Bệnh rung nhĩ
Bệnh rung nhĩ là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có khả năng gây biến chứng tắc mạch, đột quỵ não,... Người bệnh cần được thăm khám, theo dõi và điều trị để bảo đảm an toàn sức khỏe. Trường hợp chủ quan, rung nhĩ kéo dài có thể phát sinh nhiều biến chứng.
Tổng quan
Rung nhĩ là tên gọi của bệnh lý liên quan đến hệ tim mạch. Cụ thể, sự bất thường trong hoạt động của tâm nhĩ là nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Theo đó, bộ phận này có sự co bóp không đều, đôi khi co bóp nhanh, đôi khi chậm dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim.
Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai. Người bệnh có thể có hoặc không có triệu chứng nào bất thường khi bệnh khởi phát. Chỉ đến khi tình trạng rối loạn tâm nhĩ nặng hơn, các biểu hiện bắt đầu rõ ràng. Người bệnh cần thăm khám và điều trị bệnh rung nhĩ sớm, tránh tình trạng bệnh biến chứng đe dọa an toàn tính mạng.
Phân loại
Bệnh rung nhĩ được chia thành các dạng như:
- Rung nhĩ kịch phát: Hiện tượng tâm nhĩ rung bất thường xảy ra một cách đột ngột, kéo dài vài phút hoặc trong vài giờ, vài ngày sau đó thuyên giảm và biến mất. Mặc dù hiện tượng rối loạn có thể tự cải thiện, tuy nhiên trong một số trường hợp rối loạn rung nhĩ kịch phát có thể kéo theo đột quỵ não, nhất là bệnh nhân đang có bệnh nền, bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh, não bộ.
- Rung tâm nhĩ dai dẳng: So với rung nhĩ kịch phát, người mắc rung tâm nhĩ dai dẳng thường kéo dài hơn 7 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm. Trường hợp này người bệnh phải sử dụng thuốc, điều trị bằng các phương pháp phù hợp nhằm ổn định hoạt động của tâm nhĩ.
- Rung nhĩ kéo dài: Đối với trường hợp này hiện tượng rung nhĩ bất thường xảy ra kéo dài, thậm chí là hơn 12 tháng.
- Rung nhĩ vĩnh viễn: Đây là dạng rung nhĩ nặng, lúc này tim không còn khả năng quay trở lại nhịp đập bình thường. Bệnh nhân có khả năng gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, cần sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng liên tục.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tâm nhĩ nằm ở buồng phải của tim, nơi đây chứa các nhóm tế bào hay còn được gọi là nút xoang, giữ nhiệm vụ điều hòa nhịp đập của quả tim. Xung thúc đẩy từ nút xoang giúp tim đập theo nhịp ổn định. Theo cơ chế thông thường, tín hiệu sẽ đi qua tâm nhĩ, sau đó tâm nhĩ co bóp bơm máu xuống tâm thất.
Lúc này tín hiệu sẽ tiếp tục tìm đến nút AV và đi đến tâm thất làm co bóp tim bơm máu ra khắp cơ thể. Ở những bệnh nhân có hoạt động tâm nhĩ rối loạn thường có nhịp đập bất thường, hoạt động dẫn truyền tín hiệu từ tâm nhĩ đến tâm thất bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng co tâm thất quá nhanh.
Tâm nhĩ, tâm thất đập hỗn loạn khiến người bệnh mắc các vấn đề về tim. Nhịp tim đập nhanh, chậm không đều. Nguyên nhân gây ra quá trình bất thường về rung nhĩ, rung thất liên quan đến nhiều yếu tố. Trong đó, tổn thương cấu trúc tim được xác định là nguyên nhân chủ yếu.
Những ảnh hưởng gây tổn thương bao gồm:
- Bệnh về tim trước đó, bị tật tim bẩm sinh.
- Mắc bệnh tuyến giáp, hội chứng nút xoang.
- Khí phế thũng, bệnh phổi, viêm phổi đã từng phẫu thuật.
- Nhiễm virus, vi khuẩn.
- Ăn uống không lành mạnh, uống nhiều cà phê, chất kích thích,...
Một số trường hợp khác được ghi nhận mắc chứng rung nhĩ mặc dù tim không có bất kỳ biểu hiện tổn thương nào. Do đó, thực tế không đồng nhất nguyên nhân gây rung nhĩ ở tất cả bệnh nhân. Tùy từng tình hình sức khỏe, thể trạng, tiền sử bệnh lý,... các nguyên nhân gây bệnh sẽ được xác định để đưa ra đến phác đồ điều trị.
Đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ cao bao gồm người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim, từng mắc bệnh tim, phải phẫu thuật, người có thói quen sống không lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích không có lợi cho sức khỏe,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Như đã đề cập, bệnh nhân mắc chứng rung nhĩ có thể có hoặc không có triệu chứng rõ ràng nào. Giai đoạn đầu các bất thường bên trong thường âm thầm, sau đó triệu chứng dần rõ ràng khi tim rối loạn hoạt động nghiêm trọng hơn.
Người bệnh có thể cảm nhận thấy nhịp tim đột ngột thay đổi, nhanh bất thường hay còn gọi là trống ngực. Kèm theo đó là cảm giác khó thở, thở bị hụt hơi. Những dấu hiệu này có thể thuyên giảm sau thời gian ngắn hoặc kéo dài tùy theo phân loại rung tâm nhĩ.
Nhận biết bất thường, sớm thăm khám là vấn đề được bác sĩ khuyến khích người bệnh nên thực hiện. Các triệu chứng bao gồm:
- Đánh trống ngực, khó thở.
- Vã mồ hôi, choáng váng, đau ngực.
- Tim đập nhanh, nhịp tim bất thường.
- Cơ thể mệt mỏi, hoạt động thể lực kém, cơ thể đôi khi có biểu hiện bị phù.
Đối với trường hợp bệnh nhân biến chứng đột quỵ liên quan đến rung nhĩ các dấu hiệu xuất hiện nặng nề hơn như yếu một phần cơ thể, khó nói, khó hiểu người khác nói, đau nhức đầu dữ dội, mắt bị mờ, nhòe đột ngột. Cần đưa người bệnh đến cơ sở gần nhất để được cấp cứu.
Chẩn đoán
Chẩn đoán các bất thường liên quan đến hệ tim mạch thông qua các biểu hiện lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết. Các phương pháp kể đến như:
- Điện tâm đồ
- Theo dõi Holter
- Siêu âm tim
- Xét nghiệm máu
- Chụp X quang
Kết quả thăm khám cho thấy sự bất thường trong hoạt động của tim, phát hiện những tổn thương thực tế nếu có,... Thông qua đó, phác đồ điều trị bệnh được xây dựng tương ứng với từng tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Người mắc bệnh tim nói chung, bệnh rung tâm nhĩ nói riêng có thể gặp phải nhiều biến chứng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Những rủi ro có thể xảy ra ở người bệnh kể đến như:
- Tăng nguy cơ đột quỵ: Cục máu đông có thể hình thành ở buồng trên tim nếu tình trạng rối loạn nhịp tim không được cải thiện. Đây là nguy cơ dẫn đến đột quỵ mà nhiều người có thể gặp phải. Cục máu đông di chuyển làm tắc nghẽn lưu thông máu, người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Tăng rủi ro suy tim: Người bệnh có thể bị suy tim khi hiện tượng rung nhĩ bất thường kéo dài.
Ngoài các biến chứng nghiêm trọng đã nêu, bệnh nhân có thể bị di chứng về tim, tổn thương tim khiến cơ thể suy nhược, gặp phải nhiều hệ lụy kèm theo khác. Bệnh nếu tiến triển nặng có thể gây khó khăn cho việc điều trị, chính vì thế tốt hơn hết khi bị rung nhĩ bạn nên đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra càng sớm càng tốt.
Điều trị
Người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng nếu không kiểm soát rung nhĩ đúng cách, kịp thời. Trong trường hợp nặng nhất bệnh nhân có thể tử vong mà không thể cứu chữa. Do đó, ngay khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, bạn nên khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Những giải pháp điều trị rung nhĩ được chỉ định tùy theo đối tượng. Dưới đây là những cách được áp dụng:
Sử dụng thuốc:
Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân mắc bệnh rung nhĩ. Một số loại kể đến như:
- Thuốc chẹn Beta: Chỉ định cho bệnh nhân mắc vấn đề về tim mạch, tác dụng làm chậm nhịp tim.
- Thuốc chặn Canxi: Nhóm thuốc này cũng được chỉ định cho bệnh nhân mắc chứng rung nhĩ. Thuốc có tác dụng chính là kiểm soát nhịp tim. Đối tượng bị huyết áp, suy tim sẽ được cân nhắc sử dụng hoặc thay thế bằng nhóm thuốc khác.
- Thuốc Digoxin: Dùng thuốc giúp cải thiện nhịp tim, sử dụng trong thời gian người bênh nghỉ ngơi. Một số thuốc khác có thể được chỉ định dùng kết hợp khi cần thiết.
