Bệnh Viêm Môi Cơ Địa
Viêm môi cơ địa là một dạng chàm phổ biến, gây ảnh hưởng đến môi và các vùng da xung quanh. Tình trạng này có thể được gây ra bởi nhiều tác nhân như dị ứng, tiếp xúc chất kích ứng hoặc di truyền. Các chọn lựa điều trị hiệu quả đối với tình trạng này bao gồm dùng thuốc bôi, thuốc uống kết hợp chăm sóc, vệ sinh môi sạch sẽ.
Tổng quan
Viêm môi cơ địa (Eczematous Cheilitis) hay còn gọi là bệnh chàm môi. Đây là một loại bệnh chàm da phổ biến gây ảnh hưởng đến môi và vùng da xung quanh miệng. Tình trạng này gây cảm giác khô nứt da môi khó chịu, đau rát khi ăn uống, nói chuyện và gây ra sự tự ti về ngoại hình.
Bệnh chàm môi thường được gây ra bởi tình trạng viêm da dị ứng hoặc tiếp xúc với các chất dị ứng như hóa chất, nhiệt độ lạnh, phấn hoa, mồ hôi, thực phẩm... Một số trường hợp chàm môi khởi phát do sử dụng các sản phẩm chăm sóc da môi kém chất lượng.
Tình trạng này rất phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em và thanh niên trưởng thành. Tuy là bệnh ngoài da nhưng tổn thương chàm môi không có khả năng lây lan từ người này sang người khác.
Phân loại
Tương tự nhiều bệnh lý chàm da khác, chàm môi được chia làm 2 dạng chính dựa vào căn nguyên. Bao gồm nội sinh và ngoại sinh:
- Viêm môi cơ địa nội sinh: Hiểu đơn giản nội sinh là những thứ thuộc về đặc tính vốn có của con người. Đối với viêm môi cơ địa, nó là một dạng viêm môi phổ biến xảy ra do liên quan đến các yếu tố đột biến gen tự phát hoặc di truyền.
- Viêm môi cơ địa ngoại sinh: Bệnh xảy ra khi cơ thể chịu sự tác động của một thứ gì đó từ bên ngoài cơ thể. Nhóm bệnh này được chia làm 2 dạng nhỏ dựa vào tác nhân khởi phát gồm:
- Viêm môi do tiếp xúc kích ứng: Xảy ta khi môi tiếp xúc với các chất độc hại gây kích ứng, thường là hóa chất, mỹ phẩm, thực phẩm hoặc các yếu tố về môi trường. Ngoài ra, thói quen liếm môi thường xuyên của nhiều người cũng có liên quan đến sự phát triển của dạng chàm môi này.
- Viêm môi do tiếp xúc dị ứng: Đây là phản ứng chống lại dị ứng tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Một số nguồn gây dị ứng phổ biến như các sản phẩm chăm sóc da môi, kem đánh răng, thuốc, vật liệu nha khoa...
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh viêm môi cơ địa hay chàm ở môi là một dạng viêm da mãn tính. Bệnh lý này có thể xảy ra do liên quan đến nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Có thể kể đến như:
- Yếu tố môi trường: Sinh sống hoặc làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ô nhiễm, quá lạnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời rất dễ khiến đôi môi của bạn bị kích ứng, dẫn đến viêm.
- Tiếp xúc với hóa chất: Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, sữa, hải sản, thịt bò, đậu phộng hoặc các sản phẩm như đồ trang điểm, nước súc miệng, kem đánh răng... chứa hóa chất độc hại cũng là tác nhân phổ biến gây ra viêm môi cơ địa.
- Yếu tố di truyền: Đây cũng là yếu tố chính đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bệnh chàm môi. Bạn sẽ có khả năng cao mắc chàm môi di truyền nếu trong gia đình từng có người đã từng mắc căn bệnh này.
