Bệnh Lang Ben Đỏ
Lang ben đỏ là bệnh nhiễm nấm phổ biến, đặc trưng với những mảng da đỏ trên cơ thể. Bản chất của chúng thường không gây đau đớn, chỉ gây ngứa ngáy khó chịu và ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ do chúng thường xuất hiện ở những vùng da như lưng, cổ, ngực, cánh tay... Chọn lựa điều trị hiệu quả nhất hiện nay là dùng thuốc kháng nấm dạng bôi hoặc thuốc uống toàn thân.
Tổng quan
Lang ben đỏ (Tinea versicolor red) là tình trạng một hoặc nhiều vùng da bị đổi sang màu đỏ bất thường, thường là ở vùng lưng, vai, ngực. Đây là một bệnh nhiễm nấm phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân do sự phát triển quá mức của một chủng nấm có tên Malassezia, chúng thường trú ngụ và phát triển trên da người.
Tổn thương lang ben màu đỏ rất hay xảy ra, bên cạnh các màu sắc khác như trắng, nâu, vàng, hồng... Thời điểm bệnh xảy ra nhiều nhất là khi thời tiết nóng bức hoặc có độ ẩm cao. Hoặc với những người có tiền sử bệnh sẵn, những yếu tố này có thể khiến tổn thương lang ben tiến triển nặng hơn.
Bản chất của bệnh lang ben đỏ không quá nghiêm trọng, thường chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng đến ngoại hình. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc tích cực, tổn thương có thể lây lan sang nhiều vùng khác trên cơ thể. Hoặc lây sang cho người khác khi sử dụng chung đồ dùng cá nhân.
Hầu hết các trường hợp bị lang ben đỏ đều chỉ ở mức độ nhẹ. Có thể kiểm soát nhanh chóng bằng các biện pháp đơn giản như dùng thuốc chống nấm dạng bôi tại chỗ hoặc dạng uống trực tiếp. Kết hợp chăm sóc tích cực và vệ sinh sạch sẽ để đạt hiệu quả cao, hạn chế nguy cơ tái phát.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Lang ben đỏ là bệnh nhiễm nấm thông thường và rất phổ biến. Xảy ra bởi nguyên nhân chính là do sự phát triển quá mức của chủng nấm Malassezia. Trong đó, điển hình nhất là loại Pityrosporum orbiculare và Pityrosporum ovale. Những loại nấm này thường tồn tại và phát triển ở da ngoài cùng hoặc trú ngụ trong nang lông.
Nhìn chung, khi tồn tại với số lượng nhỏ, chủng nấm thường vô hại, thậm chí còn góp phần cân bằng hệ thống vi sinh vật trên da, bảo vệ làn da khỏe mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức khiến chúng chuyển hóa thành các sợi nấm (tên khoa học gọi là Malassezia furfur) và gây ra bệnh lang ben.
Trong giai đoạn bùng phát, chúng có khả năng tạm thời làm thay đổi sắc tố bình thường của da, dẫn đến hình thành các mảng da màu đỏ, có thể có vảy hoặc không. Trong đó, đối với tổn thương lang ben, là dạng điển hình của tăng sắc tố và là kết quả của tình trạng viêm nhiễm do nấm.
Khác với lang ben màu trắng, xảy ra do giảm sắc tố khi nấm men sản sinh một chất hóa học gây ức chế hoạt động của các tế bào melanocytes. Đây là các tế bào da đặc biệt, có khả năng sản xuất melanin sắc tố, duy trì màu sắc bình thường cho làn da, tóc và mắt. Tuy nhiên, dưới sự ảnh hưởng của nấm, các tế bào này hoạt động không bình thường và hình thành lang ben trắng.
