Bệnh Viêm Môi U Hạt

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Viêm môi u hạt là một dạng rối loạn gây viêm hiếm khi xảy ra, không xác định được nguyên nhân. Bệnh lý này chủ yếu ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi. Tổn thương đặc trưng của bệnh là môi sưng dai dẳng, không đau ở cả 1 hoặc 2 bờ môi. Điều trị viêm môi u hạt là cần thiết nhằm cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. 

Tổng quan

Viêm môi u hạt (Cheilitis Granulomatosa - CG) là tình trạng viêm gây ảnh hưởng đến da môi. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự hình thành của các u hạt, là các nốt nhỏ hoặc sưng tấy ở môi. Khối u là lành tính, không phải ung thư, có nhiều kích thước khác nhau, từ nhỏ đến lớn. Trong vài trường hợp nó có vết sưng môi có thể lan đến má.

Tình trạng này còn được gọi với nhiều tên khác nhau. Chẳng hạn như bệnh viêm môi hạt Miescher (CGM) nếu triệu chứng xảy ra đơn độc hoặc hội chứng Melkersson Rosenthal (MRS) nếu xuất hiện tam chứng cổ điển gồm sưng môi, phù mặt tái phát, lưỡi nhăn nheo, nứt nẻ hoặc liệt dây thần kinh ngoại biên tái phát.

Viêm môi u hạt là một dạng rối loạn viêm mãn tính khá hiếm gặp gây ảnh hưởng đến môi và các vùng da xung quanh

Viêm môi u hạt thường là vô căn, xảy ra không có nguyên nhân rõ ràng. Nhưng trong một vài trường hợp, tình trạng này có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe cụ thể. Chẳng hạn như hội bệnh sarcoidosis, bệnh Crohn, hội chứng Melkersson - Rosenthal. Nhưng đa phần đều không gây lây nhiễm và không đau đớn.

Bệnh viêm môi u hạt khá hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng đến khoảng 0.08% dân số thế giới. Tỷ lệ nam nữ mắc bệnh tương đương nhau và không phổ biến hơn ở bất kỳ quốc gia hay chủng tộc nào. Tuy nhiên, theo các báo cáo ghi nhận, tỷ lệ mắc ở những người trẻ tuổi và người trưởng thành từ 20 - 40 tuổi.

Phân loại

Bệnh viêm môi u hạt được chia làm 2 dạng chính gồm: Hội chứng Melkersson - Rosenthal (MRS) và bệnh u hạt vùng miệng (OFG). Mỗi loại có những đặc điểm cụ thể và căn nguyên khác nhau.

  • Hội chứng Melkersson - Rosenthal (MRS): Đây là một chứng bệnh rối loạn thần kinh khá hiếm gặp. Đặc trưng bởi tam chứng sưng môi, nứt lưỡi và liệt mặt tái phát. Chứng bệnh này được cho là có liên quan đến sự cơ chế rối loạn miễn dịch. Tuy nhiên, về cơ bản thì nguyên nhân gây ra vẫn chưa được biết chính xác.
  • U hạt vùng miệng (OFG): Đây là tình trạng viêm mãn tính, gây ảnh hưởng đến nhiều vị trí khác nhau như môi, miệng, mặt... Đặc trưng tổn thương của bệnh là sự hình thành các u hạt to nhỏ khác nhau, gây sưng, đau, đỏ rát. Tổn thương này thường liên quan đến các bệnh như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc tự phát.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cơ chế khởi phát viêm môi u hạt là do tình trạng viêm bất thường xảy ra trong các mạch máu. Điều này khiến cho các tế bào trong nhiều vùng nhỏ của hệ thống miễn dịch bị tập trung lại với nhau, tạo thành khối u hạt. Tuy nhiên, cho đến nay nguyên nhân tại sao gây ra cơ chế này vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Nhiều nhà khoa học cho rằng tình trạng này có liên quan đến chứng rối loạn tự miễn. Có nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động bất thường và tấn công đến các mô tế bào môi khỏe mạnh. Tuy nhiên, mọi nguyên nhân đều chỉ là giả thuyết và vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Viêm môi u hạt được cho là một dạng rối loạn tự miễn dịch hoặc xảy ra vô căn không lý do

Cụ thể một số yếu tố căn nguyên được ghi nhận có liên quan đến sự khởi phát viêm môi u hạt bao gồm:

