Bệnh Đau Thần Kinh Tọa
Bệnh đau thần kinh tọa thường xảy ra do thoát vị đĩa đệm và các vấn đề liên quan đến cột sống. Triệu chứng đặc trưng là cơn đau lan từ lưng dưới xuống hông, đùi, bắp chân và các ngón chân. Bệnh cần được điều trị sớm để tránh biến chứng rối loạn cơ vòng, hội chứng chùm đuôi ngựa, liệt chi dưới...
Tổng quan
Đau thần kinh tọa (Sciatica Pain) là thuật ngữ được sử dụng để diễn tả cơn đau xuất hiện dọc theo dây thần kinh tọa (hay còn gọi là dây thần kinh hông to). Dây thần kinh tọa bắt đầu từ phần thắt lưng chạy dọc xuống hai bên hông, đùi, bắp chân cho đến các ngón chân.
Đau thần kinh tọa thường xảy ra do rễ thần kinh ở thắt lưng bị chèn ép. Nguyên nhân bệnh đa dạng, trong đó phổ biến nhất là do hẹp ống sống, gai cột sống, u thần kinh, ung thư ở vùng thắt lưng, viêm nhiễm và thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm L4-L5 hay L5-S1.
Khác với cơn đau do các bệnh viêm khớp, đau thần kinh tọa đặc trưng bởi cảm giác đau nhói kèm theo rối loạn cảm giác (nóng rát, kiến bò). Trường hợp nặng có thể gây rối loạn cơ tròn với vô số biến chứng. Vì vậy, phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong việc điều trị và quản lý bệnh thành công.
Phân loại bệnh
Đau thần kinh tọa được chia thành 2 thể dựa vào biểu hiện lâm sàng, bao gồm thể đau dây thần kinh tọa 2 bên và thể hội chứng chùm đuôi ngựa:
- Thể đau dây thần kinh tọa 2 bên: Thường đau một bên, sau đó chuyển sang bên kia. Thể bệnh này có tiên lượng tốt với triệu chứng triệu chứng là đau, kiến bò, nóng rát nhưng không có rối loạn cảm giác vùng yên ngựa và không rối loạn cơ tròn.
- Thể hội chứng chùm đuôi ngựa: Đây là thể bệnh nặng thường xảy ra do thoát vị đĩa đệm gây chèn ép dây chằng và dây thần kinh ở thắt lưng dưới. Biểu hiện là đau dọc dây thần kinh, hai chân yếu liệt, rối loạn cảm giác đi kèm với rối loạn cơ tròn (bất lực, táo bón, bí tiểu).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm L4-L5 hoặc L5-S1. Tình trạng đĩa đệm thoát vị sẽ gây chèn ép lên rễ thần kinh ở vùng lưng dưới dẫn đến đau dọc dây thần kinh tọa. Ngoài thoát vị đĩa đệm, bệnh còn có thể xảy ra do các nguyên nhân khác.
Các nguyên nhân gây ra bệnh đau thần kinh tọa:
- Do nhiễm trùng toàn thân: Đau dây thần kinh tọa có thể do nhiễm trùng thứ phát, thường xuất hiện ở giang mai giai đoạn II, thương hàn, sốt rét, cúm và lậu. Nếu do nguyên nhân này, đau thần kinh tọa thường đi kèm với các triệu chứng toàn thân như ớn lạnh, sốt,... Tuy nhiên, nhóm nguyên nhân này tương đối ít gặp.
- Thoát vị đĩa đệm: Như đã đề cập, thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh đau dây thần kinh tọa. Đĩa đệm bị thoát vị sẽ chèn ép lên rễ thần kinh dẫn đến tình trạng đau từ thắt lưng dọc xuống hông, đùi và các ngón chân.
- Trượt đốt sống: Trượt đốt sống do chấn thương hay bẩm sinh đều có thể gây ra bệnh đau thần kinh tọa. Đốt sống bị trượt ra khỏi vị trí cân bằng sẽ chèn ép lên các cơ quan xung quanh, bao gồm cả dây thần kinh hông to.
