Bệnh rận mu
Ngứa ngáy vùng tam giác do mắc bệnh rận mu ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của nhiều người. Rận mu có thể lây từ người này sang người khác qua đường tình dục, dùng chung đồ dùng cá nhân,... Thận trọng tránh biến chứng lở loét, nhiễm trùng, viêm kết mạc khi mắc bệnh rận mu, đặc biệt là khi người bệnh không chăm sóc và điều trị đúng cách.
Tổng quan
Bệnh rận mu là một bệnh lý thường gặp gây ngứa ngáy vùng kín, bộ phận sinh dục. Cơn ngứa ngáy có thể kéo dài, xảy ra viêm nhiễm nếu người bệnh không chăm sóc khu vực nhạy cảm đúng cách. Đặc biệt, vào ban đêm rận mu hoạt động mạnh khiến tình trạng ngứa dữ dội hơn, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Ngoài tên gọi này bệnh còn có tên như rận lông mu, rận cua, rận bẹn, chấy cua,... Con rận có tên khoa học là Pthirus Pubis, chúng là loại động vật ngoại nhiệt. Chính vì thế thân nhiệt của chúng thường dao động theo nhiệt độ của môi trường.
Đa số các trường hợp mắc rận mu đều là người trưởng thành, ít khi gặp ở trẻ em trước dậy thì. Các con rận sẽ bám vào sợi lông vùng kín, hậu môn, nách,... để đẻ trứng, một số trường hợp phát hiện cả trứng rận trên lông mi hoặc trên râu.
Con vật này có khả năng di chuyển từ người sang người nếu người bệnh có tiếp xúc thân mật với người khác. Con đường lây bệnh chính gồm đường quan hệ tình dục, sử dụng chung đồ dùng cá nhân,... Rận mu sẽ sống ký sinh trên cơ thể vật chủ gây ra các cơn ngứa ngáy dữ dội khó chịu, nhất là vào ban đêm.
Phân loại
Rận mu phát triển nhanh chóng qua 3 giai đoạn chính. Ngoài ra, chúng có khả năng bám từ vật chủ sang vật chúng tiếp xúc như khăn tắm, ga trải giường,... và từ người sang người, sau một thời gian cơn ngứa ngáy bắt đầu xuất hiện.
Dưới đây là phân loại các giai đoạn phát triển của bệnh rận mu:
- Giai đoạn trứng: Trứng rận mu đẻ ra có kích thước siêu nhỏ, nếu không quan sát kỹ có thể không nhận ra. Chúng bám vào trong những sợi lông, hình dạng trứng bầu dục, màu vàng. Để trứng thành ấu trùng cần một tuần đến 10 ngày.
- Giai đoạn nhộng: Nhộng rận mu có hình dạng giống với rận trưởng thành. Tuy nhiên giai đoạn này chúng còn khá yếu, kích thước nhỏ chưa gây hại cho vật chủ. Sau khoảng nửa tháng đến 21 ngày, rận đã có đủ thời gian phát triển, trưởng thành hơn và có khả năng hút máu gây ngứa ngáy cho người bệnh.
- Giai đoạn trưởng thành: Để duy trì sự sống, rận sẽ hút máu người để nuôi cơ thể. Chúng tiếp tục vòng đời của mình bằng cách hút máu, sinh sản. Nếu xa vật chủ, không có nguồn dưỡng chất nuôi thân rận, chúng sẽ chết sau khoảng 3 ngày.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Như đã đề cập, rận mu có khả năng lây từ người này sang người khác thông qua đường quan hệ tình dục, tiếp xúc gần, sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, mền, gối,... Chúng sống ký sinh, đẻ trứng và hút máu người làm dinh dưỡng.
Sau khoảng 72 giờ khi rời khỏi vật chủ, nếu không tiếp xúc với cơ thể người khác, rận mu sẽ dần chết đi do không được cung cấp dinh dưỡng. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rận mu kể đến như:
- Quan hệ tình dục với người mắc bệnh rận mu hoặc có tiếp xúc thân mật, gần gũi với người bệnh. Cái rận nhanh chóng lan qua da, bám vào những sợi lông trên cơ thể, nhất là khu vực vùng kín. Chúng tiếp tục sinh sôi, phát triển tại đây gây ra các cơn ngứa ngáy vô cùng khó chịu.
