Bệnh nám da

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Nám da là một bệnh lý da liễu nhiều người gặp phải, nhận biết thông qua hiện tượng gia tăng sắc tố da. Làn da thâm sạm, sần sùi gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến đời sống, tạo cảm giác tự ti, nhất là đối với chị em phụ nữ. 

Tổng quan

Nám da (Melasma) là bệnh da liễu không còn xa lạ với nhiều người. Bất kỳ đối tượng nào đều cũng có thể mắc phải bệnh nám da. Nguyên nhân gây bệnh liên quan đến sự rối loạn gia tăng sắc tố melanin khiến da bị sạm màu, sần sùi, kém sức sống.

Nám da
Nám da là tình trạng rối loạn sắc tố gây ra các mảng nám hoặc đốm nâu kém thẩm mỹ trên da

Trên da xuất hiện các vết đốm nâu, mảng nâu hoặc có khi vàng, thâm đen, đỏ. Điều này gây ra ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, tạo cảm giác tự ti, không tự tin khi giao tiếp với mọi người xung quanh và trong công việc.

Các khu vực xuất hiện mảng hoặc đốm nám thường là vùng da má, da quanh cằm, da trán hoặc thậm chí là nám ngay trên da môi. Ngoài khu vực vùng mặt, nám da còn xảy ra ở vùng da cánh tay, da cổ, da vùng ngực,... và nhiều vị trí khác.

Mặc dù không gây nguy hiểm sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng bệnh nhân, tuy nhiên khi bị nám da bạn nên tìm hiểu nguyên nhân và có cách ngăn chặn phù hợp. Tránh nguy cơ rối loạn sắc tố trở nên nặng nề, gây hư hỏng da kém thẩm mỹ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống.

Phân loại

Nám da được phân thành 3 dạng chính, bao gồm nám mảng, nám chân sâu và nám hỗn hợp. Xác định tình trạng nám da bạn đang gặp phải góp phần giúp việc điều trị đạt hiệu quả tốt hơn. Dưới đây là các dạng nám chính:

  • Nám mảng: Trên vùng da bị tổn thương xuất hiện mảng nám dày. Tuy nhiên chân nám thường nông, chỉ nằm trên lớp thượng bì hoặc lớp da ở phía ngoài cùng trong cấu trúc da. Mảng nám thường có màu nhạt, tập trung nhiều ở vùng gò má, mũi,... nơi tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên.
  • Nám chân sâu: So với nám mảng, loại nám này bám sâu vào trong da, khó điều trị hơn. Màu sắc đốm nám thường là nâu nhạt, nặng hơn là đen sẫm. Sự tồn tại của chúng khiến người bệnh cảm thấy tự ti hơn.
  • Nám hỗn hợp: Dạng nám bao gồm nám mảng và nám chân sâu xuất hiện cùng một lúc. Vùng da bị ảnh hưởng rải rác, có khi xuất hiện tại một mảng da lớn, màu sắc và kích thước không tương đồng nhau. Nám hỗn hợp thường có chân nám sâu, do đó việc điều trị dạng nám này tương đối khó khăn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tình trạng nám da có thể xảy ra do liên quan đến nhiều yếu tố. Dưới đây là những nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng sắc tố da, gây sạm nám da kém thẩm mỹ:

  • Do tác động ánh nắng mặt trời:

Người không có thói quen bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời, đi ra ngoài vào thời điểm nắng gay gắt mà không che chắn mặt, tay, chân,... thường có xu hướng bị nám da. Ánh nắng mặt trời có chứa tia UVA, UVB, chúng là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý da liễu, đặc biệt là nám.

Nguyên nhân gây nám da
Nám da do quá trình chăm da không phù hợp, không che chắn bảo vệ làn da trước tác hại của ánh nắng mặt trời

Việc sản sinh sắc tố melanin có vai trò bảo vệ da khi tiếp xúc với tia UV, tuy nhiên khi lượng melanin sản sinh quá nhiều lại là nguyên nhân gây ra nám da. Nếu bạn không chủ động bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời, không chỉ xuất hiện mảng nám kém thẩm mỹ, da còn khô, nhanh lão hóa hoặc thậm chí là ung thu da.

