Bệnh Vẹo Cột Sống

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh vẹo cột sống thường khởi phát vô căn ở thanh thiếu niên. Phần lớn trường hợp đều bị vẹo nhẹ nên chỉ khoảng 10% cần can thiệp điều trị. Tùy vào độ tuổi, mức độ cong vẹo cột sống và nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bảo tồn hoặc can thiệp ngoại khoa.

Tổng quan

Bệnh vẹo cột sống (Scoliosis) là tình trạng các đốt sống bị cong vẹo sang trái hoặc phải một cách bất thường gây mất cân bằng vùng thân trên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt phổ biến ở thanh thiếu niên. Người cao tuổi bị vẹo cột sống thường là do ảnh hưởng của quá trình thoái hóa.

bệnh vẹo cột sống
Bệnh vẹo cột sống là tình trạng các đốt sống nghiêng sang trái, phải một cách bất thường

Cột sống được xem là trụ nâng đỡ phần trên cơ thể với tổng cộng 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng và 5 đốt sống cùng. Các đốt sống được kết nối với nhau thông qua đĩa đệm tạo nên giá đỡ vững chắc.

Cột sống bình thường sẽ hơi ưỡn nhẹ ở phần trước cổ, lồi ra phía sau ở vùng ngực và đốt sống cùng - xương cụt. Đồng thời phần đốt sống thắt lưng thường ưỡn nhẹ ra phía trước. Đường cong sinh lý sẽ giúp cột sống linh hoạt hơn trong các tư thế như đứng, ngồi, cúi gập, xoay người.

Vẹo cột sống được xác định cột sống bị cong sang bên trái, bên phải nhiều hơn 10 độ. Khi cột sống không nằm ở vị trí cân bằng, tư thế đứng sẽ bị lệch vẹo rất dễ nhận biết. Vẹo cột sống cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu chủ quan, tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng bên trong, ảnh hưởng đến khả năng vận động và gây ra nhiều biến chứng khác.

Phân loại bệnh

Có khá nhiều cách phân loại bệnh vẹo cột sống. Dưới đây là một số cách phân loại phổ biến nhất hiện nay:

bệnh vẹo cột sống triệu chứng
Vẹo cột sống được chia thành nhiều loại dựa vào độ tuổi, đường cong cột sống, rối loạn cấu trúc

Theo lứa tuổi:

  • Vẹo cột sống ấu nhi (0.5%): Là tình trạng cột sống cong vẹo ở trẻ từ 0 - 3 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do bẩm sinh.
  • Vẹo cột sống thiếu nhi (10.5%): Xảy ra ở trẻ từ 4 - 11 tuổi.
  • Vẹo cột sống vị thành niên (89%): Gặp trong giai đoạn từ 10 - 17 tuổi.
  • Vẹo cột sống ở người trưởng thành (ít gặp)

Theo rối loạn cấu trúc:

  • Vẹo cột sống cấu trúc: Là tình trạng cột sống cong vẹo đi kèm với hiện tượng xoay của các đốt sống và sự thay đổi về cấu trúc. Đây là dạng thường gặp bao gồm nhiều nguyên nhân khác nhau như viêm cột sống tự phát (75 - 80%), do biến dạng cột sống bẩm sinh, u xơ thần kinh, chấn thương, loạn dưỡng xương sụn, còi xương…
  • Vẹo cột sống không cấu trúc: Là tình trạng cột sống bị cong vẹo nhưng không có thay đổi về cấu trúc và đốt sống không bị xoay. Vẹo cột sống không cấu trúc thường do đau thần kinh tọa, ngồi sai tư thế và độ dài hai chân không bằng nhau. Dạng này có thể hồi phục trong khi vẹo cột sống cấu trúc không có khả năng phục hồi.

