Bệnh gù cột sống
Bệnh gù cột sống là một trong những vấn đề xương khớp gây biến dạng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người bệnh nghiêm trọng. Người bệnh có thể nhận biết các triệu chứng qua các thay đổi nhìn thấy bên ngoài. Trường hợp mức độ gù nặng, cột sống cong vẹo gây ra các biến chứng nặng nề.
Tổng quan
Bệnh gù cột sống hay gù lưng là hiện tượng cột sống bị biến dạng, trong đó có ít nhất 3 đốt sống liên tiếp bị gù thân đốt lớn hơn 5 độ. Cột sống bị cong vẹo khiến lưng biến dạng. Người bệnh có thể nhận biết bất thường thông qua cảm nhận, hình dạng cột sống hoặc qua kết quả chẩn đoán hình ảnh.
Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó người già, phụ nữ là nhóm đối tượng thường gặp nhất. Đối với người trẻ, thanh thiếu niên gặp phải hiện tượng gù cột sống thường có liên quan đến các dị tật bẩm sinh, biến dạng do chấn thương, va đập,...
Trường hợp bệnh nhân bị gù cột sống nhẹ có thể điều chỉnh bằng các biện pháp hỗ trợ, không cần can thiệp chuyên sâu. Tuy nhiên đối với tình trạng gù nặng, bệnh nhân bị đau nhức dữ dội, biến dạng cột sống cần được khám và điều trị y tế bằng biện pháp phù hợp, càng sớm càng tốt để ngăn chặn rủi ro.
Phân loại
Dựa vào mức độ gù cột sống, nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia chia bệnh lý này thành các nhóm chính bao gồm:
- Gù bẩm sinh: Trẻ em sinh ra đã gặp phải các biến dạng bất thường ở cột sống. Đây là tình trạng không quá phổ biến, bởi các bất thường về dị tật thai nhi có thể phát hiện thông qua thăm khám thai định kỳ. Ngoài ra, cũng có trường hợp các bất thường bắt đầu rõ nét sau khi chào đời khiến bé gặp khó khăn trong việc trưởng thành, cột sống cong vẹo ngày càng nặng khi trọng lượng cơ thể tăng lên.
- Gù tư thế: Đây là một dạng gù lưng xảy ra do các thói quen không lành mạnh trong đời sống gây ra. Nhất là hiện tượng ngồi, đứng không đúng tư thế. Để khắc phục người bệnh cần điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt, tập luyện các bài tập cần thiết nhằm cải thiện tư thế, giúp cột sống có điều kiện phục hồi tốt hơn.
- Gù Scheuermann: So với gù tư thế loại gù này có biểu hiện gù nặng, cứng khó nắn chỉnh. Dần dần các triệu chứng gù lưng trở nên nặng nề ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người bệnh. Dạng gù này có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt giới tính.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng gù cột sống. Người bệnh có thể bị gù do bẩm sinh, dị tật, do chấn thường,... Ngoài ra nhiều trường hợp gù lưng do bệnh, ảnh hưởng từ các biến chứng bệnh xương khớp khác. Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân cách khắc phục phù hợp.
Dưới đây là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến gù cột sống, bạn đọc lưu ý:
- Chấn thương, gãy cột sống: Đây là một trong những yếu tố gây gù lưng phổ biến. Cột sống bị chấn thương nặng không thể phục hồi hoàn toàn sau điều trị. Hiện tượng biến dạng, gù cột sống xảy ra khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày.
- Mật độ xương thấp, do loãng xương: Có thể nói một trong những yếu tố nguy cơ cao gây gù lưng có liên quan đến bệnh loãng xương, mật độ xương thấp. Khi đó, các đốt sống của người bệnh yếu hơn, dễ bị gãy lún gây biến dạng cột sống lưng.
- Bệnh xương thủy tinh: Những đối tượng mắc chứng xương thủy tinh có hệ thống xương khớp yếu, dễ gãy mặc dù chỉ tác động một lực vừa phải. Bệnh nhân có khả năng bị gãy xương, ảnh hưởng cột sống dẫn đến tình trạng gù lưng.