  • Chăm sóc da không phù hợp:

Đây cũng là nguyên nhân gây ra nám da. Chăm sóc da không đúng cách trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến cấu trúc, sức khỏe của làn da. Da của bạn có dấu hiệu yếu hơn, sức đề kháng kém tạo cơ hội cho tác nhân gây hại tấn công da.

Tình trạng tổn thương có thể trở nên nặng nề hơn, làn da nám sâu, kèm theo nhiều vấn đề da liễu khác ảnh hưởng chất lượng đời sống, tâm lý của người bệnh. Trường hợp nặng, da có thể bị nhiễm trùng, tổn thương nặng khi quá trình chăm sóc da không phù hợp dẫn đến hư hỏng da nghiêm trọng.

  • Nám da do chế độ sinh hoạt:

Một số trường hợp bị nám da do thức khuya thường xuyên, không ngủ đủ giấc, làm việc quá sức,... Có thể nói chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chăm sóc da. Nám có thể hình thành từ thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

Chẳng hạn ngủ không đủ giấc, thức khuya thường xuyên, không chịu vận động, tập thể dục,... Lâu dần, không chỉ gây nám, thói quen sống không khoa học còn là nguyên nhân phát sinh nhiều bệnh lý khác gây hại cho sức khỏe.

  • Liên quan đến yếu tố nội tiết:

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, tình trạng nám da có thể xảy ra do rối loạn nội tiết tố, đặc biệt thường gặp ở phụ nữ. Sắc tố melanin được sản sinh nhiều hơn khi estrogen trong cơ thể không được kiểm soát.

Rối loạn nội tiết kéo theo nhiều vấn đề về da, không chỉ gây nám mà còn gây mụn trứng cá, viêm nhiễm khác. Đây là nguyên nhân vì sao ở độ tuổi trung niên, tiền mãn kinh và sau mãn kinh phụ nữ lại dễ bị nám da hơn nam giới.

  • Do mỹ phẩm kém chất lượng:

Một yếu tố không thể không nhắc đến gây nám da đó là việc bạn sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng. Các thành phần trong sản phẩm gây tắt nghẽn lỗ chân lông, bào mòn da,... tăng nguy cơ hình thành mảng nám, đốm nâu trên da.

Nếu không điều chỉnh mỹ phẩm, lựa chọn sản phẩm phù hợp hơn, làn da có thể bị tàn phá ngày càng nặng nề. Mảng nám chân sâu, tổn thương tế bào da kéo dài gây kích ứng nghiêm trọng khó cải thiện. Người bệnh lúc này thậm chí phải tốn khá nhiều chi phí để khắc phục các hệ lụy do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng để lại.

  • Các nguyên nhân khác:

Nám da cũng có thể liên quan đến các bệnh lý viêm nhiễm, dị ứng, nhiễm độc thủy ngân, do stress, căng thẳng kéo dài,...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Không khó để nhận biết tình trạng nám da. Sắc tố melanin tăng cao khiến vùng da bị tổn thương phân biệt rõ với vùng da khác. Đặc biệt là những khu vực thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, không được che chắn cẩn thận có màu sắc khác so với vùng da cơ thể được bảo vệ dưới nhiều lớp áo quần.

Triệu chứng nám da
Dễ dàng nhận biết tình trạng nám da thông qua các biểu hiện có thể quan sát bằng mắt thường

Nám da có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, trong đó phụ nữ đang mang thai, phụ nữ bị rối loạn nội tiết là nhóm người dễ bị nám da nhất. Các biểu hiện nám da thường gặp kể đến như:

  • Da xuất hiện các mảng nâu, đốm nâu hoặc có khi vàng, hơi xanh giống với tàn nhang. Càng lâu dần nám có thể lan rộng, sẫm màu hơn gây kém thẩm mỹ.
  • Vùng da mặt xuất hiện nám phổ biến nhất, tuy nhiên nhiều người bị nám ở da cổ, vùng da cánh tay, chân,... Bất kỳ vùng da nào đều có thể bị rối loạn sắc tố gây nám da.
  • Đối với trường hợp nám da do rối loạn nội tiết màu sắc mảng nám thường đậm hơn. Mảng, đốm nâu có kích thước không đồng đều.
  • Trường hợp nặng người bệnh không kiểm soát tình trạng nám có thể lan rộng, ảnh hưởng trên nhiều vùng da.

