Bệnh Thoát Vị Đĩa Đệm
Bệnh thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau lưng kéo dài, tê bì các chi, mất cảm giác, teo cơ hoặc thậm chí là tàn phế ở nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tránh được các triệu chứng cùng biến chứng nguy hiểm nếu chẩn đoán sớm và tích cực trong điều trị.
Tổng quan
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý được chẩn đoán khi có hiện tượng nhân nhầy nằm trong bao xơ đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu gây chèn ép lên tủy sống cùng dây thần kinh nằm ở khu vực lân cận. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một hay nhiều đĩa đệm cùng lúc nhưng thường gặp nhất là ở đĩa đệm cột sống cổ và đốt sống thắt lưng.
Theo cấu trúc bình thường của cột sống, khoảng giữa các đốt sống đều có một đĩa đệm giống như một chiếc cầu nối. Bên trong mỗi đĩa đệm là phần nhân nhầy được tạo thành từ các sợi collagen có tính chất đàn hồi cùng khả năng chịu lực tốt, được bao bọc và bảo vệ bằng một lớp bao xơ. Khi lớp bao xơ đĩa đệm bị tổn thương, nứt, rách, nhân nhầy sẽ trượt ra khỏi vị trí ban đầu dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
Bệnh thoát vị đĩa đệm xảy ra phổ biến nhất ở người lao động nặng nhọc, có tiền sử bị chấn thương, tai nạn hoặc các trường hợp bị béo phì. Lúc này, phần nhân nhầy bị lệch ra ngoài có thể chèn ép lên dây thần kinh hoặc làm thu hẹp không gian ống tủy sống khiến người bệnh đau đớn, gặp khó khăn khi cử động cột sống cùng nhiều triệu chứng khó chịu khác.
Trường hợp không được kiểm soát và điều trị tốt, bệnh còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn bài tiết, teo cơ, thậm chí là tàn phế suốt đời.
Phân loại bệnh
Bệnh thoát vị đĩa đệm được chia thành nhiều loại căn cứ vào các yếu tố như giai đoạn bệnh, vị trí bị thoát vị đĩa đệm hay mức độ chèn ép của nhân nhầy thoát vị.
Theo giai đoạn phát triển của bệnh:
- Giai đoạn I: Đĩa đệm bị phình và có sự biến dạng ở nhân nhầy.
- Giai đoạn II: Đĩa đệm có dấu hiệu bị lồi, rách toàn bộ chiều dày vòng xơ hay rách một phần. Nhân nhầy vẫn còn nằm trong bao xơ nhưng phồng to.
- Giai đoạn III: Rách bao xơ hoàn toàn khiến cho nhân nhầy tràn ra ngoài. Tuy nhiên, chúng vẫn còn nằm chung một khối nhưng phần nhân nhầy đĩa đệm đã chèn ép vào thần kinh. Giai đoạn này còn được gọi là thoát vị đĩa đệm thực thụ.
- Giai đoạn IV: Nhân nhầy thoát ra ngoài hoàn toàn và tách ra khỏi đĩa đệm. Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh và được y học gọi là thoát vị đĩa đệm có mảnh rời.
Phân loại theo vị trí bị ảnh hưởng:
- Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
- Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và ngực
- Thoát vị đĩa đệm đốt sống ngực
- Thoát vị đĩa đệm cột sống lưng - ngực
- Thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng
- Thoát vị đĩa đệm dưới dây chằng dọc sau
- Thoát vị đĩa đệm qua dây chằng dọc sau
- Thoát vị đĩa đệm di trú
- Thoát vị đĩa đệm cột sống đa tầng.
Theo mức độ chèn ép vào tủy sống và dây thần kinh:
- Thoát vị đĩa đệm trung tâm: Nhân nhầy thoát ra và trực tiếp chèn ép lên tủy sống.
- Thoát vị đĩa đệm cạnh trung tâm: Cả tủy sống và rễ thần kinh đều bị chèn ép
- Thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh trái hay phải.
Nguyên nhân & Yếu tố nguy cơ
Nhiều yếu tố đã được xác định là nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đôi khi bệnh có thể phát triển vì nhiều nguyên nhân kết hợp.
- Vận động sai tư thế: Thường xuyên ngồi gù lưng, mang vác vật nặng không đúng cách, làm việc quá sức hay sai tư thế khi chơi thể thao đều là những thói quen có thể gây tổn thương đĩa đệm cột sống.
