Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ có khả năng lây lan từ người này sang người khác nếu tiếp xúc với kí sinh trùng gây bệnh. Đây là tình trạng nhiễm trùng, tổn thương da nhiều người mắc phải. Mặc dù không phải bệnh lý quá nguy hiểm, tuy nhiên tình trạng viêm da nếu kéo dài không điều trị có thể gây biến chứng, tổn thương nghiệm trọng hơn và tăng khả năng lây lan cho những người xung quanh.
Tổng quan
Bệnh ghẻ (Scabies) là bệnh lý ngoài da thường gặp, gây ra bởi một loại ký sinh trùng hay còn được gọi là cái ghẻ với tên khoa học là Sarcoptes Scabiei. Ký sinh trùng xâm nhập khiến da xuất hiện các tổn thương ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người bệnh.
Các con ghẻ đực sau khi giao hợp sẽ chết đi, con ghẻ cái tiếp tục sinh sôi, đẻ trứng khiến da viêm nhiễm nặng hơn nếu bệnh nhân không biết cách xử lý, chăm sóc da. Có rất nhiều loại cái ghẻ khác nhau, một số sẽ gây bệnh ở người và một số gây bệnh ở động vật khác.
Bệnh ghẻ thường xuất hiện ở những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, nơi nhiều dân cư, vệ sinh không đảm bảo,... Bên cạnh đó còn kể đến các vùng thường xuyên bị bão lũ, nước ngập tạo cơ hội cho ký sinh trùng Sarcoptes Scabiei tấn công con người.
Tốc độ lây lan ghẻ rất nhanh chóng, người bệnh có cảm giác ngứa ngáy khó chịu nhất là vào ban đêm. Việc cào gãi có thể khiến da trở nên viêm nhiễm, tổn thương nhiều hơn. Mặc dù không phải bệnh lý nghiêm trọng, tuy nhiên bệnh nhân cần chủ động tìm giải pháp điều trị ghẻ, tránh lây lan và biến chứng.
Phân loại
Bệnh ghẻ được phân chia thành các dạng chính gồm:
- Loại đơn giản: Trên da xuất hiện mụn nước, các dấu đường hầm, tổn thương thứ phát mức độ ít.
- Loại nhiễm khuẩn: Tình trạng vết mụn nước trên da bị vỡ ra, tổn thương bội nhiễm, bị liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn tấn công có thể gây nguy cơ biến chứng nặng nề.
- Loại viêm da, eczema hóa: Tổn thương da thứ phát, bội nhiễm dẫn đến tình trạng bệnh viêm da kéo dài, chàm hóa da. Lúc này việc chẩn đoán bệnh và điều trị trở nên khó khăn hơn, cần nhiều thời gian.
- Các loại khác: Ngoài các loại ghẻ kể trên, người ta còn phân loại dựa trên biến chứng ghẻ gây ra.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Như đã đề cập, bệnh ghẻ xảy ra khi da bị một loại ký sinh trùng có tên là Sarcoptes Scabiei gây ra. Chúng bám vào da, tấn công vào bên trong gây ra các nốt mụn nước, ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh. Tốc độ sinh sôi của ký sinh trùng nhanh chóng, chúng có khả năng lây lan sang người khác nếu tiếp xúc với da, khu vực bị tổn thương,...
Ghẻ đực sau khi giao hợp với ghẻ cái bị chết đi. Ghẻ cái tiếp tục ký sinh trong lớp sừng thượng bì, chúng đào hang vào ban đêm khiến bệnh nhân có cảm giác ngứa ngáy khi ngủ. Ghẻ cái đẻ trứng trong hang, ấu trùng nở ra và lột xác trưởng thành tiếp tục tấn công da con người.
Mỗi ngày, ghẻ cái có thể sản sinh ra 1-5 quả trứng. Các ấu trùng ghẻ sẽ nở sau thời gian 3 ngày hoặc 1 tuần. Ở điều kiện thuận lợi ghẻ có tốc độ sinh sản và phát triển rất nhanh chóng. Những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ghẻ có thể kể đến như:
- Môi trường sống không đảm bảo, vệ sinh kém, nguồn nước ô nhiễm.
- Không tắm rửa thường xuyên, giặt quần áo không sạch sẽ.
- Chơi với chó, mèo, thú cưng nhiễm ký sinh trùng có khả năng lây lan sang con người.
- Sử dụng chung đồ dùng cá nhân, ngủ chung, tiếp xúc gần với người mắc bệnh ghẻ.
