Mụn rộp sinh dục là gì? Những điều bạn cần biết
Mụn rộp sinh dục là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khá phổ biến hiện nay. Bệnh có thể khiến các vết loét phát triển trên bộ phận sinh dục khiến bệnh nhân đau đớn và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, có một số người bị mụn rộp sinh dục mà không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc có triệu chứng không rõ ràng.
Mụn rộp sinh dục là gì?
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) khi có sự giao hợp thông qua đường âm đạo, hậu môn và miệng. Hai chủng loại virus có thể gây ra mụn rộp sinh dục là:
- Herpes thể 1 (HSV – 1), thường gây ra mụn rộp ở miệng khiến khu vực này có những vết loét trên môi, lưỡi. Bệnh nhân có thể bị lây nhiễm virus thông qua tiếp xúc nước bọt hoặc cơ quan sinh dục.
- Herpes thể 2 (HSV – 2) gây ra mụn rộp ở cơ quan sinh dục. Thường xuất hiện ở cả nam và nữ ở vùng kín như dương vật, túi bìu, quanh hậu môn, thành âm đạo, môi lớn, môi bé, âm vật…
Mặc dù HSV – 1 thường gây ra mụn rộp miệng, nhưng nó có thể lây lan sang bộ phận sinh dục thông qua việc quan hệ tình dục bằng miệng, nhất là ở người bệnh có vết loét mở. Một người có thể bị nhiễm HSV-1 và HSV-2 cùng một lúc.
Triệu chứng của mụn rộp sinh dục
Mụn rộp sinh dục không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Một số người bệnh có thể không biết rằng bản thân họ nhiễm virus này cho đến khi nó xuất hiện trong kết quả xét nghiệm.
Mụn rộp sinh dục thường gây ra vết loét mở trên bộ phận sinh dục và hậu môn. Ban đầu, các vết loét thường phát triển trong khoảng từ 2 ngày đến 3 tuần sau khi quan hệ tình dục với người bị bệnh. Đặc điểm nổi bật của mụn rộp sinh dục là xuất hiện những mụn nước nhỏ, sau đó vỡ ra tạo nên vết loét gây đau đớn.
Bệnh nhân có thể mất khoảng 2 – 6 tuần để chữa lành. Nhiều người có thể nhầm lẫn triệu chứng nhiễm herpes nhẹ với một vài nốt mụn nhọn hoặc lông mọc ngược. Thông thường, bệnh nhân bị nhiễm virus mụn rộp sinh dục sẽ có cảm giác ngứa ran xung quanh bộ phận sinh dục của họ và kéo dài đến một ngày, đi kèm đó là những triệu chứng sau:
- Đau đầu
- Sốt
- Mệt mỏi
- Sưng hạch bạch huyết
- Đau cơ
Herpes rất dễ lây khi quan hệ tình dục với người có vết loét ở vùng kín, thậm chí bạn cũng có thể bị truyền virus ngay cả khi bạn tình không có vết loét. Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán mụn rộp sinh dục bằng cách hỏi về các triệu chứng cũng như làm xét nghiệm máu để biết chính xác tình trạng của bạn.
Con đường lây nhiễm
Mụn rộp sinh dục có thể lây lan theo những con đường như sau:
- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng
- Cọ sát với bộ phận sinh dục của người bệnh
- Lây truyền từ mẹ sang con
Bạn không thể mắc bệnh mụn rộp sinh dục từ việc dùng chung nhà vệ sinh, nằm chung giường, bể bơi hoặc cùng chạm vào các vật thể khác. Virus chỉ có thể lây lan từ người sang người khi chạm vào vết loét sinh dục.
Biến chứng của mụn rộp sinh dục
Mụn rộp sinh dục thường không gây ra biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe. Tuy nhiên, nó có thể khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm HIV hơn. Nếu một người có vết loét herpes sinh dục thì virus bao gồm cả HIV có nhiều cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
Bệnh nhân nên tránh làm trầy xước vết loét, để không dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, khi bạn bị nhiễm HIV thì mụn rộp sinh dục có nguy cơ bùng phát nghiêm trọng hơn.
Cách điều trị mụn rộp sinh dục
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra biện pháp điều trị mụn rộp sinh dục. Virus sẽ nằm im trong cơ thể trong thời gian dài, sau đó xuất hiện bằng sự bùng phát của vết loét.
Các bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc làm giảm khả năng bùng phát vết loét và tránh nguy cơ truyền virus cho bạn tình. Khi bạn có dấu hiệu xuất hiện mụn rộp sinh dục, bạn nên thúc đẩy quá trình chữa lành và giảm nguy cơ truyền virus bằng cách:
- Tránh quan hệ tình dục với người khác cho đến khi vết loét đã lành
- Giữ cho vết loét sạch sẽ và khô ráo
- Hạn chế không chạm vào vết loét
- Rửa tay ngay sau khi chạm vào vết loét
- Sử dụng bao cao su khi tiếp xúc tình dục với người nghi ngờ mắc bệnh.
Việc xuất hiện triệu chứng herpes đầu tiên thường là tồi tệ nhất. Những lần tái phát tiếp theo thường có xu hướng ít phiền toái và chữa nhanh hơn.
Phòng ngừa mọn rộp sinh dục
Bên cạnh việc chữa trị, bạn nên phòng ngừa mụn rộp sinh dục để cơ thể không gặp biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe:
- Tránh quan hệ tình dục khi có vết loét để ngăn ngừa sự lây lan của mụn rộp sinh dục.
- Sử dụng bao cao su làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, bạn có thể mắc bệnh mụn rộp từ những vùng da xung quanh bộ phận sinh dục vì không có bao cao su bảo vệ.
- Nhiều người nghi ngờ bản thân bị bệnh tình dục nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là có quan hệ tình dục với đối tác mới.
Mụn rộp sinh dục là một bệnh tình dục chưa có cách chữa, bạn hạn chế giao hợp với người bị nhiễm virus herpes. Ngoài ra, bạn nên thăm khám sớm để bác sĩ có thể giúp chẩn đoán mụn rộp sinh dục và đề nghị phương pháp điều trị càng sớm càng tốt.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!