Xác định vấn đề da liễu bạn đang gặp phải góp phần giúp bạn sớm can thiệp, điều trị sự phát triển của bệnh. Mặc dù nám không gây tổn thương đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, tuy nhiên tổn thương da có thể gây mất thẩm mỹ, tác động tiêu cực đến tâm lý, ảnh hưởng đời sống, sức khỏe tinh thần của người bệnh.

Chẩn đoán

Có thể nhận biết nám da bằng mắt thường, do vết nám có màu sắc phân biệt rõ với vùng da khỏe mạnh xung quanh. Tuy nhiên, một số bệnh lý về da có thể cũng xuất hiện các dấu hiệu tương tự nám da, dẫn đến tình trạng nhầm lẫn bệnh, gây khó khăn cho việc điều trị.

Chính vì thế, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để thăm khám, xác định tình trạng nám da và phân biệt các bệnh lý khác để có biện pháp điều trị phù hợp. Các biện pháp khám da được thực hiện như:

  • Khám da bằng ánh sáng UV sóng dài, hay còn gọi là ánh sáng đen.
  • Sử dụng máy chiếu soi da kiểm tra tình trạng da.
  • Sinh thiết da trong trường hợp cần thiết, đặc biệt nghi ngờ có dấu hiệu ung thư da.

Xác định nám da khi kết quả sinh thiết hiển thị tế bào sắc tố đuôi gai, có sự xuất hiện của melanin tại tế bào sừng, lớp hạ bì. Dựa vào đánh giá mức độ nám, bác sĩ da liễu sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp cho người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nám da không gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Các tổn thương ngoài da có thể khắc phục bằng các biện pháp nội khoa không xâm lấn hoặc có xâm lấn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mảng nám gây mất thẩm mỹ cho da, ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân.

Trường hợp nám da kéo dài không được điều trị, tổn thương da nặng hơn khó khắc phục. Do đó, khi phát hiện trên da có những dấu hiệu bất thường bạn nên khám da liễu sớm. Đồng thời kết hợp chăm sóc da, bảo vệ làn da trước các tác nhân gây hại để tránh nám lan rộng hoặc biến chứng.

Điều trị

Không phải lúc nào nám da cũng cần can thiệp điều trị chuyên sâu. Đối với tình trạng nám da liên quan đến sự thay đổi nội tiết khi mang thai, sử dụng thuốc ngừa thai,... có thể điều chỉnh chế độ sinh hoạt, điều chỉnh thuốc đang dùng hoặc chờ sau sinh nám sẽ tự mờ dần.

Điều trị nám da
Sử dụng các sản phẩm chứa thành phần trị nám da đúng cách và đều đặn

Ngược lại, đối với trường hợp nám da do bệnh lý, nám do tác nhân gây hại khác kéo dài trong nhiều năm liền cần tìm cách điều trị chăm sóc da để loại bỏ nám. Dựa trên dạng nám mà bạn đang gặp phải, bác sĩ da liễu sẽ tư vấn cách khắc phục phù hợp.

Thông thường các sản phẩm chứa hoạt chất kiểm soát nám da sẽ được kê đơn cho người bệnh. Một số loại kể đến như:

