Bệnh Động Kinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh động kinh là tình trạng các tế bào thần kinh vỏ não kịch phát và tăng đồng bộ dẫn đến sự phóng điện đột ngột, không kiểm soát. Khác với co giật do sốt cao đơn thuần, bệnh lý này gây tái phát các co giật có tính chất định hình. Bệnh hiếm khi dẫn đến tử vong do nhưng có thể gây ra tai nạn, chấn thương và tự sát.

Tổng quan

Bệnh động kinh (Epileptic) là tình trạng rối loạn thần kinh trung ương với biểu hiện là sự phóng điện đột ngột, quá mức của các neuron. Từ đó làm gián đoạn chức năng của não trong một thời gian ngắn.

bệnh động kinh là gì
Bệnh động kinh đặc trưng bởi các cơn co giật, co cứng hoặc các cơn vắng ý thức

Để loại trừ co giật do những nguyên nhân thông thường, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có định nghĩa đầy đủ cho căn bệnh này. Động kinh được xác định bởi cơn động kinh không do sốt cao, không bị kích thích bởi các nguyên nhân thức thì (ngưng rượu, ngưng thuốc đột ngột, các rối loạn chuyển hóa cấp). Đồng thời phải tái phát từ 2 cơn trở lên và cách nhau ít nhất 24 giờ đồng hồ.

Cơn co giật ở bệnh động kinh có những đặc tính như xuất hiện đột ngột trong vài giây cho đến vài phút, tự thoái lui, có tính chất định hình (các cơn đều giống nhau) và thường mất ý thức trong các cơn. Những trường hợp chỉ bị động kinh duy nhất 1 lần sẽ không được chẩn đoán là bệnh.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy (WHO), khoảng 0.5 - 1% dân số thế giới mắc bệnh động kinh, số ca mắc mới mỗi năm dao động khoảng 50 ca/ 100.000 dân. Đáng lưu ý là bệnh gặp nhiều ở trẻ em với hơn 50% dưới 10 tuổi và 75% dưới 20 tuổi. Bệnh không trực tiếp dẫn đến tử vong nhưng sẽ gia tăng nguy cơ tai nạn, chấn thương và tự sát.

Phân loại bệnh

Bệnh động kinh được phân thành 2 loại là cơn động kinh toàn thể và cơn động kinh cục bộ. Cách phân loại này dựa vào phạm vi vùng não bị ảnh hưởng:

Cơn động kinh toàn thể

Cơn động kinh toàn thể được xác định khi tất cả tế bào thần kinh ở vỏ não đều gây ra tình trạng phóng điện kịch phát, lan tỏa. Vì ảnh hưởng đến cả hai bán cầu nên cơn có biểu hiện đồng đều, đối xứng.

Cơn động kinh toàn thể có đặc điểm là xuất hiện vô cùng đột ngột, người bệnh ngã lăn ra và mất ý thức hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn. Loại động kinh này thường phát triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn co cứng kéo dài khoảng 60 giây, giai đoạn co giật cơ kéo dài khoảng vài phút, cuối cùng là giai đoạn hôn mê, lú lẫn.

Cơn động kinh cục bộ

Cơn động kinh cục bộ được xác định khi sự phóng điện chỉ xảy ra ở một vài tế bào thần kinh vỏ não. Loại này phổ biến hơn so với cơn động kinh toàn thể. Trong cơn, bệnh nhân có các dấu hiệu vận động, triệu chứng tâm thần nhưng ít khi bị mất ý thức.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh động kinh. Những nguyên nhân này phải gây ra các cơn co giật có tính chất định hình, tái phát từ 2 lần trở lên. Loại trừ co giật do sốt cao, rối loạn chuyển hóa cấp, rối loạn thần kinh do ngừng thuốc và rượu đột ngột.

