Hội chứng loét sinh dục

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Hội chứng loét sinh dục là tình trạng sức khỏe phổ biến xảy ra ở cả nam và nữ. Đặc trưng bởi các vết loét được hình thành tại cơ quan sinh dục bởi các tác nhân vi khuẩn, virus thông qua quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra tình trạng bệnh này. Tiên lượng điều trị loét sinh dục khá tốt, có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nào nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. 

Tổng quan

Hội chứng loét sinh dục (Genital Ulcer) là vết loét hoặc các tổn thương xuất hiện ở cơ quan sinh dục của nam và nữ giới gồm âm đạo, dương vật, hậu môn hoặc các vùng da nằm gần những khu vực này. Chúng thường được hình thành do virus, vi khuẩn, điển hình là virus herpes simplex.

Hội chứng loét sinh dục là những vết loét, tổn thương hình thành trên âm đạo, dương vật hoặc hậu môn

Tình trạng bệnh này có thể xảy ra do nhiều yếu tố như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, rối loạn tự miễn hoặc các bệnh da liễu do nhiễm trùng virus, vi khuẩn. Một số dạng loét sinh dục phổ biến nhất gồm mụn rộp sinh dục, giang mai, hạ cam và u hạt bẹn.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc hội chứng loét sinh dục. Nhưng những người mắc bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục có thể làm tăng nguy cơ loét sinh dục hơn. Điều này thể hiện rõ trong xã hội hiện đại, khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, nhất là ở những người trẻ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo các chuyên gia, các vết loét sinh dục được hình thành do nhiễm virus, vi khuẩn. Chúng gây kích ứng các mô nhạy cảm của cơ quan sinh dục, lúc này cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế phản ứng bằng cách giải phóng các tế bào đặc biệt khiến tình trạng kích ứng càng nặng hơn. Khi đã bị loét, càng tiếp xúc với vi khuẩn, virus càng khiến vết loét lan rộng, nhiễm trùng nặng và khó lành hơn.

Nguyên nhân nhiễm trùng

Nguyên nhân hàng đầu gây hội chứng loét sinh dục là các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STI). Cụ thể gồm:

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như mụn rộp, giang mai, hạ cam, chlamydia là tác nhân hàng đầu gây ra loét sinh dục

  • Mụn rộp sinh dục: Xảy ra do nhiễm virus herpes simlex (HSV), lây truyền thông qua quan hệ tình dục. Đặc trưng với các vết phồng rộp gây đau nhức, có thể vỡ ra và hình thành vết loét.
  • Giang mai: Do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra, đặc trưng với các vết loét không gây đau xuất hiện ở cơ quan sinh dục, hậu môn hoặc miệng. Chủ yếu lây qua quan hệ tình dục hoặc từ mẹ sang con khi đang mang thai.
  • Hạ cam: Xảy ra do nhiễm vi khuẩn Haemophilus ducreyi, đặc trưng với các vết loét đau gây chảy máu.
  • U hạt bẹn: Xảy ra do nhiễm vi khuẩn Klebsiella granulomatis, đặc trưng với các vết loét không gây đau, nhưng có khả năng lây lan nhanh chóng đến các hạch bạch huyết. Căn bệnh này thường lây truyền qua đường quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với nguồn nước, đất bị ô nhiễm.

Ngoài ra, một số bệnh lý nhiễm trùng nhưng không lây truyền qua đường tình dục có thể gây ra loét sinh dục như:

  • Lao;
  • Loét Leishmaniasis;
  • Loét Lipschutz;
  • Bệnh do amip;
  • Bệnh viêm gan siêu vi, viêm não do nhiễm virus Cytomegalovirus;
  • Bệnh cúm A;
  • Sốt thương hàn;
  • Nhiễm virus Epstein-Barr gây bệnh bạch cầu đơn nhân;
  • Virus Varicella zoster gây bệnh zona hoặc thủy đậu;
  • Viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma;
  • Nhiễm vi khuẩn Streptococcus nhóm A;

Nguyên nhân không nhiễm trùng

Một số bệnh lý hoặc tổn thương tạo điều kiện cho tổn thương loét sinh dục phát triển và gây viêm lâu dài như:

