Bệnh Lao Cột Sống

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh lao cột sống là tình trạng nhiễm khuẩn đốt sống, đĩa đệm do trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Đây là bệnh lao ngoài phổi thường gặp với triệu chứng khá mờ nhạt, nhưng có thể tiến triển nặng gây xẹp cột sống, gù lưng, liệt và thậm chí là tàn phế.

Tổng quan

Lao cột sống (Spinal Tuberculosis) là bệnh lao ngoài phổi phổ biến nhất, xảy ra khi trực khuẩn lao - Mycobacterium tuberculosis xâm nhập gây nhiễm khuẩn ở đĩa đệm và đốt sống. Ngoài tên gọi này, bệnh còn được biết đến với những tên gọi khác như bệnh Pott, viêm đĩa đệm đốt sống do lao.

Thống kê cho thấy, lao cột sống chiếm 50% tổng số ca lao xương khớp với 90% gây tổn thương ở vùng lưng - thắt lưng. Trực khuẩn lao tấn công đồng thời vào đĩa đệm và hai đốt sống liền kề.

bệnh lao cột sống là gì
Bệnh lao cột sống là bệnh lao ngoài phổi thường gặp nhất, chiếm 50% tổng số ca lao xương khớp

Trước đây, khi chưa có thuốc kháng lao, tiên lượng thường rất xấu, tỷ lệ tàn phế và tử vong cao. Ngày nay, nhờ có thuốc kháng lao và sự tiến bộ trong các kỹ thuật ngoại khoa, phần lớn các trường hợp được can thiệp sớm đều có đáp ứng tốt.

Dù vậy, không nên chủ quan khi mắc bệnh lao nói chung và lao cột sống nói riêng. Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, lao vẫn 1 trong 10 vấn đề sức khỏe gây tử vong hàng đầu. Mỗi năm có khoảng 10 triệu ca mắc mới và hơn 1.5 triệu người tử vong.

Số ca mắc bệnh lao tập trung nhiều ở khu vực Đông Nam Á (chiếm 50%) và kế tiếp là Châu Phi với 25%. Nằm trong khu vực có tỷ lệ mắc bệnh lao cao, việc trang bị kiến thức về lao phổi và các bệnh lao ngoài phổi là điều cần thiết.

Phân loại bệnh

Lao cột sống được chia thành 2 dạng là lao nguyên phát và lao thứ phát:

Lao cột sống nguyên phát

Lao cột sống nguyên phát rất ít gặp, được xác định khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể. Sau đó, di chuyển đến cột sống gây viêm nhiễm, tổn thương ở cơ quan này đầu tiên. Trực khuẩn lao có đặc tính hiếu khí và sinh trưởng tốt ở môi trường giàu chất dinh dưỡng.

Cột sống có độ xốp lý tưởng, đồng thời là nơi sản sinh ra hồng cầu và các dưỡng chất thiết yếu. Vì vậy sau khi qua đường hô hấp, trực khuẩn lao có thể xâm nhập vào máu hoặc hạch bạch huyết và di chuyển đến cột sống.

Lao cột sống thứ phát

Phần lớn các bệnh lao ngoài phổi, bao gồm cả lao cột sống đều xảy ra thứ phát sau bệnh lao phổi. Thực tế, 90% trường hợp nhiễm trực khuẩn lao đều bị lao phổi nguyên phát, sau đó vi khuẩn mới phát triển và lây lan sang những cơ quan khác.

bệnh lao cột sống là gì
Lao cột sống thường là tình trạng nhiễm trùng thứ phát sau lao phổi

Phổi là cơ quan chứa nhiều không khí nên sẽ là môi trường sinh trưởng lý tưởng của Mycobacterium tuberculosis. Hơn nữa, vì vi khuẩn xâm nhập qua đường hô hấp nên sẽ dễ dàng tiếp cận với phổi hơn so với những cơ quan khác.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Lao cột sống được mô tả lần đầu tiên vào năm 1779 - 1783 bởi Bác sĩ người Anh Percivall Pott. Tuy nhiên phải đến năm 1980, Bác sĩ người Đức Robert Koch mới phát hiện ra trực khuẩn lao.

