Bệnh Hạ cam

Hạ cam là một trong những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, xảy ra ở cả nam và nữ giới. Những người có đời sống tình dục phóng túng, bừa bãi, quan hệ với nhiều người, không sử dụng bao cao su... có nguy cơ cao mắc bệnh. Điều trị bệnh hạ cam chủ yếu bằng thuốc kháng sinh, điều trị càng sớm tiên lượng khỏi bệnh càng cao và ngược lại nếu không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. 

Tổng quan

Hạ cam (Chancroid/ Soft Chancre) hay còn được gọi là bệnh săng mềm. Đay là bệnh nhiễm trùng hiếm gặp lây qua truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Haemophilis ducreyi gây ra. Bệnh đặc trưng bởi những tổn thương, vết loét gây đau đớn, ngứa rát khó chịu ở cơ quan sinh dục, kèm theo sưng hạch bạch huyết vùng bẹn.

Hạ cam là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Haemophilus ducreyi gây ra

Tương tự như các bệnh lây qua đường tình dục khác, bệnh hạ cam rất dễ lây lan từ người sang người thông qua quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh. Bệnh này dễ nhầm lẫn với bệnh giang mai, vì đều là bệnh lây qua đường tình dục, nhưng thực chất chủng vi trùng gây mỗi bệnh khác nhau. Ngoài ra, bệnh cũng có đồng yếu tố dịch tễ với HIV, có khả năng lây nhiễm HIV khá cao, từ 5 - 9 lần hoặc hơn.

Tỷ lệ mắc bệnh hạ cam không quá nhiều nhiều, chủ yếu là những trường hợp phát sinh lẻ tẻ ở các quốc gia đang phát triển như Hoa Kỳ hoặc một số nước ở châu Âu. Bất kỳ đối tượng nào, dù nam hay nữ đều có thể mắc bệnh hạ cam, nhưng phổ biến hơn ở những người không cắt bao quy đầu. Đối với phụ nữ khi mắc bệnh này thường không gây ra triệu chứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trực khuẩn gram âm Haemophilus ducreyi là tác nhân chính gây bệnh hạ cam. Chúng có khả năng lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp, thường là qua quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Hoặc chúng cũng có thể lây trực tiếp trên chính cơ thể người bệnh, từ vị trí tổn thương lan sang các vùng da niêm mạc khỏe mạnh khác.

Quan hệ tình dục không an toàn và bừa bãi là tác nhân hàng đầu gây lây nhiễm bệnh hạ cam

Ngoài ra, có một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh hạ cam như:

  • Quan hệ tình dục với những người có tiền sử bệnh không rõ ràng hoặc đang nhiễm bệnh, có nhiều bạn tình, không sử dụng bao cao su;
  • Người có hệ thống miễn dịch suy yếu cũng dễ mắc bệnh hạ cam hơn, chẳng hạn như bệnh HIV/AIDS;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Sau khoảng 3 - 10 ngày phơi nhiễm với vi khuẩn, các triệu chứng bệnh hạ cam sẽ bắt đầu xuất hiện rõ ràng. Đối với nam giới, tổn thường xuất hiện ở bao quy đầu, đầu hoặc thân dương vật, ở nữ giới có thể xuất hiện ở âm hộ, âm vật hoặc cửa âm đạo. Một số trường hợp có thể xuất hiện ở miệng và hậu môn.

Bệnh hạ cam đặc trưng bởi các vết loét sưng đau, rỉ dịch ở cơ quan sinh dục

Cụ thể một số triệu chứng đặc trưng của bệnh hạ cam như:

  • Các vết sưng phù, gây đau nhức khó chịu trên vùng da tại cơ quan sinh dục;
  • Nổi các đốm mụn nước nhỏ;
  • Vết sưng hoặc vết phồng rộp chuyển thành vết loét hở, mềm và đau khi chạm vào;
  • Vết loét thường có hình bầu dục hoặc hình tròn, bờ mềm sần sùi, có phần đáy màu vàng xám;
  • Chảy máu hoặc rỉ dịch mủ từ vết loét;
  • Kèm theo sưng hạch bạch huyết vùng bẹn;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh hạ cam, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu phẩm bệnh là mô da hoặc chất dịch lỏng từ vết loét để mang đi làm xét nghiệm. Một số xét nghiệm thường được thực hiện như:

Chẩn đoán bệnh hạ cam chủ yếu thông qua các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm tìm kiếm sự hiện hiện của vi khuẩn

  • Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT);
  • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR);
  • Xét nghiệm nuôi cấy hoặc nhuộm Gram;
  • Xét nghiệm máu

Những xét nghiệm này giúp tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn H.ducreyi hoặc tìm vật liệu di truyền từ các vi sinh vật gây nhiễm bệnh. Bước này cực kỳ quan trọng, vừa giúp xác định chủng vi khuẩn gây bệnh hạ cam vừa loại trừ các bệnh lý khác như mụn rộp, giang mai, HIV hoặc bệnh hoa liễu.