  • Yếu tố miễn dịch: Bản chất của viêm môi u hạt là tình trạng viêm mãn tính. Đặc trưng bởi quá trình phản ứng miễn dịch thông qua trung gian. Thông thường, sự bất thường này thường xuất phát từ bẩm sinh, khiến khả năng miễn dịch của niêm mạc môi nhằm đáp ứng với các kháng nguyên. Hậu quả gây ra phản ứng hình thành các khối u hạt dai dẳng. Trong một số trường hợp, viêm môi u hạt có liên quan đến các rối loạn tự miễn dịch khác như bệnh Crohn hoặc bệnh sarcoidosis.
  • Dị ứng: Các chuyên gia cũng nghi ngờ sự khởi phát của các khối u hạt ở môi có liên quan đến tác nhân dị ứng. Chẳng hạn như thực phẩm, mỹ phẩm, vật liệu nha khoa, kem đánh răng, nước súc miệng...
  • Nhiễm trùng: Một số loại vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập vào môi cũng có thể gây ra viêm và hình thành u hạt. Các loại điển hình được đưa vào nghiên cứu như Mycobacteria gây bệnh lao, Saccharomyces cerevisiae, Candida albicans, Borrelia burdorferi, paratuberculosis...
  • Di truyền: Yếu tố di truyền cũng góp phần trở thành yếu tố quan trọng gây ra viêm môi u hạt. Nếu trong gia đình từng có những thành viên đã mắc viêm môi u hạt, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao mắc phải viêm môi u hạt di truyền vào một thời điểm nhất định.
  • Các yếu tố khác:
    • Thường xuyên để môi tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại hoặc ánh nắng mặt trời chứa UV cao;
    • Mắc các bệnh di truyền bẩm sinh, chẳng hạn như thiếu hụt enzyme C1 esterase;
    • Tiền sử mắc bệnh u hạt kèm theo viêm đa mạch (một dạng rối loạn tự miễn gây viêm mạch máu, kèm theo biến chứng tổn thương nội tạng);

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm môi u hạt như:

Tổn thương đặc trưng của viêm môi u hạt là môi sưng phù, nóng đỏ và khô nứt nẻ

  • Môi sưng húp, phù nề nặng gây khó khăn khi ăn uống, nói chuyện;
  • Viêm, đỏ và sờ ấm;
  • Tình trạng sưng viêm có thể lan đến má;
  • Khô ráp, nứt nẻ và bong tróc các mảng da môi màu trắng, đỏ hoặc nâu;
  • Thay đổi màu sắc môi, sẫm màu hơn;
  • Khối u vỡ ra hình thành vết loét gây đau rát và lâu lành;

Triệu chứng viêm môi u hạt thường biểu hiện khác nhau ở từng trường hợp cụ thể. Một số bệnh nhân có thể chỉ gặp các triệu chứng nhẹ, trong khi những người khác có thể gặp các triệu chứng nặng hơn. Do đó, tốt nhất hãy thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán cũng như có hướng điều trị phù hợp.

Chẩn đoán

Việc chẩn đoán viêm môi u hạt thường được thực hiện thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng và khám thực thể tình trạng của môi. Vì so với nhiều bệnh lý gây tổn thương môi khác, viêm môi u hạt không quá khác biệt. Do đó, một cuộc kiểm tra y tế và khám thực thể kỹ lưỡng là rất cần thiết nhằm hỗ trợ quá trình chẩn đoán bệnh chính xác.

Ở bước này, bác sĩ sẽ đồng thời vừa khám và kiểm tra tình trạng của môi, các khu vực xung quanh vừa đặt những câu hỏi liên quan đến triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh, thói quen sinh hoạt, ăn uống cũng như các loại thuốc bạn đang sử dụng.