bệnh lao cột sống và cách điều trị
Trực khuẩn lao - Mycobacterium tuberculosis là tác nhân trực tiếp gây ra bệnh lao nói chung và lao cột sống nói riêng

Tác nhân trực tiếp gây bệnh lao cột sống là do nhiễm trực khuẩn lao. Hiện có 3 loại vi khuẩn gây ra bệnh lao nói chung và lao cột sống nói riêng bao gồm:

  • Mycobacterium tuberculosis (thường gặp nhất)
  • Mycobacterium africanum
  • Mycobacterium bovis

Vi khuẩn lao có đặc điểm là chu kỳ phát triển chậm, khoảng 20 - 24 giờ mới sinh sản một lần. Đây cũng là lý do các triệu chứng của bệnh lao cột sống mờ nhạt hơn so với các dạng nhiễm khuẩn xương khớp thông thường.

Trực khuẩn lao chủ yếu lây qua đường hô hấp (dịch tiết, nước bọt…). Đặc điểm của loại vi khuẩn này là có thể tồn tại ở bên ngoài môi trường từ 3 - 4 tháng, vì vậy những khu vực có điều kiện sống thấp và vệ sinh kém sẽ rất dễ lây nhiễm.

Các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh lao cột sống:

  • Tiếp xúc thân mật với người mắc bệnh lao
  • Suy giảm hệ miễn dịch (nhiễm HIV, tiểu đường)
  • Sử dụng corticoid dài ngày hoặc hóa trị
  • Đời sống thấp, vệ sinh kém
  • Chưa được tiêm vaccine phòng lao (BCG)
  • Tiền sử lao phổi

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh lao cột sống có triệu chứng mờ nhạt ở giai đoạn đầu, khác hoàn toàn với các bệnh nhiễm khuẩn xương khớp khác. Chỉ khi vi khuẩn đã phá hủy đáng kể đĩa đệm và đốt sống, các triệu chứng cơ năng mới bắt đầu bộc lộ rõ ràng.

bệnh lao cột sống và cách điều trị
Lao cột sống gây tổn thương ở đĩa đệm và hai đốt sống liền kề gây ra cơn đau âm ỉ, mức độ tăng dần theo thời gian

Các triệu chứng thường gặp của bệnh lao cột sống:

  • Khi nhiễm trực khuẩn lao, cơ thể sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, sụt cân, ăn uống kém, ra mồ hôi trộm và sốt nhẹ về chiều. Mức độ triệu chứng sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp cụ thể.
  • Đau cột sống, đau tự phát không phải đau khi vận động.
  • Mức độ cơn đau tăng dần, ban đầu là đau âm ỉ, sau đó đau sâu vào bên trong và đau nhiều vào ban đêm.
  • Khi có kích thích vào cột sống (mang vác nặng, xoay người đột ngột), mức độ đau tăng lên đáng kể. Đau nhiều sẽ cản trở người bệnh không thể cúi xuống.
  • Đau nhiều gây co cứng khối cơ ở hai bên lưng.
  • Một số trường hợp có biểu hiện đau dây thần kinh hông to (đau thần kinh tọa) và đau dây thần kinh liên sườn.
  • Vi khuẩn lao gây tổn thương và làm biến dạng cột sống. Bệnh nhân thường ưỡn người ra sau khi đi, đi từng bước ngắn, đầu hơi ngửa để hạn chế cơn đau.
  • Một số trường hợp hình thành mủ ở cột sống. Mủ do trực khuẩn lao là bọc mủ lạnh, không giống áp xe. Mủ gây sưng nề nhưng không kèm phản ứng viêm đỏ, đau nhức.
  • Sau một thời gian tiến triển, vi khuẩn làm xẹp đốt sống dẫn đến gù cột sống.
  • Lao cột sống có thể gây liệt do bọc mủ lạnh chèn ép trực tiếp lên tủy sống. Nếu được xử trí sớm, liệt do lao cột sống có thể hồi phục, một số trường hợp gây liệt vĩnh viễn.

