Bệnh Zona Thần Kinh
Bệnh Zona thần kinh đặc trưng bởi tổn thương là các mụn nước phồng rộp, mọc sát nhau tạo thành từng cụm. Sau một thời gian, các mụn nước bị vỡ gây đau nhức, nóng rát, đóng vảy và để lại sẹo. Tuy không quá nguy hiểm nhưng các triệu chứng ngứa ngáy, đau nhức sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, thậm chí các vết sẹo trên da gây mất thẩm mỹ, do đó cần phải điều trị bệnh sớm.
Tổng quan bệnh học
Bệnh Zona thần kinh (Shingles), hay còn được gọi là bệnh giời leo. Căn bệnh này do virus thần kinh Varicella Zoster (thuộc chủng virus Herpes) gây ra. Loại virus này thường trú ngụ trong các hạch thần kinh cơ thể người, khi có cơ hội thuận lợi như cơ thể bị suy nhược, sức đề kháng kém, hệ miễn dịch bị suy giảm sẽ khiến cho virus phát triển mạnh mẽ và gây nhiễm trùng da.
Bệnh có thể gặp ở bất kỳ người nào, từ người già cho đến trẻ nhỏ. Nhưng theo ghi nhận, những đối tượng trên 50 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vì ở độ tuổi này thường có hệ miễn dịch yếu kém, cơ thể gặp nhiều chứng bệnh phổ biến như tim mạch, huyết áp, tiểu đường...
Zona thần kinh có khả năng lây nhiễm cho người khác thông qua con đường tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương của người bệnh. Theo các chuyên gia, ai cũng sẽ mắc phải căn bệnh này một lần trong đời. Điều đáng nói là vẫn còn nhiều người chưa nắm được đặc điểm và triệu chứng bệnh nên thường nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác như thủy đậu, tổ đỉa.
Tùy vào mức độ bệnh, thể trạng của người bệnh mà thời gian hồi phục dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, nếu như sớm được phát hiện và điều trị đúng cách thì bệnh sẽ nhanh khỏi, thường kéo dài trong khoảng 2 - 4 tuần. Bệnh khá nguy hiểm nhưng không mang tính chất quá nghiêm trọng, cần thăm khám và điều trị sớm để tránh gây đau nhức ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Theo nghiên cứu, bệnh Zona thần kinh xảy ra là do virus Varicella Zoster gây nên. Loại virus này sống chung hòa bình với cơ thể con người và cư trú trong các rễ thần kinh cảm giác. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cơ thể bị suy nhược, đề kháng quá yếu không đủ sức để chống lại các tác nhân gây bệnh. Do đó, virus có cơ hội phát triển mạnh mẽ, bùng phát và gây nhiễm trùng da, tạo nên bệnh Zona thần kinh.
Ngoài nguyên nhân cơ bản do virus Varicella Zoster gây bệnh, thì có rất nhiều yếu tố nguy cơ khiến cho bệnh Zona thần kinh sớm khởi phát, đồng thời thúc đẩy các triệu chứng tiến triển nhanh chóng đó là:
- Những người có bệnh nền như HIV, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư, hóa trị ung thư, gặp các sang chấn tâm lý thường có nguy cơ phát bệnh giời leo rất cao.
- Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch bị suy giảm.
- Người từng có tiền sử mắc bệnh Zona thần kinh hoặc thủy đậu trước đó rất dễ tái phát lại.
- Tuổi tác cũng là một vấn đề đáng quan tâm, theo ghi nhận có khoảng một nửa số người trên độ tuổi 60 mắc bệnh Zona thần kinh. Do đó người già thường có xu hướng mắc bệnh cao hơn người trẻ.
- Người đang trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh kéo dài có khả năng cao khởi phát bệnh Zona thần kinh.
- Vô tình tiếp xúc trực tiếp với nước hoặc dịch tiết từ tổn thương da của người bệnh.
- Thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress quá độ kéo dài cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Triệu chứng và Chẩn đoán
Bệnh Zona thần kinh có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, chẳng hạn như zona thần kinh ở mặt, lưng, ngực, mắt, môi, tai, tay, chân thậm chí ở trong miệng. Bệnh thường tiến triển theo thời gian, các triệu chứng cũng biểu hiện rõ nét khi trở nặng. Dù xuất hiện ở bộ phận nào trên cơ thể, người bệnh giời leo cũng có những triệu chứng cơ bản sau:
- Lúc đầu người bệnh sẽ cảm thấy cảm giác hơi tê, khó chịu, nóng rát và đau nhói tại những vùng da bị tổn thương.
- Sau vài ngày những vùng da này sẽ đỏ lên, xuất hiện nhiều mụn nước tập trung thành từng vùng lớn nhỏ khác nhau. Mụn nước có thể lan khắp cơ thể, gây đau nhức, ngứa ngáy nhất là về đêm.
- Khi các mụn nước bị vỡ ra gây chảy dịch, sau đó khô lại và đóng vảy rất khó chịu.
- Khoảng vài tuần sau đó thì các vùng da mới hết triệu chứng bong tróc, sạch vảy.
- Cơ thể thường xuyên đau nhức, mệt mỏi, sợ ánh sáng.
- Một số trường hợp xuất hiện thêm các triệu chứng khác ngoài da như đau đầu, ớn lạnh, sốt nhẹ, yếu cơ, giảm thị lực, nấc cụt.
Khi nhận thấy rõ những triệu chứng nêu trên, chắc chắn tình trạng bệnh của bạn đã bước vào giai đoạn nặng. Lúc này cần nhanh chóng thăm khám để có hướng điều trị phù hợp. Tránh tình trạng để lâu gây ra nhiều biến chứng không đáng có.
ĐỌC NGAY: Bị zona thần kinh ở mắt có nguy hiểm không?
Chẩn đoán bệnh Zona thần kinh:
Thông thường, đối với các bệnh da liễu thường có những triệu chứng điển hình biểu hiện ra bên ngoài. Do đó, các bác sĩ sẽ dùng kiến thức chuyên môn để thăm khám thông qua các triệu chứng lâm sàng như mụn nước, ban đỏ. Đồng thời điều tra tiền sử bản thân cũng như gia đình đã từng mắc căn bệnh này chưa. Từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị tích cực.
Một số trường hợp có thể thực hiện các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân cũng như biết rõ mức độ bệnh. Các xét nghiệm chẩn đoán phổ biến nhất đó là: Sinh thiết da, phết Tzanck, test kháng thể đặc biệt hoặc cấy virus. Những phương pháp này thường mất khá nhiều thời gian, nhưng độ chính xác rất cao.
Biến chứng và tiên lượng
Theo ghi nhận, tùy vào từng độ tuổi của người bệnh mà mức độ tổn thương cũng như biến chứng để lại khác biệt hoàn toàn. Đối với trẻ nhỏ thường có các triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi bệnh, ít có trường hợp gặp các biến chứng nặng. Còn đối với người lớn tuổi, các triệu chứng hay trở nặng, có thể gây nhiễm trùng, hoại tử.
Bệnh mang tính chất khá nghiêm trọng, nếu như không được can thiệp kịp thời có thể gây ra một số biến chứng như:
- Hội chứng Herpes Zoster: Hay còn gọi là hội chứng Ramsay Hunt, đặc trưng của bệnh là các dây thần kinh ở mặt bị liệt, khiến cho người bệnh bị đau nhức cơ mặt, điếc vĩnh viễn.
- Đau sau Zona: Có nhiều trường hợp tuy bệnh đã khỏi hoàn toàn nhưng vẫn gặp tình trạng đau nhức. Bở vì các dây thần kinh bị tác động quá nặng nề nên không thể hồi phục như ban đầu. Điều này khiến cho người bệnh phải chịu đau đớn trong một thời gian dài.
- Nhiễm trùng da: Khi bị Zona thần kinh, các vùng da bị tổn thương thường xuất hiện mụn nước, nếu như không được chăm sóc và xử lý đúng cách có thể gây nhiễm trùng gây đau đớn. Đặc biệt là người bệnh thường xuyên ăn thịt gà, hải sản sẽ khiến các vùng da này xuất hiện mủ trắng rất nguy hiểm.