Biến chứng và tiên lượng

Hạ cam là một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và đời sống tình dục của bản thân. Bản chất là một bệnh truyền nhiễm nên rất dễ lây lan cho người khác, nhất là khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn.

Các chuyên gia cho biết, nếu chẳng may mắc bệnh hạ cam và không điều trị, các vết loét có xu hướng tự khỏi sau 1 - 2 tháng. Tuy nhiên, dù tổn thương bên ngoài có thể khỏi nhưng bạn sẽ có nguy cơ cao bị viêm hạch bạch huyết hoặc nhiễm trùng mô mềm, hình thành ổ áp xe kéo theo nhiều di chứng khó lường như hình thành lỗ rò giữa các cơ quan sinh dục, nhiễm trùng hoại tử các mô tại đây.

Trường hợp được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, vết loét sẽ dần lành lại, hồi phục sức khỏe tốt. Sau khoảng 1 - 2 tuần điều trị, tổn thương hạ cam sẽ có tiến triển tốt. Đối với những tổn thương nặng có thể để lại sẹo tại vị trí vết loét.

Điều trị

Dùng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh hạ cam. Thuốc có tác dụng ức chế và loại bỏ nhiễm trùng, ngăn ngừa biến chứng. Một số loại thuốc kháng sinh thường dùng để điều trị hạ cam như:

Phương pháp điều trị chính đối với bệnh hạ cam là dùng thuốc kháng sinh

  • Azithromycin dùng liều 1g duy nhất;
  • Ceftriaxone liều 250mg dùng dưới dạng tiêm bắp 1 lần duy nhất;
  • Ciprofloxacin liều 500mg x 2 lần uống/ngày, dùng trong 3 ngày. Chống chỉ định thuốc này cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú;
  • Erythromycin liều 500mg x 3 lần/ ngày, dùng trong 7 ngày;

Trường hợp bệnh nhân bị đau nhức khó chịu do các vết loét, hãy thông báo cho bác sĩ để được kê toa thuốc giảm đau, giảm cảm giác khó chịu.

Bên cạnh dùng thuốc kháng sinh, bệnh nhân cần tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng nhiễm trùng như:

  • Chườm hoặc ngâm cơ quan sinh dục vào nước ấm giúp sưng viêm, đau nhức;
  • Giữ cho cơ quan sinh dục luôn khô thoáng và sạch sẽ;
  • Không nên mặc quần lót quá chật, tránh gây kích ứng vết loét;
  • Tránh quan hệ tình dục cho đến khi hết nhiễm trùng hoàn toàn;
  • Không nên cào gãi, chà xát mạnh lên vết loét, điều này càng khiến tổn thương trầm trọng hơn, lâu lành và làm tăng nguy cơ lây nhiễm sang cho các bộ phận khác của cơ thể;

Phòng ngừa

Chúng ta chỉ có thể mắc bệnh hạ cam thông qua tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Do đó, nếu muốn phòng tránh căn bệnh này, hãy thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, có mối quan hệ lành mạnh, không quan hệ với nhiều người, nhất là những người bị nhiễm bệnh.
  • Đảm bảo không tiếp xúc các tổn thương vết loét, rỉ dịch từ người bệnh.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra dấu hiệu và tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là với những người có đời sống tình dục phóng túng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi bị nổi mụn nước, các vết loét đau, rỉ dịch ở cơ quan sinh dục?

2. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh hạ cam?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh hạ cam?

4. Bệnh hạ cam có lây không? Lây qua con đường nào?

5. Nếu tôi không điều trị, bệnh hạ cam có tự khỏi không?

6. Phương pháp điều trị bệnh hạ cam tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

7. Điều trị bệnh hạ cam mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

8. Bệnh hạ cam có thể gây ra những biến chứng nào đến sức khỏe của tôi?

9. Chi phí điều trị bệnh hạ cam?

10. Tôi cần làm gì để phòng tránh tái nhiễm vi khuẩn gây bệnh hạ cam?

Bệnh hạ cam phổ biến ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bệnh có khả năng lây lan giữa người với người thông qua quan hệ tình dục không an toàn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, đời sống tình dục cùng nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Do đó, hãy chủ động thăm khám để kịp thời điều trị và thực hiện tích cực các biện pháp phòng ngừa để phòng ngừa mắc bệnh.