  • Sản phẩm chứa Hydroquinone: Công dụng giảm sự phát triển và giúp cải thiện tình trạng gia tăng sắc tố melanin gây nám da. Có nhiều sản phẩm chứa thành phần này được sử dụng trong điều trị nám. Bạn nên lựa chọn sản phẩm được bán tại nơi uy tín, nguồn gốc rõ ràng để sử dụng đảm bảo an toàn cho làn da. Dùng theo chỉ dẫn, không nên lạm dụng. Thời gian sử dụng sản phẩm chứa Hydroquinone sẽ được chuyên gia tư vấn cho mỗi bệnh nhân.
  • Sản phẩm Retinoids: Hoạt chất có tác dụng loại bỏ sạm nám da, tàn nhang một cách hiệu quả. Tuy nhiên người dùng phải sử dụng kiên trì, đúng cách, kết hợp chăm da khoa học để đạt được hiệu quả như mong đợi. Thận trọng trong quá trình dùng Retinoids, không tự ý gia tăng nồng độ để tránh gây phản tác dụng làm ảnh hưởng nền da, tăng nguy cơ kích ứng hư hại da.
  • Thuốc bôi Thiamidol: Ngoài các sản phẩm chứa các hoạt chất kể trên, để điều trị nám bạn cũng có thể sử dụng thuốc bôi có chứa Thiamidol để cải thiện sắc tố da. Trên thị trường có nhiều sản phẩm chăm da có chứa hoạt chất này, bạn có thể tham khảo ý kiến chuyên gia da liễu để lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Bên cạnh sử dụng sản phẩm bôi da trị nám, đối với trường hợp nám chân sâu, người bệnh có thể được chỉ định áp dụng các can thiệp chuyên sâu hơn. Kể đến như:

  • Phương pháp peel da
  • Phương pháp chiếu laser

Và còn rất nhiều phương pháp trị nám da khác đang được thực hiện rộng rãi. Tùy tình trạng da của mỗi người, các chuyên gia sẽ đưa ra các phương pháp điều trị, chăm sóc phù hợp. Bạn nên tìm đến các trung tâm thẩm mỹ, bệnh viện da liễu uy tín để kiểm tra da và nhận tư vấn điều trị phù hợp.

Phòng ngừa

Nám da là bệnh lý da liễu nhiều người đang gặp phải. Nguyên nhân gây nám đa dạng. Mặc dù không nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên nám da có thể ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, sức khỏe tinh thần của người mắc phải.

Phòng ngừa nám da
Chủ động chăm sóc bảo vệ da phòng ngừa tình trạng nám da

Chủ động phòng ngừa nám da, bảo vệ làn da khỏe mạnh, tươi trẻ với một số lưu ý:

  • Ăn uống đủ chất, bổ sung trái cây tươi, rau củ quả,... vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày. Đặc biệt là các thực phẩm chứa vitamin C, E giúp làn da tươi sáng, giảm mờ thâm nám hiệu quả.
  • Che chắn bảo vệ làn da khi đi ra ngoài, nhất là vùng da mặt, da cổ, tay chân,... Sử dụng kem chống nắng hàng ngày để giảm tác động của ánh nắng mặt trời lên da, phòng nguy cơ nám da kém thẩm mỹ.
  • Lựa chọn loại mỹ phẩm chăm da phù hợp, chỉ sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, thương hiệu uy tín. Không sử dụng mỹ phẩm trôi nổi, không có xuất sứ rõ ràng để tránh gây hại cho da.
  • Ngủ đủ giấc, không nên thức khuya thường xuyên, không nên để cơ thể bị căng thẳng, stress trong thời gian dài. Kết hợp tập thể dục, chơi thể thao để tăng cường đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh từ đó da dẻ hồng hào, có sức sống hơn.
  • Khám da liễu khi phát hiện da có biểu hiện bất thường kéo dài. Trường hợp viêm da, nám da nặng sẽ được các chuyên gia hướng dẫn cách khắc phục nhằm bảo vệ và phục hồi làn da một cách tốt nhất.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh nám da là gì?

2. Nhận biết nám da qua triệu chứng nào?

3. Nguyên nhân gây nám da là gì?

4. Không điều trị nám da có tự khỏi không?

5. Nám da sau sinh có thể điều trị được không?

6. Bôi sản phẩm nào để điều trị nám da, có tác dụng phụ gì không?

7. Bôi sản phẩm trị nám trong bao lâu thì khỏi?

8. Có trị nám da dứt điểm hoàn toàn được không?

9. Làm thế nào nếu nam da lan rộng?

10. Tôi cần làm gì để quá trình chăm sóc da trị nám đạt hiệu quả tốt hơn?

Nám da là tình trạng rối loạn sắc tố da nhiều người đang gặp phải. Mặc dù không nguy hiểm, tuy nhiên nám da gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và sức khỏe tinh thần của nhiều người. Do đó, bạn nên chủ động phòng ngừa nám da, chăm sóc da đúng cách và điều trị da khi gặp vấn đề, ngăn chặn những rủi ro không mong muốn.