- Viêm cột sống dính khớp: Viêm cột sống dính khớp là bệnh viêm khớp mãn tính với tiến triển âm thầm. Bệnh có cơ chế tự miễn với vai trò của kháng thể kháng HLA-B27. Tương tự như thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp sẽ gây tổn thương cột sống dẫn đến chèn ép dây thần kinh tọa.
- Thoái hóa đốt sống thắt lưng cùng: Thoái hóa đốt sống thắt lưng cũng là nguyên nhân gây đau thần kinh tọa. Thoái hóa đốt sống sẽ dẫn đến mọc gai xương, làm biến dạng đốt sống và đôi khi gây phì đại dây chằng. Tất cả những yếu tố này đều gây chèn ép rễ thần kinh, dẫn đến bệnh đau dây thần kinh tọa.
- Chấn thương: Chấn thương ở vùng xương chậu và cột sống thắt lưng cũng có thể gây ra bệnh đau dây thần kinh tọa. Với nguyên nhân này, tình trạng sẽ được cải thiện sau khi tổn thương phục hồi và ít khi tiến triển mãn tính.
- Nhiễm trùng cột sống: Đau dây thần kinh tọa có thể xảy ra do nhiễm trùng cột sống như viêm cột sống do vi khuẩn, viêm cột sống do lao, áp xe ngoài màng cứng,... Ngoài ra, nhiễm trùng da và tiết niệu không được kiểm soát tốt cũng có thể gây viêm cột sống dẫn đến đau thần kinh tọa.
- Các khối u: Các khối u ở vùng thắt lưng như u di căn, u thần kinh, u đốt sống, u màng tủy,... đều có thể gây ra bệnh đau thần kinh tọa.
- Các nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân phổ biến trên, bệnh đau dây thần kinh tọa còn có thể xảy ra do viêm màng nhện vùng thắt lưng, hẹp ống ống thắt lưng,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng điển hình của đau dây thần kinh tọa là cơn đau xuất hiện ở thắt lưng, sau đó lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, cơn đau khởi phát ở các thời điểm khác nhau tùy theo nguyên nhân cụ thể.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh đau thần kinh tọa:
- Cơn đau xuất hiện ở vùng thắt lưng, sau đó lan dọc theo đường đi của thần kinh tọa. Có thể đau bên trái hoặc bên phải và đôi khi cơn đau chuyển từ bên này sang bên kia khi đổi tư thế.
- Nếu do thoát vị đĩa đệm, cơn đau thường bùng phát sau khi vận động mạnh và gắng sức. Cũng có những trường hợp đau lưng sau đó mới xuất hiện cơn đau ở dây thần kinh tọa.
- Đau thần kinh tọa thường sẽ có 2 điểm đau là đau rễ thần kinh L5 và đau rễ thần kinh S1.
- Đau rễ thần kinh L5 có đặc điểm là đau từ vùng hông sau đó lan đến phần giữa mông, mặt bên của đùi, mặt ngoài của cẳng chân và mu bàn chân. Trường hợp rễ thần kinh bị chèn ép nặng sẽ gây đau ở ngón chân cái và 3 ngón chân giữa.
- Đau rễ thần kinh S1 có biểu hiện là đau vùng hông và lưng, sau đó lan đến giữa mông, mặt sau của đùi và bắp chân. Kế tiếp di chuyển xuống gây đau gót chân, gan bàn chân và ngón chân út.
- Tùy theo nguyên nhân mà cơn đau có thể xuất hiện liên tục, âm ỉ hoặc đau bộc phát, đau dữ dội.
- Mức độ đau tăng lên khi vận động mạnh, thay đổi tư thế đột ngột, ho, hắt hơi và đại tiện.
- Ngoài biểu hiện đau, còn có thể đi kèm với dị cảm (nóng rát, tê bì, kiến bò).