Khám thực thể kết hợp sinh thiết là biện pháp chẩn đoán chính xác căn nguyên và mức độ viêm môi u hạt

Ngoài ra, các xét nghiệm cận lâm sàng cũng có thể được chỉ định thực hiện khi cần thiết, nhằm mục đích xác nhận chẩn đoán viêm môi u hạt. Bao gồm:

  • Sinh thiết: Trong quá trình kiểm tra môi, bác sĩ sẽ kết hợp lấy mẫu bệnh phẩm từ môi của người bệnh để làm sinh thiết. Xét nghiệm này được thực hiện trong phòng thí nghiệm, soi mẫu tế bào dưới kính hiển vi để kiểm tra dấu hiệu viêm và các u hạt.
  • Xét nghiệm dị ứng: Chẳng hạn như làm kiểm tra test dị ứng da bằng các chất hóa học hoặc chích da để kiểm tra phản ứng dị ứng của cơ thể. Đồng thời, quan sát xem môi có phản ứng và sưng lên hay không.
  • Xét nghiệm máu: Trong vài trường hợp, xét nghiệm máu cũng có thể được chỉ định nhằm loại trừ các tình trạng sức khỏe khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự. Thường là bệnh Crohn hoặc sarcoidosis.
  • Kiểm tra hình ảnh: Rất ít trường hợp có dấu hiệu viêm môi phải làm xét nghiệm hình ảnh. Nhưng khi cần thiết muốn loại trừ các tình trạng bệnh lý khác hoặc đánh giá mức độ viêm, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT hoặc MRI.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm môi u hạt là một dạng rối loạn viêm hình thành các khối u hạt lành tính và hiếm khi gây ra các biến chứng nguy hiểm. Đa số trường hợp bệnh đều đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị y tế tích cực. Chẳng hạn như dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch hoặc kháng sinh, chống viêm theo chỉ định của bác sĩ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, không loại trừ viêm môi u hạt là một phần của hội chứng Melkersson - Rosenthal (MRS) khá nguy hiểm, tiên lượng xấu. Mặc dù vậy, cho đến nay, ngành y học vẫn chưa ghi nhận chính xác về các biến chứng thần kinh cụ thể của bệnh lý này.

Do đó, mặc dù viêm môi u hạt thường tiến triển mãn tính và dai dẳng, khó điều trị dứt điểm. Nhưng không nên vì vậy mà người bệnh chủ quan, lơ là trong điều trị. Ngược lại, cần phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để tiến hành kiểm tra, chẩn đoán và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh càng tiến triển lâu, nguy cơ tổn thương môi vĩnh viễn càng cao.

Điều trị

Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị y tế hiệu quả đối với căn bệnh này. Tuy nhiên, có không ít các phương pháp điều trị triệu chứng nhằm mục đích cải thiện giảm nhẹ hoặc giảm nguy cơ tái phát, đặc biệt là trong giai đoạn môi sưng, phù nề nghiêm trọng.

Mục đích của việc điều trị chủ yếu nhằm xoa dịu triệu chứng khó chịu ở vùng môi và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các biện pháp điều trị hiệu quả hiện nay bao gồm:

Dùng thuốc 

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm môi u hạt, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc phù hợp. Có thể dùng dưới dạng kem bôi, thuốc uống hoặc dạng tiêm.

Các chọn lựa dùng thuốc hiệu quả dành cho viêm môi u hạt như Corticosteroid, chống viêm hoặc ức chế miễn dịch

Các loại thuốc thường dùng như:

  • Liệu pháp Corticosteroid: Đây là loại thuốc cổ điển được ưu tiên sử dụng trong điều trị viêm môi u hạt. Các cách phổ biến nhất là dùng thuốc dưới bất kỳ dạng nào như bôi tại chỗ hoặc tiêm vào vết thương. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp việc sử dụng thuốc corticosteroid toàn thân trong thời gian ngắn cũng có thể cần thiết. Liều dùng khuyến cáo thường là Prednisone 0.3 - 0.7mg/kg/ngày đối với trẻ ems, 25 - 50mg/ngày đối với người lớn.
  • Thuốc chống viêm: Ưu tiên sử dụng nhóm thuốc chống viêm kết hợp hỗ trợ điều hòa miễn dịch để tăng hiệu quả điều trị triệu chứng. Các loại thường dùng như:
    • Tacrolimus dạng bôi tại chỗ;
    • Clofazimine dạng uống;
    • Thalidomide, doxycycline hoặc dapsone;
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Nhóm thuốc này cũng có thể được chỉ định sử dụng nhằm mục đích giảm viêm, ức chế sự hình thành của u hạt ở môi. Trong đó, methotrexate hoặc azathioprine được sử dụng khá phổ biến.
  • Các loại thuốc khác: Thường ít được sử dụng hơn các loại thuốc kể trên, nhưng với những người kháng trị có thể đem lại kết quả khả quan. Chẳng hạn như:
    • Chất ức chế yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-alpha);
    • Dẫn xuất este của axit fumaric;
    • Chất ổn định tế bào mast (như ketotifen);

Chăm sóc tại nhà

Mặc dù không có cách điều trị khỏi dứt điểm viêm môi u hạt. Nhưng chỉ cần bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc và tích cực thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà dưới đây có thể giúp kiểm soát triệu chứng nhanh chóng trong thời gian ngắn.