Nguyên nhân gây bệnh đa dạng và được chia thành các nhóm chính sau:

Động kinh nguyên phát

Động kinh nguyên phát được xác định khi các cơn co giật xảy ra không có liên quan đến yếu tố di truyền và không có tổn thương khu trú ở não. Cơn đầu tiên luôn là động kinh toàn thể.

bệnh động kinh là gì
Bệnh động kinh nguyên phát thường gặp ở người dưới 20 tuổi với biểu hiện là động kinh toàn thể

Động kinh nguyên phát gặp chủ yếu ở trẻ em và người dưới 20 tuổi. Trẻ hoàn toàn không có các vấn đề về não bộ và phát triển tâm lý vận động bình thường. Dạng cơn động kinh phụ thuộc vào độ tuổi. Trẻ từ 4 - 6 tuổi thường gặp phải cơn vắng ý thức, trẻ từ 11 - 14 tuổi có biểu hiện co giật và co cứng cơ toàn thể. Trong giai đoạn 20 - 25 tuổi, cơn động kinh sẽ được kiểm soát và dần thoái lui.

Động kinh không rõ nguyên nhân

Hay còn gọi là động kinh căn nguyên ẩn. Qua khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ tìm thấy bằng chứng cho thấy các vấn đề bất thường. Tuy nhiên lại chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể.

Động kinh có nguyên nhân

Động kinh có nguyên nhân hay còn gọi là động kinh triệu chứng. Đây là dạng động kinh có nguyên nhân cụ thể, thường là do tổn thương đã cố định hoặc tiến triển. Tổn thương có thể bắt đầu từ giai đoạn thai nhi cho đến giai đoạn phát triển tâm lý vận động và giai đoạn trưởng thành.

benh dong kinh la gi nguyen nhan
Chấn thương ở thần kinh trung ương trong thai kỳ và trong khi sinh có thể là nguyên nhân gây ra bệnh động kinh

Các nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh động kinh bao gồm:

  • Bất thường bẩm sinh: Bệnh động kinh có thể liên quan đến các bất thường bẩm sinh, thường gặp nhất là chấn thương sản khoa, đẻ ngạt, nhồi máu não trước và sau sinh, chảy máu não…
  • Chấn thương sọ não: Chấn thương sọ não là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh động kinh. Động kinh có thể xảy ra trong vòng 1 tháng kể từ sau chấn thương hoặc xuất hiện muộn sau 1 năm nhưng không quá 10 năm.
  • U não: Khoảng 40 - 50% trường hợp u não có biểu hiện động kinh. Động kinh có thể biểu hiện đầu tiên của u não nhưng đôi khi kéo dài hàng tháng và nhiều năm về sau. U não gây tổn thương khu trú nên chủ yếu là cơn động kinh cục bộ.
  • Di chứng viêm màng não, viêm não: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh động kinh ở trẻ em. Thường gặp là viêm màng não, áp xe não, viêm não do ký sinh trùng, virus, vi khuẩn và đôi khi là do giang mai.
  • Do các bệnh lý mạch máu não: Các bệnh lý mạch máu não như tắc mạch não, xuất huyết màng não, xuất huyết não, u mạch… đều có thể là nguyên nhân gây bệnh động kinh.
  • Kén sán não: Kén sán não là tình trạng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương có mức độ nguy hiểm. Tác nhân gây bệnh là do nang ấu trùng sán dải heo gây ra. Tổn thương ở hệ thần kinh trung ương do sán có thể dẫn đến cơn động kinh cục bộ hoặc toàn thể.

Co giật đơn thuần có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân hơn như do tác dụng phụ của thuốc, ngừng rượu đột ngột, rối loạn chuyển hóa, sốt cao. Tuy nhiên, đa phần cơn co giật do những nguyên nhân này thường chỉ xảy ra 1 lần duy nhất, không được chẩn đoán là bệnh động kinh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh động kinh có biểu hiện lâm sàng vô cùng đa dạng. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp nhất:

Cơn co cứng, co giật

Cơn co cứng, co giật là dấu hiệu dễ nhận biết nhất nhưng cũng là thể động kinh có mức độ nặng. Trước khi khởi phát cơn, một số trường hợp sẽ có các triệu chứng báo trước như rung giật cơ, thiếu tập trung, hay cáu kỉnh, đau đầu và thay đổi tính tình. Cơn co cứng, co giật phát triển quá 3 giai đoạn liền kề nhau. Mỗi cơn kéo dài khoảng 40 - 90 giây.