- Ảnh hưởng thị giác: Zona thần kinh có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh mắt, khiến cho mắt bị khô, sụp mí, bội nhiễm, mờ mắt, thậm chí bị mù lòa.
- Biến chứng khác: Ngoài những biến chứng cơ bản nói trên, có một số ít trường hợp có thể gặp các biến chứng toàn thân nguy hiểm như viêm màng não, tai biến mạch máu não, viêm phổi, viêm gan, mất vị giác.
Bệnh Zona thần kinh khá nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, nếu như được phát hiện và điều trị đúng cách thì các triệu chứng có thể biến mất hoàn toàn sau khoảng 2 - 4 tuần. Do đó, khi thấy triệu chứng xuất hiện thì mọi người cần chủ động đến các cơ sở uy tín để thăm khám ngay.
Điều trị
Cần tiêu diệt hoàn toàn virus Varicella Zoster, tác nhân hàng đầu gây bệnh thì mới khỏi bệnh. Đồng thời, trong quá trình điều trị bệnh nhân cần kết hợp các biện pháp tự cải thiện các triệu chứng tại nhà để nhanh lành bệnh. Phác đồ điều trị bệnh Zona thần kinh do các bác sĩ chuyên khoa chỉ định như sau:
Sử dụng thuốc:
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nghiên cứu được thuốc đặc trị dành riêng cho bệnh Zona thần kinh. Mục tiêu của thuốc điều trị bệnh đó là giúp giảm nhanh các triệu chứng bệnh, đồng thời ngăn cản quá trình tiến triển bệnh, khiến bệnh nặng nề hơn, hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng không mong muốn.
Một số thuốc kê đơn điều trị bệnh Zona thần kinh bao gồm:
- Thuốc kháng virus: Nhóm thuốc này vừa có tác dụng loại bỏ, ngăn chặn quá trình phát triển của virus, vừa giúp làm lành vết thương, hình thành tế bào da mới. Một số thuốc phổ biến nhất đó là Valtrex, Famvir, Zovirax.
- Thuốc chống bội nhiễm: Tùy vào bệnh án của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc như chống viêm, kháng sinh, chống phù nề. Nhóm thuốc này thường có tác dụng toàn thân, tránh được nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm do bệnh zona thần kinh bội nhiễm.
- Một số thuốc khác: Trường hợp ngứa ngáy, đau nhức, mất ngủ người bệnh có thể được chỉ định thêm một số loại thuốc khác như giảm đau Paracetamol, thuốc an thần, thuốc bôi tại chỗ, bổ sung thêm các loại vitamin B1, B2, B6.
Những loại thuốc điều trị bệnh kể trên có thể được sử dụng bằng đường uống hoặc đường tiêm. Tuy nhiên, người bệnh cần thực hiện theo đúng phác đồ đưa ra và hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, đau đầu, teo da.
Một số biện pháp hỗ trợ:
Bệnh Zona thần kinh sẽ trở nặng khi gặp các yếu tố nguy cơ từ bên ngoài môi trường tác động, chẳng hạn như ăn uống, sinh hoạt. Do đó, ngoài việc điều trị bệnh bằng thuốc uống, thuốc bôi theo kê đơn thì người bệnh cần lưu ý thực hiện tốt những điều cơ bản sau:
- Không nên gãi ngứa thường xuyên và làm bể mụn nước khi bệnh mới khởi phát. Vì điều này sẽ gây đau đớn và để lại sẹo sau khi hết bệnh.
- Hạn chế mặc đồ chật, đặc biệt là bó sát khu vực bị viêm nhiễm. Thay vào đó nên mặc đồ thoáng mát, để vùng da này luôn được thoáng khí.
- Nếu quá đau nhức nhưng không được gãi thì người bệnh nên đắp băng ép thấm nước lạnh để giúp giảm đau nhanh chóng.
- Không được để vùng da bị tổn thương tiếp xúc nhiều với nước, vì sẽ khiến bệnh lây lan sang những vùng da khác, đồng thời dễ bị viêm loét.