Thường xuyên bôi kem hoặc son dưỡng ẩm lên môi để giữ ẩm, hỗ trợ cải thiện triệu chứng viêm

Bao gồm các cách đơn giản sau:

  • Chườm khăn ấm trực tiếp lên vùng môi bị sưng viêm, nóng đỏ giúp xoa dịu kích ứng, giảm sưng đáng kể;
  • Bôi kem dưỡng ẩm hoặc son dưỡng môi lành tính, có chứa hoạt chất giảm viêm và giữ nước tốt để giữ cho môi luôn ẩm, ngăn ngừa nứt nẻ;
  • Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng và súc miệng 2 - 3 lần/ ngày để loại bỏ các tác nhân gây nhiễm trùng;
  • Loại bỏ hoàn toàn các chất dị ứng có khả năng gây kích ứng da môi, như hóa chất mạnh, thực phẩm, mỹ phẩm...;

Ngoài 2 biện pháp trên, trong một vài trường hợp viêm môi u hạt có tổn thương nghiêm trọng và cố định, không còn tiến triển nữa. Bác sĩ sẽ khuyến nghị bệnh nhân thực hiện phẫu thuật gọt cằm hoặc loại bỏ các mô bị ảnh hưởng ở vùng môi. Đồng thời, có thể thực hiện tái tạo lại môi để cải thiện tính thẩm mỹ.

Phòng ngừa

Viêm môi u hạt thường là vô căn hoặc một vài trường hợp liên quan đến các yếu tố nhiễm trùng, di ứng hoặc di truyền. Chính vì vậy nên việc phòng ngừa tuyệt đối căn bệnh này gần như là không thể. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nguy cơ phát triển tình trạng này bằng các biện pháp tích cực sau:

  • Tránh tiếp xúc với bất kỳ loại hóa chất mạnh hay chất dị ứng, kích thích nào có khả năng gây ra viêm môi u hạt.
  • Nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh răng miệng, môi sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
  • Tạo thói quen sử dụng son dưỡng môi chuyên dụng để giữ ẩm cho đôi môi, giảm nguy cơ kích ứng gây bong tróc, nứt nẻ dẫn đến viêm.
  • Xây dựng lối sống khoa học, nói không với thuốc lá, rượu bia cùng các chất kích thích khác để giảm thiểu nguy cơ phát triển viêm môi u hạt.
  • Nếu có tiền sử dị ứng và dễ tái phát viêm môi u hạt, tốt nhất bạn nên định kỳ tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ. Việc này nhằm chủ động điều trị trước các triệu chứng để giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Lý do vì sao môi của tôi bị sưng viêm, phù nề, đỏ ngứa và khô ráp, bong tróc nhiều?

2. Cần làm những kiểm tra hay xét nghiệm gì để tìm ra căn nguyên?

3. Nguyên nhân gì khiến tôi mắc bệnh viêm môi u hạt?

4. Bệnh viêm môi u hạt có giống với những dạng viêm môi thông thường không?

5. Bị viêm môi u hạt có khả năng lây nhiễm không?

6. Bệnh viêm môi u hạt có tự khỏi không?

7. Tình trạng viêm môi u hạt của tôi nên điều trị bằng cách nào tốt nhất?

8. Dùng thuốc trị viêm môi u hạt lâu ngày có gây ra tác dụng phụ nào không?

9. Những biện pháp chăm sóc tại nhà tôi nên áp dụng để cải thiện triệu chứng?

10. Các triệu chứng viêm môi u hạt có tái phát sau điều trị không?

Viêm môi u hạt là một dạng rối loạn gây viêm mãn tính hiếm gặp. Trong một số trường hợp, nếu chẳng may mắc phải, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng khó lường liên quan đến thần kinh. Nhưng đa số đều đáp ứng tốt với điều trị y tế, tuy nhiên dễ tái phát. Chính vì vậy, hãy chú ý theo dõi các triệu chứng bất thường ở môi và thăm khám điều trị càng sớm càng tốt.