Nhìn chung, chính sự phát triển quá mức của nấm men chính là nguyên nhân dẫn đến cơ chế bệnh sinh lang ben đỏ. Dưới đây là thống kê một số yếu tố nguy cơ làm tăng sự kích hoạt và phát triển lan rộng của loại nấm này. Bao gồm:
- Thời tiết nóng ẩm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra lang ben nói chung và lang ben đỏ nói riêng. Vì nấm men có khả năng phát triển cực mạnh trong môi trường nóng ẩm, nhất là những tháng hè nhiệt độ tăng cao. Đây cũng là lý do vì sao những người sinh sống ở các quốc gia vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới thường có nguy cơ phát triển lang ben cao hơn những nơi khác.
- Cơ địa da nhờn: Những người có làn da nhờn cũng dễ phát triển lang ben đỏ hơn người có cơ địa da khô hoặc da hỗn hợp. Vì nấm men có khả năng ăn dầu nhờn do da tiết ra. Nên da càng nhiều dầu, nấm men càng phát triển mạnh gây ra lang ben.
- Thay đổi nội tiết: Phụ nữ mang thai hoặc nữ giới bước vào độ tuổi dậy thì là những giai đoạn cơ thể thay đổi nội tiết mạnh mẽ nhất. Điều này vô tình gây ra hàng loạt vấn đề cho sức khỏe, trong đó có nguy cơ cao phát triển bệnh lang ben đỏ.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc tân dược cũng có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển lang ben đỏ như thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid gây suy yếu hệ thống miễn dịch, thuốc kháng sinh làm phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật trên da. Hậu quả là tạo điều kiện thuận lợi cho nấm men phát triển mạnh.
- Suy giảm miễn dịch: Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu như dùng thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS, ung thư hoặc tiền sử cấy ghép nội tạng thường dễ mắc bệnh hơn những người bình thường.
- Yếu tố di truyền: Ngoài ra, qua nhiều nghiên cứu khoa học, lang ben đỏ tuy là một dạng nhiễm nấm thông thường, nhưng bản chất nó lại có xu hướng di truyền. Tức là khi có yếu tố di truyền nhiễm trùng, xu hướng phát triển bệnh sẽ cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa nhiễm nấm và các gen liên quan vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh lang ben nói chung có 2 loại chính gồm tăng sắc tố và giảm sắc tố. Trong đó, lang ben đỏ thuộc nhóm tăng sắc tố, đặc trưng bởi các mảng da sẫm màu đỏ hoặc nâu đỏ. Sự phát triển quá mức của nấm Maslassezia trên da gây lang ben đỏ có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng bất thường gồm:
- Xuất hiện những mảng da màu đỏ ửng ở vùng cổ, lưng, ngực, cánh tay...;
- Những mảng da đỏ này trở nên rõ ràng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời;
- Kèm theo cảm giác ngứa ngáy từ nhẹ đến nặng;
- Cơn ngứa có xu hướng nặng hơn khi thân nhiệt tăng và đổ nhiều mồ hôi;
- Bong tróc vảy tại vùng da bị lang ben, thường dễ nhầm lẫn với gàu hoặc da khô ráp thông thường;
Chẩn đoán
Các triệu chứng điển hình của lang ben đỏ thường không đặc hiệu, nên rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về da khác. Do đó, mục tiêu chẩn đoán lang ben đỏ chính là loại trừ tất cả các bệnh lý gây ra triệu chứng tương tự để xác nhận chẩn đoán.
Bao gồm một số bệnh lý như: bệnh bạch biến, vảy nến, vảy phấn alba, chàm, giang mai, viêm da tiết bã, vảy nến thể giọt, bệnh u nhú dạng lưới hợp lưu của Gougerot và Carteaud...
Cụ thể quá trình chẩn đoán lang ben đỏ bao gồm các phương pháp xét nghiệm da đơn giản sau:
- Xét nghiệm KOH: Đây là thủ tục kiểm tra đơn giản, không xâm lấn nhằm kiểm tra mẫu da bất thường có phải nhiễm nấm hay không. Mẫu phẩm bệnh là da được lấy bằng cách cạo da hoặc phết nấm, sau đó nhỏ vào vài giọt kali hydroxit và quan sát dưới kính hiển vi. Ưu điểm của phương pháp này là cho kết quả nhanh chóng, chính xác và hầu như không gây đau đớn.
