Bệnh Ngộ Độc Chì

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Phòng khám đa khoa Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Ngộ độc chì là tình trạng chì tích tụ trong cơ thể trong thời gian dài. Đây là vấn đề sức khỏe cực kỳ nguy hiểm khi chì là kim loại độc hại, gây tổn thương đến nhiều bộ phận, hệ thống cơ quan nội tạng trong cơ thể. Trong đó, não bộ là nơi dễ bị tổn thương nhất, trẻ em mắc bệnh não do chì có thể bị co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời. 

Tổng quan

Ngộ độc chì hay nhiễm độc chì (Lead Poisoning) xảy ra khi cơ thể tiếp xúc lâu ngày với lượng chì cao, một kim loại độc hại thường được tìm thấy nhiều trong các loại đồ gia dụng thông thường, các sản phẩm công nghiệp hoặc ngành xây dựng. Chẳng hạn như sơn, mỹ phẩm, đồ chơi, xăng dầu, vật liệu ống nước...

Các chuyên gia cảnh báo, nhiễm độc chì là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả trẻ em và người lớn. Trong đó, nghiêm trọng nhất là ở trẻ em dưới 6 tuổi, vì hệ thống não bộ và các dây thần kinh của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, vẫn còn đang trong quá trình tăng trưởng. Trẻ dễ bị nhiễm độc chì do chạm trực tiếp vào các sản phẩm nhiễm chì, sau đó cho tay vào miệng.

Ngộ độc chì là mối đe dọa thầm lặng nhưng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người

Ngoài ra, nhiễm độc chì còn gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng khác như tiêu hóa, bài tiết, tim, phổi, gan, thận, xương, mạch máu... Tùy theo kết quả đo lượng chì trong máu mà bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá về mức độ phơi nhiễm, từ đó đưa ra có phương án điều trị phù hợp.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo, chì rất nguy hiểm khi có khả năng lây lan mạnh trong cơ thể. Đồng thời, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nói chung của người bệnh. Theo thống kê, ước tính có khoảng nửa triệu trẻ em từ 1 - 5 tuổi có nồng độ chì trong máu cao.

Phân loại

Tương tự như bất kỳ loại ngộ độc nào khác, ngộ độc chì được chia làm 2 dạng chính gồm cấp tính và mạn tính. Bao gồm:

  • Ngộ độc cấp tính: Xảy ra khi tiếp xúc với nồng độ chì cao trong thời gian ngắn, các triệu chứng bộc phát nghiêm trọng. Những người bị ngộ độc chì cấp thường có tỷ lệ tử vong cao. Dạng ngộ độc này thường được tìm thấy ở những làm việc trong các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp có liên quan đến chì. Ví dụ như sản xuất sơn nước, pin hoặc vật liệu ống nước...
  • Ngộ độc mãn tính: Ngược lại với cấp tính, thể mãn tính xảy ra khi một người tiếp xúc với nồng độ chì thấp nhưng trong thời gian dài. Dạng này xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em, nhất là những đứa trẻ sống trong những ngôi nhà cũ, sử dụng sơn gốc chì hoặc gần khu vực sống có nguồn nước, đất chứa hàm lượng chì cao.

Ngoài ra, ngộ độc chì cũng có thể được phân loại dựa vào việc chì gây ảnh hưởng đến cơ quan và hệ thống nào trong cơ thể. Chẳng hạn như bệnh não do chì, bệnh thận do chì... Mỗi loại bệnh sẽ có các triệu chứng, biến chứng, tiến triển bệnh khác nhau...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chì là một dạng kim loại độc hại có sẵn trong tụ nhiên, nó là một trong những vật liệu được tìm thấy trong lớp vỏ Trái đất. Nhưng vì ban đầu chưa biết được sự nguy hiểm của nó nên con người đã sử dụng rộng rãi, tạo điều kiện cho chì tồn tại ở khắp mọi nơi, tăng nguy cơ phơi nhiễm ở con người và gây ra nhiều vấn đề có hại cho sức khỏe.