- Thói quen vệ sinh không sạch sẽ, lười tắm, không gội đầu thường xuyên cũng là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh rận mu. Ngoài ra, một số trường hợp bị rận mu tấn công do thói quen không giặt giũ quần áo, mền gối, ga trải giường,...
- Sử dụng chung khăn tắm, nằm ngủ chung, sử dụng mền gối của người mắc bệnh rận mu trước đó tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Tỷ lệ mắc chứng rận mu ở trẻ em chưa dậy thì khá thấp. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở người trưởng thành, nhất là người trong độ tuổi sinh sản. Để phòng tránh các triệu chứng trở nên nặng nề và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác, bạn cần tìm cách điều trị sớm khi phát hiện mắc chứng rận mu.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh rận mu xuất hiện sau 5 ngày khi tác nhân gây hại tiếp xúc với cơ thể người, cụ thể như sau:
- Cơn ngứa ngáy xuất hiện ở bộ phận sinh dục khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống.
- Khi quan sát kỹ phát hiện trên lông mu có các con rận siêu nhỏ. Chúng có hình dạng gần giống với con cua, màu nâu xám hay trắng xám tùy vào lượng máu mà chúng hút được từ cơ thể vật chủ.
- Lông mu có trứng rận, trứng được rận đẻ và bám ở phần chân lông. Trứng rận nhỏ, có hình dạng bầu dục có màu trắng, vàng. Trứng thường nằm theo từng cụm trên lông.
- Da bị rận mu cắn bắt đầu nổi các nốt máu xanh bất thường, kèm theo cơn sốt nhẹ, mệt mỏi.
- Rận mu cũng có khả năng đào thải phân ra ngoài, chính vì thế khi quan sát quần lót, phía trong có thể bám một vài đốm nhỏ màu nâu, hoặc đôi khi đỏ sẫm.
Đây là những triệu chứng thường gặp khi người bệnh bị rận mu tấn công. Cơn ngứa ngáy càng bùng phát dữ dội hơn khi trời về đêm. Người bệnh không nên chủ quan, trường hợp không vệ sinh cơ thể, chăm sóc vùng kín có thể khiến tình trạng rận mu ngày càng nặng nề.
Chẩn đoán
Các biện pháp được áp dụng trong chẩn đoán bệnh rận mu là kiểm tra lông ở vùng kín, vùng nách, lông đùi,... Những khu vực này có thể quan sát được trứng rận hoặc cái rận lưu trú. Tuy nhiên do kích thước trứng và con rận khá nhỏ, để quan sát tốt cần có kính hiển vi.
Rận mu cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các loài rận khác. Để phân biệt, bác sĩ sẽ quan sát trứng, kiểm tra các dấu hiệu bất thường người bệnh gặp phải. Sau khi có kết quả, xác định triệu chứng xảy ra do rận mu, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân cách can thiệp, điều trị bệnh bằng biện pháp phù hợp nhất.
Biến chứng và tiên lượng
Rận mu là một dạng bệnh ngoài da xảy ra do tác nhân gây hại tấn công, hút máu dẫn đến triệu chứng ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp rận mu lây truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tuy nhiên khi rận tấn công gây ngứa ngáy lại ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Cơn ngứa ngáy càng dữ dội hơn vào ban đêm khiến bệnh nhân ngủ không ngon giấc. Đồng thời trong giấc ngủ có thể vô thức cào gãi vùng bị ngứa kéo theo tình trạng trầy xước, tạo điều kiện cho hại khuẩn tấn công gây viêm nhiễm, loét da.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân không chăm sóc vùng kín đúng cách, ngứa ngáy, tổn thương da gây viêm nhiễm lan rộng. Các triệu chứng trở nên nặng nề dần gây ảnh hưởng không chỉ đối với đời sống của người bệnh mà còn gây hại cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Xem thêm: Những lý do khiến nam giới luôn ngứa ngáy vùng kín
Điều trị
Hiện nay cách điều trị rận mu hiệu quả nhất là sử dụng thuốc. Thuốc được chỉ định chứa các hoạt chất có tác dụng tiêu diệt, ức chế hoạt động của rận mu. Người bệnh nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn, tránh việc lạm dụng thuốc hoặc sử dụng tùy tiện.