- Nên sát khuẩn da bằng các loại dung dịch sát khuẩn theo chỉ định của bác sĩ.
- Tuyệt đối không được ăn các loại hải sản, thịt gà, cá biển, trứng gà, vì chúng sẽ khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng.
- Thay vào đó chỉ nên ăn thịt heo lành tính và bổ sung thêm các loại rau xanh, nước ép hoa quả tươi.
- Kiêng rượu bia trong quá trình điều trị để nhanh khỏi bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm.
Phòng ngừa
Bệnh Zona thần kinh bộc phát là do virus Varicella Zoster trong cơ thể hoạt động quá mạnh mẽ do rất nhiều nguyên nhân. Do đó, rất khó khăn để có thể ngăn ngừa hoàn toàn căn bệnh này. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ khiến bệnh khởi phát nhanh và nghiêm trọng. Vì vậy, chúng ta có thể phòng ngừa và hạn chế mức thấp nhất nguy cơ mắc bệnh bằng các thực hiện tốt những điều sau:
- Đối với trẻ nhỏ nên chủ động cho trẻ tiêm vacxin thủy đậu để khi lớn lên sẽ giảm nguy cơ gặp bệnh Zona thần kinh.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, sử dụng dầu gội, sữa tắm lành tính, hạn chế các sản phẩm chứa nhiều chất tẩy rửa khiến da dễ bị kích ứng.
- Tránh các hoạt động gây tổn thương da, tạo cơ hội cho virus gây bệnh.
- Nên tránh xa và không được tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương của người đang bị giời leo.
- Mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi để tránh gây ngứa ngáy, kích ứng da.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là những người có thể trạng yếu, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.
- Nếu mắc bệnh cần uống thuốc điều trị, hãy thực hiện đúng theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ.
- Hạn chế làm việc quá sức, tránh căng thẳng, stress quá mức, ngủ đủ giấc. Tăng cường sức khỏe bằng cách tập luyện vận động thể dục hàng ngày.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tình trạng Zona thần kinh mà tôi đang gặp phải có nguy hiểm không? Đâu là những biến chứng mà tôi có thể bị?
2. Xin hỏi căn bệnh Zona thần kinh này có điều trị khỏi bệnh hoàn toàn và tận gốc được không? Sau khi chữa khỏi có nguy cơ tái phát lại không?
3. Quá trình điều trị mất bao lâu thì các triệu chứng mới biến mất?
4. Làm cách nào để kiểm tra và chẩn đoán tình trạng tôi đang gặp phải một cách chính xác nhất?
5. Nếu thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán bệnh thì bao lâu sẽ có kết quả? Thông qua kết quả tôi biết được những gì?
6. Bệnh Zona thần kinh có khả năng lây nhiễm không? Tôi cần thực hiện những gì để phòng tránh lây bệnh cho những người xung quanh?
7. Hiện nay, có những phương pháp điều trị bệnh Zona thần kinh nào? Đâu là biện pháp hữu hiệu và nên áp dụng với tình trạng bệnh của tôi?
8. Khi mắc bệnh Zona thần kinh, ngoài điều trị bệnh tôi nên làm gì để các triệu chứng nhanh biến mất?
9. Mắc bệnh Zona thần kinh có cần kiêng cử gì không? Tôi nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện bệnh?
10. Chi phí điều trị bệnh Zona thần kinh là bao nhiêu?
11. Trong quá trình điều trị nếu tôi bỏ lỡ hoặc trì hoãn một vài liều thuốc thì có gây ảnh hưởng gì không?
Zona thần kinh là một căn bệnh da liễu phổ biến hiện nay. Bệnh không chỉ gây ngứa ngáy, đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Do đó, nếu có thể hãy điều trị bệnh càng sớm càng tốt, đồng thời nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
THÔNG TIN HỮU ÍCH
- Các giai đoạn của zona thần kinh - Hướng dẫn cách xử lý
- Zona thần kinh khi cho con bú: Cách trị, ngừa lây lan