- Các thuốc khác: Bên cạnh các thuốc kể trên, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thêm thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc chống đông máu,...
Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ, không tùy tiện ngưng, dùng gấp đôi liều lượng được khuyến cáo hoặc kết hợp với nhiều loại thuốc khác nhau. Thông báo với bác sĩ nếu quá trình sử dụng thuốc xảy ra các phản ứng phụ, tùy tình hình sức khỏe bác sĩ sẽ cân nhắc điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
Phương pháp hỗ trợ nhịp tim:
Bác sĩ có thể chỉ định thiết lập nhịp tim cho bệnh nhân bị rung nhĩ lần đầu tiên, nhịp tim nhanh chậm gây khó chịu. Thủ thuật chuyển nhịp tim được áp dụng nhằm điều chỉnh lại hiện tượng rối loạn này. Các máy móc và thuốc kể đến như máy sốc điện, thuốc chống loạn nhịp tim.
Phương pháp có thể được áp dụng song song với quá trình điều trị các bệnh lý tim mạch khi cần thiết. Ngoài ra, đây cũng là cách sốc lại nhịp tim giúp lấy lại sự sống cho những trường hợp khẩn cấp. Đối với trường hợp phải định kỳ thực hiện, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng đông để cho người bệnh dùng, tránh nguy cơ đông máu, đột quỵ.
Can thiệp ngoại khoa:
Phẫu thuật ngoại khoa được thực hiện nhằm điều trị tình trạng rung nhĩ cho bệnh nhân. Áp dụng cho trường hợp không đáp ứng điều trị nội khoa. Thủ thuật tiến hành dựa trên tình hình sức khỏe của mỗi người. Người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín, chất lượng để thăm khám, điều trị bệnh để đảm bảo an toàn.
Phòng ngừa
Bệnh rung nhĩ là một trong các vấn đề tim mạch nguy hiểm. Khi bệnh biến chứng có khả năng gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn đe dọa an toàn tính mạng của bệnh nhân. Do đó, khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện lạ, tốt nhất bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ sớm.
Ngoài ra, việc chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cũng được các chuyên gia đầu ngành đưa ra nhiều khuyến cáo. Một số lưu ý giúp ngăn nguy cơ mắc bệnh tim nói chung, bệnh rung nhĩ nói riêng kể đến như:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung cho cơ thể những loại thực phẩm dinh dưỡng, hạn chế ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, nhiều đường, quá chua, cay,... Ưu tiên ăn những loại rau củ quả, trái cây tươi tốt cho sức khỏe.
- Tránh dùng nhiều rượu bia, đồ uống chứa cồn, không nên hút thuốc lá, không sử dụng chất kích thích để bảo vệ sức khỏe.
- Tập thể dục, duy trì các thói quen vận động khoa học giúp cơ thể trao đổi chất, tuần hoàn tốt hơn. Không nên làm việc quá sức, nên dành thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt là bảo vệ chất lượng giấc ngủ, không nên thức khuya thường xuyên, hạn chế căng thẳng, áp lực kéo dài.
- Đối với những đối tượng đang dùng thuốc điều trị nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tùy tiện uống thuốc tân dược để giảm rủi ro gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
- Tái khám theo lịch hẹn, kiểm tra sức khỏe tổng quát để kịp thời phát hiện bất thường, điều trị càng sớm càng tốt.
Có thể bạn quan tâm: Mạch Đập Nhanh: Nguyên nhân và Cách làm ổn định nhanh
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Bệnh rung nhĩ là gì?
2. Bệnh rung nhĩ do nguyên nhân nào gây ra?
3. Triệu chứng nhận biết rung nhĩ là gì?
4. Biến chứng nếu không điều trị rung nhĩ là gì?
5. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh rung nhĩ?
6. Dùng thuốc chữa bệnh rung nhĩ có được không?
7. Tôi cần uống thuốc trong bao lâu để ổn định nhịp tim?
8. Tác dụng phụ tôi có thể gặp phải là gì?
9. Khi nào phải phẫu thuật điều trị rung nhĩ?
10. Lịch hẹn tái khám của tôi là khi nào?
Bệnh rung nhĩ gây rối loạn nhịp tim, nếu kéo dài chuyển biến nặng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Bác sĩ khuyên mỗi người nên theo dõi tình trạng sức khỏe, chủ động đến khám bệnh khi cơ thể có dấu hiệu bất thường. Tránh trường hợp chủ quan, bệnh tiến triển nặng không chỉ gây khó khăn cho việc điều trị mà còn đe dọa an toàn tính mạng của người bệnh.