Dưới đây là các thuốc trị rận mu có tác dụng mạnh:
- Thuốc chứa Malathion: Thường ở dạng lotion sử dụng ngoài da. Bôi trực tiếp dung dịch lên vị trí lông có rận mu, lưu lại 8-12 tiếng để thuốc hoạt động loại bỏ tác nhân gây hại.
- Viên uống Ivermectin: Sử dụng đường uống có tác dụng hỗ trợ điều trị rận mu.
- Thuốc Lindane: Thuốc có tác dụng mạnh nhất trong các loại thuốc điều trị rận mu. Do đó, bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc theo phác đồ của bác sĩ. Bôi thuốc lên vùng lông mu có rận, chỉ giữ trong 4 phút rồi rửa sạch lại với nước, không lưu hoạt chất trên da quá lâu. Không sử dụng sản phẩm cho trẻ em, trẻ sơ sinh hoặc phụ nữ đang có bầu, đang cho con bú.
Một số cách thủ công khác có thể giúp loại bỏ rận mu như sử dụng nhíp gấp, đặc biệt áp dụng cho trường hợp rận ở lông mi. Tuy nhiên phương pháp này không mang lại hiệu quả tối ưu, dễ gây hại cho mắt. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
Một số lưu ý cần biết khi phát hiện rận mu:
- Vệ sinh cơ thể, vùng kín sạch sẽ, tắm rửa bằng xà phòng, nước ấm.
- Vệ sinh ngay giường chiếu, chăn mền, giặt phơi dưới nắng mặt trời.
- Sử dụng sản phẩm diệt rận mu theo hướng dẫn, dùng đúng phác đồ, không lạm dụng kem bôi hoặc thuốc uống.
- Chủ động ngăn chặn lây lan rận mu cho người xung quanh, kiêng quan hệ tình dục trong vòng ít nhất 7 ngày. Hạn chế chơi hoặc tiếp xúc gần với người thân trong gia đình để đảm bảo không lây rận mu cho xung quanh.
Tham khảo thêm: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)
Phòng ngừa
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nguy hiểm khi mắc bệnh rận mu, tuy nhiên sự tấn công của cái rận có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe, cuộc sống của người bệnh. Chủ động phòng tránh bệnh rận mu là vấn đề bạn đọc nên quan tâm, một số lưu ý:
- Giữ vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày.
- Kiêng quan hệ với người mắc bệnh rận mu cho đến khi họ điều trị dứt điểm.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân đặc biệt là khăn tắm, quần áo lót, chăn mền với người khác, tránh lây rận mu cũng như các bệnh lý da liễu, bệnh truyền nhiễm khác.
- Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, nơi ở, giặt chăn mềm, thay ga trải giường,...
- Sử dụng sà phòng tắm, sà phòng diệt khuẩn vệ sinh cơ thể, rửa tay, giặt quần áo,... để loại bỏ tác nhân gây hại bám trên da hoặc sợi vải.
- Thay quần áo sạch mỗi ngày, không mặc quần áo bị ẩm ướt, quần áo bẩn trong nhiều ngày liền.
- Thường xuyên theo dõi các biểu hiện trên cơ thể, nếu phát hiện bất thường tốt hơn hết bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị.
Có thể bạn quan tâm: Ghẻ ruồi là bệnh gì? Nguy hiểm không? Cách điều trị
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh rận mu là gì?
2. Triệu chứng bệnh rận mu là gì?
3. Nguyên nhân gây bệnh rận mu?
4. Làm cách nào để phát hiện được rận mu?
5. Không điều trị rận mu có được không?
6. Bệnh rận mu có gây biến chứng nguy hiểm không?
7. Dùng thuốc điều trị rận mu được không?
8. Sử dụng trong bao lâu thì rận mu khỏi?
9. Làm gì khi rận mu tái phát?
10. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị phòng nguy cơ lây lan rận mu?
Bệnh rận mu gây ra các cơn ngứa ngáy khó chịu. Người bệnh không điều trị, không chăm sóc cơ thể đúng cách có thể gây bệnh nặng hơn, triệu chứng dữ dội ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe. Do đó khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, bạn nên chủ động tìm hiểu và có biện pháp can thiệp điều trị sớm.