Ngộ độc chì thường xảy ra do tiếp xúc với chì trong thời gian dài thông qua không khí, đất, nước hoặc các sản phẩm công nghiệp chứa chì ô nhiễm

Có rất nhiều nguồn gây ngộ độc chì khác nhau, có thể kể đến một số tác nhân như:

  • Sử dụng sơn gốc chì: Theo thống kê, phần lớn các trường hợp bị ngộ độc chì là do tiếp xúc với các loại sơn gốc chì. Đến năm 1978, chính phủ Hoa Kỳ đã cấm sử dụng các loại sơn này để sơn nhà. Tuy nhiên, nguồn độc từ chì vẫn phát ra từ những căn nhà cũ. Ngoài ra, các loại đồ chơi, đồ nội thất cũng bị cấm sử dụng loại sơn này.
  • Đất ô nhiễm: Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc chì. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm là do bụi mịn hoặc sơn nhiễm chì còn đọng lại bên trên mặt đất. Hoặc ô nhiễm chì trong đất cũng có thể là do các nhà máy công nghiệp xả chì vào đất. Đối với trẻ em, trẻ hay nghịch ngợm chơi đất thường xuyên cũng có nguy cơ cao bị nhiễm độc chì.
  • Nguồn nước: Ngoài đất thì nước cũng là nguyên nhân gây ra ngộ độc chì. Nguyên nhân khiến nguồn nước ngấm chì thường là do các đường ống và thiết bị ống nước cũ, từ những ngôi nhà cũ xây dựng trước năm 1986. Hoặc những nguồn nước đậm tính axit hoặc sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý đúng cách.
  • Các tác nhân khác: Một số tác nhân khác làm tăng nguy cơ ngộ độc chì như:
    • Bụi gia dụng được tìm thấy trong các lớp sơn hoặc bụi từ môi trường bên ngoài;
    • Một số loại mỹ phẩm cũng được cảnh báo chứa nồng độ chì cao gây nhiễm độc;
    • Các loại ống nước và đồ hộp được làm từ chì, đồng, đồng thau...;

Dựa vào những tác nhân gây ngộ độc chì này, có thể kết luận về các con đường chính gây lây nhiễm chì. Bao gồm:

  • Qua đường hô hấp: Thường là do hít phải không khí, khói bụi hoặc hơi có chứa chì. Việc này có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc dài, mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào nồng độ chì cao hay thấp.
  • Qua đường tiêu hóa: Trẻ em là đối tượng rất dễ ăn, nuốt phải chì do thói quen nghịch ngợm, tò mò và thích khám phá. Theo một báo cáo, trẻ em hấp thu khoảng 40 - 50% chì qua đường tiêu hóa, trong khi tỷ lệ này ở người trưởng thành chỉ khoảng 10 - 15%.
  • Qua da: Tiếp xúc trực tiếp với chì thông qua da trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ phát triển ngộ độc chì, nhất là ở trẻ em.
  • Qua nhau thai hoặc sữa mẹ: Phụ nữ mang thai bị nhiễm độc chì cũng có thể khiến thai nhi trong bụng nhiễm độc chì theo. Mẹ nhiễm nồng độ bao nhiêu, con sẽ có nồng độ tương tự. Ngoài ra, còn một số thông tin cho rằng chì cũng có thể xâm nhập thông qua sữa mẹ, nhưng chưa được kiểm chứng chính xác.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng ngộ độc chì thường khó phát hiện ngay từ khi cơ thể bắt đầu nhiễm độc. Thậm chí, ngay cả những người tiếp xúc lâu với chì, trong máu có nồng độ chì cao nhưng cơ thể vẫn khỏe mạnh và không có triệu chứng. Chỉ đến khi lượng chì đạt nồng độ tích lũy vượt mức cho phép, cơ thể mới bắt đầu phát sinh triệu chứng.

Các triệu chứng đặc trưng khi bị ngộ độc chì như đau bụng, đau đầu, mệt mỏi, sụt cân, trẻ chậm phát triển, chỉ số IQ kém...

Tùy theo từng đối tượng mà triệu chứng có thể biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn như:

Triệu chứng ngộ độc chì ở trẻ sơ sinh

Phụ nữ mang thai tiếp xúc với nồng độ chì cao trong thời gian dài, cũng có thể khiến trẻ sơ sinh gặp phải các vấn đề sau:

  • Tăng nguy cơ sinh non;
  • Cân nặng thấp;
  • Tốc độ tăng trưởng chậm;

Triệu chứng ngộ độc chì ở trẻ em

  • Chậm phát triển so với độ tuổi;
  • Sụt cân liên tục;
  • Chán ăn, ăn uống không ngon miệng;
  • Buồn nôn, nôn ói, táo bón;
  • Có xu hướng tìm ăn những thứ không phải thức ăn (pica) như vụn sơn...;
  • Mệt mỏi, lờ đờ, kiệt sức, chậm chạp;
  • Dễ thay đổi tâm trạng, cáu gắt;
  • Giảm chỉ số IQ khiến trẻ gặp khó khăn trong học tập;
  • Co giật;
  • Suy giảm thính lực;

Trong những trường hợp nghiêm trọng, ngộ độc chì cũng có thể gây ra các biểu hiện nặng như rơi vào hôn mê sau cơn co giật kéo dài, tăng nguy cơ tử vong.

