Bệnh đau đỉnh đầu

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Đau đỉnh đầu âm ỉ kéo dài hoặc đột ngột xuất hiện làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Tình trạng này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe cần thận trọng. Bởi, trường hợp đau do bệnh lý mạch máu, thần kinh,... có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Tổng quan

Đau đỉnh đầu là tình trạng đau nhức ở khu vực đỉnh đầu, đau âm ỉ hoặc dữ dội, kéo dài hoặc xuất hiện đột ngột. Tùy vào nguyên nhân gây đau mà bệnh nhân sẽ gặp phải các vấn đề sức khỏe với mức độ nặng hay nhẹ.

Đau đỉnh đầu
Cơn đau xuất hiện ở đỉnh đầu đột ngột hoặc kéo dài âm ỉ

Bệnh nhân bị đau đỉnh đầu cần lưu ý các biểu hiện đi kèm. Đặc biệt nếu cơn đau kéo dài không khỏi cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra, chẩn đoán bệnh và điều trị sớm. Trường hợp chủ quan, đau đỉnh đầu do bệnh lý thần kinh, mạch máu,... có thể phát sinh biến chứng ảnh hưởng sức khỏe.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cơn đau đỉnh đầu có thể xảy ra đột ngột hoặc đau mãn tính nhiều ngày, thường xuyên tái phát,... Nguyên nhân gây đau liên quan đến nhiều vấn đề từ chấn thương, bệnh lý. Dưới đây là yếu tố gây bệnh thường gặp:

Đau đỉnh đầu do bệnh

Nguyên nhân gây đau đỉnh đầu do bệnh lý thần kinh, mạch máu khá phổ biến. Bệnh nhân cần thăm khám chẩn đoán bệnh lý để có biện pháp can thiệp điều trị phù hợp, phòng tránh biến chứng nguy hiểm. Các bệnh kể đến như:

  • Hội chứng đau nửa đầu: Migraine là bệnh lý nhiều người mắc phải. Cơn đau nếu kéo dài có thể lan rộng đến vùng đỉnh đầu. Do đó, nếu bạn thấy đầu bị đau nửa trái, nửa phải sau đó đau đến đỉnh đầu rất có thể là do ảnh hưởng bởi bệnh Migraine.
  • Thiếu máu não: Bệnh nhân bị thiếu máu não có triệu chứng đau nhức đầu khó chịu. Ngoài ra người bệnh còn nhận thấy nhiều vấn đề bất thường khác như choáng váng, buồn nôn, suy nhược cơ thể, yếu cơ,... kèm theo cơn đau đỉnh đầu âm ỉ kéo dài. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được điều trị sớm.
  • Bệnh cao huyết áp: Những bệnh nhân mắc chứng cao huyết áp gặp phải triệu chứng đau đỉnh đầu âm ỉ hoặc nặng nề. Áp lực máu tăng lên dẫn đến hiện tượng xơ vữa, dãn mạch máu,... từ đó đỉnh đầu xuất hiện cơn đau nhức, đôi khi lan rộng gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe người bệnh.
  • Bệnh viêm xoang: Đây cũng là nguyên nhân gây đau đỉnh đầu nhiều bệnh nhân gặp phải. Cơn đau thường xuất hiện, kéo dài trong khoảng thời gian nhất định. Viêm xoang là bệnh lý mãn tính, các cơn đau đầu có khả năng tái đi tái lại ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của bệnh nhân.
  • Rối loạn tiền đình: Bệnh nhân bị đau đỉnh đầu kèm theo choáng váng, không giữ được thăng bằng,... có thể đang bị rối loạn tiền đình. Lúc này người bệnh cần thăm khám và điều trị y tế.

Ngoài những bệnh lý điển hình kể trên, bệnh nhân còn có nguy cơ mắc phải nhiều vấn đề về tuần hoàn não, bệnh hệ thần kinh,... Để tránh rủi ro, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy cơn đau kéo dài không thuyên giảm, đặc biệt là khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác.

