Bệnh U Mỡ
U mỡ là những khối u lành tính nằm dưới da do chứa các tế bào mỡ, không gây đau đớn. Sự phát triển của chúng không có xu hướng tiến hóa thành ung thư và thường cũng không cần phải điều trị. U mỡ có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường là ở trên lưng, dưới gáy hoặc trên thân người.
Tổng quan
U mỡ (Lipoma) là khối mô mỡ phát triển bên dưới da, thường nằm giữa da và lớp cơ. Chúng thường có hình dầu dục, mềm nhão, kích thước từ 1 - 10cm, có khả năng di chuyển khi bị tác động vật lý. Những khối u mỡ thường lành tính, phát triển chậm, không gây đau nên thường không cần phải điều trị.
Khối u mỡ có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Nhưng thường gặp nhất là ở những vị trí như gáy, lưng, thân mình. Ngoài ra, một số trường hợp cũng có thể phát triển ở mặt, trán, vai, cánh tay...
Bất kỳ ai cũng có thể phát triển u mỡ trên cơ thể, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Đặc biệt phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 40 - 60. Theo thống kê, tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới.
Phân loại
Có rất nhiều dạng u mỡ khác nhau, được phân chia dựa vào sự khác biệt khi quan sát mẫu tế bào mỡ dưới kính hiển vi và vị trí phát triển. Một số loại phổ biến như:
- U mỡ điển hình nằm dưới ngay bên dưới da và có màu trắng thông thường (đây là dạng phổ biến nhất);
- U mỡ nằm sâu dưới da hoặc trong các cơ quan;
- U mỡ Fibrolipoma là những khối u được tạo ra từ chất béo và mô sợi;
- U mỡ có màu nâu thay vì màu trắng thông thường có tên là Hibernoma;
- U mỡ chứa chất béo và mạch máu tên là Angiolipoma;
- U mỡ tế bào trục là những khối u chứa các tế bào mỡ hình que;
- U mỡ không điển hình là sự phát triển của nhiều khối u mỡ trên cơ thể;
- U mỡ thể gia đình là tình trạng di truyền gen phát triển các khối u mỡ lành tính từ thế hệ trước;
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác khởi phát các khối u mỡ vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, xét theo bản chất của chúng, một khối u lành tính phát triển từ các tế bào mỡ. Nó được đánh giá là có sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. Bạn có thể mắc u mỡ di truyền nếu gia đình từng có người mắc phải.
Ước tính có khoảng 2 - 3% trường hợp bệnh nhân phát triển u mỡ do bị ảnh hưởng bởi các kiểu tổn thương di truyền từ gia đình. Trong đó, liên kết gen trên nhiễm sắc thể 12 ở một số khối u mỡ đơn độc hoặc đột biến gen tổng hợp HMGA2-LPP cụ thể có liên quan mật thiết đến sự phát triển của u mỡ.
Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển của các khối u mỡ trên cơ thể. Chẳng hạn như:
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý: Các bệnh lý được khẳng định có liên quan đến sự phát triển của u mỡ, thường ở vùng chân, thân và cánh tay. Chẳng hạn như:
- Bệnh Dercum;
- Hội chứng Gardner;
- Bệnh đa u mỡ di truyền;
- Bệnh Madelung;
- Hội chứng Cowden;
- Bệnh apidosis dolorosa;
- Tiền sử mắc các bệnh mãn tính như tăng lipid máu, đái tháo đường hoặc tổn thương chức năng gan;
- Chấn thương: Việc phải chịu các tác động vật lý như cú đấm, đá, va chạm mạnh có thể gây chấn thương tại chỗ. Điều này có thể dẫn đến sự khởi phát của các khối u mỡ.
- Mất cân bằng nội tiết: Hormone nội tiết tố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các khối u mỡ. Do đó, nếu có nguyên nhân nào đó gây rối loạn nội tiết như dậy thì, mang thai, mãn kinh hoặc căng thẳng quá mức có thể kích hoạt sự khởi phát của u mỡ. Đây cũng là lý do vì sao nữ giới có nguy cơ phát triển u mỡ cao hơn nam giới.