Dong kinh là bệnh gì
Động kinh thể co cứng, co giật là thể bệnh nặng với biểu hiện là co giật toàn thân kèm theo tăng tiết đờm dãi và mất ý thức

Đặc điểm của cơn co cứng, co giật bao gồm những biểu hiện sau:

  • Cơ hầu họng bị co cứng gây ra tiếng thét lớn, chói tai. Ngay lập tức sau đó, bệnh nhân rơi vào trạng thái mất ý thức, chân duỗi, tay thường gấp kéo dài trong 10 - 20 giây.
  • Giai đoạn co giật là giai đoạn đầu tiên kéo dài từ 60 - 120 giây. Ban đầu toàn bộ cơ thể co giật, kế tiếp là co giật các khối cơ với tốc độ từ chậm đến nhanh dần. Sau đó, các cơn co giật thưa dần rồi ngừng hẳn. Trong cơn co giật sẽ có biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật (tăng tiết đờm dãi, giãn đồng tử, tăng huyết áp, nhịp tim, đái dầm) và ngừng hô hấp (tím tái do thiếu oxy, nhịp thở sâu).
  • Kết thúc giai đoạn co giật sẽ chuyển sang giai đoạn doãi mềm kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Biểu hiện là bệnh nhân nằm yên, các cơ mềm, thở thành tiếng, ngủ sâu và thu hẹp ý thức. Sau vài giờ ngủ mê mệt, bệnh nhân tỉnh dậy với ý thức được phục hồi nhưng hoàn toàn không nhớ được các sự việc đã xảy ra trong cơn.
  • Sau cơn co cứng, co giật, bệnh nhân thường bị nhức mỏi cơ thể và đau đầu.

Cơn vắng ý thức

Cơn vắng ý thức là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh động kinh, thường gặp nhất ở trẻ em.

Dong kinh là bệnh gì
Trẻ em thường gặp cơn động kinh vắng ý thức với biểu hiện là nằm im, đôi mắt ngơ ngác, vô hồn

Đặc điểm của cơn vắng ý thức ở bệnh động kinh bao gồm:

  • Thường có tính chất tự phát.
  • Khi rơi vào cơn vắng ý thức, bệnh nhân nằm ở tư thế bất động, vẻ mặt ngơ ngác và đôi mắt trống rỗng.
  • Bệnh nhân dừng công việc đang làm dở trong vài giây, sau khi cơn qua đi mới quay trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, vì mất đi ý thức nên người bệnh không nhận thức cơn vắng ý thức vừa xuất hiện và hoàn toàn không nhớ được bất cứ sự việc nào xảy ra trong thời gian đó.
  • Cơn vắng ý thức có thể xuất hiện đơn thuần hoặc kết hợp với các rối loạn thực vật, co giật cơ, tăng giảm trương lực cơ…

Cơn vắng ý thức điển hình gặp chủ yếu ở những trường hợp động kinh nguyên phát với tiên lượng tốt. Khoảng 48% trường hợp là lành tính, tự thoái lui sau một thời gian. Khoảng 52% bệnh nhân có xu hướng mãn tính nhưng đều có thể ổn định sau 15 - 20 năm. Dù vậy, vẫn có một số trường hợp chuyển sang thể động kinh co cứng, co giật.

Cơn động kinh cục bộ

Cơn động kinh cục bộ xảy ra khi vùng vỏ não và dưới vỏ não bị tổn thương khu trú. Biểu hiện trong cơn khá đa dạng, không có tính điển hình nên đôi bị nhầm lẫn với rối loạn cảm giác và rối loạn thần kinh thực vật.