Phân loại theo đường cong cột sống:

  • Vẹo cột sống chữ C: Vẹo cột sống chữ C là tình trạng đốt sống ở vùng ngực lệch sang một bên tạo thành hình C. Trong đó, cột sống lệch sang bên phải tạo thành hình chữ C ngược là dạng thường gặp nhất.
  • Vẹo cột sống hình chữ S: Là tình trạng cột sống cong vẹo tạo thành hình chữ S. Hiện tượng cong thường xuất hiện ở đốt sống ngực và đốt sống thắt lưng có xu hướng cong nhẹ theo hướng ngược lại tạo thành hình chữ S.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Vẹo cột sống gặp chủ yếu ở thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi. Thống kê cho thấy, khoảng 3 - 4% thanh thiếu niên ở Mỹ mắc chứng bệnh này. Tỷ lệ người trưởng thành từ 25 - 74 tuổi bị vẹo cột sống chiếm 8.3% (thường tiến triển từ vẹo cột sống bẩm sinh, tự phát vô căn ở giai đoạn thanh thiếu niên).

Nguy cơ mắc bệnh không có sự chênh lệch ở cả nam và nữ. Tuy nhiên ở giai đoạn thanh thiếu niên, trẻ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân chủ yếu gây vẹo cột sống là vô căn và chỉ có một số ít trường hợp có nguyên nhân cụ thể. Dưới đây là một số nguyên nhân, yếu tố có thể gây ra bệnh lý này:

Bẩm sinh

Vẹo cột sống có thể là tình trạng bẩm sinh. Những bất thường ở cột sống được hình thành trong thai kỳ và trẻ được sinh ra với cột sống nghiêng sang trái, sang phải quá mức. Khoảng 1 trên 10.000 trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng này.

Ban đầu, rất khó có thể phát hiện vẹo cột sống bẩm sinh (trừ những trường hợp vẹo quá nặng). Trẻ bị vẹo cột sống bẩm sinh thường đi kèm với các dị tật bất thường như bàng quang và thận.

Vô căn

Khoảng 80 - 90% trường hợp vẹo cột sống là vô căn. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở thanh thiếu niên.

Nguyên nhân cong vẹo cột sống
Phần lớn các trường hợp cong vẹo cột sống đều không có nguyên nhân cụ thể (vô căn)

Nguyên nhân thần kinh - cơ

Nguyên nhân thần kinh - cơ có thể gây ra vẹo cột sống cấu trúc và không cấu trúc. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm lệch chiều dài chi dưới, loạn dưỡng cơ, bại liệt, bại não, trật khớp háng bẩm sinh…

Do ảnh hưởng của các hội chứng

Bệnh vẹo cột sống đôi khi là hậu quả của các hội chứng như hội chứng hội chứng Ehlers Danlos, hội chứng Marfan…

Thoái hóa cột sống

Theo thời gian, cột sống sẽ bị thoái hóa dẫn đến những thay đổi về cấu trúc và giải phẫu. Thoái hóa cột sống không được điều trị, can thiệp có thể tiến triển gây hình thành gai xương, dính khớp, xẹp đĩa đệm. Tất cả những yếu tố này đều khiến đốt sống lệch, vẹo ra khỏi vị trí cân bằng.

Các nguyên nhân khác

  • Biến chứng sau phẫu thuật cột sống
  • Chấn thương
  • Yếu liệt chi dưới
  • Co rút phần mềm do bỏng
  • Còi xương
  • Trượt đốt sống
  • Sai tư thế trong một thời gian dài

Mặc dù nguy cơ mắc bệnh không có sự chênh lệch ở cả nam và nữ nhưng vẹo cột sống có xu hướng tiến triển ở trẻ nữ. Do đó, đa phần các trường hợp cần can thiệp đều là nữ giới.

Triệu chứng và chẩn đoán

Vẹo cột sống là tình trạng khá phổ biến nhưng hầu hết đều không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên, có khoảng 10% cần phải điều trị bảo tồn và 0.1 - 0.3% trường hợp sẽ phải phẫu thuật chỉnh hình. Phát hiện sớm sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt kết quả tốt, tối ưu thời gian và chi phí.

nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống
Bệnh vẹo cột sống thường không có triệu chứng rõ ràng mà chỉ gây mất cân bằng, lệch vẹo thân trên

Các dấu hiệu nhận biết bệnh vẹo cột sống:

  • Hai vai mất cân xứng, thường lệch hẳn sang một bên và xương bả vai một bên nhô cao hơn bên còn lại.
  • Một tay bị ép sát vào thân hơn so với tay còn lại.
  • Lệch khung chậu.
  • Thân lệch và có thể quan sát đường cong của cột sống bị lệch rõ rệt.
  • Vẹo cột sống có thể gây đau nhức ở một số trường hợp.