Những đối tượng sống ở khu vực dân cư đông đúc, điều kiện kinh tế kém, vùng thường xuyên bão lũ, nước ngập,... có khả năng mắc bệnh cao. Thời điểm bệnh ghẻ bùng phát nhiều nhất thường vào các tháng mùa đông, nhiệt độ ẩm thấp.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Cái ghẻ bám vào da, ủ bệnh trong khoảng 1 tháng đến 1 tháng rưỡi, sau đó làm bùng phát các triệu chứng khó chịu. Cái ghẻ đào hang tạo thành luống ghẻ khiến lớp sừng có hiện tượng nhô lên bất thường với các vùng da xung quanh.
Luống ghẻ có màu trắng xám, đục, tích tụ dịch nước. Các mụn nước xuất hiện rải rác trên da, nhất là tại vùng bàn tay, bàn chân, cổ tay, nách,..., ở trẻ em mụn nước thường mọc ở vùng mặt. Ngoài biểu hiện đặc trưng kể trên, bệnh nhân bị ghẻ còn có các dấu hiệu nhận biết khác bao gồm:
- Tình trạng sần sùi bắt đầu rõ nét hơn, bề mặt vị trí sần cục có màu nâu. Triệu chứng này xảy ra phổ biến ở các bé trai, quan sát sần cục ghẻ gần bộ phận sinh dục, vùng nách. Sau điều trị ghẻ thành công, các nốt sần này có thể không mất đi.
- Cơn ngứa ngáy khó chịu xuất hiện vào ban đêm. Thói quen cào gãi da bằng ngón tay khiến da bị trầy, xuất hiện vết trợt, vảy tiết, mụn nước,... Nếu không kiểm soát tình trạng này có thể biến chứng thành viêm nhiễm nặng nề hơn.
- Gia đình có một số người cũng bị ngứa ngáy vào ban đêm, trên da xuất hiện các dấu hiệu ghẻ. Đây là biểu hiện dịch tễ của bệnh cần được lưu ý để khắc phục, kiểm soát lây lan.
Chẩn đoán
Khám da liễu ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường về da. Bác sĩ sẽ kiểm tra các vấn đề, tổn thương bên ngoài, điều trị dịch tễ, các thông tin liên quan để chẩn đoán bệnh và tìm cách điều trị cho bệnh nhân.
Trường hợp nghi ngờ các vấn đề sức khỏe khác, một vài xét nghiệm cần thiết sẽ được chỉ định. Chẳng hạn:
- Soi tìm cái ghẻ
- Xét nghiệm phân biệt
- Soi kính hiển vi
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm bằng dermoscopy
Một số trường hợp không tìm thấy cái ghẻ, điều này gây khó khăn cho việc điều trị. Người bệnh phải theo dõi một thời gian, thực hiện các kiểm tra phân biệt, chẩn đoán chuyên sâu để xử lý kịp thời các vấn đề sức khỏe, bảo đảm an toàn cho bệnh nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh ghẻ không phải là chứng bệnh quá nguy hiểm, người bệnh có thể điều trị khỏi bằng cách sử dụng thuốc, chăm sóc, vệ sinh da cơ thể sạch sẽ. Tuy nhiên, không phải ai cũng chủ động trong việc kiểm soát bệnh ghẻ, nhiều trường hợp lơ là khiến bệnh ngày càng kéo dài, nặng nề hơn.
Đặc biệt là nguy cơ dùng vật cứng, móng tay cào gãi mạnh lên vùng da bị ghẻ tấn công gây trầy xước, chảy máu. Kết hợp với việc không vệ sinh đúng cách, khu vực này rất dễ bị chàm hóa, bội nhiễm khiến người bệnh gặp phải các biến chứng khác.
Cơn ngứa ngáy khó chịu tăng cao khi bệnh nhân gặp phải biến chứng bệnh ghẻ. Ban đêm ngứa ngáy không ngủ được lâu dần làm bệnh nhân suy nhược cơ thể, không tỉnh táo làm việc. Đặc biệt, chuyên gia cảnh báo tình trạng viêm cầu thận cấp liên quan đến biến chứng bệnh ghẻ rất nguy hiểm.
Người bệnh cần chủ động theo dõi các dấu hiệu bất thường trên cơ thể. Dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh lý điều trị cho phù hợp, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh ghẻ mau được kiểm soát. Không tùy tiện sử dụng thuốc để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ.
Tham khảo thêm: Cách phân biệt bệnh ghẻ và bệnh chàm (eczema)
Điều trị
Bệnh ghẻ có thể điều trị bằng thuốc kết hợp chăm sóc cá nhân. Nguyên tắc điều trị chung bao gồm can thiệp sớm, dùng thuốc đúng cách, điều trị gia đình, điều trị tập thể. Nếu cần thiết, người bệnh cần cách ly, đồng thời tiến hành tổng vệ sinh nơi ở, đồ dùng cá nhân để loại bỏ cái ghẻ, ngăn tình trạng lây lan, tái phát.