  • Cơn động kinh cục bộ đơn giản: Gây vận động đơn thuần ở một phần cơ thể, chẳng hạn như cử động tay, đầu hoặc chân. Không đi kèm với mất ý thức.
  • Cơn động kinh cục bộ phức tạp: Bắt đầu từ biểu hiện co rút hoặc yếu cơ tạm thời khoảng 10 - 30 giây ở vùng mặt và đầu chi. Sau đó là co giật với cường độ và tần suất tăng dần, có thể phát triển gây co giật nửa thân mình. Ban đầu, bệnh nhân không mất ý thức nhưng sau khi cơn co giật lan rộng có thể gây mất ý thức dần.

Cơn cục bộ toàn thể hóa

Cơn cục bộ toàn thể hóa có những đặc điểm như sau:

  • Bắt đầu từ một phần của cơ thể không kèm mất ý thức.
  • Sau đó tiến triển thành toàn thể hóa thứ phát với biểu hiện là mất ý thức và co giật cả hai bên cơ thể.
  • Cơn cục bộ toàn thể hóa dễ bị nhầm lẫn với cơn co cứng co giật toàn thể.

Hầu hết các cơn co giật do động kinh đều kéo dài khoảng 1 - 2 phút sau đó tự thuyên giảm hoàn toàn. Sau cơn, bệnh nhân rơi vào trạng thái ngủ sâu, đau nhức cơ, đau đầu trong khoảng vài phút đến vài giờ.

Động kinh dễ nhận biết, ngoại từ các cơn vắng ý thức xảy ra trong thời gian ngắn. Ngay khi có biểu hiện co giật, nên tìm cách xử trí trước, sau đó đưa người bệnh tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán.

triệu chứng động kinh
Đo điện não (EEG) là phương pháp quan trọng trong chẩn đoán bệnh động kinh

Các bước chẩn đoán bệnh động kinh bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng gặp phải, bệnh sử, lịch sử dùng thuốc. Vì trong cơn, bệnh nhân mất ý thức nên không nhớ các sự kiện xảy ra. Để quá trình thăm khám diễn ra thuận lợi, nên có người thân từng chứng kiến bệnh nhân lên cơn co giật đi cùng.
  • Đo điện não đồ (EEG): EEG là phương pháp không thể thiếu trong chẩn đoán bệnh động kinh. Phương pháp này giúp phát hiện sự nhiễu loạn của điện não, xác định được loại cơn động kinh là cơn co cứng, co giật, cơn vắng ý thức điển hình hay động kinh cục bộ…
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để xác định nguyên nhân gây bệnh động kinh. Kết quả từ xét nghiệm này cho thấy các dấu hiệu nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa…
  • CT, MRI não: Các chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp bác sĩ phát hiện những bất thường ở hệ thần kinh trung ương. Các phương pháp này thường được chỉ định cho những cơn động kinh mới khởi phát lần đầu tiên.
  • Đo nồng độ thuốc chống co giật: Với trường hợp động kinh đã biết, chỉ cần xét nghiệm máu để đo nồng độ thuốc chống co giật để tiết kiệm thời gian chẩn đoán.
  • Các kỹ thuật khác: Bệnh động kinh tương đối dễ chẩn đoán nhờ các biểu hiện rõ rệt trên lâm sàng và cận lâm sàng. Tuy nhiên, một số kỹ thuật khác sẽ được chỉ định để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh động kinh chỉ được xác định khi cơn co giật xảy ra do không do sốt cao, rối loạn chuyển hóa, ngừng thuốc và rượu đột ngột. Đồng thời cơn co giật phải có tính chất định hình, tái phát ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau trên 24 giờ.

Các bác sĩ cũng cần phải chẩn đoán phân biệt động kinh với ngất do hạ huyết áp, rối loạn phân ly, co giật do hạ canxi máu, hạ đường huyết, sốt cao…

Biến chứng và tiên lượng

Tiên lượng bệnh đa dạng, phụ thuộc vào nguyên nhân và độ tuổi khởi phát. Đa số động kinh ở trẻ em đều có tiên lượng tốt, lành tính. Bệnh được kiểm soát sau khi dùng thuốc và tự thoái lui khi bước vào giai đoạn trưởng thành.