- Trường hợp nặng sẽ gây rối loạn cơ tròn với biểu hiện là bí tiểu, khó tiểu, đại tiện khó khăn, yếu liệt chi dưới, teo cơ…
- Đau thần kinh tọa do nhiễm khuẩn hoặc do các bệnh viêm khớp tự miễn sẽ đi kèm với các triệu chứng toàn thân như gầy sút, cơ thể mệt mỏi, sốt, đau nhiều về đêm, có biểu hiện suy nhược…
Đau thần kinh tọa cần được điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng. Do đó, ngay khi xuất hiện cơn đau ở rễ thần kinh lan dọc xuống hông, đùi và chân, nên tìm gặp bác sĩ. Chẩn đoán sớm sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị, hạn chế biến chứng và tránh trường hợp phải can thiệp ngoại khoa.
Trước tiên, bác sĩ sẽ trao đổi về triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, khai thác tiền sử bệnh lý và ấn dọc dây thần kinh tọa để đánh giá phản ứng. Sau khi khám lâm sàng, bệnh nhân cần phải thực hiện xét nghiệm sinh hóa, huyết học, chụp X-Quang cột sống thắt lưng, CT cột sống, MRI cột sống…
Xét nghiệm cận lâm sàng không chỉ giúp xác định đau thần kinh tọa mà còn phát hiện nguyên nhân gây bệnh (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, u thần kinh, ung thư di căn, viêm nhiễm…). Hình ảnh từ X-Quang, CT và MRI sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác tổn thương rễ thần kinh, qua đó có phác đồ điều trị phù hợp.
ĐỪNG BỎ LỠ: Danh sách 10 Bác sĩ chữa đau thần kinh tọa giỏi nhất hiện nay
Biến chứng và tiên lượng
Đau thần kinh tọa hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh còn phụ thuộc vào nguyên nhân và thể trạng của từng bệnh nhân.
Nếu do các bệnh lý mãn tính như viêm cột sống dính khớp, thoát vị đĩa đệm, ung thư di căn,... bệnh có khả năng tái phát cao. Trường hợp do chấn thương hoặc nhiễm khuẩn có tiên lượng tốt hơn, bệnh ít khi tiến triển mãn tính nếu được điều trị đúng cách.
Thần kinh tọa là dây thần kinh lớn kéo dài từ thắt lưng cho đến gót chân và các ngón chân. Tình trạng chèn ép rễ thần kinh nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng như rối loạn cơ tròn, teo cơ. Bệnh nhân có thể tàn phế và sống phụ thuộc vào gia đình nếu không được điều trị.
Ngoài ra, tình trạng đau, dị cảm dai dẳng cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ, hiệu suất lao động và sinh hoạt hằng ngày. Đau mãn tính còn gây căng thẳng thần kinh, tinh thần mệt mỏi, thiếu sức sống. Nhìn chung nếu không được điều trị, cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh đều tuột dốc.
Điều trị
Về bản chất, đau dây thần kinh tọa là kết quả do ảnh hưởng của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể.
Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị đau thần kinh tọa bao gồm:
Chế độ nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi hoàn toàn có thể làm giảm mức độ đau và dị cảm ở bệnh nhân đau thần kinh tọa. Biện pháp này đặc biệt hiệu quả với đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm, viêm cột sống dính khớp, chấn thương…
Chế độ nghỉ ngơi giúp kiểm soát bệnh đau thần kinh tọa bao gồm:
- Nằm giường cứng và tránh vận động mạnh, gắng sức để làm giảm cơn đau.
- Hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu.
- Nghỉ ngơi tuyệt đối trong giai đoạn tiến triển.