- Thừa cân béo phì: Đây cũng là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra u mỡ. Những người thừa cân có chỉ số mỡ thừa cao, chúng tích tụ dần theo thời gian hình thành u mỡ.
- Tác dụng phụ của thuốc: Trong một số trường hợp, sử dụng một số loại thuốc như corticosteroid, thuốc ức chế protease ở bệnh nhân bị loạn dưỡng mỡ hoặc HIV cũng có thể gây ra sự phát triển của khối u mỡ.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Khối u mỡ có các đặc điểm và triệu chứng điển hình sau:
- Nằm ẩn dưới da, thường ở các vị trí như cổ, vai, lưng, trán, bụng, đùi, cánh tay;
- Mềm, nhão;
- Có khả năng di chuyển;
- Kích thước từ vài mm đến vài cm;
- Hình tròn hoặc hình bầu dục, bề mặt trơn nhẵn;
- Không gây đau, ngay cả khi nó đang phát triển;
Trong một số ít trường hợp, khối u mỡ phát triển nghiêm trọng, thường là trong các cơ quan nội tạng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn như nhiễm trùng, sưng viêm, đau nhức.
Chẩn đoán
Đối với sự phát triển bất thường của khối u mỡ, bước đầu tiên bác sĩ sẽ tập trung đánh giúp các triệu chứng thực thể, kiểm tra kích thước, vị trí khối u hay các đặc điểm hình dạng bên ngoài của nó.
Để xác định khối u là lành tính hay ác tính, tìm ra căn nguyên cũng như mức độ nghiêm trọng của khối u, cần phải thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng chuyên sâu. Chẳng hạn như:
- Sinh thiết;
- Chụp CT scan hoặc MRI;
- Siêu âm nội soi;
Trong đó, các kiểm tra hình ảnh cho phép quan sát chi tiết hình ảnh các khối y mỡ dưới da, xác định vị trí và tính chất nghiêm trọng của các khối u mỡ.
Biến chứng và tiên lượng
Bản chất của các khối u mỡ là lành tính. Nhìn chung chúng vô hại và không gây ra những tiến triển nghiêm trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự phát triển bất thường của các khối u mỡ không phải do ngẫu nhiên hay bẩm sinh, có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Khác với những khối u mỡ lành tính, phát triển chậm và vô hại, các khối u mỡ được hình thành do các bệnh lý tiềm ẩn, chúng có thể gây phát triển xâm nhập vào các dây thần kinh và mạch máu. Những khối u này phát triển lớn dần và chèn ép vào các dây thần kinh gây đau nhức.
Trong một số trường hợp hiếm gặp:
- U mỡ có thể phát triển bị nhiễm trùng, gây sưng viêm bề mặt trên hoặc xung quanh khối u mỡ;
- Khối u mỡ nằm giáp với các lớp mô bao phủ xương, gây cản trở việc thực hiện các cử động tay. Hậu quả gây đau nhức dọc theo chi bị ảnh hưởng. Đây là biến chứng u mỡ màng xương khá hiếm gặp;
- U mỡ phát triển ở tim gây tắc mạch;
- U mỡ phát triển trong đường hô hấp gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp, khó thở nặng tăng nguy cơ tử vong;
- U mỡ phát triển ở đường tiêu hóa gây tắc nghẽn đường ruột, rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ khởi phát chảy máu thứ phát;
Nhìn chung, ngoại trừ các biến chứng hiếm gặp, đa số các trường hợp phát triển u mỡ thường là lành tính và vô hại. Hầu hết đều không cần can thiệp điều trị y tế. Mức tiên lượng ở các trường hợp u mỡ biến chứng cũng rất khó lường. Nhưng thường không quá nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Điều trị
Việc can thiệp điều trị thường áp dụng cho những trường hợp khối u mỡ phát triển lớn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tính thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn điều trị phù hợp.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị u mỡ phổ biến:
- Tiêm Steroid: Thủ tục này được áp dụng khá phổ biến, được thực hiện bằng cách tiêm Steroid trực tiếp vào khối u mỡ. Cách này đem lại hiệu quả cao trong việc làm giảm kích thước và kiểm soát triệu chứng sưng viêm tại chỗ. Tuy nhiên, thủ thuật này không thể loại bỏ hoàn toàn khối u mỡ.