Các cơn động kinh thường tự thuyên giảm sau vài phút. Tuy nhiên, tình trạng vắng ý thức, co giật, co cứng cơ sẽ làm gia tăng nguy cơ té ngã, chấn thương. Nhiều trường hợp tử vong do té ngã từ trên cao và tai nạn khi đang tham gia giao thông.

Trẻ bị động kinh có thể chậm phát triển trí não, học tập kém, thiếu các kỹ năng xã hội. Ngoài ra, do các cơn khởi phát đột ngột, không có dấu hiệu báo trước nên nhiều bệnh nhân xấu hổ, tự ti khi bùng phát cơn ở nơi công cộng.

triệu chứng động kinh
Người bị bệnh động kinh dễ phát triển bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu do bị cô lập, không nhận được sự đồng cảm từ những người xung quanh

Hiện nay, hiểu biết về động kinh trong cộng đồng chưa thật sự cao. Người bệnh phải đối mặt với thái độ tiêu cực từ những người xung quanh, tâm lý mặc cảm, tự ti vì thế ngày càng chồng chất. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân động kinh tự sát do trầm cảm và rối loạn lo âu.

Động kinh có liên quan đến các vấn đề về não bộ. Do đó, nếu không điều trị, tổn thương ở hệ thần kinh trung ương có thể kéo theo nhiều biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Một biến chứng nguy hiểm khác mà bệnh nhân động kinh phải đối mặt là đột tử.

Các chuyên gia vẫn chưa rõ lý do gây đột tử ở bệnh nhân động kinh, nhưng tình trạng này thường gặp ở người bị co giật toàn thể với tần suất dày đặc. Đột tử xảy ra khi đang ngủ, đặc biệt là vào ban đêm.

Bệnh động kinh được coi là khỏi khi không xuất hiện cơn co giật trong vòng 10 năm và không dùng thuốc trong vòng 5 năm cuối. Một số trường hợp không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng tần suất và mức độ các cơn giảm đi đáng kể khi sử dụng thuốc theo chỉ định.

Tìm hiểu thêm: Tai biến mạch máu não: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Điều trị

Điều trị nội khoa là lựa chọn ưu tiên trong điều trị động kinh. Loại thuốc được chỉ định phụ thuộc vào từng loại động kinh, độ tuổi và mức độ đáp ứng. Thuốc nên được dùng sớm để cắt cơn động kinh càng nhanh càng tốt.

Khi bệnh nhân lên cơn động kinh, người nhà cần phải biết cách xử trí trong thời gian chờ cấp cứu. Xử trí đúng cách sẽ giúp hạn chế tối đa thương tổn.

Xử trí khi có cơn động kinh

Cơn động kinh thường khởi phát đột ngột, dễ nhận biết. Người bệnh thường thét lên âm thanh lớn, chói tai sau ngã ngay lập tức và co giật. Phần lớn mọi người khi chứng kiến tình huống này đều sợ hãi, lúng túng.

triệu chứng động kinh
Cần xử trí cơn động kinh đúng cách trong thời gian chờ xe cấp cứu

Hướng dẫn cụ thể sau sẽ giúp người nhà xử trí đúng cách để hỗ trợ bệnh nhân động kinh trong thời gian chờ cấp cứu:

  • Bước 1: Kê cao đầu, tháo kính. Cho bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên để đờm dãi, chất nôn ói không gây nghẹt đường thở. Dùng khăn mềm lau sạch nước bọt và dịch nôn ói (nếu có).
  • Bước 2: Nới lỏng quần áo (cổ, bụng và hông), yêu cầu mọi người tránh xa để tạo không gian thoáng đãng, đảm bảo bệnh nhân có đủ oxy để hô hấp.
  • Bước 3: Lót vải xung quanh vùng đầu và cơ thể của bệnh nhân để giảm chấn thương khi co giật.
  • Bước 4: Loại bỏ các đồ vật có thể gây chấn thương ở xung quanh khu vực bệnh nhân nằm như bàn ghế, vật nhọn…
  • Bước 5: Nếu có thể, nên sử dụng điện thoại để ghi lại thời gian co giật.
  • Bước 6: Gọi cấp cứu