- Soi dưới ánh sáng: Thường là dùng tia cực tím nhằm xác nhận chẩn đoán mắc bệnh lang ben đỏ. Vì dưới ánh sáng laser, vùng da bị nhiễm nấm sẽ hiển thị dưới dạng màu xanh vàng.
- Nuôi cấy nấm: Rất ít trường hợp phải áp dụng đến phương pháp này. Mục đích của cách chẩn đoán này là xác nhận khả năng lây nhiễm của nấm bằng cách tạo ra môi trường giống như trên bề mặt da. Từ đó giúp đánh giá sự phát triển và khả năng lây lan của chúng, giúp việc điều trị dễ dàng hơn.
Biến chứng và tiên lượng
Lang ben đỏ không phải bệnh lý quá nguy hiểm, tương đối lành tính. Nó chỉ là một bệnh da liễu thông thường do nhiễm nấm. Tuy nhiên, do bệnh có tính chất kéo dài dai dẳng và dễ tái phát, nên gây ra không ít phiền toái cho bệnh nhân trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến ngoại hình. Còn về mặt bằng chung, lang ben đỏ không gây ra bất kỳ biến chứng hoặc rối loạn dài lâu nào.
Tổn thương lang ben đỏ có thể được loại bỏ bằng thuốc chống nấm. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, tổn thương có thể tự thuyên giảm và biến mất mà không cần dùng đến thuốc hay bất kỳ phương pháp điều trị chuyên sâu nào. Thời gian điều trị khác nhau ở mỗi người, có thể mất khoảng 1 - 4 tuần hoặc sớm hơn/ lâu hơn tùy theo mức độ nhiễm nấm nặng hay nhẹ.
Điều trị
Những trường hợp bị lang ben đỏ nhẹ, ngứa ngáy ít và tổn thương không có dấu hiệu lây lan, việc điều trị có thể không cần thiết. Lúc này, chỉ cần chú ý theo dõi thường xuyên tổn thương trên da, kết hợp thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực như vệ sinh sạch sẽ, rửa da bằng nước muối sinh lý NaCl và luôn giữ cho vùng da này thông thoáng.
Riêng những vùng da lang ben đỏ nặng hơn, việc điều trị cũng khá dễ dàng bằng các loại thuốc chống nấm đặc hiệu. Những loại thuốc này được điều chế dưới dạng bôi tại chỗ hoặc uống trực tiếp để tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của nấm.
Đặc điểm cụ thể của từng loại thuốc kháng nấm trị lang ben đỏ như:
Thuốc bôi tại chỗ
Loại thuốc này luôn là sự lựa chọn đầu tiên dùng để điều trị lang ben đỏ. Thuốc bôi tại chỗ gồm nhiều loại khác nhau như dạng kem, thuốc mỡ, lotion hoặc dầu gội chống nấm. Đa số đều là dạng không kê đơn, có thể sử dụng mà không cần toa thuốc của bác sĩ.
Một số loại thường dùng phổ biến như:
Nhóm dầu gội và kem chống nấm
- Clotrimazole (Lotrimin AF)
- Selenium sulfide (dầu gội Selsun Blue)
- Miconazol (Micaderm);
- Terbinafine 1% (Lamisil AT);
Nhóm thuốc mỡ chống nấm
- Ketoconazol 2% (Nizoral và Extina);
- Ciclopirox (Loprox và Penlac);
Đối với các loại thuốc bôi tại chỗ, người bệnh cần đảm bảo vệ sinh vùng da bị tổn thương sạch sẽ trước khi bôi. Liều lượng khuyến nghị thường ít nhất 1 - 2 lần/ ngày, mỗi lần chỉ bôi một lớp mỏng vừa phải. Thời gian sử dụng tối đa thường là 1 - 2 tuần, sau đó bệnh nhân cần tái khám lại để kiểm tra và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu không có kết quả.