Tùy vào tình trạng ghẻ của người bệnh, bác sĩ chỉ định thuốc sử dụng phù hợp. Một số loại kể đến như:
- Thuốc Permethrin 5%: Sử dụng cho bệnh nhân bị ghẻ, dùng đúng cách để tránh tác dụng phụ. Liều dùng được chỉ định tương ứng với mức độ tổn thương da. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động, tiêu diệt cái ghẻ.
- Thuốc DEP: Đây cũng là loại thuốc được dùng cho bệnh nhân bị ghẻ. Thuốc có dạng kem bôi, dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị mẫn cảm thành phần của thuốc sẽ được chỉ định thuốc khác để đảm bảo an toàn. Không bôi thuốc lên khu vực có vết thương hở, chảy dịch hoặc nhiễm trùng.
- Lưu huỳnh: Dạng thuốc mỡ chứa lưu huỳnh trị bệnh ghẻ. Bôi mỗi ngày 2 lần, trực tiếp bôi lên da sau khi đã vệ sinh, lau sạch sẽ. Một số phản ứng phụ khi dùng thuốc có thể xảy ra như kích ứng nhẹ, đỏ nóng da,... Thông báo với bác sĩ nếu các biểu hiện bất thường ngày càng nặng không thuyên giảm.
- Thuốc Ivermectin: Thuốc đường uống, tác dụng toàn thân. Hoạt chất trong thuốc giúp ức chế viêm nhiễm, loại bỏ tác nhân gây hại cho da. Chỉ định dùng thuốc trong trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc bôi không hiệu quả. Thận trọng khi dùng bởi thuốc có thể gây ra các phản ứng phụ như khó thở, rối loạn tiêu hóa, phát ban,...
Ngoài việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn về chăm sóc da tại nhà. Vệ sinh da cơ thể sạch sẽ, giặt sạch quần áo, phơi dưới nắng mặt trời, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người thân. Hạn chế đến nơi đông người trong thời gian điều trị để đảm bảo giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho người xung quanh.
Phòng ngừa
Bệnh ghẻ dễ lây lan từ người này sang người khác qua các tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp. Ký sinh trùng gây bệnh bám vào da, sau một thời gian làm bùng phát triệu chứng ngứa ngáy, tổn thương da. Điều trị bệnh ghẻ bằng thuốc và các biện pháp ngoài da đơn giản, tuy không nguy hiểm nhưng bệnh có thể tái đi tái lại và lây lan nhanh chóng.
Chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách phòng bệnh ghẻ nói riêng và các vấn đề da liễu khác. Một vài lưu ý:
- Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày, sử dụng xà phòng diệt khuẩn, các sản phẩm làm sạch phù hợp với da, tuy nhiên không nên lạm dụng.
- Rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sử dụng cồn sát khuẩn khi cầm nắm các vật nơi công cộng.
- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân, không dùng chung khăn, quần áo, mềm gối,... với người khác, đặc biệt là người đang có biểu hiện bị ghẻ.
- Vệ sinh nhà cửa, không gian sống để hạn chế các tác nhân gây hại lưu trú tấn công cơ thể khi có cơ hội.
- Giặt quần áo, phơi khô trước khi mặc, thường xuyên giặt giũ chăn nệm để đảm bảo loại bỏ hại khuẩn gây hại cho da.
- Khám sức khỏe định kỳ, trường hợp nghi ngờ tái phát bệnh ghẻ nên chủ động khám và điều trị để đạt được kết quả tốt nhất, giảm rủi ro biến chứng.
Có thể bạn quan tâm: 10+ thuốc trị ghẻ nước nhanh khỏi, hết ngứa
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Bệnh ghẻ là gì?
2. Nguyên nhân gây bệnh ghẻ là gì?
3. Triệu chứng nhận biết bệnh ghẻ là gì?
4. Bệnh ghẻ có chữa khỏi được không?
5. Nếu không điều trị bệnh ghẻ có tự khỏi không?
6. Các biến chứng xảy ra khi bệnh ghẻ tiến triển nặng là gì?
7. Sử dụng thuốc nào để chữa bệnh ghẻ?
8. Bôi thuốc bao lâu bệnh ghẻ cải thiện?
9. Tôi có gặp phải tác dụng phụ gì khi dùng thuốc không?
10. Tôi cần làm gì để ngăn bệnh ghẻ tái phát và lây lan?
Bệnh ghẻ gây ra các triệu chứng ngứa ngáy khó chịu, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người bệnh. Mặc dù bệnh có thể điều trị bằng thuốc, tuy nhiên bệnh nhân không nên chủ quan. Tốt nhất hãy tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp chăm sóc cơ thể, chủ động phòng ngừa để bệnh sớm cải thiện, tránh biến chứng.