Khi người bệnh lên cơn động kinh, tuyệt đối không tì đè lên cơ thể, không đặt bất cứ vật gì vào miệng (đặc biệt là nặn chanh, ép bệnh nhân uống nước). Thông thường sau khoảng vài phút, cơn co giật sẽ tự thoái lui, bệnh nhân tỉnh táo lại. Dù vậy, vẫn cần đến bệnh viện kiểm tra để chắc chắn không có vấn đề bất thường.

Sử dụng thuốc

Hiện tại, sử dụng thuốc vẫn là phương pháp chính trong điều trị bệnh động kinh. Loại thuốc được chỉ định phụ thuộc vào loại cơn, độ tuổi và mức độ của từng bệnh nhân. Thuốc sẽ được dùng với liều thấp, sau đó tăng dần cho đến khi cắt cơn và duy trì liều có hiệu quả.

Các loại thuốc điều trị bệnh động kinh cần được uống hằng ngày với tần suất, liều lượng theo chỉ định. Do đó, gia đình cần phải hỗ trợ để đảm bảo bệnh nhân dùng thuốc đầy đủ. Đồng thời theo dõi tác dụng phụ để có biện pháp xử trí kịp thời.

bệnh đông kinh là gì
Thuốc chống co giật hiện là phương pháp chính trong điều trị bệnh động kinh

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh động kinh bao gồm:

  • Thuốc chống động kinh thế hệ cũ: Valproate axit, Ethosuximid, Phenytoin, Carbamazepin, Phenobarbital, Phenytoin
  • Thuốc chống động kinh thế hệ mới: Topiramate, Oxcarbazepine, Levetiracetam.

Hầu hết các trường hợp đều sẽ được điều trị bằng một loại thuốc. Kết hợp các loại thuốc chỉ được chỉ định trong trường hợp triệu chứng nặng, phức tạp.

Thuốc được dùng cho đến khi cơn động kinh cắt hoàn toàn và duy trì ở liều có hiệu quả trong khoảng 2 năm. Trước khi dừng hẳn, phải giảm liều lượng từ từ trong vòng 6 tháng để giảm nguy cơ tái phát.

Điều trị nguyên nhân

Bệnh động kinh có thể là nguyên phát hoặc không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, những trường hợp động kinh có nguyên nhân cần phải điều trị bệnh nguyên để kiểm soát tốt các cơn co giật.

Phẫu thuật động kinh

Khoảng 20% trường hợp phải can thiệp phẫu thuật động kinh. Phẫu thuật được thực hiện nhằm loại bỏ và điều chỉnh vùng não khởi phát cơn co giật. Phương pháp này hiệu quả với động kinh cục bộ, khi mà các cơn co giật chỉ bắt nguồn từ một vị trí duy nhất.

bệnh đông kinh là gì
Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không có đáp ứng với thuốc

Lựa chọn ưu tiên vẫn sử dụng thuốc và phẫu thuật chỉ được thực hiện khi phương pháp này không mang lại hiệu quả. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phẫu thuật như phẫu thuật cắt bỏ, liệu pháp nhiệt kẽ bằng laser, cắt bán cầu, phẫu thuật cắt bán cầu chức năng, phẫu thuật cắt bỏ thể chai…

Các phương pháp khác

Hiện nay, ngoài hai phương pháp truyền thống là sử dụng thuốc và phẫu thuật, đã có nhiều phương pháp mới ra đời. Một số phương pháp được đánh giá có triển vọng trong điều trị bệnh động kinh:

bệnh đông kinh là gì
Chế độ ăn Keto đã được chứng minh có hiệu quả giảm co giật ở trẻ bị bệnh động kinh