- Suy giảm miễn dịch: Đây là yếu tố hàng đầu góp phần gây ra nhiều bệnh lý sức khỏe, trong đó có bệnh viêm môi cơ địa. Những người có hệ miễn dịch suy yếu, thiếu hụt vitamn B12, sắt hoặc mang trong người các bệnh lý tiềm ẩn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Lối sống sinh hoạt: Thói quen uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng kém, sinh hoạt không điều độ, căng thẳng quá mức cũng góp phần không nhỏ làm tăng nguy cơ phát triển viêm môi cơ địa.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng viêm môi cơ địa có thể biểu hiện khác nhau ở từng trường hợp bệnh cụ thể. Nhưng nhìn chung vẫn sẽ có một số triệu chứng chung sau đây ở hầu hết bệnh nhân:
- Khô, bong tróc, nứt nẻ da môi và vùng da xung quanh;
- Ngứa ngáy, khó chịu, có thể dẫn đến gãi mạnh và gây tổn thương nặng thêm cho da môi;
- Da môi sưng phù, đau rát do viêm nhiễm;
- Nổi mụn nước trong những trường hợp nặng;
- Đóng vảy, thô ráp gây mất thẩm mỹ;
Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào trong những triệu chứng này, hãy nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám và tìm kiếm sự chăm sóc y tế phù hợp.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh viêm môi cơ địa, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe, kiểm tra kỹ lưỡng các triệu chứng. Kết hợp khai thác tiền sử cá nhân, gia đình, yếu tố di truyền, thói quen sinh hoạt, lối sống như vệ sinh, chế độ ăn uống, yếu tố môi trường...
Một số xét nghiệm bổ sung cũng được bác sĩ chỉ định để xác nhận chẩn đoán. Chẳng hạn như nuôi cấy tăm bông hoặc sinh thiết. Các chẩn đoán này đem lại lợi ích trong việc xác định xem bạn có bị viêm môi cơ địa hay không hoặc loại trừ các tình trạng da liễu khác.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) để loại trừ các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm môi cơ địa là một dạng bệnh da liễu phổ biến, xảy ra ở bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Việc khởi phát bệnh chủ yếu dựa vào các tác nhân gây kích ứng trực tiếp hoặc gián tiếp đến da môi. Tương tự như viêm da dị ứng tiếp xúc, viêm môi cơ địa có xu hướng phát triển mãn tính, xuất hiện và biến mất thường xuyên.
Đối với trẻ em, tình trạng này có thể thường có tiên lượng tốt, tự cải thiện khi chúng trưởng thành. Nhưng đối với người lớn, bị viêm môi cơ địa thường kéo dài dai dẳng, tái đi tái lại thường xuyên, gây ra nhiều phiền toái cho sức khỏe và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Không những vậy, vùng da môi là vị trí nhạy cảm, khi bị chàm sẽ khiến đôi môi trở nên thô ráp, kém thẩm mỹ. Điều này khiến người bệnh vô cùng tự ti và e ngại khi giao tiếp. Trong một số trường hợp nặng, viêm môi cơ địa có thể tiến triển nhiễm trùng nặng kéo theo hàng loạt các biến chứng sức khỏe khó lường khác.
Do đó, trước những dấu hiệu bất thường ở vùng da môi, dù chưa xác định được bệnh lý, căn nguyên và mức độ. Tốt nhất bệnh nhân vẫn nên chủ động thăm khám sớm và phối hợp điều trị theo chỉ định của bác sĩ để sớm phục hồi sức khỏe, ngăn ngừa các biến chứng rủi ro có thể xảy ra.
Điều trị
Dựa vào kết quả chẩn đoán căn nguyên và mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm môi cơ địa. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu là những nguyên nhân ngoại sinh, hãy thử loại bỏ chúng khỏi cơ thể (nếu có thể). Còn nếu biện pháp này không đem lại kết quả, hãy xem xét đến những yếu tố khác như tác nhân dị ứng hoặc tiếp xúc kích ứng.
Một số biện pháp điều trị tích cực giúp cải thiện triệu chứng bệnh chàm môi hiệu quả bao gồm:
Dùng thuốc
Tổn thương chàm môi thường không quá nghiêm trọng và có thể kiểm soát được thông qua các biện pháp điều trị y tế kết hợp chăm sóc tích cực. Các loại thuốc thường dùng như:
- Corticosteroid dạng bôi: Đa số các trường hợp bị chàm môi đều đáp ứng tốt với biện pháp dùng thuốc corticosteroid bôi tại chỗ. Tác dụng chính của thuốc là cải thiện viêm, giảm ngứa.
- Thuốc kháng histamin: Thường được điều chế dưới dạng kem bôi hoặc thuốc uống. Cơ chế của thuốc là ức chế sự hoạt động của hệ miễn dịch, ngăn chặn giải phóng histamin, hỗ trợ giảm viêm, xoa dịu cảm giác ngứa ngáy. Các loại thường dùng như chlorpheniramine, loratadine, cetirizine hoặc diphenhydramine.
- Thuốc ức chế calcineurin: Loại thường dùng là thuốc dạng bôi tại, có tác dụng giảm viêm, giảm ngứa hiệu quả.