- Không mang vác nặng và tránh các tư thế xấu (ngồi bắt chéo chân, ngồi, đứng sai tư thế…)
- Hạn chế thay đổi tư thế đột ngột, nhất là tư thế cúi gập người, xoay người…
Chế độ nghỉ ngơi giúp kiểm soát cơn đau và dị cảm trong giai đoạn bệnh tiến triển. Trong thời gian này, có thể kết hợp dùng thuốc để kiểm soát bệnh nhanh chóng.
Sử dụng thuốc
Đa phần các loại thuốc được sử dụng trong điều trị đau thần kinh tọa là thuốc giảm triệu chứng. Một số loại thuốc hỗ trợ có thể được dùng để bảo vệ, tái tạo dây thần kinh nhằm ngăn chặn biến chứng. Ngoài ra, kháng sinh sẽ được cân nhắc sử dụng trong trường hợp nhiễm khuẩn.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị đau dây thần kinh tọa:
- Thuốc giảm đau thường dùng nhất là Paracetamol, có thể kết hợp với thuốc giảm đau gây nghiện nhẹ như Tramadol, Codeine trong trường hợp đau nhiều.
- Thuốc chống viêm, ưu tiên dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Có thể dùng corticoid ngắn ngày nếu không đáp ứng với NSAID.
- Thuốc giảm đau thần kinh bao gồm Pregabalin, Gabapentin,...
- Thuốc an thần, giãn cơ bao gồm Tetrazepam, Diazepam, Eperisone, Thiocolchicoside…
- Các loại thuốc hỗ trợ khác như vitamin nhóm 3B, vitamin B12 (Mecobalamin),...
- Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp đau thần kinh tọa có liên quan đến nhiễm trùng.
Ngoại trừ kháng sinh, các loại thuốc còn lại đều là thuốc giảm triệu chứng. Do đó, thuốc chỉ được khuyến khích dùng ngắn hạn để cải thiện tình trạng đau, dị cảm. Nên kết hợp thêm với các phương pháp không dùng thuốc để hạn chế tác dụng phụ do lạm dụng thuốc dài ngày.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu được kết hợp với sử dụng thuốc để làm giảm cơn đau. Ngoài ra, các kỹ thuật này còn hỗ trợ tăng tính linh hoạt cho cột sống và bảo tồn chức năng của chi dưới.
Các kỹ thuật vật lý trị liệu được cân nhắc cho bệnh nhân đau dây thần kinh tọa bao gồm:
- Ấn cột sống
- Kéo giãn cột sống
- Massage
- Xoa bóp bấm huyệt
- Ngâm nước ấm
- Đắp sáp nến (parafin nóng)
- Thể dục trị liệu
- Trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn
- Bài vật lý trị liệu chữa đau thần kinh tọa
Vật lý trị liệu có ưu điểm là an toàn, không tác dụng phụ. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp khá chậm và hạn chế hơn so với dùng thuốc. Để đạt kết quả như ý, cần phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài.
Các thủ thuật xâm lấn tối thiểu
Ngoài điều trị bằng thuốc, nhiều trường hợp đau thần kinh tọa phải can thiệp các thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Thủ thuật được chỉ định sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể:
- Tiêm ngoài màng cứng: Trường hợp đáp ứng kém với thuốc uống sẽ được cân nhắc tiêm glucocorticoid ngoài màng cứng để giảm viêm và đau. Tuy nhiên, do tiềm ẩn nhiều rủi ro nên kỹ thuật này chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết.
- Kỹ thuật chọc hút đĩa đệm qua da: Kỹ thuật này sử dụng kim chọc qua da đến trung tâm đĩa đệm nhằm loại bỏ một phần nhân nhầy bên trong. Thông qua đó làm giảm áp lực lên rễ thần kinh và các cơ quan xung quanh. Sau khi giải phóng rễ thần kinh, tình trạng đau thần kinh tọa sẽ được cải thiện đáng kể.
- Tiêm chymopapain vào đĩa đệm: Tiêm chymopapain giúp làm tan một phần đĩa đệm, từ đó làm giảm áp lực lên rễ thần kinh và dây chằng. Tương tự như kỹ thuật chọc hút đĩa đệm qua da, kỹ thuật này cũng có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa.