Nhìn chung, triệu chứng của bệnh vẹo cột sống thường nghèo nàn và khó phát hiện. Cách duy nhất để phát hiện là quan sát tư thế đứng sẽ nhận thấy sự mất cân đối rõ rệt.

Bệnh vẹo sống làm cản trở quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt có thể ảnh hưởng đến khả năng tuần hoàn và bộ máy hô hấp. Vì vậy, ngay khi phát hiện sự cong vẹo bất thường ở cột sống, cần thăm khám sớm để được điều trị.

Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi tuổi, tiền sử gia đình, triệu chứng gặp phải… Nếu đang trong độ tuổi 10 - 19 tuổi, vẹo cột sống sẽ được cân nhắc đầu tiên. Sau khâu hỏi bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện các bước chẩn đoán chuyên sâu:

nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống
Chẩn đoán bệnh vẹo cột sống sẽ dựa vào khám lâm sàng và chụp X-Quang

  • Đánh giá tư thế: Đánh giá tư thế là bước quan trọng trong chẩn đoán bệnh vẹo cột sống. Bác sĩ sẽ quan sát tư thế đứng, sau đó dùng dây dọi để kiểm tra xem cột sống có bị lệch hay không. Adam test sẽ được thực hiện để đánh giá tình mềm dẻo của đường cong cột sống. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu một số kỹ thuật khác để đánh giá sức mạnh cơ, đo chiều dài hai chi dưới, khả năng giữ thăng bằng…
  • Chụp X-Quang: X-Quang là phương pháp có giá trị trong chẩn đoán bệnh vẹo cột sống. Trong trường hợp này bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-Quang thẳng, nghiêng toàn bộ cột sống để xác định vị trí vẹo và độ xoay, độ cong của cột sống.
  • MRI: MRI - Chụp cộng hưởng từ được thực hiện trong trường hợp có tổn thương thần kinh.
  • Thăm dò chức năng hô hấp: Thăm dò chức năng hô hấp có thể đánh giá mức độ nặng của bệnh vẹo cột sống. Nếu cột sống bị cong vẹo sống, dung tích phổi toàn bộ sẽ giảm đáng kể.

Các phương pháp trên sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ vẹo cột sống. Đây là bước quan trọng để đưa ra quyết định có can thiệp điều trị hay không.

  • Vẹo nhẹ: Vẹo nhẹ được xác định khi vị trí cột sống bị cong dao động từ 10 - 20 độ.
  • Vẹo trung bình: Là tình trạng cột sống cong vẹo từ 20 - 50 độ.
  • Vẹo nặng: Được xác định khi độ cong lớn hơn 40 - 50 độ. Ở mức độ này, không chỉ tư thế mà chức năng tim phổi đều suy giảm và tuổi thọ của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Biến chứng và tiên lượng

Vẹo cột sống có tiến triển âm thầm và không có triệu chứng điển hình. Vì vậy, chỉ có khoảng 20% trường hợp được chẩn đoán. Nhìn chung, vẹo cột sống thường ở mức độ nhẹ nên không nhất thiết phải điều trị và trên thực tế, chỉ có khoảng 10% cần can thiệp y học - đặc biệt là vẹo cột sống gặp ở nữ giới trong giai đoạn thanh thiếu niên.

Khoảng 10% trường hợp sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn và rất ít trường hợp phải phẫu thuật (khoảng 0.1 - 0.3%). Nếu được điều trị kịp thời, tình trạng cong vẹo cột sống sẽ được cải thiện đáng kể. Cột sống trở lại trạng thái sinh lý, đồng thời giải phóng chèn ép dây thần kinh và bảo toàn chức năng hô hấp, tuần hoàn.

Vẹo cột sống không được điều trị sẽ khiến cột sống bị biến dạng nặng. Nếu khởi phát sớm, bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của hệ xương khớp - đặc biệt là chiều cao. Bên cạnh đó, cột sống cong vẹo nặng còn làm giảm thể tích phổi, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và tuần hoàn. Khả năng vận động bị hạn chế, khó cúi gập và xoay người.

Vẹo cột sống có thể gây đau lưng âm ỉ, dai dẳng. Dù mức độ đau không nhiều nhưng cũng làm giảm đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, cột sống gù vẹo còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý.