Đau đỉnh đầu do thời tiết

Đau đỉnh đầu có thể liên quan đến yếu tố thời tiết. Đặc biệt là khi thời tiết đột ngột thay đổi, trời nắng chuyển sang mưa và ngược lại, nhiệt độ thấp đột ngột tăng cao,... Lúc này bạn sẽ gặp phải nhiều biểu hiện cơ thể khó chịu như đau đầu, nóng sốt và nhiều vấn đề khác.

Nguyên nhân gây đau đỉnh đầu
Đau đỉnh đầu do thời tiết thay đổi thất thường khiến bệnh nhân mệt mỏi khó chịu

Đây là nguyên nhân khách quan bên ngoài, tuy nhiên cũng liên quan đến yếu tố hệ miễn dịch, đề kháng cơ thể. Nhất là đối với những bệnh nhân bị viêm xoang, dị ứng thời tiết,... sẽ nhạy cảm hơn đối với các biến đổi thất thường.

Đau đỉnh đầu do sinh hoạt

Một số trường hợp khác bệnh nhân bị đau đỉnh đầu kéo dài do làm việc quá sức, thức khuya thường xuyên, ăn uống không đủ chất,... Những yếu tố khách quan bên ngoài có thể được điều chỉnh, khắc phục để giảm đau mà không cần sử dụng thuốc.

Đau đỉnh đầu do các vấn đề khác

Ngoài các yếu tố kể trên, tình trạng đau đỉnh đầu có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác. Chẳng hạn đau do chấn thương, đau do tai nạn va đập vùng đầu, do đội mũ quá chật, nhìn màn hình điện thoại, máy tính quá lâu, tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh...

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp cơn đau đỉnh đầu xuất hiện là dấu hiệu của nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân không nên chủ quan khi nhận thấy biểu hiện bất thường này. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ để xác định bệnh lý và điều trị theo hướng dẫn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, cơn đau đầu có thể xuất hiện đột ngột rồi biến mất hoặc đau âm ỉ kéo dài. Mức độ đau đầu cũng khác nhau dựa trên giai đoạn bệnh lý mỗi người gặp phải. Cơn đau có thể trở nên trầm trọng hơn kèm theo nhiều biểu hiện khác gây ảnh hưởng nặng đến sức khỏe.

Theo đó, ngoài đau đỉnh đầu bệnh nhân còn có khả năng bị choáng váng, chóng mặt, đau vùng cổ, đau hai bên đầu, đau hàm kèm buồn nôn, nhạy cảm hơn với ánh sáng, tiếng ồn. Trường hợp nặng, bệnh biến chứng gây khó thở, nôn ối dữ dội, rối loạn lo âu, mất trí, nhận thức kém, chảy máu cam,...

Chẩn đoán

Bác sĩ dựa vào các triệu chứng lâm sàng bạn gặp phải chẩn đoán sơ bộ tình trạng đau đỉnh đầu liên quan đến triệu chứng nào. Khi cần thiết, bệnh nhân sẽ phải thực hiện các biện pháp chẩn đoán chuyên sâu hơn như siêu âm, chụp CT, MRI, xét nghiệm máu,...

Chẩn đoán đau đỉnh đầu
Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ nếu triệu chứng kéo dài không thuyên giảm

Sau khi có kết quả, tùy từng mức độ bệnh của mỗi người bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp đau đỉnh đầu cơ học, tác động từ bên ngoài có thể nghỉ ngơi để cơn đau thuyên giảm mà không cần dùng thuốc. Trường hợp nặng, đau do bệnh lý, chấn thương sử dụng thuốc giảm đau theo phác đồ y tế.

Biến chứng và tiên lượng

Đau đỉnh đầu nếu kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng đời sống của người bệnh. Đặc biệt nếu cơn đau xuất hiện kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác. Người bệnh không nên chủ quan, thay vào đó cần tìm hiểu nguyên nhân gây đau đầu và điều trị sớm.