- Bệnh lý khác: Ngoài các bệnh lý kể trên, nhiều trường hợp gù cột sống được xác định có liên quan đến chứng loãng cơ xương, bệnh Paget, thoái hóa đĩa đệm hoặc nhiều vấn đề xương khớp khác. Trường hợp gù lưng bệnh lý cần phát hiện sớm và can thiệp điều trị chuyên sâu để phòng tránh rủi ro.
- Do ảnh hưởng thói quen: Người làm việc văn phòng, người thường xuyên đứng, ngồi,... có khả năng cao bị gù lưng nếu thực hiện tư thế sai trong thời gian dài. Đối với trường hợp sai lệch cột sống do ngồi đứng không đúng tư thế có thể phục hồi, điều chỉnh thông qua các giải pháp nắn chỉnh phù hợp.
- Ung thư: Đừng chủ quan khi nhận thấy cột sống xuất hiện điểm gù bất thường. Đây có thể là hệ quả của quá trình hóa trị, xạ trị điều trị ung thư cột sống. Các đốt sống trở nên yếu hơn, dễ gãy lún gây nên tình trạng gù cột sống bất thường.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Không quá khó để bệnh nhân phát hiện ra các bất thường ở khu vực cột sống lưng. Nhất là hiện tượng gù cột sống sẽ khiến cho cấu tạo cột sống bị biến dạng. Trong đó liên tiếp 3 đốt sống sẽ gù lên làm tổng thể cột sống, tướng đi, dáng ngồi của người bệnh khác biệt so với trạng thái bình thường.
Tùy mức độ gù cột sống ở mỗi người, mức độ biến dạng cột sống sẽ không giống nhau. Theo đó, người bệnh thường gặp các biểu hiện bất thường kể đến như:
- Nhận thấy biểu hiện lệch vai, hai bên vai không cân xứng, xương bả vai bị chênh nhau.
- Phần thân trên hơi có biểu hiện cúi về phía trước hoặc cuối thấp nhận thấy rõ.
- Một điểm trên cột sống lưng gù, nhô cao khác lạ, đặc biệt có thể quan sát rõ hơn khi người bệnh cúi người.
- Quan sát các vùng cơ phía sau đùi săn chắn hơn bình thường.
- Tình trạng gù lưng kèm theo các cơn đau nhức khó chịu, đau ngay cả khi nằm.
Người bệnh có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt như bình thường nếu gù lưng ở giai đoạn nhẹ. Tuy nhiên trường hợp gù lưng do chấn thương hoặc liên quan đến bệnh lý, bệnh nhân có thể gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các động tác cúi gập người, đi đứng, làm việc thường xuyên cảm thấy đau nhức.
Chẩn đoán
Bác sĩ đánh giá các thương tổn thực thể bệnh nhân đang gặp phải, quan sát mức độ gù trên lưng người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác thêm các thông tin liên quan đến bệnh lý, các chấn thương trước đó, thuốc đang dùng,... Sau đó, một số phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện mục đích củng cố kết quả chẩn đoán.
Bao gồm:
- Chụp X quang: Chẩn đoán hình ảnh, xác định mức độ cong cột sống, vị trí đốt sống bị biến dạng.
- Chụp CT scan: Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định chụp CT nhằm xác định vị trí, mức độ tổn thương cột sống.
- Chụp cộng hưởng từ: Phương pháp xác định được dấu hiệu nhiễm trùng, nhận diện có sự xuất hiện của khối u cột sống hay không.
- Xét nghiệm khác: Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm mật độ xương đối với trường hợp nghi ngờ loãng xương, xét nghiệm dẫn truyền thần kinh để xác định các xung động thần kinh từ tủy đến các chi.
Biến chứng và tiên lượng
Gù cột sống không chỉ khiến hình dạng cột sống, dáng đi bị thay đổi mà còn gây ra nhiều hệ lụy nếu người bệnh không kiểm soát sớm. Đặc biệt là trường hợp gù lưng liên quan đến bệnh lý hoặc các chấn thương cột sống lưng. Do đó, bệnh nhân được khuyên nên chủ động kiểm tra sớm nếu phát hiện bất thường ở cột sống.
Những đối tượng chủ quan có thể đối mặt với nhiều biến chứng, kể đến như:
- Ảnh hưởng lên hệ hô hấp: Người bệnh bị gù lưng nặng có thể khiến hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng do khối gù chèn ép, tăng áp lực lên phổi. Đường thở cũng gặp cản trợ làm người bệnh khó khăn khi điều hòa nhịp thở lúc đi, lúc ngồi.