Thuốc uống toàn thân
Những trường hợp bị lang ben đỏ mức độ nặng, tổn thương nhiều và triệu chứng kéo dài dai dẳng khó điều trị, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng các loại thuốc chống nấm đường uống.
Các loại được sử dụng nhiều nhất là:
- Fluconazol (Diflucan);
- Itraconazol (Onmel hoặc Sporanox);
- Ketoconazol
So với thuốc bôi ngoài da, thuốc uống toàn thân đem lại hiệu quả cao và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn như buồn nôn, nôn ói, tổn thương gan... Do đó, bác sĩ thường chỉ kê đơn dùng thuốc này trong thời gian ngắn, nên các tác dụng phụ này thường không phổ biến.
Kết hợp điều trị tại nhà
Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân bị lang ben đỏ cũng có thể thử áp dụng một số biện pháp cải thiện tại nhà để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng. Thường là các mẹo sử dụng nguyên liệu tự nhiên, chẳng hạn như:
- Nha đam;
- Giấm táo;
- Tỏi/ nghệ;
- Tinh dầu cây trà;
- Dầu ô liu;
- Sữa chua;
Phòng ngừa
Bệnh lang ben đỏ có xu hướng tái phát mạnh khi gặp điều kiện thuận lợi. Do đó, nếu muốn giảm nguy cơ nhiễm trùng tái phát, mỗi người cần chú ý nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa thông qua các biện pháp sau:
- Luôn giữ cho làn da sạch sẽ và khô ráo bằng cách tắm rửa thường xuyên, sau đó lau khô làn da kỹ lưỡng.
- Tránh mặc quần áo quá bó sát, nhất là khi thời tiết nóng bức khiến làn da trở nên ẩm ướt thúc đẩy sự phát triển của nấm men. Ưu tiên những bộ quần áo thoáng khí, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
- Hạn chế việc đổ mồ hôi quá nhiều, thông qua nhiều cách như điều chỉnh nhiệt độ của môi trường xung quanh hoặc sử dụng các chất ức chế tiết mồ hôi.
- Không nên sử dụng chung bất kỳ đồ dùng cá nhân nào như quần áo, khăn tắm, lược chải đầu... để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
- Nếu sinh sống ở môi trường dễ nhiễm nấm, hãy sử dụng các loại dung dịch tẩy rửa có chứa hoạt chất diệt nấm từ 1 - 2 lần/ tháng để ngăn chặn nấm men phát triển.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi bị nổi nhiều mảng đỏ trên da, bong tróc và ngứa ngáy?
2. Những dấu hiệu này có phải là bệnh lang ben không?
3. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh lang ben đỏ?
4. Cần làm những xét nghiệm chẩn đoán gì để xác nhận là lang ben đỏ?
5. Bệnh lang ben đỏ có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
6. Nếu không điều trị, tổn thương lang ben đỏ có tự khỏi không?
7. Điều trị lang ben đỏ bằng thuốc nào tốt nhất? Cách sử dụng như thế nào?
8. Tôi cần làm gì để cải thiện các triệu chứng lang ben đỏ tại nhà?
9. Thời gian điều trị lang ben đỏ mất bao lâu thì khỏi?
10. Tôi phải làm gì để phòng ngừa tái phát lang ben đỏ sau điều trị?
Lang ben đỏ hay bất kỳ dạng lang ben nào khác cũng đều là dạng nhiễm trùng da nhẹ do sự phát triển quá mức của nấm Malassezia. Rất hiếm khi bệnh gây ra những biến chứng bất lợi cho sức khỏe nên người bệnh không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, việc điều trị và chăm sóc tích cực cũng rất cần thiết nhằm loại bỏ nhiễm trùng và phục hồi làn da khỏe mạnh, đều màu thẩm mỹ.
Tham khảo thêm:
- Rạn da: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Phân biệt lang ben và vẩy nến: những điều bạn cần biết!