Đối với đau đầu do bệnh lý, thiếu máu não hoặc các vấn đề rối loạn tuần hoàn, bệnh nhân thậm chí có nguy cơ đối diện với biến chứng đe dọa tính mạng. Đau đầu mãn tính ảnh hưởng đến cuộc sống, làm giảm trí nhớ, giảm năng suất lao động, sức khỏe suy nhược,...

Để ngăn chặn rủi ro hại sức khỏe, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ nếu phát hiện cơn đau đỉnh đầu kéo dài. Nhất là trường hợp đau kèm theo triệu chứng buồn nôn, giảm ý thức, choáng váng, ngất xỉu,... phòng ngừa biến chứng đe dọa sự an toàn tính mạng.

Điều trị

Dựa trên chẩn đoán bệnh lý của mỗi người, bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ dẫn phù hợp giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau đỉnh đầu, điều trị bệnh lý một cách triệt để, an toàn. Dưới đây là các phương pháp được áp dụng:

Điều trị bằng thuốc Tây

Sử dụng thuốc giảm đau điều trị đau đỉnh đầu theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số thuốc đặc trị sẽ được kê đơn giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng, bệnh lý đang mắc phải. Người bệnh tránh trường hợp tự ý sử dụng thuốc, lạm dụng hoặc kết hợp thuốc bừa bãi.

Thuốc dùng cho bệnh nhân đau đỉnh đầu đột ngột, đau do căng thẳng, các nguyên nhân bệnh lý, nguyên nhân thứ phát có thể kiểm soát. Các loại như:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Acetaminophen, Aspirin, Ibuprogen, Naproxen,...
  • Thuốc giảm đau đầu theo toa: Tritans, Etodolac, Oxaprozin, Indomethacin, Nabumetone, Diclofenac,...
  • Thuốc ngăn ngừa đau đầu: Thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ, thuốc an thần, chống động kinh,...

Sử dụng thuốc theo phác đồ, một vài bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Các phản ứng như ngứa ngáy, phát ban, buồn ngủ, mệt mỏi, ợ chua, ợ nóng, khô đắng miệng và nhiều biểu hiện khác. Chúng có thể thuyên giảm sau một thời gian khi thuốc phát huy tác dụng.

Điều trị đau đỉnh đầu
Bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau đỉnh đầu theo phác đồ y tế

Mỗi trường hợp bệnh lý sẽ có thuốc đặc trị tương ứng. Bệnh nhân sử dụng thuốc kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống điều độ để sớm phục hồi sức khỏe. Trong thời gian sử dụng thuốc người bệnh nên theo dõi các biểu hiện của cơ thể, nếu nhận thấy triệu chứng bất thường trở nên nặng hơn hãy liên hệ để được bác sĩ hỗ trợ.

Phương pháp can thiệp ngoại khoa

Đối với những trường hợp đau đỉnh đầu liên quan đến bệnh lý nặng nề, triệu chứng không thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng các biện pháp ngoại khoa khi cần thiết. Không áp dụng cho tất cả các trường hợp đau đỉnh đầu.

Bác sĩ sẽ thăm khám thận trọng cho người bệnh trước khi đưa ra giải pháp ngoại khoa. Những bệnh nhân đáp ứng đủ yêu cầu điều trị xâm lấn mới được thực hiện. Bệnh nhân được tư vấn kỹ để chuẩn bị tinh thần cũng như các việc nên làm trước khi phẫu thuật để đạt được kết quả như mong đợi.

Tùy vào bệnh lý bệnh nhân đang gặp phải, phương pháp can thiệp sẽ được chỉ định tương ứng. Bệnh nhân sau điều trị ngoại khoa tiếp tục được theo dõi để đảm bảo việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Ngoài tuân thủ phác đồ, bệnh nhân cần kết hợp nghỉ ngơi, có chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý để cơ thể có điều kiện phục hồi.