- Giảm khả năng vận động: Người bị gù lưng nặng, cơ thể cúi thấp ảnh hưởng đến việc đi lại, quan sát phía trước. Các cơ cũng trở nên yếu hơn, người bệnh gặp khó khăn khi tham gia giao thông, cảm thấy đau nhức ngay cả khi nằm.
- Ảnh hưởng hệ thần kinh: Ngoài các vấn đề kể trên, bệnh nhận bị gù cột sống có thể gặp phải các vấn đề về thần kinh do sự chèn ép các dây thần kinh tủy sống xuất hiện. Lúc này các tín hiệu điều khiển dẫn truyền từ tủy sống đến các chi bị gián đoạn. Ngoài các biểu hiện bất thường ở tứ chi, người bệnh còn nhận thấy biểu hiện mất kiểm soát tiểu tiện, kích thích ruột,...
- Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: Tình trạng gù lưng nặng khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong quá trình tiêu hóa thức ăn, người cúi gập tăng rủi ro trào ngược dạ dày, khó khăn khi nuốt.
- Biến dạng cột sống: Gù lưng khiến người bệnh tự ti với thân hình, lưng càng tổn thương càng còng xuống thậm chí đòi hỏi người bệnh phải sử dụng nẹp hỗ trợ đi lại. Đặc biệt đối với người già, việc gù lưng có tiến triển nhanh bởi ảnh hưởng đồng thời với lão hóa xương khớp tự nhiên.
Ngoài các vấn đề đã đề cập, bệnh nhân còn có khả năng đối mặt với nhiều biến chứng khác. Người bệnh được khuyến khích nên đến gặp bác sĩ, kiểm tra tình trạng gù cột sống. Điều trị sớm, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ giúp bệnh nhân tránh được các rủi ro ảnh hưởng đời sống, sức khỏe.
Điều trị
Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị gù cột sống cho bệnh nhân. Tình trạng gù nặng được chỉ định áp dụng các biện pháp chuyên sâu để điều chỉnh hình dạng cột sống. Dưới đây là các phương pháp được áp dụng trong quá trình điều trị, chỉnh hình cột sống lưng:
Điều trị gù cột sống bằng thuốc:
Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân gù lưng nhằm giúp xoa dịu cơn đau, cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Tùy từng trường hợp thuốc được chỉ định tương ứng. Bệnh nhân không nên lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc bữa bãi.
Theo đó, người bệnh có thể được chỉ định dùng các loại như:
- Thuốc giảm đau: Thuốc có tác dụng giảm đau cột sống lưng, giảm đau do chèn ép dây thần kinh. Thuốc tân dược có tác dụng nhanh chóng, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp giảm đau tạm thời, không phải là phương án lâu dài. Người bệnh có thể sử dụng khi thấy đau, nhất là cơn đau nặng. Các loại thường được dùng như Acetaminophen, Ibuprofen, Naproxen Sodium,...
- Thuốc giảm đau gây nghiện: Thuốc được dùng cho nhóm đối tượng gù cột sống nặng, chèn ép dây thần kinh và có rủi ro phát sinh biến chứng. Thuốc có tác dụng mạnh hơn các thuốc giảm đau thông thường, tuy nhiên tác dụng phụ cũng nhiều hơn. Do đó, bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh trường hợp lạm dụng thuốc.
- Thuốc điều trị bệnh xương khớp: Ngoài hai nhóm thuốc giảm đau kể trên, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc điều trị bệnh xương khớp đang gặp phải ảnh hưởng gây gù lưng. Thuốc giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa rủi ro ảnh hưởng khiến tình trạng gù lưng trở nên nghiêm trọng hơn.
Điều chỉnh sai lệch bằng vật lý trị liệu
Giải pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng thường được áp dụng cho các trường hợp mắc bệnh xương khớp. Bác sĩ sẽ xây dựng chương trình luyện tập, kết hợp trị liệu bằng máy móc hiện đại hỗ trợ bệnh nhân phục hồi chức năng, ngăn nguy cơ gù lưng biến chứng.