  • Kích thích dây thần kinh phế vị: Kích thích dây thần kinh phế vị được chứng minh có thể giảm đáng kể tần suất các cơn co giật ở bệnh nhân động kinh. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ cấy thiết bị vào ngực để tạo ra các xung điện, kích thích não thông qua dây thần kinh phế vị.
  • Kích thích não sâu: Kích thích não sâu là phương pháp có hiệu quả trong điều trị rối loạn vận động và động kinh. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đặt các điện cực vào vùng não cụ thể, nối với nhau bằng sợi dây dài gắn với máy kích thích nằm ở vùng ngực. Kích thích não sâu sẽ được cân nhắc cho những bệnh nhân không có đáp ứng khi sử dụng thuốc.
  • Kích thích từ xuyên sọ: Thường được dùng để điều trị trầm cảm và rối loạn stress sau sang chấn. Hiện nay, phương pháp đã bắt đầu được áp dụng trong điều trị bệnh động kinh. Kích thích từ xuyên sọ được đánh giá có thể giảm tần suất và mức độ của các cơn.
  • Chế độ ăn Keto: Nhiều trường hợp bị bệnh động kinh được khuyến khích thực hiện chế độ ăn Keto (chế độ ăn tập trung bổ sung chất béo tốt thông qua các loại hạt, cá, rau củ và giảm lượng carbohydrate. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn này giúp kiểm soát tốt các cơn co giật ở trẻ bị động kinh.

Bệnh nhân động kinh cũng cần tổ chức lối sống hợp lý, tránh căng thẳng và lao động quá mức. Trẻ nhỏ bị động kinh cần được hỗ trợ để có thể học tập một cách thuận lợi. Người trưởng thành mắc chứng bệnh này nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để tránh tai nạn, chấn thương khi cơn bùng phát.

Phòng ngừa

Các cơn động kinh có thể tái phát nhiều lần. Nhìn chung, đa phần các cơn co giật, vắng ý thức đều có tự thoái lui sau một thời gian ngắn. Gia đình chỉ cần đảm bảo an toàn, hạn chế té ngã, chấn thương khi cơn bùng phát.

Hiện nay, dùng thuốc đều đặn vẫn là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, thực hiện một số biện pháp không đặc hiệu sau cũng góp phần giảm tỷ lệ bệnh tái phát:

  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý, uống đủ nước và bổ sung nhiều rau xanh.
  • Kiêng các loại thực phẩm làm gia tăng độ nhạy cảm của tế bào thần kinh bao gồm đường, thực phẩm giàu chất béo động vật, thực phẩm chế biến sẵn, món ăn nhiều gia vị, đồ uống chứa cồn…
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
  • Vận động nhẹ nhàng, đều đặn mỗi ngày để cải thiện sức khỏe toàn diện.
  • Ngủ đủ giấc, không thức khuya, hạn chế căng thẳng quá mức.
  • Tái khám khi bệnh tái phát hoặc theo lời dặn của bác sĩ.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Vì sao tôi bị bệnh động kinh?

2. Các xét nghiệm tôi cần phải thực hiện để chẩn đoán bệnh?

3. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không? Có thể chữa khỏi không?

4. Phương pháp nào tốt nhất cho tình trạng sức khỏe của tôi?

5. Tôi nên dùng loại thuốc gì? Các lưu ý khi dùng?

6. Tôi có cần tái khám bệnh động kinh không? Khi nào nên tái khám?

7. Khi nào cần phẫu thuật động kinh? Các biến chứng có thể gặp phải?

8. Biều trị bệnh động kinh mất bao lâu?

Bệnh động kinh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi với nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương trong thai kỳ hoặc trong quá trình sinh nở. Triệu chứng của bệnh ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, nhất là khi những người xung quanh còn giữ thái độ dè dặt, thiếu đồng cảm. Vì vậy, bệnh nhân rất cần sự hỗ trợ của gia trình trong quá trình điều trị và hòa nhập cuộc sống.