Triệu chứng ngộ độc chì ở người lớn

  • Đau đầu;
  • Đau khớp;
  • Đau bụng;
  • Tăng huyết áp;
  • Các vấn đề về sức khỏe thận;
  • Rối loạn tâm trạng;
  • Tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ mang thai;
  • Gây ra các vấn đề về sinh sản như vô sinh, hiếm muộn;

Chẩn đoán

Xét nghiệm máu là cách phổ biến nhất dùng để chẩn đoán ngộ độc chì. Cách này giúp đo chính xác nồng độ chì trong máu. Để làm xét nghiệm này, nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu từ tĩnh mạch cánh tay hoặc đầu ngón tay. Theo quy định chung, nồng độ chì trong máu được đo bằng microgram trên deciliter (µg/dL).

Xét nghiệm máu là phương pháp chẩn đoán chính xác mức độ ngộ độc chì

Kết quả xét nghiệm máu > 5µg/dL trở lên được xem là mức cao và cần được kiểm tra, theo dõi liên tục. Cụ thể hơn về chỉ định điều trị khi có kết quả đo nồng độ chì trong máu:

  • Đối với trẻ em: > 45 µg/dL;
  • Đối với người lớn: > 100 µg/dL;

Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện kết hợp với xét nghiệm nước tiểu hoặc chụp X quang để phát hiện tổn thương, đánh giá mức độ tổn thương của các cơ quan trong nội tạng. Tổng hợp những kết quả này giúp hỗ trợ chẩn đoán chính xác tình trạng ngộ độc chì.

Biến chứng và tiên lượng

Ngộ độc chì là tình trạng sức khỏe cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao nếu chì tác động đến các cơ quan, hệ thống nội tạng quan trọng trong cơ thể. Biến chứng này thường đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em. Trong đó, cơ quan bị tổn thương nặng nhất chính là não bộ và hệ thống thần kinh, vì đây là nơi khi đã tổn thương sẽ rất khó hoặc không có khả năng phục hồi. Tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh não chì cấp tính là khoảng 65%.

Nếu được điều trị tích cực bằng phương pháp giảm thiểu phơi nhiễm chì hoặc liệu pháp thải chì. Bệnh nhân có thể giữ lại được tính mạng, nhưng những di chứng thần kinh vĩnh viễn vẫn sẽ còn tồn tại. Chẳng hạn như liệt nửa người, thiểu năng trí tuệ hoặc rối loạn co giật...

Ngộ độc chì được cảnh báo là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong

Tuy nhiên, việc điều trị y tế tích cực càng sớm càng tốt vẫn rất cần thiết. Tùy theo mức độ triệu chứng nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện biện pháp chữa trị phù hợp. Tuy nhiên, mức tiên lượng thường không đạt tối đa do tổn thương do ngộ độc chì rất khó khắc phục. Chẳng hạn như với những triệu chứng thực thể như đau bụng, khó chịu có thể được giải quyết. Nhưng các triệu chứng khác về chỉ số tăng trưởng, chỉ số IQ thường không được cải thiện.

Cho đến nay, hầu hết chính phủ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều đã ban hành quy định cấm sử dụng chì nồng độ cao trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để loại bỏ chì khỏi hẳn cuộc sống. Do đó, bản thân mỗi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý trong việc sử dụng các loại đồ dùng, vật dụng, thực phẩm, mỹ phẩm... cho con trẻ để tránh khiến chì xuất hiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị ngộ độc chì xác định được nguồn chì và thực hiện mọi biện pháp để loại bỏ nó khỏi môi trường sống của bệnh nhân. Vì bản chất của những tổn thương của ngộ độc chì gây ra cho cơ thể là không thể đảo ngược. Tuy nhiên, bằng những biện pháp y tế tích cực, lượng chì trong cơ thể vẫn có thể được đào thải bớt kết hợp giảm phơi nhiễm để đạt được kết quả điều trị hiệu quả.