- Tiêm Lipolysis (lipodissolve): So với tiêms steroid, phương pháp tiêm lipolysis đang được áp dụng phổ biến trong thời gian gần đây. Chỉ với một mũi tiêm trực tiếp vào khối u mỡ nằm dưới da, có khả năng làm tan các tế bào mỡ hiệu quả.
- Hút mỡ: Đối với những khối u mỡ lành tính nhưng ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, bác sĩ thường tư vấn thực hiện hút mỡ để loại bỏ các mô mỡ. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng một ống nhỏ để hút hết các mô mỡ thừa ra ngoài. Đây là liệu pháp ít xâm lấn, hạn chế để lại sẹo trên cơ thể. Tuy nhiên, không phải khối u mỡ nào cũng phù hợp để thực hiện biện pháp này.
- Phẫu thuật cắt bỏ: Việc cắt bỏ khối u mỡ là điều cần thiết nhằm loại bỏ hoàn toàn các khối u mỡ. Thực chất đây là một cuộc tiểu phẫu nhỏ, thực hiện nhanh chóng và hiếm khi gây ra biến chứng. Tùy theo từng loại khối u mỡ, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ bằng phương pháp phù hợp. Chẳng hạn như:
- U mỡ dưới da được cắt bỏ bằng kỹ thuật thông thường, ưu tiên kỹ thuật có tính thẩm mỹ cao, vết mổ được tạo ra trực tiếp trên khối u theo đường căng của da;
- U mỡ trong tim được phẫu thuật loại bỏ bằng cách chia thành từng thùy nhỏ, sau đó loại bỏ từng thùy một để đảm bảo an toàn và đạt kết quả cao;
- U mỡ trong ruột cần cắt bỏ cục bộ;
Riêng với phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiến hành trong trạng thái gây tê hoặc gây mê để giảm thiểu đau đớn, khó chịu. Tuy nhiên, vì chi phí phẫu thuật thường cao hơn những biện pháp khác và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, nên tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm để đạt được kết quả cao.
Sau phẫu thuật cắt bỏ khối u mỡ, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định về liều dùng thuốc giảm đau, kháng sinh phù hợp, đúng thời gian tiêu chuẩn. Kết hợp chăm sóc vết mổ sạch sẽ, theo dõi kỹ hàng ngày để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, xử lý ngay để ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng.
Phòng ngừa
Không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với bệnh u mỡ. Vì sự phát triển của chúng do rất nhiều nguyên nhân và yếu tố gây ra. Nhưng để giảm nguy cơ phát triển của chúng vẫn có rất nhiều cách, chẳng hạn như:
- Duy trì cân nặng phù hợp, phòng tránh thừa cân béo phì thông qua chế độ ăn uống, tập luyện và sinh hoạt điều độ, khoa học.
- Hạn chế các chấn thương ngoài ý muốn, bảo vệ bản thân khỏi các tác động lực quá mạnh.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính hoặc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh di truyền có khả năng gây ra u mỡ.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường chứa hóa chất độc hại để giảm nguy cơ phát triển u mỡ.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao cơ thể tôi xuất hiện các khối u bất thường mà không đau nhức?
2. Những khối u này có phải khối u ung thư không?
3. Nguyên nhân gì khiến tôi bị u mỡ?
4. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán u mỡ?
5. U mỡ lành tính vậy có cần can thiệp điều trị không?
6. Nếu không điều trị loại bỏ u mỡ có thể gây ra những biến chứng gì?
7. Phương pháp xử lý khối u mỡ hiệu quả dành cho trường hợp của tôi?
8. Loại bỏ khối u mỡ có gây ra rủi ro nào không?
9. U mỡ có tái phát sau khi được loại bỏ không?
10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa hình thành các khối u mỡ?
U mỡ là những khối u lành tính và hiếm khi gây hại cho sức khỏe hoặc đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, vẫn cần phải theo dõi thêm cũng như điều trị kịp thời ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để giảm thiểu những nguy cơ rủi ro biến chứng về sau.
Tham khảo thêm:
- Bệnh bướu sợi tuyến có nguy hiểm không?
- Bệnh ung thư môi có điều trị được được không?