Chăm sóc phục hồi tại nhà

Đối với những bệnh nhân bị đau đỉnh đầu do các nguyên nhân khách quan bên ngoài như thời tiết, chấn thương đầu, đội nón quá chật,... không cần sử dụng thuốc, có thể giảm đau bằng cách nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và điều chỉnh sinh hoạt.

Trong giai đoạn bị đau nhức đầu, bệnh nhân nên dành thời gian cho cơ thể được thư giãn, tránh làm việc, stress, căng thẳng quá mức. Đồng thời bổ sung đủ nước cho cơ thể, giữ ấm hoặc làm mát cơ thể theo điều kiện thời tiết. Ăn uống đầy đủ, không nhịn ăn, bỏ bữa, cân bằng dinh dưỡng để cơn đau đầu sớm cải thiện.

Phòng ngừa

Đau đỉnh đầu có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Dựa vào nguyên nhân gây đau bệnh nhân cần được điều trị, kiểm soát cơn đau càng sớm càng tốt. Đặc biệt là nguy cơ đau đầu do bệnh lý thần kinh, hệ tuần hoàn, máu huyết,... nếu không phát hiện có thể bùng phát biến chứng nặng nề hơn.

Phòng ngừa đau đỉnh đầu
Xây dựng lối sống lành mạnh phòng ngừa cơn đau đỉnh đầu tái phát

Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên tự bảo vệ sức khỏe bản thân, phòng ngừa đau đỉnh đầu nói riêng và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Các lưu ý:

  • Đảm bảo chất lượng giấc ngủ, không nên thức khuya thường xuyên, dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể được thư giãn.
  • Kiểm soát cân nặng, ăn uống đầy đủ, không ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ quá béo, đồ ăn quá mặn, quá chua cay,... Hạn chế sử dụng bia rượu, đồ uống chứa cồn, không nên hút thuốc lá.
  • Hạn chế căng thẳng, stress kéo dài, nên dành thời gian trao đổi, chia sẻ với bạn bè, người thân về các vấn đề khó tự giải quyết để nhận sự hỗ trợ. Việc áp lực quá mức cũng là nguyên nhân gây ra các cơn đau đầu mãn tính, cấp tính.
  • Tập thể dục, xây dựng thói quen vận động giúp bạn có cơ thể dẻo dai, tăng cường đề kháng chống lại sự tấn công của các tác nhân gây hại.
  • Sử dụng thuốc và điều trị bệnh theo phác đồ y tế, tránh lạm dụng thuốc tân dược, kết hợp nhiều loại thuốc bừa bãi có thể gây ra phản ứng phụ hại sức khỏe.
  • Khám sức khỏe định kỳ, theo dõi diễn biến cơ thể trong thời gian điều trị bệnh mãn tính. Nếu nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị sớm.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau đỉnh đầu thường xuyên là do đâu?

2. Nếu không điều trị tình trạng đau đỉnh đầu có tự khỏi không?

3. Đau đỉnh đầu lan rộng gây ảnh hưởng sức khỏe tôi như thế nào?

4. Tôi có thể uống thuốc giảm đau điều trị đau đỉnh đầu không?

5. Tôi nên làm gì nếu cơn đau đỉnh đầu tái phát hoặc trở nên nặng nề?

6. Tôi cần sử dụng thuốc trong bao lâu?

7. Tôi có gặp tác dụng phụ gì khi dùng thuốc trị đau đỉnh đầu không?

8. Tôi có phải phẫu thuật để điều trị không?

9. Khi nào tôi cần quay trở lại bệnh viện tái khám?

10. Tôi muốn biết chi phí điều trị bao nhiêu?

Đau đỉnh đầu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trường hợp đau bệnh lý người bệnh cần thăm khám và điều trị theo phác đồ y tế. Nếu chủ quan, bệnh nặng kéo dài có thể phát sinh nhiều biến chứng. Do đó, nếu nhận thấy cơn đau đỉnh đầu xảy ra thường xuyên, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ sớm.