- Điều trị bằng sóng cao tần: Phương pháp này cũng được thực hiện khá phổ biến nhằm giải phóng chèn ép lên rễ thần kinh. Ưu điểm của phương pháp là mức độ xâm lấn thấp và giúp ích trong việc giảm triệu chứng đau thần kinh tọa cùng với tình trạng đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm gây ra.
- Kỹ thuật giảm áp đĩa đệm bằng laser: Kỹ thuật này sử dụng laser để làm bốc hơi một phần nhân nhầy, qua đó giảm áp lực bên trong đĩa đệm. Khi áp suất nội đĩa đệm giảm, mức độ chèn ép lên rễ thần kinh cũng sẽ giảm đi đáng kể. Đồng nghĩa với việc cơn đau ở thần kinh tọa và hiện tượng dị cảm cũng có những cải thiện nhất định.
Can thiệp ngoại khoa
Trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng hoặc thất bại khi điều trị bằng các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu sẽ được cân nhắc phẫu thuật. Can thiệp ngoại khoa cũng được chỉ định khi đã phát sinh các biến chứng như hội chứng chùm đuôi ngựa, hẹp ống sống thắt lưng, liệt chi dưới và trường hợp không có đáp ứng với điều trị nội khoa.
Hiện nay, các bệnh viện đều ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi ít xâm lấn để giảm nguy cơ xơ hóa sau phẫu thuật. Đa phần các trường hợp điều trị phẫu thuật đều có tỷ lệ thành công cao (khoảng 70 - 90%). Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ có thể cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa, không thể khắc phục đau thắt lưng dai dẳng do thoát vị đĩa đệm.
Điều trị nguyên nhân
Như đã đề cập, bệnh đau thần kinh tọa không chỉ xảy ra do thoát vị đĩa đệm mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Các trường hợp này thường sẽ được dùng thuốc kết hợp với điều trị nguyên nhân như dùng kháng sinh đồ, phẫu thuật loại bỏ khối u, hóa trị, xạ trị,...
Phòng ngừa
Đau thần kinh tọa có thể tái phát sau khi điều trị. Do đó, nên có kế hoạch phòng ngừa khoa học. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Tập thể dục đều đặn, nên lựa chọn các bài tập có cường độ phù hợp với thể trạng.
- Không nên đứng, ngồi quá lâu, thay đổi tư thế xấu, hạn chế khuân vác nặng.
- Kiêng rượu bia, thuốc lá.
- Xây dựng chế độ ăn khoa học, lành mạnh để duy trì cân nặng ở mức ổn định.
- Điều trị tích cực các bệnh lý liên quan đến cột sống, nhiễm trùng da, tiết niệu…
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?
2. Đau thần kinh tọa có chữa hết không?
3. Bệnh đau thần kinh tọa có kiêng quan hệ không?
4. Bị đau thần kinh tọa có nên mổ không? Khi nào nên phẫu thuật?
5. Đau thần kinh tọa nên ăn gì, kiêng gì?
6. Bị đau thần kinh tọa có nên đi bộ, đạp xe, tập yoga hay không?
7. Đau thần kinh tọa nên làm gì để cải thiện?
8. Bị đau thần kinh tọa cần kiêng gì trong sinh hoạt?
Bệnh đau thần kinh tọa thường là kết quả do thoát vị đĩa đệm ở vị trí L4-L5 hoặc L5-S1. Ngay khi phát hiện triệu chứng bất thường, nên thăm khám và điều trị tích cực để tránh biến chứng. Ngoài các phương pháp chuyên sâu, cần phải kết hợp với điều chỉnh lối sống để kiểm soát bệnh hiệu quả.
ĐỌC NGAY:
- 8 bài thuốc đông y chữa đau thần kinh tọa an toàn hiệu quả
- Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đau thần kinh tọa giúp mau hồi phục