  • Hội chứng Behcet;
  • Bệnh Crohn;
  • Bệnh hồng ban cố định nhiễm sắc;
  • Bệnh Pemphigoid bọng nước;
  • Bệnh giảm bạch cầu trung tính theo chu kỳ;
  • Bệnh Pemphigus;
  • Nhiễm trùng nấm âm đạo;
  • Bệnh Planen lichen ăn mòn;
  • Ung thư âm hộ;
  • Các chấn thương tình dục do quan hệ mạnh bạo, sử dụng đồ chơi tình dục hoặc các vật lạ gây tổn thương các mô bề mặt;
  • Mặc quần lót chật khiến cơ quan sinh dục bị cọ xát liên tục;
  • Dị ứng hoặc bỏng hóa chất trong kem dưỡng, kem tẩy lông hoặc các sản phẩm chăm sóc da khác;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các tổn thương loét sinh dục có thể xuất hiện ở cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ. Bao gồm dương vật, bìu, âm hộ, âm đạo và hậu môn. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau, một số vết loét có thể không gây ra triệu chứng.

Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như đau nhức, ngứa rát, nổi mụn nước, rỉ dịch hoặc chảy máu, chảy mủ

Các triệu chứng loét sinh dục biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Có thể kể đến gồm:

  • Đau nhức: Vết loét ở cơ quan sinh dục thường gây đau nhức khó chịu, kèm theo cảm giác nóng rát, ngứa ngáy khó chịu.
  • Nổi mụn nước: Một số tổn thương vết loét sinh dục được hình thành dưới dạng mụn nước, bên trong chứa chất dịch lỏng viêm nhiễm.
  • Vết thương hở: Nhiều tổn thương loét sinh dục khác có thể xuất hiện dưới dạng vết loét hở, sưng phù, da ửng đỏ, mềm khi chạm vào, có thể đau hoặc không.
  • Rỉ dịch: Từ vết loét sinh dục có thể tiết ra chất dịch đặc, dính màu vàng hoặc xanh lục. Đây là dấu hiệu điển hình khi bị nhiễm khuẩn.
  • Đau rát khi quan hệ: Sự tồn tại của các vết loét trên bề mặt hoặc bên trong cơ quan sinh dục gây tổn thương niêm mạc, khiến việc quan hệ trở nên khó khăn, dễ bị đau rát.
  • Tiểu tiện khó khăn: Nếu vết loét hình thành gần niệu đạo có thể gây ra triệu chứng đau rát khó chịu mỗi khi đi tiểu.
  • Sưng hạch bạch huyết: Trong một số trường hợp, vết loét ở cơ quan sinh dục có thể lây lan nhiễm trùng sang các hạch bạch huyết, khiến chúng sưng mềm và đau nhức.
  • Một số triệu chứng toàn thân khác:
    • Sốt;
    • Mệt mỏi;
    • Đau nhức cơ;
    • Đau đầu;

Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên đây, hãy đến bệnh viện chuyên khoa và thông báo cho bác sĩ để được chẩn đoán, tư vấn biện pháp điều trị phù hợp xử lý vết loét, ngăn ngừa biến chứng.

Chẩn đoán

Chẩn đoán hội chứng loét sinh dục thường được thực hiện thông qua khám sức khỏe tổng quát, đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lâm sàng và kết hợp một số xét nghiệm cận lâm sàng. Bước đầu thăm khám, bệnh nhân được yêu cầu cung cấp đầy đủ các dấu hiệu, triệu chứng bản thân gặp phải. Đồng thời, khai thác tiền sử bệnh cá nhân, đời sống tình dục...

Các xét nghiệm giúp tìm kiếm các tác nhân gây viêm nhiễm như xét nghiệm máu, tăm bông, sinh thiết da... góp phần chẩn đoán hội chứng loét sinh dục

Sau đó, để đánh giá chính xác những triệu chứng trên là dấu hiệu của hội chứng loét sinh dục và xác định căn nguyên, bệnh nhân phải thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện sự tồn tại của các kháng thể chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như bệnh mụn rộp, giang mai.
  • Xét nghiệm tăm bông: Tăm bông hoặc gạc y tế dùng để thấm chất dịch lỏng hoặc chứa mô từ vết loét sinh dục được mang đi làm nghiệm, kiểm tra tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn hoặc virus.
  • Sinh thiết da: Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách lấy một mẫu da nhỏ ở vùng bị ảnh hưởng, sau đó mang đi xét nghiệm phân tích dưới kính hiển vi, giúp xác định căn nguyên gây ra loét sinh dục.
  • Một số xét nghiệm khác:
    • Xét nghiệm huyết thanh giang mai;
    • Xét nghiệm tìm xoắn khuẩn;
    • Xét nghiệm tế bào Tzanck;

Biến chứng và tiên lượng

Các vết loét sinh dục dù do nhiễm trùng hay không nhiễm trùng đều gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Tuy không đến mức gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu các tổn thương loét này không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường cho sức khỏe và tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bạn tình.

