trên, các liệu pháp mới cũng được đánh giá đầy hứa hẹn. Các biện pháp mới được cân nhắc trong điều trị bệnh ung thư tinh hoàn gồm có:

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch hiện được sử dụng khá rộng rãi trong điều trị ung thư, bao gồm cả ung thư tinh hoàn. Đây là liệu pháp sinh học nhằm khôi phục, thúc đẩy chức năng của hệ thống miễn dịch. Khi hệ miễn dịch được cải thiện có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn ngừa ung thư di căn…

điều trị bệnh ung thư tinh hoàn
Liệu pháp miễn dịch được đánh giá cao về triển vọng trong điều trị bệnh ung thư tinh hoàn

Vắc xin điều trị ung thư

Vắc xin điều trị ung thư cũng là phương pháp mới được chú ý hiện nay. Loại vắc xin này giúp tế bào miễn dịch nắm bắt mRNA của virus, từ đó tạo ra các kháng nguyên đặc hiệu. Hiện nay, vắc xin điều trị ung thư đã được áp dụng ở một số quốc gia và nhận thấy có hiệu quả trong việc kiểm soát, khống chế các tế bào ác tính.

Liệu pháp gen

Liệu pháp gen là phương pháp sử dụng gen khỏe mạnh để bổ sung thiếu hụt, khiếm khuyết hoặc có thể thay hoàn toàn gen đột biến bằng gen khỏe mạnh. Liệu pháp này được đánh giá rất triển vọng trong điều trị ung thư và di truyền, nhưng vẫn cần nghiên cứu lâu dài trước khi áp dụng rộng rãi trên lâm sàng.

Phòng ngừa

Ung thư tinh hoàn là căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và sự phát triển của cơ quan sinh dục về sau. Hiện nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ nên chỉ có thể giảm nguy cơ thông qua các biện pháp sau:

  • Kiểm tra trẻ sơ sinh để phát hiện sớm dị tật về đường tiết niệu - sinh dục. Trường hợp nhận biết sớm tinh hoàn lạc chỗ cần phẫu thuật sau 3 - 5 năm để giảm nguy cơ ung thư.
  • Trẻ từ 10 tuổi trở lên cần phải được giáo dục về ung thư tinh hoàn, hướng dẫn cách kiểm tra vùng bìu thường xuyên để phát hiện sớm khối u ác tính.
  • Nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh, nên tầm soát định kỳ (đặc biệt là trong giai đoạn từ 15 - 35 tuổi)
  • Tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, hóa chất và giảm tác động cơ học (chấn thương, ma sát) lên vùng bìu.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán ung thư tinh hoàn?

2. Bệnh của tôi đang ở giai đoạn mấy? Nguy hiểm không?

3. Lựa chọn điều trị tốt nhất đối với tình trạng hiện tại của tôi?

4. Cơ hội chữa khỏi và tỷ lệ tái phát sau khi điều trị?

5. Điều trị bệnh ung thư tinh hoàn mất bao lâu? Chi phí khoảng bao nhiêu?

6. Bệnh ung thư tinh hoàn có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

7. Làm sao để ngăn ngừa ung thư tinh hoàn tái phát?

Bệnh ung thư tinh hoàn có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu thăm khám kịp thời và điều trị tích cực. Sau khi ung thư được kiểm soát, cần theo dõi định kỳ để tránh tái phát. Đa phần những trường hợp phát hiện sớm đều có thể chữa khỏi hoàn toàn, sức khỏe và khả năng sinh sản về sau gần như không bị ảnh hưởng.