Những người bị vẹo cột sống bẩm sinh, vẹo cột sống ở giai đoạn thanh thiếu niên… không được điều trị sẽ gia tăng nguy cơ thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa. Các bệnh lý cột sống không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng lâu dần sẽ làm giảm tuổi thọ. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng, đem lại sự cân bằng cho cột sống.

Điều trị

Như đã đề cập, đa phần các trường hợp vẹo cột sống đều không cần can thiệp điều trị. Chỉ một số ít trường hợp có chỉ định điều trị bảo tồn và rất hiếm trường hợp phải can thiệp phẫu thuật. Chỉ định điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân, độ tuổi, mức độ vẹo, ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Các phương pháp được cân nhắc cho bệnh nhân vẹo cột sống bao gồm:

Theo dõi

Phần lớn các trường hợp bị vẹo cột sống đều không có chỉ định điều trị. Nếu độ cong vẹo của cột sống dưới 20 độ, điều trị được cho là không cần thiết. Bệnh nhân chỉ cần tái khám định kỳ 6 tháng/ lần để đánh giá mức độ tiến triển và phát hiện sớm biến chứng (nếu có).

điều trị vẹo cột sống
Trường hợp vẹo cột sống nhẹ không cần điều trị nhưng cần tái khám định kỳ để theo dõi

Trường hợp vẹo không tiến triển sau 2 - 3 tháng thường có tiên lượng tốt. Ngược lại nếu vẹo tiến triển nhanh, bệnh nhân sẽ phải sử dụng nẹp hoặc can thiệp phẫu thuật.

Đặc biệt, trường hợp vẹo cột sống xuất hiện trước tuổi xương ngừng lớn cần phải được theo dõi sát sao. Tránh trường hợp vẹo tiến triển gây tàn phế, giảm chức năng hô hấp, tuần hoàn.

Nếu phát hiện sớm, cong vẹo cột sống mức độ nhẹ và trung bình có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi tư thế, thực hiện các bài tập hỗ trợ. Đây được xem là giai đoạn vàng để điều chỉnh vẹo cột sống, đảm bảo cột sống phát triển thuận lợi và ổn định.

Điều trị nguyên nhân

Với vẹo cột sống có nguyên nhân cụ thể, có thể điều trị nguyên nhân để ngăn chặn bệnh tiến triển. Sau khi điều chỉnh nguyên nhân, cột sống cong nhẹ có thể trở về trạng thái sinh lý bình thường.

Các phương pháp điều trị được cân nhắc:

  • Trường hợp vẹo cột sống do chiều dài chi dưới không bằng nhau có thể điều chỉnh độ cao của đế giày, dép nhằm tạo sự cân bằng cho xương chậu. Theo thời gian, cột sống sẽ được điều chỉnh trở lại trạng thái cân bằng.
  • Điều chỉnh tư thế, đặc biệt là tư thế ngồi nhằm ngăn chặn vẹo tiến triển.

Đeo áo nẹp chỉnh hình vẹo cột sống

Độ cong vẹo của cột sống dao động từ 20 - 40 độ và một số trường hợp dưới 50 độ sẽ được cân nhắc đeo áo nẹp chỉnh vẹo. Phương pháp này có hiệu quả làm ngừng tiến triển của đường cong cột sống nhưng không có hiệu quả điều chỉnh vẹo cột sống.

điều trị vẹo cột sống
Đeo nẹp chỉnh hình được thực hiện nhằm ngăn chặn vẹo cột sống tiến triển

Nếu vẹo cột sống xảy ra ở đoạn ngực trên, bệnh nhân sẽ được sử dụng nẹp Milwaukee. Nẹp nhựa (Boston) sẽ được áp dụng cho những trường hợp vẹo cột sống ngực - thắt lưng dưới đốt sống T8.

Tập luyện

Tập luyện được khuyến khích cho tất cả trường hợp vẹo cột sống. Phương pháp này không có tác dụng nắn chỉnh cột sống và cũng không thể làm chậm tiến triển bệnh. Tuy nhiên, tập luyện sẽ hỗ trợ hiệu quả của áo nẹp chỉnh hình. Đồng thời cải thiện và duy trì khả năng vận động của cột sống.