Các triệu chứng của bệnh lao cột sống sẽ trở nên rõ ràng khi cột sống đã bị tổn thương đáng kể. Do ban đầu cơn đau chỉ âm ỉ nên nhiều người nhầm lẫn với thoái hóa cột sống thông thường.

Ở thời kỳ chưa có máy chụp X-Quang, bệnh lao cột sống được chẩn đoán khi có 4 triệu chứng điển hình là mục xương, áp xe lạnh, gù lưng (vẹo cột sống) và liệt. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chẩn đoán lao trở nên dễ dàng hơn và có thể phát hiện ngay cả khi chưa có triệu chứng cơ năng.

Hình ảnh lao cột sống
X-Quang cột sống là phương pháp có giá trị trong chẩn đoán bệnh lao cột sống

Các bước chẩn đoán bệnh lao cột sống:

  • Khám lâm sàng: Khám lâm sàng đối với bệnh nhân nghi ngờ lao cột sống sẽ bao gồm hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh lý (lao phổi), các vấn đề sức khỏe đi kèm (nhiễm HIV, viêm gan B). Sau đó, bác sĩ sẽ khám lưng để phát hiện các dấu hiệu bọc mủ lạnh, lưng gù, co cứng cơ cạnh sống lưng…
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu sẽ phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như tốc độ lắng máu cao và tăng số lượng bạch cầu.
  • Xét nghiệm PCR lao: Xét nghiệm PCR lao là phương pháp giúp xác định trực khuẩn lao trong thời gian ngắn. Bệnh phẩm được sử dụng cho xét nghiệm là dịch não tủy. Dù cho kết quả nhanh nhưng bệnh nhân vẫn cần thực hiện thêm nhiều kỹ thuật khác để có thể đánh giá mức độ tổn thương cột sống.
  • X-quang: X-Quang là phương pháp có giá trị trong chẩn đoán bệnh lao cột sống. Hình ảnh từ X-Quang cho thấy rõ tổn thương ở thân cột sống, vẹo cột sống và các biến chứng khác.
  • Lấy bệnh phẩm: Dịch não tủy sẽ được soi trực tiếp và nuôi cấy để phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn. Thông qua nuôi cấy, có thể xác định lao cột sống và loại trừ nhiễm khuẩn cột sống do các khuẩn khác.
  • MSCT - Chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt: Sau khi X-Quang, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện MSCT để đánh giá mức độ tổn thương của cột sống.
  • MRI - Chụp cộng hưởng từ: Chụp cộng hưởng từ giúp đánh giá mức độ chèn ép thần kinh của ổ áp xe và xác định tổn thương mô mềm.
  • Xét nghiệm LPA: Xét nghiệm này được thực hiện để phát hiện tính kháng thuốc của vi khuẩn lao. Xét nghiệm LPA thường được chỉ định đối với bệnh lao cột sống thứ phát. Kết quả từ xét nghiệm này sẽ hỗ trợ bác sĩ trong việc lựa chọn loại thuốc kháng lao phù hợp, có đáp ứng tốt nhất.
  • Các xét nghiệm khác: Các xét nghiệm như ELISA huyết thanh, AFB đờm, phản ứng Mantoux có thể được thực hiện để phát hiện bằng chứng nhiễm lao ở những cơ quan khác như màng phổi, hạch, phổi…

Biến chứng và tiên lượng

Trước khi có sự ra đời của thuốc kháng lao, tiên lượng đa phần xấu. Ngày nay, thuốc kháng lao, những tiến bộ trong chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm đã giúp cho việc phát hiện bệnh trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn. Nếu được thăm khám và điều trị kịp thời, bệnh lao cột sống sẽ được kiểm soát hoàn toàn.