Bác sĩ khuyến nghị chỉ cần áp dụng đúng các biện pháp điều trị và chăm sóc tích cực, tổn thương loét sinh dục có thể phục hồi sau vài ngày hoặc lâu hơn nếu bị nặng. Ngoài ra, việc điều trị hiệu quả sẽ giúp bạn khỏi bệnh hoàn toàn mà không để lại bất kỳ biến chứng nào, không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai.

Điều trị

Tùy vào nguyên nhân gây loét sinh dục và mức độ triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Chẳng hạn như thuốc kháng sinh đối với vi khuẩn, thuốc kháng virus, thuốc chống nấm... Cụ thể như sau:

  • Thuốc Acyclovir dạng uống đối với bệnh herpes sinh dục;
  • Thuốc Penicillin dạng tiêm điều trị bệnh giang mai (trường hợp dị ứng với Penicillin có thể được kê đơn loại kháng sinh khác phù hợp hơn);
  • Thuốc Azithromycin dạng uống hoặc Ceftriaxone dạng tiêm đối với bệnh hạ cam;

Điều trị loét sinh dục bằng thuốc kháng sinh hoặc kháng virus tùy theo tác nhân gây bệnh

Trong suốt quá trình điều trị bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định dùng thuốc do bác sĩ yêu cầu. Đồng thời, phải tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị.  Khuyến nghị vợ/ chồng hoặc người bạn tình của bạn nên thăm khám giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị trước khi bệnh bộc phát.

Mặc dù các biện pháp điều trị y tế là cần thiết đối với các vết loét tại cơ quan sinh dục. Nhưng bệnh nhân cũng cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh. Bao gồm:

  • Chườm ấm giúp giảm sưng viêm, đau nhức, khó chịu.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen;
  • Tắm gội thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng xà phòng diệt khuẩn dịu nhẹ, không gây kích ứng vết loét.
  • Luôn giữ cho vùng kín khô thoáng, chọn mặc quần lót chất liệu mềm mại, vừa vặn và thấm hút mồ hôi tốt.
  • Tránh quan hệ tình dục cho đến khi vết loét lành hẳn.

Phòng ngừa

Một số biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa hội chứng loét sinh dục bao gồm:

Quan hệ tình dục an toàn là cách tốt nhất để phòng ngừa loét sinh dục

  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, có mối quan hệ lành mạnh, hạn chế việc có nhiều bạn tình, nhất là với những người không biết rõ về tiền sử bệnh cá nhân... Điều này giúp phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục, giữ vùng kín luôn khô thoáng và tránh mặc quần áo quá bó sát.
  • Định kỳ thực hiện sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hoặc thăm khám sớm khi có các dấu hiệu viêm nhiễm vùng kín bất thường để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi bị loét sinh dục?

2. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

3. Tôi cần thực hiện biện pháp xét nghiệm nào để chẩn đoán loét sinh dục?

4. Hội chứng loét sinh dục có điều trị khỏi được không?

5. Phương pháp điều trị triệu chứng loét sinh dục hiệu quả nhất?

6. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong suốt quá trình điều trị loét sinh dục?

7. Điều trị loét sinh dục mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

8. Dùng thuốc trị loét sinh dục có gây tác dụng phụ không? Tôi cần làm gì để xử lý?

9. Chi phí điều trị loét sinh dục tốn bao nhiêu? Có dùng thẻ BHYT được không?

10. Hội chứng loét sinh dục có tái phát sau điều trị không?

Hội chứng loét sinh dục được gây ra do nhiều yếu tố khác nhau. Bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như hình thành vết loét đau nhức, ngứa rát, sưng viêm... Điều trị hiệu quả hội chứng loét sinh dục chủ yếu nhằm mục đích loại bỏ tác nhân gây viêm nhiễm và chăm sóc phục hồi tổn thương. Đặc biệt, điều quan trọng là tránh thực hiện những việc làm tăng nguy cơ hình thành vết loét trên cơ quan sinh dục, quan hệ tình dục an toàn để phòng ngừa bệnh tái phát.