điều trị bệnh vẹo cột sống
Bệnh nhân vẹo cột sống nên thực hiện một số bài tập để giảm đau và tăng cường khả năng vận động

Các bài tập được khuyến khích cho bệnh nhân vẹo cột sống bao gồm:

  • Các bài tập kéo giãn: Các bài tập kéo giãn rất tốt cho bệnh nhân có các vấn đề về cột sống. Đối với vẹo cột sống, các bài tập này giúp kéo giãn đốt sống bị cứng, giảm chèn ép dây thần kinh và các cơ xung quanh.
  • Các bài tập tăng cường sức mạnh cơ: Vẹo cột sống gây yếu cơ lưng, bụng, cơ thân. Vì vậy, bệnh nhân sẽ được khuyến khích thực hiện các bài tập làm mạnh cơ nhằm cải thiện khả năng vận động.
  • Hít thở sâu: Vẹo cột sống không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn tác động tiêu cực đến chức năng hô hấp. Hít thở sâu nên được thực hiện hằng ngày để tránh tình trạng khó thở, hơi thở ngắn. Ngoài hít thở sâu, bệnh nhân nên thực hiện bài tập thở hoành để tăng thể tích phổi và gia tăng lượng oxy trong cơ thể.

Kích thích điện

Kích thích điện được chỉ định trong trường hợp vẹo cột sống mức độ trung bình. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt điện cực trên các xương sườn để kích thích co các cơ trên thân mình. Qua đó tạo ra lực nhằm điều chỉnh đường cong của cột sống.

Phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống

Khoảng 0.1 - 0.3% trường hợp được chỉ định phẫu thuật. Can thiệp ngoại khoa thường được cân nhắc trong trường hợp vẹo cột sống nặng (40 - 50 độ). Hiện nay, phẫu thuật Harrington là phương pháp phổ biến nhất cho bệnh nhân vẹo cột sống. Các phương pháp khác như Halm-Zielke, Luque, Cotrel-Dubousset (CD)… cũng được cân nhắc.

điều trị bệnh vẹo cột sống
Phẫu thuật thường được chỉ định trong trường hợp vẹo cột sống nặng

Phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống giúp giảm độ cong, cải thiện tình trạng cong vẹo một cách bất thường. Những phẫu thuật này tương đối phức tạp, chi phí cao nên chỉ được cân nhắc thực hiện trong một số trường hợp cần thiết.

Phòng ngừa

Phần lớn các trường hợp vẹo cột sống là vô văn nên đôi khi không thể phòng ngừa bệnh hoàn toàn. Dù vậy, vẫn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Vẹo cột sống đặc biệt phổ biến ở giai đoạn 10 - 19 tuổi. Do đó, nhà trường cần tổ chức các buổi thăm khám định kỳ để sàng lọc cho học sinh.
  • Phát triển hệ thống y tế học đường để phát hiện sớm vẹo cột sống.
  • Giáo dục trẻ ngồi, đứng đúng tư thế.
  • Tập thể dục thường xuyên, năng vận động để đảm bảo sự phát triển của hệ thống xương khớp.
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhất là trong giai đoạn phát triển.
  • Phát hiện sớm tình trạng hai chân không bằng nhau. Tránh để tình trạng kéo dài gây lệch vẹo cột sống.
  • Quản lý bệnh thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa… để tránh biến chứng vẹo cột sống.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh vẹo cột sống?

2. Vì sao tôi/ con tôi bị vẹo cột sống?

3. Tình trạng của tôi/ con tôi có nghiêm trọng không?

4. Phương pháp nào tốt nhất cho tình trạng hiện tại?

5. Vẹo cột sống có nhất thiết phải phẫu thuật?

6. Phẫu thuật vẹo cột sống có nguy hiểm không? Phải ở lại bệnh viện trong thời gian bao lâu?

7. Bị vẹo cột sống có phải tái khám thường xuyên không?

Bệnh vẹo cột sống là một dạng biến dạng cột sống thường gặp ở độ tuổi học đường. Không chỉ cản trở khả năng vận động, bệnh để lại nhiều di chứng và ảnh hưởng đến cả khía cạnh thẩm mỹ - tâm lý. Chính vì vậy, cần nâng cao kiến thức về vẹo cột sống để kịp thời phát hiện và điều trị.