Trực khuẩn lao là loại vi khuẩn có tốc độ sinh trưởng chậm nên các dấu hiệu nhiễm trùng rất mờ nhạt. Ở những người có hệ miễn dịch tốt, gần như không có biểu hiện toàn thân. Chỉ khi cột sống bị tổn thương nghiêm trọng, cơn đau mới bắt đầu xuất hiện.

triệu chứng của lao cột sống
Bệnh lao cột sống không được điều trị sẽ gây xẹp cột sống, gù lưng, liệt và thậm chí là tàn phế

Nếu không kịp thời thăm khám và điều trị, bệnh lao cột sống sẽ dẫn đến một loạt các biến chứng như viêm màng nhện tủy, thoát vị đĩa đệm, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, yếu liệt hai chân… Thậm chí nhiều trường hợp áp xe lạnh chèn ép tủy sống gây rối loạn vùng hậu môn - sinh dục, dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn chức năng tình dục.

Lao cột sống không được điều trị sẽ gây tàn phế và tử vong. Trường hợp phát hiện muộn có thể bị gù vẹo cột sống, liệt hai chi dưới vĩnh viễn. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan trước những biểu hiện của cơ thể.

Điều trị

Điều trị bệnh lao cột sống cần được thực hiện càng sớm càng tốt để tiêu diệt sớm vi khuẩn, ngăn chặn kịp thời quá trình phá hủy xương. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chăm sóc và hỗ trợ để xương hồi phục trở lại.

Các phương pháp điều trị bệnh lao cột sống:

Các phương pháp không dùng thuốc

Nguyên tắc khi điều trị lao cột sống là phải bất động trong thời gian bệnh tiến triển để hạn chế xẹp, gãy cột sống và gù lưng. Tuy nhiên, không nên bất động trong một thời gian dài vì có thể gây dính cột sống.

Các phương pháp không dùng thuốc đối với bệnh nhân lao cột sống:

  • Nằm bất động trên giường, hạn chế vận động trong khoảng 2 - 3 tháng.
  • Sau đó, nên vận động nhẹ nhàng trở lại để phục hồi chức năng cột sống.
  • Có thể đeo đai lưng, cố định bằng bột để giảm áp lực lên cột sống.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh để nâng đỡ thể trạng.
  • Trường hợp phát hiện sớm, tổn thương ở cột sống nhẹ, chưa nghiêm trọng chỉ cần nằm nhiều, không nhất thiết đeo đai lưng hay máng bột. Hạn chế vận động trong thời gian được chỉ định để cột sống hồi phục hoàn toàn.

Thuốc kháng lao

Thuốc kháng lao được sử dụng cho tất cả bệnh nhân nhiễm trực khuẩn lao, bao gồm cả lao cột sống. Dù có chỉ định điều trị bảo tồn hay phẫu thuật, bệnh nhân đều bắt buộc phải dùng thuốc kháng lao để tiêu diệt vi khuẩn.

Nguyên tắc dùng thuốc kháng lao là phối hợp ít nhất 3 loại trong điều trị tấn công, ít nhất 2 loại trong điều trị duy trì. Thuốc cần được uống đúng giờ, đúng liều và đủ thời gian để đạt kết quả tốt.

điều trị bệnh lao cột sống
Thuốc kháng lao được chỉ định cho tất cả các trường hợp nhiễm khuẩn lao, dù có chỉ định điều trị bảo tồn hay phẫu thuật

Các loại thuốc kháng lao được sử dụng phổ biến hiện nay:

Ở giai đoạn tấn công, phải dùng thuốc trong 2 - 3 tháng và dùng thêm 4 - 6 tháng trong giai đoạn duy trì. Các loại thuốc kháng lao gây ra nhiều tác dụng phụ, vì vậy bệnh nhân cần phải tái khám thường xuyên và phát hiện sớm tác dụng phụ.

Trong trường hợp có chỉ định phẫu thuật, thuốc phải được dùng trước đó ít nhất 2 tuần. Để thuốc phát huy hiệu quả tối đa, nên uống vào sáng sớm khi bụng đói.

Ngoài thuốc kháng lao, bệnh nhân sẽ được dùng thêm thuốc giảm đau theo bậc thang giảm đau của WHO (Paracetamol đến Paracetamol + Codein, lựa chọn cuối cùng là Morphin). Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được chỉ định trong trường hợp đau nhiều. Tuy nhiên, thuốc gây tổn thương dạ dày, gan và thận nên chỉ được dùng khi Paracetamol không mang lại hiệu quả.