- Béo phì: Cân nặng dư thừa sẽ làm tăng áp lực lên khung xương của bạn, nhất là cột sống và đĩa đệm. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho bao xơ đĩa đệm dễ bị tổn thương, nứt rách và làm phần nhân nhầy bên trong dễ dàng thoát ra ngoài.
- Tuổi tác: Cùng với các bộ phận khác trên cơ thể, đĩa đệm cũng bị lão hóa dần theo tuổi tác, mất đi độ đàn hồi, khô dần và dễ bị thoát vị.
- Chấn thương: Đĩa đệm có thể bị rách bao xơ và không còn giữ được nhân nhầy bên trong nằm đúng vị trí khi gặp chấn thương.
- Tính chất nghề nghiệp: Một số nghề đòi hỏi phải đứng lâu, ngồi nhiều, thường xuyên cúi gập người, khuân vác đồ nặng hay vặn mình... Tất cả đều gây áp lực liên tục lên cột sống và trở thành mầm mống phát triển bệnh thoát vị đĩa đệm cổ hay thoát vị đĩa đệm cột sống lưng.
- Các thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày: Lạm dụng nhiều bia rượu, ít vận động, nằm ngủ với gối quá cao, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng,... Tất cả đều gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống và làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm.
- Các nguyên nhân khác: Cột sống yếu bẩm sinh, có tiền sử bị thoái hóa đốt sống,... Ngoài ra, các trường hợp từng mổ thoát vị đĩa đệm trước đây cũng rất dễ mắc bệnh ở đốt sống liền kề.
Triệu chứng & Chẩn đoán
Các dấu hiệu, triệu chứng có thể gặp khi bị thoát vị đĩa đệm bao gồm:
- Đau nhức cột sống ở khu vực có khối thoát vị. Cơn đau có thể lan rộng ra xung quanh đến các chi hoặc gây đau đầu, đau mỏi vai gáy, hốc mắt.
- Tê bì, nhức mỏi chi trên hoặc chi dưới tùy theo khu vực rễ thần kinh bị chèn ép.
- Khó khăn, hạn chế khi vận động cột sống và cả tay chân.
- Suy yếu cơ hoặc teo cơ do đĩa đệm chèn ép vào tủy sống.
- Có cảm giác châm chích như kiến bò xuất hiện ở vùng thắt lưng hoặc tay chân.
- Các triệu chứng khác có thể gặp: khó thở, rối loạn đại tiểu tiện, đau nhức lồng ngực ở một bên, cứng cột sống, mất cảm giác...
Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ có thể dựa vào một số xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm. Chẳng hạn như chụp X-quang quy ước, chụp MRI hay chụp CT Scanner kết hợp chụp bao rễ cản quang.
Biến chứng & Tiên lượng
Bệnh thoát vị đĩa đệm tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là khi không được điều trị sớm và đúng cách. Không chỉ mang lại những cơn đau và gây khó khăn cho việc vận động, bệnh còn phát sinh các biến chứng như:
- Hội chứng rối loạn bài tiết, mất tự chủ khi đại tiện, tiểu tiện.
- Tổn thương dây thần kinh dẫn đến các cơn đau cục bộ xuất hiện thường xuyên với cường độ mạnh.
- Teo cơ ở các chi, yếu tay chân
- Rối loạn cảm giác, nóng lạnh bất thường hoặc mất cảm giác hoàn toàn.
- Hội chứng đau khập khễnh cách hồi. Bệnh nhân không thể kiểm soát được hoạt động, phải dừng lại nghỉ ngơi dù mới chỉ di chuyển được vài bước.
- Bại liệt, tàn phế, tay chân mất khả năng vận động và nghiêm trọng hơn là phải nằm im một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân phải dựa vào người khác.
Mặc dù thoát vị đĩa đệm có nhiều biến chứng nhưng bệnh nhân không nên lo lắng quá mức. Hãy tích cực phối hợp với bác sĩ trong quá trình điều trị để kiểm soát và giảm thiểu tác hại do bệnh gây ra.
Điều trị
Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm được khuyến cáo nên nằm nghỉ ngơi trên giường trong khoảng 1 - 2 ngày trong thời gian bị đau nặng. Có thể kết hợp chườm lạnh, chườm nóng, massage, tấm nước ấm hay làm vật lý trị liệu để giảm nhẹ cơn đau, khôi phục chức năng vận động.