Người bệnh nên luyện tập theo sự hướng dẫn, giám sát của bác sĩ để đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất. Kiên trì tập vật lý trị liệu, kết hợp xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt đều độ để góp phần thúc đẩy tiến độ phục hồi bệnh gù cột sống nhanh chóng và an toàn.
Chỉnh hình cột sống bằng phương pháp phẫu thuật
Chỉ định can thiệp ngoại khoa đối với những trường hợp gù cột sống nặng, có sự chèn ép lớn và nguy cơ biến chứng cao. Phương pháp tác động trực tiếp vào vị trí gù lưng, khắc phục nhanh chóng các vấn đề của người bệnh.
Tùy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật can thiệp hoặc tạm hoãn đến khi người bệnh đủ tiêu chuẩn để thực hiện. Các phương pháp phẫu thuật sẽ được cân nhắc, lựa chọn dựa trên tình trạng và mức độ gù cột sống.
Mặc dù mang lại hiệu quả nhanh, kịp thời khắc phục hiện tượng gù lưng, ngăn biến chứng thế nhưng giải pháp can thiệp ngoại khoa cũng tìm ẩn nhiều rủi ro. Người bệnh nên trực tiếp đến bệnh viện uy tín, tham khảo ý kiến bác sĩ, nghe tư vấn để có hướng lựa chọn phù hợp.
Phòng ngừa
Bệnh gù cột sống có thể xảy ra do ảnh hưởng từ các thói quen sinh hoạt hàng ngày hoặc do bệnh lý,... Việc chủ động phòng bệnh bảo vệ sức khỏe được các chuyên gia khuyến cáo hàng đầu. Nhằm phòng ngừa các rủi ro không mong muốn, bạn nên tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và người thân. Một vài lưu ý như sau:
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, ăn những thực phẩm lành mạnh, thực phẩm có lợi cho xương khớp. Hạn chế ăn những đồ ăn chứa dầu mỡ quá nhiều, đồ chế biến sẵn, chứa thành phần chất bảo quản,...
- Xây dựng thói quen sống lành mạnh, tập luyện thể dục vừa sức, phù hợp với thể trạng. Vận động cơ thể mang lại nhiều lợi ích, giúp máu huyết lưu thông tốt hơn, giảm thiểu rủi ro cứng cơ, loãng xương hay lão hóa sớm.
- Tránh sử dụng nhiều rượu bia, đồ uống chứa cồn, thuốc lá,... những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe nên chủ động tránh xa.
- Điều chỉnh thói quen ngồi học tập, làm việc, duy trì tư thế đúng. Hạn chế cúi quá sát mặt bàn, màn hình máy tính, điện thoại,...
- Tránh mang vác đồ vật quá nặng so với trọng lượng cơ thể, hạn chế cúi người, khom người thường xuyên. Lựa chọn những bài thể dục, môn thể thao phù hợp, vừa sức, tránh tập luyện quá sức, thực hiện các động tác khó không đúng kỹ thuật dễ chấn thương, ảnh hưởng cột sống lưng.
- Trường hợp lưng gù, thoái hóa có thể sử dụng đai lưng để hỗ trợ, phòng tránh trường hợp tình trạng gù trở nên nghiêm trọng hơn.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gù cột sống của tôi gặp phải là gì?
2. Tôi có thể dựa vào các triệu chứng gì để nhận biết gù cột sống?
3. Các xét nghiệm gì tôi cần thực hiện để chẩn đoán bệnh gù cột sống?
4. Tôi sẽ gặp những rủi ro gì nếu trì hoãn điều trị gù cột sống?
5. Khi nào tôi cần phải phẫu thuật cột sống? Có rủi ro gì không?
6. Tôi cần dùng thuốc điều trị trong bao lâu? Có chữa dứt điểm bệnh không?
7. Sau phẫu thuật tôi nên làm gì để sớm phục hồi chức năng cột sống?
8. Những vấn đề nào tôi cần tránh để ngăn gù cột sống tái phát?
Bệnh gù cột sống là tình trạng xương khớp nhiều người đang gặp phải. Không chỉ xuất hiện phổ biến ở người già, hiện nay chứng bệnh này có thể xảy ra cả với người trẻ tuổi. Bạn cần chủ động phòng tránh các vấn đề xương khớp, bảo vệ cơ thể để ngăn chặn rủi ro bị gù cột sống.