Đau cột sống do lao có thể gây co cứng cơ. Do đó, một số trường hợp sẽ được sử dụng thuốc giãn cơ (Eperisone và Tolperison).

Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp đau dai dẳng do xẹp cột sống gây chèn ép thần kinh. Lao cột sống dẫn đến hội chứng chùm đuôi ngựa, áp xe cạnh cột sống, gù lưng tiến triển hoặc đã xuất hiện các biến chứng thần kinh như rối loạn cơ vòng, chèn ép tủy ngực, thắt lưng, liệt một phần hoặc toàn phần…

Các phương pháp phẫu thuật được chỉ định cho bệnh nhân lao cột sống:

Phẫu thuật Hodgson (kỹ thuật Hồng Kông)

Phẫu thuật Hodgson là phương pháp cổ điển được áp dụng cho lao cột sống ngực và thắt lưng - cùng. Bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch tổ chức lao, đĩa đệm bị hư, xương chết và giải phóng thần kinh và tủy sống bị chèn ép. Sau đó sử dụng thiết bị nhân tạo để làm vững thân cột sống.

điều trị bệnh lao cột sống
Phẫu thuật Hodgson được thực hiện để loại bỏ tổ chức lao, giải phóng thần kinh và tủy sống bị chèn ép

Sau khi thực hiện phẫu thuật Hodgson, bệnh nhân cần nằm bất động từ 2 - 3 tháng để xương hồi phục. Cho đến nay, phương pháp này vẫn được áp dụng phổ biến trong điều trị lao cột sống nặng.

Kỹ thuật phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu (MISS)

Kỹ thuật phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu (MISS) có ưu điểm là mức độ xâm lấn thấp hơn so với mổ mở truyền thống. Các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật qua da thay vì thực hiện vết mổ như thông thường.

Ngoài làm sạch tổ chức lao và cố định cột sống, phương pháp này còn được ứng dụng để dẫn lưu áp xe. Qua đó giúp giải phóng chèn ép tủy sống và thần kinh.

Phòng ngừa

Có ý thức phòng ngừa. Tránh để vi khuẩn lao lây lan làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

điều trị bệnh lao cột sống
Tiêm ngừa vắc xin BCG ngay từ nhỏ là cách phòng ngừa bệnh lao nói chung và lao cột sống nói riêng

Các biện pháp phòng ngừa lao nói chung và bệnh lao cột sống nói riêng:

  • Tiêm ngừa vắc xin BCG cho trẻ nhỏ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch.
  • Điều trị và quản lý tốt các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn tuyến giáp, HIV…
  • Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
  • Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh lao.
  • Bệnh nhân lao cần chủ động thông báo với những người xung quanh. Đồng thời nên đeo khẩu trang và vệ sinh kỹ để tránh lây nhiễm vi khuẩn ra môi trường (trực khuẩn lao có thể tồn tại ở ngoài môi trường từ 3 - 4 tháng).
  • Thường xuyên vệ sinh phòng ốc bằng cồn để loại bỏ vi khuẩn, tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh lao cột sống?

2. Vì sao tôi bị lao cột sống?

3. Tình trạng lao cột sống đang ở giai đoạn nào? Nghiêm trọng không?

4. Phương pháp nào tốt nhất đối với tình trạng sức khỏe của tôi?

5. Những lưu ý khi dùng thuốc kháng lao? Tác dụng phụ có thể gặp phải?

6. Trong thời gian dùng thuốc, tôi có cần tái khám không?

7. Khi nào tôi cần phẫu thuật lao cột sống?

Bệnh lao cột sống gây ra tổn thương ở đĩa đệm, cột sống dẫn đến đau nhức và gù, vẹo lưng. Để phòng tránh biến chứng tàn phế và tử vong, cách tốt nhất là thăm khám và điều trị sớm. Thời gian điều trị tương đối dài nên bệnh nhân cần tái khám thường xuyên để đánh giá chức năng gan thận và tổn thương ở cột sống.