Các chọn lựa điều trị ngộ độc chì thường là liệu pháp thải chì và giảm thiểu mức độ phơi nhiễm với chì

Một số phương pháp điều trị ngộ độc chì phổ biến gồm:

  • Liệu pháp Chelation: Đây là liệu pháp được áp dụng phổ biến ở trẻ em bị ngộ độc chì với nồng độ 45mcg/dl và cả người lớn. Phương pháp này sử dụng một loại thuốc có tên là DMSA, được điều chế dưới dạng uống. Khi vào trong cơ thể, các hoạt chất thuốc liên kết với chì, sau đó tự đào thải ra khỏi cơ thể thông qua đường bài tiết.
  • Liệu pháp thải sắt (EDTA): Những người có nồng độ chì cao hơn 45mcg/dl nhưng không đáp ứng hiệu quả với thuốc. Phương pháp này sử dụng một loại hóa chất mạnh tên EDTA (canxi disodium ethylenediaminetetraacetic acid) nhằm loại bỏ chì ra khỏi cơ thể.
  • Súc ruột: Để tăng hiệu quả đào thải chì trong cơ thể, bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện súc ruột. Phương pháp này sử dụng một loại dung dịch polyethylen glycol dạng uống hoặc thông qua đặt ống thông dạ dày. Cách này giúp rửa sạch các chất trong dạ dày và ruột, nhằm ngăn chặn việc cơ thể hấp thụ thêm chì.

Ngoài các biện pháp y tế đặc hiệu, bác sĩ cũng khuyến nghị bệnh nhân ngộ độc chì thực hiện một số biện pháp dưới đây nhằm ngăn chặn sự hấp thụ chì trong cơ thể.

  • Tăng cường bổ sung sắt, canxi, vitamin C,... để ngăn chặn quá trình hấp thụ chì trong cơ thể;
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên các loại rau xanh, trái cây, củ quả nhằm thúc đẩy quá trình giải độc tự nhiên của cơ thể;
  • Uống nhiều nước mỗi ngày để tăng quá trình đào thải chì của cơ thể;

Phòng ngừa

Tình trạng ngộ độc chì hoàn toàn có thể phòng ngừa được, chỉ cần chú ý thực hiện tích cực một số biện pháp sau đây:

Ngộ độc chì có thể phòng ngừa được thông qua việc loại bỏ nguồn chì ô nhiễm khỏi môi trường sống

  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, canxi, vitamin C cho cơ thể thông qua khẩu phần ăn hàng ngày. Đây là cách đơn giản nhất giúp bảo vệ cơ thể và tăng cường khả năng chống lại nhiễm độc chì.
  • Đối với các loại đồ chơi của trẻ, cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.
  • Hướng dẫn trẻ tự vệ sinh và rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi chơi ở ngoài trời, trước khi ăn hoặc trước giờ đi ngủ.
  • Đối với những căn nhà cũ kỹ, sử dụng sơn chứa chì tốt nhất nên kiểm tra định kỳ, khắc phục các vết sơn nứt bong tróc. Điều này giúp tránh làm cho chì phát tán vào không khí hoặc ngăn không cho trẻ ăn phải.
  • Những hệ thống đường nước lâu năm, cũ kỹ tốt nhất nên thực hiện bước xả nước lạnh ít nhất 1 phút trước khi sử dụng.
  • Sau khi đi từ bên ngoài vào nhà, nên cởi bỏ giày để tránh mang đất nhiễm chì vào nhà, tăng nguy cơ nhiễm độc.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi/ con tôi có những dấu hiệu bất thường như táo bón, đau bụng, mệt mỏi, sụt cân, cáu gắt, co giật...?

2. Nguyên nhân khiến tôi/ con tôi bị ngộ độc chì?

3. Cần làm những xét nghiệm gì để xác nhận chẩn đoán bị ngộ độc chì?

4. Bị ngộ độc chì có nguy hiểm đến tính mạng không?

5. Những biến chứng có thể gặp phải khi bị ngộ độc chì?

6. Điều trị ngộ độc chì bằng phương pháp nào hiệu quả?

7. Sau điều trị y tế cực, các biện pháp ngộ độc chì có biến mất hẳn không?

8. Chi phí và thời gian điều trị ngộ độc chì cụ thể như thế nào?

9. Sau điều trị, tôi/ con tôi nên tái khám định kỳ bao nhiêu lần? Khi nào?

10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát nhiễm độc chì sau điều trị?

Ngộ độc chì là tình trạng sức khỏe cực kỳ nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Do đó, điều quan trọng khi phát hiện bản thân hoặc người thân, con trẻ bị ngộ độc chì chính là ngăn chặn, loại bỏ nguồn chì và tìm kiếm các biện pháp chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.