- Thuốc kháng sinh: trường hợp cần thiết có thể sử dụng thuốc kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng gây chàm môi, hỗ trợ giảm sưng viêm, ngứa ngáy. Tùy theo mức độ nhiễm trùng nặng hay nhẹ, có thể sử dụng thuốc kháng sinh dạng bôi ngoài da hoặc dạng uống.
- Kem dưỡng ẩm: Có thể kết hợp sử dụng các loại dầu hoặc kem dưỡng ẩm không mùi, không hương liệu để làm dịu kích ứng, giúp giữ nước và giảm triệu chứng khô nứt nẻ mà không gây dị ứng.
Chăm sóc hỗ trợ
Để đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương chàm môi, yếu tố quan trọng nhất là tránh các tác nhân gây kích ứng môi, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà dưới đây để sớm khỏi bệnh:
- Bôi son dưỡng ẩm: Nên thực hiện nhiều lần trong ngày để tạo hàng rào bảo vệ da khỏi kích ứng, giữ độ ẩm và ngăn ngừa mất nước. Nhờ đó giúp giảm cảm giác khô ráp, nứt nẻ. Nên chọn những loại son dưỡng chứa thành phần xoa dịu da, hỗ trợ giảm sưng viêm do chàm môi gây ra.
- Chườm lạnh: Đây là cách hiệu quả giúp giảm sưng tấy môi nhanh chóng. Ngoài ra, cách này cũng giúp hỗ trợ giảm viêm nhờ cơ chế làm chậm phản ứng của cơ thể với tác nhân gây kích ứng hoặc nhiễm trùng. Bạn có thể ngâm một miếng vải sạch vào nước đá lạnh và đắp trực tiếp lên vùng môi bị ảnh hưởng.
- Sử dụng dược liệu tự nhiên: Có rất nhiều loại dược liệu tự nhiên lành tính có khả năng xoa dịu cảm giác sưng viêm, ngứa ngáy trên da môi. Chẳng hạn như dầu dừa, mật ong, nha đam, bột yến mạch... Lưu ý, cần cân nhắc trước khi sử dụng bất kỳ loại dược liệu nào để giảm nguy cơ gây kích ứng da môi nặng hơn.
Phòng ngừa
Một số lời khuyên từ các chuyên gia da liễu giúp bạn ngăn ngừa viêm môi cơ địa bao gồm:
- Hạn chế thói quen liếm cắn môi vì có thể gây khô và tăng nguy cơ kích ứng, dẫn đến chàm môi.
- Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng như thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, thuốc, nhiệt độ... để giảm thiểu nguy cơ gây ra viêm da môi.
- Bảo vệ đôi môi khỏi ánh nắng mặt trời, vì tia UV có khả năng gây kích ứng da môi, dễ khô ráp và tổn thương.
- Thay vào đó, nên sử dụng son dưỡng môi thường xuyên để giữ cho đôi môi luôn căng bóng, không khô ráp, nứt nẻ. Ưu tiên chọn những sản phẩm chứa hoạt chất dưỡng ẩm và có độ SPF cao, chiết xuất từ các thành phần tự nhiên.
- Uống nhiều nước, hạn chế ăn các loại thực phẩm cay nóng dễ gây kích ứng môi.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao da môi của tôi bị khô ráp, bong tróc, nứt nẻ và sưng tấy?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm môi cơ địa?
3. Bệnh viêm môi cơ địa có lây lan không?
4. Tổn thương da môi và các vùng da xung quanh có tự khỏi không?
5. Cần làm những kiểm tra gì để đánh giá mức độ viêm môi cơ địa?
6. Điều trị viêm môi cơ địa bằng cách nào tốt nhất?
7. Các loại thuốc trị viêm môi cơ địa hiệu quả? Dùng thuốc bôi hay thuốc uống? Cách sử dụng?
8. Tôi cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm môi cơ địa tại nhà?
9. Bị viêm môi cơ địa nên ăn gì và kiêng gì?
10. Phải làm gì để phòng ngừa tái phát viêm môi cơ địa sau điều trị?
Viêm môi cơ địa tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng những triệu chứng của bệnh lại ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tính thẩm mỹ. Trong một số trường hợp nặng, viêm môi có thể tiến triển nhiễm trùng nghiêm trọng khó kiểm soát. Bởi vậy hãy chú ý chăm sóc vùng da môi cẩn thận và thăm khám điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng khó lường.
Tham khảo thêm:
- Người bị chàm môi kiêng ăn gì, nên ăn gì để bệnh mau lành?
- Chữa chàm môi bằng dầu dừa - Thực hiện đúng cách để đạt hiệu quả cao