Một số phương pháp chuyên sâu cũng được bác sĩ chỉ định để điều trị thoát vị đĩa đệm như:
Dùng thuốc chữa bệnh thoát vị đĩa đệm:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Acetaminophen, Ibuprofen, Naproxen sodium,...
- Thuốc kháng viêm, giảm đau đường tiêm Steroid.
- Thuốc giảm đau Opioid: Thường được chỉ định là Codeine, Roxicet,... Nhóm thuốc này có thể gây nghiện khi lạm dụng quá mức. Vì vậy bệnh nhân chỉ được kê đơn thuốc Opioid khi không đáp ứng được với các loại thuốc giảm đau thông thường khác.
XEM THÊM: 5 bài thuốc đắp chữa thoát vị đĩa đệm theo dân gian
Cách điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm bằng ngoại khoa:
Phẫu thuật được đề nghị cho các trường hợp đã được điều trị bằng phương pháp bảo tồn từ 4 - 6 tuần nhưng các triệu chứng bệnh không thuyên giảm. Ca mổ được thực hiện nhằm mục đích giải phóng áp lực chèn ép cho rễ thần kinh và tủy sống, giảm đau, phục hồi chức năng vận động và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Các kỹ thuật mổ thoát vị đĩa đệm đang được áp dụng rộng rãi gồm:
- Mổ hở
- Vi phẫu
- Nội soi
- Hợp nhất cột sống
- Thay đĩa đệm nhân tạo.
Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đề nghị một phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm thích hợp cho mỗi cá nhân. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để được tư vấn thêm nhằm hiểu rõ hơn về căn bệnh mình đang mắc phải.
Phòng ngừa
Duy trì một lối sống lành mạnh và vận động đúng cách có thể giúp bạn giảm được nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm. Hãy tích cực áp dụng những phương pháp ngăn ngừa đơn giản dưới đây để tránh được những phiền toái mà căn bệnh này mang lại.
- Tăng cường các thực phẩm giàu dưỡng chất trong thực đơn, nhất là thức ăn chứa nhiều vitamin D và canxi để xương cột sống chắc khỏe hơn. Điều này giúp hạn chế được tình trạng chấn thương ở bao xơ đĩa đệm để phần nhân nhầy luôn được giữ ở vị trí bình thường.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường chuyển hóa các dưỡng chất có lợi và giúp cột sống dẻo dai, vận động linh hoạt. Hãy lựa chọn các bài tập phù hợp với tuổi tác và thể trạng của bản thân bạn. Đừng cố gắng tập luyện quá sức hoặc thực hành bừa bãi, không đúng tư thế dẫn tới thoát vị đĩa đệm.
- Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh, lý tưởng và hài hòa với vóc dáng. Tránh để thừa cân, béo phì khiến các đĩa đệm cột sống phải gánh chịu nhiều áp lực và phát sinh vấn đề.
- Ngồi với tư thế thẳng lưng khi học tập, làm việc và đứng dậy đi lại, thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng để giải phóng áp lực cho đĩa đệm, tăng cường tuần hoàn máu.
- Bưng bê, mang vác đồ nặng đúng thư thế. Không nâng vật nặng quá sức.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia rượu.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 2 lần để phát hiện các bất thường ở cột sống nhằm chủ động điều trị, phòng ngừa, ngăn chặn sự phát triển của bệnh thoát vị đĩa đệm.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
2. Bệnh thoát vị đĩa đệm có chữa khỏi được không?
3. Bệnh thoát vị đĩa đệm có di truyền không?
4. Bị thoát vị đĩa đệm có nên đi bộ, chạy bộ không?
5. Bị thoát vị đĩa đệm có nên mổ không?
6. Bị thoát vị đĩa đệm có mang thai được không?
7. Bệnh thoát vị đĩa đệm có nên mổ không?
8. Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nên ăn gì? Kiêng gì?
9. Bị thoát vị đĩa đệm có nên uống canxi?
10. Bị thoát vị đĩa đệm sau sinh phải làm sao?
Trên đây là những thông tin tổng quan về bệnh thoát vị đĩa đệm cùng những thắc mắc liên quan thường gặp. Bệnh có thể được kiểm soát tốt khi lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp. Song song với quá trình chữa trị, bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống, vận động hợp lý và kiểm soát tốt cân nặng để tránh tạo thêm áp lực lên đĩa đệm.
Xem thêm:
- Người bị thoát vị đĩa đệm có nên châm cứu không? Lưu ý gì?
- Hướng dẫn cách bơi cho người thoát vị đĩa đệm